Hoa Kỳ

Một cơ quan, hai người làm sếp, biết nghe lời ai?

Monday, 27/11/2017 - 11:47:23

Hoạt động của cơ qua này đã dẫn tới việc gần 30 triệu người được gần $12 tỷ trong những khoản tiền hoàn trả và tiền vay nợ được hủy bỏ.


Bà Leandra English và ông Mick Mulvaney


HOA THỊNH ĐỐN – Lại rắc rối ở thủ đô dưới quyền của Tổng Thống Donald Trump. Tổng thống đã đề cử một ông tới Cơ Quan Bảo Vệ Tài Chánh Giới Tiêu Thụ (Consumer Financial Protection Bureau - CFPB) để làm giám đốc, và ông này nói với các nhân viên vào sáng thứ Hai, “Tôi là quyền giám đốc, chào quí vị.” Cùng lúc, một bà cũng lên tiếng và nói lời tương tự.

Ông Mick Mulvaney là giám đốc tài chánh của Tòa Bạch Ốc và được ông Trump đề cử chức giám đốc cơ quan bảo vệ quyền lợi của giới tiêu thụ. Trong ngày làm việc đầu tiên, ông Mulvaney ra lệnh cơ quan này phải tạm ngưng thâu nhận nhân viên mới trong vòng 30 ngày, đồng thời ngưng một số quyết định trong thời gian trên.

Thế nhưng liệu ông ta có được quyền giữ chức giám đốc trong vòng một tháng hay không là điều chưa ai biết.

Vào ngày Chủ Nhật, bà Leandra English đã nạp đơn kiện chính phủ Trump và tuyên bố bà là mới là “quyền giám đốc đúng luật” của cơ quan bênh vực quyền của người tiêu thụ.

Tại sao lại có chuyện rắc rối này?
Vào ngày thứ Sáu vừa qua, cựu giám đốc Richard Cordray đã tuyên bố từ chức và giao quyền điều hành lại cho bà Leandra English. Nghe được tin này, vài giờ sau ông Trump liền bổ nhiệm ông Mulvaney, một người mà từ lâu đã cùng đảng Cộng Hòa vẫn thường chỉ trích cơ quan CFPB, nhằm bênh vực quyền lợi của các công ty và giới kinh doanh.

Khi tới làm việc sáng thứ Hai, ông Mulvaney đã mang mấy hộp bánh donut tới làm quà cho một số nhân viên. Cũng vào thời điểm đó, Leandra English, quyền giám đốc điều hành khác của cơ quan này, đã gửi email cho toàn thể các nhân viên để cám ơn sự phục vụ của họ trong thời gian qua.

Vì có chuyện lủng củng giữa hai “sếp” mới mà vào dịp cuối tuần Lễ Tạ Ơn vừa qua, hàng trăm nhân viên đã thắc mắc, chưa biết ai là giám đốc của họ.

Vì vấn đề an toàn cho việc làm, một nhân viên của cơ quan này chỉ cho biết tên là Ella, đã nói với nhật báo New York Times, “Hôm thứ Sáu tôi biết giám đốc của tôi là ai. Nhưng giờ đây nhờ kẻ khờ này, tôi không biết.” Ông Ella không muốn giải thích “kẻ khờ” là ám chỉ ai.

Vụ rắc rối bắt đầu với việc ông Richard Cordray đột ngột ra đi vào ngày thứ Sáu. Ông đã giúp cơ quan này mở rộng quyền hạn để trừng phạt những công ty nào vi phạm luật lệ. Ông chỉ định bà English làm quyền phó giám đốc và sẽ là quyền giám đốc.

Tòa Bạch Ốc phản công bằng cách nói rằng ông Mulvaney sẽ là người nắm quyền, cho đến khi tổng thống quyết định về một người kế nhiệm thường trực. Việc thông qua một người cho chức giám đốc có thể phải mất vài tháng. Vào chiều Chủ Nhật, bà English nộp đơn kiện Tổng Thống Trump, để tìm cách ngăn cản ông bổ nhiệm Mulvaney. Đơn kiện gọi ông Mulvaney là người “tự xưng là quyền giám đốc” của cơ quan này.
Trong cơn rắc rối, bà English đã tới quốc hội để gặp các nhà lập pháp để trình về những kế hoạch của bà. Trong số những nhà lập pháp đó, có nữ Nghị Sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts), người đã đề nghị mở cơ quan này và giúp thành lập mấy năm trước.

Còn ông Mulvaney thì tránh né những câu hỏi từ những người bênh vực giới tiêu thụ, khi ông mang đồ ăn sáng vào cơ quan cho một số ít người trong tổng số 1,600 nhân viên của cơ quan.

Bà English là một công chức ít gây chú ý, và thời gian làm việc thầm lặng của bà đã bất ngờ khi bà bắt đầu tranh đấu cho cơ quan mà bà đã giúp thành lập vào năm 2011.

Còn Mulvaney thì ông đã công khai chỉ trích cơ quan này, có lần gọi cơ quan là một “trò đùa,” và là “một ví dụ tuyệt vời về chuyện một bộ máy hành chánh quan liêu sẽ hoạt động như thế nào, nếu nó không chịu trách nhiệm với bất cứ ai cả.”

Hai giám đốc đang đấu đá nhau này cho thấy những quan điểm khác nhau về tương lai của cơ quan, được thành lập theo đạo luật Dodd-Frank Act năm 2010, và hoạt động rất hung hăng dưới thời chính phủ Obama. Cơ quan đã nhắm vào các công ty tài chánh, để truy tìm những phương pháp hoạt động mà họ cho là không công bằng hoặc lạm dụng người tiêu thụ.

Hoạt động của cơ qua này đã dẫn tới việc gần 30 triệu người được gần $12 tỷ trong những khoản tiền hoàn trả và tiền vay nợ được hủy bỏ.

Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau khi Mulvaney đến nhận công việc, bà English đã gửi một email cho toàn thể nhân viên. Trong email đó, bà bày tỏ lòng biết ơn, bà viết, “Thật vinh dự khi làm việc với tất cả quý vị.”
Cả hai ông Mulvaney và bà English đều ký tên là Quyền Giám Đốc trên giấy tờ ngày thứ Hai.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT