Người Việt Khắp Nơi

Một người gốc Việt đang giữ cho những ngọn hải đăng trên thế giới được chiếu sáng

Sunday, 29/10/2017 - 05:58:35

Các dự án di sản khu vực và các kế hoạch tái phát triển nhà máy đều giúp bảo đảm rằng quá khứ không bị lãng quên, nhưng Tim Nguyễn muốn đi xa hơn.




Hải đăng này ở nước Mỹ, là một trong những hải đăng mà nhóm của ông Tim Nguyễn đã bảo tồn. (BBC)


MELBOURNE - Trong hơn 150 năm, các nhà sản xuất thủy tinh trong một khu vực nằm sâu trong nội địa tại Anh Quốc, không tiếp giáp với biển đã đem lại ánh sáng cho những người đi biển trên khắp thế giới. Việc bảo tồn di sản của họ nay được trao cho một người sống ở phía bên kia địa cầu, tại xứ Úc.

Theo tin của đài BBC, người ấy là ông Tim Nguyễn, kẻ đang cố gắng chiếu một luồng ánh sáng mới vào quá khứ bị lãng quên của Chance Brothers ở Midlands, Anh. Ông Tim đang cống hiến đời mình cho việc khôi phục những tấm thủy tinh của Chance Brothers tại 2,000 ngọn hải đăng trên khắp thế giới.

Nỗ lực của người Úc gốc Việt này - khôi phục lại hệ thống chiếu sáng của các hải đăng, mà vẫn dùng các bộ phần và phương pháp gốc – được mô tả là không ai sánh bằng.


Ông Tim Nguyễn từ nước Úc muốn bảo tồn các hải đăng trên khắp thế giới. (BBC)

Ông đã bỏ ra 20 năm trau dồi năng khiếu, và hy vọng ông sẽ sớm tìm ra được một người thợ giỏi nghề thổi thủy tinh để hoàn tất việc thành lập một nhóm làm việc tại Melbourne, và tạo ra lại các kỹ thuật truyền thống được dùng bởi công ty ở vùng Black Country thuộc Midlands, Anh.

Chance Brothers Glassworks ở Smethwick đã chế tạo thủy tinh được dùng trong mọi thứ, từ việc làm kính cho trụ sở quốc hội và tòa nhà triển lãm Crystal Palace, cho tới việc sản xuất ra những cái gạt tàn thuốc mới lạ.

Khi công ty được thành lập vào năm 1824, thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Ngành vận chuyển bùng nổ có nghĩa là những vụ đắm tàu trở thành chuyện xảy ra thường xuyên, vì có thêm nhiều tàu thủy phải chạy dọc những bờ biển nguy hiểm.

Để đáp ứng nhu cầu, Chance Brothers đã tạo ra những ống kính quang học cho những ngọn hải đăng, được gửi đi khắp thế giới, chiếu sáng bờ biển, và cứu được hàng ngàn sinh mạng.
Nhưng từ khi đóng cửa vào năm 1981, số lượng hải đăng của họ giảm dần, và các năng khiếu truyền thống cần thiết để sản xuất thủy tinh đặc trưng của họ cũng sụt giảm theo.
Vào thời cao điểm, công ty này thuê mướn 3,500 nhân công. Ông Tim Nguyễn không có dính dáng gì tới công ty nguyên thủy.

Tuy nhiên nhóm của ông, lấy tên là Chance Brothers Lighthouse Engineers, đã hiến thân cho việc khôi phục và sửa chữa các ngọn hải đăng, bằng cách dùng những phương pháp truyền thống và các bộ phận gốc, và đã làm như vậy tại hơn 100 địa điểm.

Họ đi khắp thế giới, thu thập những bộ phận bị hỏng và sửa chữa lại. Hiện này họ có đủ để có thể sửa chữa bất kỳ ngọn hải đăng nào, mà không cần phải thay thế bất cứ cái gì bằng công nghệ hiện đại.
Tim Nguyễn nói với BBC, “Chúng tôi đi khắp thế giới để trợ giúp trong việc tu bổ và cứu vãn các bộ phận. Về căn bản, chúng tôi giống như một người chuyên thu dọn xác xe hư. Đó là cách thức chúng tôi làm việc cho đến một ngày nào đó khi chúng tôi hợp tác với một thợ chuyên thổi thủy tinh. Người này có thể chế tạo crown hlass (loại kính không pha chì hoặc sắt). Sau đó chúng tôi có thể làm được bất cứ thứ gì.”
Crown glass là loại thủy tinh nguyên thủy được dùng trong hệ thống quang học của Chance Brothers.
Nhưng các phương pháp sản xuất mới có nghĩa là màu sắc và cấu tạo của kính hiện đại sẽ không phù hợp với loại kính nguyên thủy, nếu nó lắp vào lúc này.

Cho đến nay ông Tim Nguyễn chưa tìm ra người nào có năng khiếu thổi thủy tinh ở Úc, để bắt chước các phương pháp của Chance Brothers.

Ông nói, “Chúng tôi đã tìm khắp mọi nơi, và không thể tìm được người nào có thể đúc kính crown glass. Tôi tin rằng một số người ở nước Anh có thể làm được điều đó. Nếu chúng tôi có một cơ hội tìm được một ai đó có thể làm được, thì người ấy chắc phải ở bên Anh thôi.”
Tim Nguyễn nói rằng với một người thổi thủy tinh crown ở trong nhóm, họ sẽ có thể tạo ra lại xưởng nguyên thủy cho Chance Brothers, và thậm chí trả nó lại cho Smethwick.
Ông nói, “Một ngày nào đó, khi chúng tôi có xưởng hoạt động này, chúng tôi muốn dời nó về lại Black Country. Chúng tôi đang tìm cách tự tay thực hiện dự án này, điều đó không dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng điều đó sẽ được thực hiện trong khi tôi còn sống. Cộng đồng ở đó sẽ sửng sốt nếu chúng tôi mang xưởng đó về lại.”

Các dự án di sản khu vực và các kế hoạch tái phát triển nhà máy đều giúp bảo đảm rằng quá khứ không bị lãng quên, nhưng Tim Nguyễn muốn đi xa hơn.

Ông nói, “Các kho lưu trữ còn giữ các tài liệu, việc tu bổ sẽ bảo tồn các tòa nhà, nhưng không có ai tìm cách gìn giữ các kỹ thuật. Chúng tôi ở đây để bảo tồn và tiếp tục về mặt kỹ thuật, vì nếu chúng tôi không làm như vậy thì nó sẽ bị mất. Sau khi làm công việc này trong 20 năm, kiến thức đó là quá quý giá để bị mất đi.”

Nhưng phải chăng Tim Nguyễn đang chiến đấu một cách vô bổ với trào lưu hiện đại hóa?
Giống như nhiều người khác, ngọn hải đăng Nash Point, gần Marcross ở phía nam Wales, đã thay đổi một ống kính tự động mới cách đây mấy năm.

Theo ông Chris Williams cho biết, ống kính 150 watt mới có một “bóng đèn nhỏ hơn nhiều,” nhưng “đáng tin cậy hơn và giữ sáng hơn trong thời gian lâu hơn.”

Chance Glass nguyên thủy, thường chứa một bóng đèn có công suất 1,500 watt, đã được trưng bày nhưng không còn được dùng nữa.

Ông David Taylor thuộc Hiệp Hội Những Người Giữ Hải Đăng cho biết, “Nói chung, quang học truyền thống đang bị loại bỏ dần dần, vì công nghệ mới hữu hiệu hơn nhiều. Việc khôi phục một quang kính rất là tốn kém, trong vòng 15, 20 năm có lẽ sẽ không còn sót lại gì nữa.”

Tuy vậy Tim Nguyễn vẫn tiếp tục, rất quan tâm đến việc giữ gìn mảng lịch sử này. Nhưng ông không phải là người duy nhất quan tâm đến việc giữ cho truyền thống được sống động.

Ông Mark Davies đã thành lập Chance Glass Works Heritage Trust, sau khi gặp một ngọn hải đăng của công ty Chance Brothers, hoàn toàn tình cờ, ở nước Úc.

Nhóm này dự định tái lập địa điểm nhà máy nguyên thủy ở Smethwick, và xây một ngọn hải đăng cao 30 mét, để dạy cho người ta biết về di sản kỹ nghệ của khu vực, mà ông Davies nói là “một bí mật được giữ kín của chúng tôi.”

“Câu chuyện bắt đầu ở trên chóp ngọn hải đăng ở nước Úc. Tôi thấy tấm bảng ghi xuất xứ của nhà sản xuất, và nói rằng 'Được Làm tại Smethwick', và điều này làm cho tôi sửng sốt. Tôi sinh ra cách đó bốn dặm, và chính tôi chẳng biết gì về nó. Ngoài Sandwell, không có nhiều người biết về Chance Brothers.”
Có lẽ chính lịch sử về ánh sáng của vùng Black Country cũng cần được chiếu sáng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT