Bình Luận

Một núi kính trọng

Monday, 24/08/2015 - 10:19:57

Skarlatos và Sadler nhập cuộc cùng với ông Norman; họ nhanh chóng đoạt cả hai khẩu súng lẫn lưỡi dao của tên khủng bố, đè hắn xuống sàn xe lửa, và trói quặt 2 tay hắn ra phía sau.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Anh hay cô @Math2ieu viết trên mạng xã hội French Twitter “Enormous respect for the two American soldiers who prevented a terrorist attack,” (Một núi kính trọng dành cho hai người lính Mỹ đã chặn đứng được một cuộc tấn công khủng bố); nhiều người khác kêu gọi hai chính phủ Pháp và Mỹ gắn Huân Chương danh dự cho hai anh lính Mỹ Spencer Stone, thuộc Không Quân Hoa Kỳ, và Alek Skarlatos, quân nhân trừ bị từ Oregon, đang từ Afghanistan trên đường đi phép sau một thời gian phục vụ tại đó.
Nhưng @Math2ieu kể thiếu một người Mỹ thứ ba -anh sinh viên Anthony Sadler bạn của hai anh quân nhân. Stone là binh nhất không quân, Skarlatos là vệ binh Oregon, cả ba anh cùng đáp chuyến xe lửa vận tốc nhanh chạy trên trục đường Amsterdam-Paris.
Một hành khách người Anh -ông Chris Norman- cũng tiếp tay ba thanh niên Mỹ đè anh khủng bố 26 tuổi, người Ma Rốc xuống sàn xe, tước một khẩu súng lục, một khẩu AK 47, và trói anh lại.
Ông Norman, 62 tuổi, nói với phóng viên truyền thông, “Băng đạn trong khẩu AK 47 còn đầy, ngoài ra trong cái xách trên tay tên khủng bố còn cả chục băng đạn đầy khác. Tôi tự nhủ ngồi đây chờ nó bắn, cũng chết, đứng lên giúp ba người bạn trẻ anh hùng, thì nhiều lắm cũng chỉ chết là cùng. Tôi đứng lên, tiếp tay với họ đè tên khủng bố xuống."
Diễn biến kinh hoàng xẩy ra vào lúc 5:45 chiều thứ Sáu, 21 tháng Tám, 2015; một hành khách người Pháp rời chỗ ngồi để đi bài tiết, thì đụng đầu với tên khủng bố; ông ta bỏ chạy, tên khủng bố bắn theo hai hoặc ba phát súng.
Một trong những viên đạn trúng một hành khách khác; Bộ Trưởng Nội An Pháp, ông Bernard CazeNeuve nói người này mang hai quốc tịch Pháp, Mỹ, và đang ngồi thảnh thơi trên ghế như mọi hành khách khác.
Tên khủng bố đi qua chỗ ngồi của nhóm quân nhân Mỹ; anh Skarlatos bảo anh Stone, “Lets go” (nhào vô), nhưng anh chưa kịp nói dứt câu hội ý, chỉ gồm có hai chữ “lets go,” thì Stone đã nhẩy từ ghế ngồi ra đường hành lang hẹp giữa hai hàng ghế, dùng cánh tay kẹp cổ tên khủng bố.
Hai bên giằng co trong thế cận chiến, tên khủng bố không sử dụng súng được vì không còn khoảng cách giữa hắn và anh binh nhất không quân. Hắn rút dao (một loại box-cutter) cắt cánh tay đang chẹn cứng trên cổ hắn.
Skarlatos và Sadler nhập cuộc cùng với ông Norman; họ nhanh chóng đoạt cả hai khẩu súng lẫn lưỡi dao của tên khủng bố, đè hắn xuống sàn xe lửa, và trói quặt 2 tay hắn ra phía sau.


Ba người Mỹ anh hùng



Và tên khủng bố

Skarlatos nói thế võ cận chiến của Stone -chẹt cổ đối thủ- khiến tên khủng bố buông súng, móc dao ra cắt tay Stone, giúp anh tước súng của hắn mà không phải giằng co gì cả.
“Một tên khủng bố, một khẩu súng lục, một khẩu tiểu liên với vô vàn đạn, đứng giữa một toa xe lửa đầy hành khách, mà không giết được một người nào cả, thì quả là may mắn,” Skarlatos nói.
Tổng Thống Pháp Francois Hollande không nghĩ là may mắn đã giúp hàng trăm hành khách thoát chết; ông gặp ba người Mỹ mà ông gọi là anh hùng, gặp cả ông Norman, người Anh đã tiếp tay trong việc khống chế tên khủng bố -mà cảnh sát Pháp cho biết tên anh khủng bố là Ayoub El-Khazzani, người Ma Rốc, 26 tuổi. Anh này đã nằm trong hồ sơ tình nghi của Pháp, Bỉ, và Spain.
Sadler, anh bạn Mỹ Đen của Stone nói El-Khazzani chống cự vô cùng hung hãn; cổ bị kẹp mà hắn vẫn vói ra phía sau, dùng dao cắt cổ Stone. “Người có thể bị giết là Spencer,” Sadler nói, anh gọi Stone bằng first name Spencer, “Tên khủng bố dữ lắm, nhưng chúng tôi dữ hơn hắn.”
Norman, người thứ tư trong cuộc kể lại, “Tôi túm được cổ tay hắn, đè tay hắn xuống sàn xe, rồi đoạt con dao, nhưng hắn đã đâm vào cổ anh Stone hai nhát.”
Ông Brian Stone, bố anh Spencer Stone, nói con ông bị thương khá nặng vì những lát dao đâm trên đầu, sau gáy, trên cánh tay, với một bàn tay bị cắt gần đứt ra khỏi cổ tay.”
Ông Brian nói, “Nó gọi điện thoại cho tôi biết vết thương khá nặng, nhưng bác sĩ nói có khả năng nối bàn tay của nó liền vào cổ tay như cũ; tôi hy vọng sau một thời gian dưỡng thương, nó sẽ trở lại bình thường.”
Ông hãnh diện mô tả “thằng bé cao 'six-foot-four, nặng 220-pound” và có phản ứng đủ mau lẹ để chặn đứng một cuộc tàn sát sẽ vô cùng thảm khốc nếu không ngăn chặn kịp.
Hôm thứ Hai, 24 tháng Tám, Tổng Thống Pháp Francois Hollande gắn danh dự bội tinh (Legion of Honor) cho cả ba người Mỹ anh hùng. Hai anh lính Mỹ mặc áo thun, Stone còn mang thương tích trên mặt.


Tổng thống Pháp gắn danh dự bội tinh cho những người giúp Pháp tránh được một cuộc tắm máu



Spencer Stone với vết thương trên mắt và tay

Luật sư của El-Khazzani, cô Sophie David nói thân chủ cô không thuộc tổ chức khủng bố nào cả, mà chỉ là một anh Bắc Phi nghèo, thất nghiệp, đói khổ, và chỉ mưu đồ cướp một ít tiền để sinh sống. Cướp đã là trọng tội, cướp có súng tội nặng hơn, cướp mà còn bắn bị thương ba người là tội tử hình; nhưng có thể vẫn nhẹ hơn tội khủng bố.



Luật sư của El-Khazzani, cô Sophie David

Tổng Thống Obama gọi điện thoại khen hai anh quân nhân Stone, Skarlatos, và anh sinh viên Sadler hành động can đảm và phản ứng mau chóng để tránh cho nhân loại một cuộc giết chóctàn nhẫn.
Người Pháp vui mừng, người Mỹ hãnh diện, @Math2ieu dành cho những người anh hùng này “một núi kính trọng,” nhưng không ai đặt lên câu hỏi “nguyên nhân nào khiến ba người Mỹ đó có phản ứng nhanh hơn những người đồng hành khác cùng có mặt trong toa xe lửa?”
Tôi nghĩ đó là thành quả của nền giáo dục Hoa Kỳ -nền giáo dục chủ trương đặt đứa học trò nhỏ vào vị trí phải quyết định, phải tự lập. Đi ngoài đường, cha mẹ không dắt tay con; ngồi trong lớp, đứa trẻ chỉ được giảng dạy, chứ không được giúp đỡ trả lời những nan đề, những bài tính hắc búa. Hơn thế nữa, chúng cũng được giáo dục để tự lập.
Một chi tiết khác giúp người Mỹ tự thấy họ quan trọng là chữ “I”; người Việt Nam không viết hoa chữ “tôi”, người Pháp cũng không viết hoa chữ “je”, chỉ có Anh ngữ mới viết hoa chữ “I”.
"I" là điểm trung tâm của cuộc sống, "I" là người phải đứng lên đối phó với mọi khó khăn, nguy hiểm, kể cả đối phó với tên khủng bố, vì nếu "I" không làm thì không ai làm. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT