Người Việt Khắp Nơi

Một người tị nạn VN kêu cứu vì bị cảnh sát Thái truy lùng liên quan đến Trương Duy Nhất

Saturday, 09/03/2019 - 10:18:20

Theo lời ông Lâm, cảnh sát Thái Lan không đề cập gì đến việc ông Trương Duy Nhất bị mất tích, mà chỉ hỏi về tung tích của ông Bạch Hồng Quyền, tuy nhiên ông Lâm không rõ số điện thoại và nơi ở của nhà hoạt động đang bị Việt Nam truy nã ở đâu nên không thể cung cấp.


Bạch Hồng Quyền được xem là một trong ba nhân chứng trong vụ blogger Trương Duy Nhất có mặt ở Thái Lan. (Facebook)

BANGKOK – Vào đêm thứ Sáu, 8 tháng 3, ông Bạch Hồng Quyền, một nhà hoạt động nhân quyền hiện đang xin tị nạn chính trị tại Bangkok, đã viết thư kêu cứu vì “Tổng cục cảnh sát Thái Lan kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam truy lùng” người này để “bắt giữ và trục xuất về Việt Nam với mục đích xoá dấu vết ông Trương Duy Nhất đến Thái Lan.”

Theo tin của đài Á Châu Tự Do (RFA), bức thư có chữ ký của ông Bạch Hồng Quyền cho biết hiện nay ông đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm vì “là nhân chứng duy nhất chứng nhận việc ông Trương Duy Nhất đã có mặt tại Thái Lan để xin quy chế tị nạn của Cao ủy liên hợp quốc UNHCR.”

Ông Quyền cũng nói rằng bản thân ông cũng bị nhà cầm quyền Việt Nam truy nã vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền cho người dân trong thảm hoạ Formosa và phải đào thoát đến Bangkok để xin tị nạn chính trị, sau đó được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cấp quy chế tị nạn số 815-17C00228.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) vào tối thứ Sáu, nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền xác nhận ông là người đã đón blogger Trương Duy Nhất ở một sân bay của Thái Lan, thuê khách sạn và đưa ông nhất đến Văn Phòng của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangkok để điền đơn xin tị nạn chính trị.

Và vì chỉ có hai người khác biết tung tích của ông Trương Duy Nhất ở Thái Lan là Kami và Cao Lâm, một người hiện nay đã bị bắt và một người không biết tung tích nơi nào nên bất đắc dĩ ông Quyền trở thành nhân chứng duy nhất của việc này.
Ông Bạch Hồng Quyền cho biết, “Tôi có đi đón ông Nhất tại sân bay Don Mueang. Khi đó, ông Nhất có nói ông sang đây để xin quy chế tị nạn vì ở Việt Nam thì có thể bị bắt hoặc bị bỏ tù bất cứ lúc nào.
“Sau đó, ông Nhất có nhờ tôi thuê một chỗ ở gần chỗ tôi để tiện giúp đỡ đi lại. Sau đó, tôi có đưa ông Nhất tới một khách sạn gần nhà tôi ở Lamluka để thuê phòng ở khách sạn.

“Rồi ông Nhất nhờ tôi đưa tới UNHCR (Cao Ủy Tị Nạn LHQ) để đăng ký tị nạn. Hôm đó là ngày 25/1/2019. Sáng hôm đó tôi đưa ông Nhất tới LHQ để đăng ký, rồi về lại khách sạn. Tối đó, ông Nhất nói có một vài số điện thoại lạ liên lạc.
“Hôm sau, cuộc gọi cuối cùng mà tôi liên lạc được với ông Nhất là vào lúc 17:20 chiều 26/1. Sau đó thì ông Nhất mất tích, đến giờ vẫn chưa liên lạc được.”
Cũng theo lời từ nhà hoạt động đang trốn truy nã của nhà cầm quyền Việt Nam, báo chí Thái Lan hôm thứ Sáu loan tin là Tổng Cục Cảnh Sát Thái Lan kết hợp với Đại Sứ Quán CSVN đang vào cuộc điều tra vụ ông Trương Duy Nhất mất tích tại Thái Lan.

Tuy nhiên, theo phóng viên của RFA ở Bangkok, chưa tìm ra được bài báo nào của Thái Lan nói về sự việc này.

Vào đầu tháng Hai, nhà chức trách Thái Lan cho biết họ không có dữ liệu nhập cảnh của ông Nhất và đang điều tra xem ông có nhập cảnh bất hợp pháp hay không và chuyện gì đã xảy ra với ông.
Đài VOA dẫn lời Bạch Hồng Quyền nói thêm là, hồ sơ xin tị nạn ở nước thứ ba của ông đã được chính phủ Canada nhận. Hiện ông đang chờ phỏng vấn và làm tiến hành các thủ tục tiếp theo để đi định cư tại đây.
Ông Quyền cũng đã gửi thư kêu cứu và trình bày về tình trạng an ninh của ông hiện nay với cơ quan di trú và Tòa Đại Sứ Canada ở Thái Lan. Tuy nhiên, nhà hoạt động này lo sợ với những diễn tiến hiện nay, phía Canada sẽ không kịp can thiệp nếu ông bị bắt và trục xuất về Việt Nam.
Hơn một tháng kể từ ngày một blogger bất đồng chính kiến - Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do bị mất tích ở Thái Lan khi đang xin tị nạn chính trị, có nghi ngờ là do mật vụ Việt Nam bắt cóc, cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào lên tiếng xác nhận tình trạng của ông Nhất.

Trong khi đó, một người Việt khác có tên là Cao Lâm bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ ở Bangkok vào ngày 1/3. Ngày hôm sau tòa án Thái Lan buộc tội ông này đã lao động bất hợp pháp.

Ông Cao Lâm hiện bị giam giữ trại Trung Tâm Giam Giữ Người Nhập Cư (IDC) của Thái Lan và đối diện với nguy cơ bị trục xuất về nước.

Theo lời ông Lâm, cảnh sát Thái Lan không đề cập gì đến việc ông Trương Duy Nhất bị mất tích, mà chỉ hỏi về tung tích của ông Bạch Hồng Quyền, tuy nhiên ông Lâm không rõ số điện thoại và nơi ở của nhà hoạt động đang bị Việt Nam truy nã ở đâu nên không thể cung cấp.

Tin cho biết ông Cao Lâm sang Thái Lan từ 2003 và sau đó có mở một xưởng may nhỏ ở ngoại ô Bangkok. Ông Lâm cho biết ông sang Thái Lan làm việc với thị thực du lịch.

Ông được nhiều người biết đến về việc giúp đỡ một nhóm người Thượng Việt Nam tị nạn ở Thái Lan và các trường hợp tị nạn chính trị khác.

Trong cuộc phỏng vấn của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA với Bạch Hồng Quyền vào tối thứ Sáu, người này tiết lộ ông Cao Lâm sẽ bị trục xuất về nước vào thứ Ba tới đây. (12/3/2019).

Hồi năm 2014, ông Trương Duy Nhất - cựu nhà báo Đại Đoàn Kết và chủ blog Một Góc Nhìn Khác bị tòa án Đà Nẵng kết án 2 năm tù giam với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, công dân.”

Năm 2014, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF, có trụ sở tại Pháp vinh danh nhà báo Trương Duy Nhất là một trong 100 anh hùng thông tin của thế giới.
Năm 2016 ông Nhất mãn hạn tù và bắt đầu viết blog cho Đài Á Châu Tự Do.

Một số nguồn tin cho RFA biết, ông Nhất mất tích tại một tiệm kem trên tầng 3 của trung tâm mua sắm Future Park, một ngày sau khi đăng ký thông tin để nộp đơn tìm kiếm quy chế tị nạn tại văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc về người tị nạn tại Bangkok.

Hàng loạt các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã yêu cầu chính quyền Thái Lan và Việt Nam tìm kiếm và điều tra về sự mất tích của nhà báo Trương Duy Nhât.

Chính quyền Thái Lan sau đó cho biết sẽ điều tra và hiện nay đang có động thái bắt giữ những người Việt Nam có liên quan đến vụ mất tích của ông Nhất.
(Nguồn RFA)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT