Người Việt Khắp Nơi

Một người tị nạn Việt biến hành trình vượt biển thành nghệ thuật

Sunday, 02/07/2017 - 04:08:46

Thành phố Mississauga, ở gần Toronto, hiện thời đang làm việc với ông, để đúc một bức tượng lớn nhằm ghi nhớ sự có mặt và thành quả của các di dân gốc Việt đang sống trong khu vực.

Trong một bài viết vào cuối tháng Sáu 2017, ghi lại lịch sử của dòng người tị nạn từ mọi nơi đến Canada mới đây, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã thuật lại câu chuyện của ông Phạm Thế Trung, một điêu khắc gia đang sống ở miền thôn quê Owen Sound, phía nam tỉnh bang Ontario. Dưới đây là phần lược thuật sang tiếng Việt từ bài viết của hai tác giả Leyland Cecco và Annie Sakkab.


Ông Phạm Thế Trung tạo những tác phẩm dựa theo kinh nghiệm tị nạn của ông. (Annie Sakkab/ UNHCR)


Dưới tầng hầm trong nhà của ông Phạm Thế Trung, những luồng nắng ban trưa rọi trên những mảng giấy cắt ra từ những tờ nhật báo, và những bức ảnh cắm chặng tiến trình anh vươn lên trở nên một nghệ sĩ. Hầu hết những bài báo ấy nay đã bị ố vàng theo thời gian, và những tấm hình ấy có có một lớp bụi mỏng phủ lên mặt kính. Nhưng những hoài niệm ấy đều sống động, sắc sảo và rõ nét.


Chiếc cặp táp ông Trung mang theo từ Việt Nam trên đường vượt biển. (Annie Sakkab/ UNHCR)

Hồi năm 1980, hai anh em Trung và John nhập đoàn vào những lớp người chạy thoát khỏi cuộc đàn áp của làn sóng cộng sản ở Việt Nam. Một đêm nọ họ rời khỏi Sài Gòn trong một chiếc thuyền gỗ nhỏ với 59 người khác. Khi vượt biên, họ bỏ lại gia đình, bạn bè, và ngôi nhà mà họ quen biết suốt cả đời. Trung ra đi tay không, chỉ mang theo một chiếc cặp da màu nâu. Chiếc cặp này là một phần thưởng mà ông đã nhận được ở trường tiểu học. Bên trong cặp, ông nhét đầy những bản phác thảo và những bức tranh màu nước.


Ông Phạm Thế Trung tạc tượng ông Lincoln Alexander, vì phó thống đốc da đen đầu tiên của tỉnh bang Ontario. (Annie Sakkab/ UNHCR)

Ông Trung kể, “Tôi để lại cô bạn gái của tôi. Tôi vẫn còn nhớ những giọt nước mắt trên khuôn mặt cô, khi tôi nói tôi sắp ra đi. Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó.” Trung là một trong số gần 800,000 người Việt Nam ngồi chen chúc trên những chiếc thuyền vượt biển, để tránh cuộc đàn áp sau khi Saigon thất thủ vào năm 1975.

Chiếc thuyền của ông chạy sang hướng tới Thái Lan. Nhưng sau bảy ngày tròng trành lênh đênh trên sóng biển, thuyền bị hỏng máy và bắt đầu trôi dạt, bị chặn bởi một chiếc tàu đánh cá lớn. Thủy thủ đoàn của chiếc tàu tìm cách đưa chiếc thuyền của ông về lại Việt Nam. Nhưng vì sợ bị trả thù, những người đi trên ghe đứng lên, chiếm lấy chiếc tàu lớn hơn, và tiếp tục cuộc hải hành.


Ông Phạm Thế Trung với người anh ruột là John Phạm trong studio ở thị xã Owen Sound, miền nam Ontario. (Annie Sakkab/ UNHCR)

Sau khi đến Thái Lan, Trung sống trong hơi nóng đẫm ướt mồ hôi nhớp nhát của một trại tị nạn. Mỗi tháng ông nhận được tiền từ Long, người anh của ông đang học ở Nhật Bản và muốn hỗ trợ cho tài năng sáng tạo của ông.

John Phạm kể, “Trung, anh ấy là một họa sĩ. Vậy nên anh dùng số tiền đó để mua giấy, màu nước và cọ vẽ.”

Chàng họa sĩ trẻ đã dùng những chất liệu này để ghi lại cuộc sống trong trại, phác họa những ấn tượng của anh lên những trang giấy bằng mực đen, giữa lúc anh chờ đợi việc tái định cư ở Canada, với tư cách là một người tị nạn, cùng với người em trai.

Giờ đây sau 37 năm, ông vẫn giữ những trang giấy ấy, trong nhà ông tự xây cho chính mình ở miền thôn quê với những cánh đồng nhấp nhô gần Owen Sound, ở miền nam Ontario.

Cảnh yên tĩnh trầm lắng của ngôi nhà trong vùng thôn quê phù hợp với ông. Một mái hiên nới dài từ phía sau nhà, nhìn ra diện tích trảng bụi rậm, cây cối, và nước. Trong phòng khách, chiếc cặp ấy, một di vật của những năm niên thiếu ở Việt Nam, được đặt trong một cái hộp kính.

Ngôi nhà này nằm cách rất xa trại tị nạn Thái Lan và đô thị Toronto, nơi ông Trung trải qua những ngày đầu bận rộn ở Canada. Nhưng cho dù ông có dời xa mấy đi nữa về mặt thể lý từ cuộc hành trình ấy, thì chuyến đi vẫn không bao giờ rời bỏ ông. Tác phẩm điêu khắc mới đây nhất của ông là một chiếc thuyền bằng gỗ nứt nẻ, chở ba gia đình chẻ sóng vượt biển. Đó là một lời tri ân những cuộc hành trình tương tự như chuyến đi của anh. Theo một số ước tính, trong số những gia đình thực hiện chuyến đi ấy, chỉ một nửa còn sống sót.

Canada đã cho ông nơi trú ẩn mà ông cần, để chú tâm vào công việc của ông. Những bức tranh và tác phẩm điêu khắc của anh đã được trưng bày ở một số cơ sở có danh giá nhất ở nước này.

Để cảm tạ quốc gia hoan nghênh và cho ông và anh chị em của ông được tái định cư, Trung đã tạc nhũng bức tượng bán thân của 10 nhân vật Canada nổi tiếng của, trong số đó có Thủ Tướng Pierre Trudeau và nhà bênh vực môi trường David Suzuki.

Ông Trung nói, “Khi chết thì người ta được chôn cất. Nhưng linh hồn, tinh thần, vẫn còn sống. Tôi muốn làm những tác phẩm điêu khắc mà chúng ta có thể nhìn ngắm, để cho người ta có thể nhớ bất cứ ngày nào, bất cứ lúc nào. Điều đó kéo dài mãi mãi.”

Bên trong những sườn gỗ thông lộ ra của xưởng vẽ của Phạm Thế Trung, một đám bụi thạch cao bám trên những bức tượng lớn quần tụ quanh chiếc bàn của ông. Sự đa dạng của những đề tài của ông làm chứng cho niềm đam mê và tầm viễn kiến của anh. Một vị cựu thủ tướng Canada được đối diện với các vị tướng thời xưa của Việt Nam. Ở rìa xa của một dãy tượng, người mẹ quá cố của ông ngắm nhìn công việc của con bà.

Thành phố Mississauga, ở gần Toronto, hiện thời đang làm việc với ông, để đúc một bức tượng lớn nhằm ghi nhớ sự có mặt và thành quả của các di dân gốc Việt đang sống trong khu vực.

Phạm Thế Trung nói, “Giới trẻ Canada không hiểu tại sao chúng tôi đến Canada. Nhưng giờ đây con số này, pho tượng này, sẽ cho họ thấy chiếc thuyền đã chở những người Việt Nam tới bến bờ tự do.”
Ông hy vọng những tác phẩm sẽ truyền đạt được tấn thảm kịch, cũng như những niềm mơ ước của những người thoát khỏi Việt Nam.

John Phạm nói, “Các nghệ sĩ, họ có linh hồn đặc biệt của ho. Việc diễn đạt của anh ấy là thông qua nghệ thuật, điêu khắc va hội họa. Đó là cuộc sống của anh. Và anh ta sẽ tiếp tục làm điều đó cho đến cuối đời.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT