Văn Nghệ

Một chuyến đi đặc biệt: Tâm tình và ghi nhận của Giáo Sư Lê Văn Khoa (kỳ cuối)

Friday, 06/01/2017 - 07:55:17

Tiến Sĩ Dmytro Stepovk (ông có 3 bằng Tiến Sĩ: Tiến Sĩ Nghệ Thuật, Tiến Sĩ Triết và Tiến Sĩ Sử học) đã nêu những điểm lịch sử tương đồng giữa Ukraine và Việt Nam. Ông ghi nhận Lê Văn Khoa dùng Văn Hóa và Nghệ Thuật làm vũ khí để tranh đấu cho quê hương.

Bài BĂNG HUYỀN

Lê Văn Khoa viết nhạc cho cây đàn Bandura
Nhắc lại chuyến đi 2 tuần vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2015 sang Kyiv (kiev), thủ đô Ukraine để thu thanh 11 tác phẩm của mình do dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra trình diễn, Giáo sư Lê Văn Khoa kể, “Hôm chúng tôi gặp gỡ Tiến Sĩ Dmytro Stepovk, bà Tiến sĩ Dutchak Violetta, Nhạc Sĩ Taras Stolyar ngay tại Thánh Đường và Chủng Viện St. Michael, buổi gặp gỡ này đã được vợ chồng Chu Lynh đại diện của VietNam Film Club ghi hình lại và phỏng vấn để thực hiện DVD tài liệu về nhạc Việt của Lê Văn Khoa đã vượt biên giới, hòa mình với thế giới, DVD này dự định phát hành trong năm 2017. Tiến Sĩ Dmytro Stepovk (ông có 3 bằng Tiến Sĩ: Tiến Sĩ Nghệ Thuật, Tiến Sĩ Triết và Tiến Sĩ Sử học) đã nêu những điểm lịch sử tương đồng giữa Ukraine và Việt Nam. Ông ghi nhận Lê Văn Khoa dùng Văn Hóa và Nghệ Thuật làm vũ khí để tranh đấu cho quê hương.

Nhạc Sĩ Độc Tấu Vĩ Cầm Svyatoslava Semchuck và Giáo sư Lê Văn Khoa nơi hành lang của Ukranian National Philharmonic (Hình Lê Minh Khải)

“Có một hình ảnh làm tôi rất cảm động là bà Tiến sĩ Dutchak Violetta dạy ở một trường đại học tại miền Tây của Ukraine, đã phải đi xe lửa 7 tiếng đồng hồ xuống thủ đô Kyiv để gặp tôi nói chuyện, trả lời phỏng vấn của VietNam Film Club. Sau đó bà cùng đi ăn tối với chúng tôi, rồi vài giờ sau bà lên xe lửa trở về trường cho kịp giờ dạy học hôm sau.”

      Nhạc sĩ Taras Stolyar độc tấu bài Lý Ngựa Ô, dân ca Nam Việt Nam (Hình Lê Minh Khải)

Giáo sư Lê Văn Khoa cho biết bà Tiến sĩ Dutchak Violetta là Khoa Trưởng ngành Dân Nhạc của V. Stefanyk Carpathian National University. Bà thắng nhiều giải thưởng tranh tài đàn Bandura. Bà có hai bằng Tiến Sĩ: Tiến Sĩ Nghệ Thuật và Tiến Sĩ Triết, và là Hội viên Hội Sáng Tác Nhạc Quốc Gia Ukraine từ năm 1998. Bà nhận bằng Doctor of Arts năm 1996 và Ph. D. năm 2006. Là tác giả trên 100 bài viết về bản chất khoa học và giáo dục âm nhạc tại Ukraine và các nước khác. Phụ trách chương trình nhạc trên đài phát thanh địa phương Ivano-Frankivsk. Trình diễn trong các đại hội âm nhạc Bandura quốc gia và quốc tế. Lưu diễn nhiều ở Ukraine, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đức và Nga.

Trong quyển sách dày 700 trang “Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam” (do CLBTNS-VAP-APA thực hiện, đã được ấn hành năm 2013), giới thiệu nhiều bài viết của nhiều tác giả về những đóng góp cho nghệ thuật hơn 6 thập niên của Giáo sư Lê Văn Khoa. Trong sách có bài viết của Giáo sư Tiến sĩ Violetta Dutchak “Nghĩ lại âm sắc đàn Bandura của Ukraine” (trang 371- 375). Người viết bài xin được trích lại vài phân tích của Tiến sĩ Violetta Dutchak về những tác phẩm Giáo sư Lê Văn Khoa viết cho đàn Bandura độc tấu với dàn nhạc giao hưởng:

                              Nhạc sĩ Kateryna Myronyuk và đàn Bandura (Hình cung cấp)

“Một bằng chứng của sự hòa hợp văn hóa dân tộc ngày nay được thể hiện qua nghệ thuật của soạn nhạc gia Việt Nam đang sống trên đất Hoa Kỳ, tên Lê Văn Khoa, sinh năm 1933. Trong thập niên gần đây ông sáng tác nhạc cho Bandura và dàn nhạc giao hưởng (”Trống Cơm” và “Se Chỉ Luồn Kim”) đã trình diễn rất thành công trong năm 2008-2010 trên sân khấu nhạc tại Hoa Kỳ do nghệ sĩ độc tấu từ Ukraine là cô Kataryna Myronyuk.”

“Nghiên cứu bản tổng phổ cho ta khẳng định nét nhạc giao hưởng của tác giả được dùng để thẩm định lại giá trị của nguyên tác dân ca. Nhìn tổng quát người ta thấy sự phối khí (cho dàn nhạc giao hưởng) thật trong sáng, ngay trong những đoạn toàn tấu (tutti) dù cường độ mãnh liệt, đều tương ứng với những đoạn độc tấu của Bandura hoặc các nhạc cụ khác. Trong những câu nhạc tô điểm, giai điệu chính của bài dân ca “Trống Cơm” được di chuyển trong âm vực đẹp của đàn Bandura. Trong bài nhạc kế của Lê Văn Khoa, bài “Se Chỉ Luồn Kim” cũng được viết với phong cách tương tự. Nhạc cũng mang bản chất nhẹ nhàng, vui tươi, tung tăng. Hòa âm phong phú hơn, phối khí có hiệu quả hơn. Trong bài này tác giả dùng những nốt quãng tám kép song hành của những bộ nhạc cụ khác nhau, giúp cho tác phẩm "rộng lớn" và "bao la" hơn. Tiết nhịp của tác phẩm vận dụng bộ gõ có trống nhỏ, timpani, và âm điệu tái diễn chuyển tiếp đặc thù giữa các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng gợi hình ảnh các tầng lớp chỉ màu khác nhau chồng lên qua mũi kim thêu. Nhìn chung, bài nhạc cho ta hình ảnh của một món kim hoàn sắc sảo, trong sáng, với những mẫu vẽ tinh vi, thật đẹp và hấp dẫn chứ không hời hợt.

                               Nhạc sĩ Lyudmila Chychuk và Giáo sư Lê Văn Khoa (Hình Lê Minh Khải)

“Bằng cách đó, tác phẩm của Lê Văn Khoa viết cho Bandura và dàn nhạc giao hưởng cho thấy diễn tiến của sự tiếp nhận nhạc cụ này trong nền nhạc mới, mà nó càng rõ ràng hơn nữa là trong tác phẩm của ông, soạn nhạc gia Lê Văn Khoa quan tâm đến văn hóa cổ truyền của các dân tộc khác nhau, nhưng ở đây, được trình tấu bằng nhạc cụ dân tộc của Ukraine.

“Vai trò của Bandura được xác nhận trong thế kỷ hai mươi nhờ sự cải tiến nhạc cụ và sự xuất hiện của nhiều nguyên tác dưới những thể nhạc khác nhau, bảo đảm cho việc đồng cộng tác giữa người trình diễn và nhà viết nhạc đương thời, không bị biên cương và văn hóa ly cách, nhưng hiệp nhất, bởi biết rằng nghệ thuật âm nhạc là ngôn ngữ quốc tế, là một thứ siêu ngôn ngữ...” (Ngưng trích)

Trở lại câu chuyện về buổi gặp gỡ với bà Tiến sĩ Dutchak Violetta tại Kyiv, Giáo sư Lê Văn Khoa bồi hồi, kể tiếp:
“Hôm đó là lần đầu tiên tôi gặp bà Tiến Sĩ Dutchak Violetta. Tình quý mến nhau như thế này không thường thấy trong xã hội ngày nay. Trong quyển sách “Lịch Sử Và Sự Phát Triển Của Đàn Bandura Trong Thế Kỷ 20 Và Đầu Thế Kỷ 21” được phát hành năm 2015, Tiến Sĩ Dutchak Violetta đã xác nhận Lê Văn Khoa là một trong ba nhạc sĩ trên thế giới viết nhạc cho Bandura trình tấu với dàn nhạc giao hưởng Tây Phương. Khi biết tôi qua Kyiv dịp này, bà đã dành thời gian để gặp tôi. Chúng tôi nhìn mặt nhau nhiều hơn nói chuyện vì ngôn ngữ bất đồng. Bà trả lời vài câu phỏng vấn của nhóm Vietnam Film Club, bà kết thúc bài phỏng vấn của VietNam Film Club bằng câu:

“Bài nhạc cuối cùng cho đàn Bandura với dàn nhạc giao hưởng của nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa, hiện chưa được viết ra.”

Bà còn kỳ vọng rất nhiều nơi Lê Văn Khoa để kết nối văn hóa giữa hai dân tộc Việt Nam và Ukraine bằng âm nhạc đặc thù của mỗi bên.”

Giáo sư Lê Văn Khoa cho biết trong số 11 tác phẩm mang qua thu thanh tại Kyiv vừa rồi, “có bài dân ca miền Nam “Lý Ngựa Ô” tôi viết cho Bandura với dàn nhạc giao hưởng, được nhạc sĩ Taras Stolyar độc tấu. Ông là nhạc sĩ dẫn đầu của ban nhạc Bandura. Ông trình bày rất chuẩn một nhạc phẩm lạ và khá phức tạp. Ông rất thích bài nhạc này, xin tôi để nhạc lại, cho phép ông nhờ người viết lại cho ban nhạc nhỏ hơn để dễ trình diễn lưu động. Mặt khác ông sẽ nhờ người phối hợp với nhiều loại nhạc cụ cổ truyền khác của Ukraine để trình diễn những bài dân ca Việt tôi đã cải soạn cho Bandura. Ông rất vui và phấn khởi khi được tôi nhận lời. Cái duyên nhạc Việt và Ukraine ngày càng gắn bó và có thể có cơ hội phát triển mạnh tại đây trong tương lai, nếu được nuôi dưỡng.”

Mối giao tình 11 năm qua với các nhạc sĩ Ukraine
Giáo sư Lê Văn Khoa cho rằng, “Tình yêu âm nhạc đã nối kết và chúng tôi xem nhau như người thân trong gia đình.

“Nhạc sĩ Lyudmila Chychuk sau nhiều năm gặp lại Lê Văn Khoa không khỏi ngạc nhiên vì thấy tôi vóc dáng có khác hơn ngày trước. Khi viếng Hoa Kỳ năm 2009, cô xin phép gọi tôi là “Bô Bố” như các con gọi tôi. Cô là Giáo Sư Nhạc Thính Phòng của Lysenko Boarding School, trường dành riêng cho thần đồng nghệ thuật. Cô cũng đã tốt nghiệp từ trường này. Năm 17 tuổi cô trúng giải sáng tác âm nhạc dành cho thiếu niên. Cô là người tự nguyện đem nhạc piano của Lê Văn Khoa đi trình diễn chung với nhạc của A. Mozart, L. V. Beethoven, F. Listz, F. Chopin, P. Tchaikowsky, C. Debussy v.v. . . trên nhiều quốc gia Âu Châu.
“Nhiều nhạc sĩ tôi biết, không chỉ khép kín trong vị trí âm nhạc của mình. Tuy không ra mặt trận, nhưng họ đã làm bổn phận công dân ở hậu phương. Họ yêu tự do và hành động của họ thay lời nói. Trong trận chiến với Nga vừa qua, có nhiều chiến sĩ từ tiền tuyến trở về, được cô Lyudmila Chychuk mời đi ăn ở một nhà hàng danh tiếng tại Thủ Đô để tỏ lòng biết ơn họ đã liều mình bảo vệ tổ quốc và dân tộc. Họ do dự, ngại vấn đề nam-nữ. Cô nói nếu họ không đi, thì sau này có dịp nào đó họ mời cô, cô sẽ từ chối. Thế là họ chịu đi ăn với cô.



Bìa sách Lịch Sử và Sự Phát Triển của Đàn Bandura Trong Thế Kỷ 20 và Đầu Thế Kỷ 21 (Hình cung cấp)

“Kateryna Myronyuk, nữ cầm thủ Bandura trẻ đẹp, đã tình nguyện đến phục vụ tại một bệnh viện ở ngoại ô Kyiv, giúp thương binh được đưa về từ tiền tuyến. Năm ngoái khi trên đường từ quê ngoại về nhà ở thủ đô, cả gia đình cô bị một tai nạn xe hơi rất trầm trọng. Năm người trong xe đều bất tỉnh. Một đứa con nhỏ bị văng ra khỏi xe. Cô bị thương nặng nhất, bể xương mặt, và thương tích nhiều chỗ. Cô được đưa vào bệnh viện địa phương để cứu cấp. Đến nơi thì cô sắp tắt thở. Các Bác sĩ tận tình cứu giúp, cô tỉnh lại. Nơi đây không đủ phương tiện để điều trị thương tích quá trầm trọng của Kateryna, bệnh viện này liên lạc với bệnh viện lớn ở thủ đô xin chuyển cô về đó. Thủ đô báo cho họ biết bệnh viện không còn giường trống và tất cả bác sĩ đều đang lo cứu giúp thương binh nên không thể nhận thêm bệnh nhân ngoài. Khi nhận ra cô chính là nhân viên tình nguyện chăm sóc thương binh trong bệnh viện này, họ liên lạc qua quốc gia lân cận là Ba Lan. Được chấp thuận, họ cho xe cứu thương chuyển cô qua Ba Lan để điều trị.

“Kateryna Myronyuk là một nhạc sĩ thùy mị, sử dụng đàn Bandura. Cô đã trình diễn trong chương trình “Lê Văn Khoa, Người Viết Lịch Sử Bằng Âm Nhạc” ở Long Beach, California năm 2008, và Washington D.C. trong chương trình “Ca Ngợi Tự Do” năm 2010. Cô trình tấu hai bài dân ca Việt Nam là “Trống Cơm” và “Se Chỉ Luồn Kim” do tôi viết lại cho đàn Bandura và dàn nhạc giao hưởng. Nhờ đó có nhiều người Việt ở California, ban hợp ca người Việt vùng Thủ Đô Washington D.C. và Virginia biết cô và góp một số tiền để tiếp trợ bệnh phí. Sau nhiều cuộc giải phẫu, cô đã bình phục, nhưng còn phải qua nhiều cuộc giải phẫu nữa mới có thể xuất hiện trở lại trước công chúng. Cô nhờ tôi chuyển lời chân thành cám ơn đến tất cả những người đã giúp cô cũng như đã cầu nguyện cho cô.”

Từ trái qua phải Tiến Sĩ Dmytro Stepovk, Tiến Sĩ Dutchak Violetta, ca sĩ Ngọc Hà và Giáo sư Lê Văn Khoa (Hình Lê Minh Khải)

Giáo sư Lê Văn Khoa nói trong chuyến đi sang Kyiv vừa rồi, ông có dịp thăm vài nhạc sĩ cũ từng làm việc với ông từ 11 năm trước. “Tôi gặp Nhạc Sĩ Độc Tấu Vĩ Cầm Svyatoslava Semchuck, tại Ukranian National Philharmonic (National Philharmonic là nơi nhiều nhạc sĩ danh tiếng thế giới đã từng trình diễn, như Scriabin, S. Rachmaninoff, P. Tchaikowsky, Franz Listz, V. Horowitz, V. Cliburn, A. Rubinstein, L. Bernstein, Ristropovich v. v). Cô là người độc tấu tuyệt vời bài violin “Nocturne” của tôi. Đã có nhiều nhạc sĩ trình diễn bài này, trong đó có ba nhạc sĩ Ukraine, nhưng chưa có ai diễn tả xuất thần như cô Semchuck.”

Theo Giáo sư Lê Văn Khoa, từ xưa Ukraine được xem như là cái nôi âm nhạc của đế quốc Nga Hoàng. Kyiv đã thành lập nhạc viện từ giữa thế kỷ 18, trước Nga. Nhạc của Ukraine đã lan ra khắp nơi, ẩn hiện chập chờn trong tác phẩm của nhiều nhạc sĩ lớn như: L. V. Beethoven, F. Listz, S. Prokofiev, J. Haydn, J. Brahms, L. Boccherini, M. Glinka, M. Mussorgsky, B. Bartók, A. Dvorák, C. Debussy, v.v. . .

Giáo sư Lê Văn Khoa bồi hồi nhớ lại:
“Trong đêm cuối cùng, sáng sớm hôm sau vợ chồng tôi về lại Mỹ, có người đến ôm tôi và nói nhớ viết nhạc cho họ trình diễn, vì họ rất thích nhạc của tôi. Nhạc sĩ đàn violon thì đề nghị viết bài cho đàn violon, nhạc sĩ đàn piano thì đề nghị viết bài cho piano, nhạc sĩ đàn cello thì yêu cầu viết cho đàn cello, còn hợp ca thì đề nghị viết bài cho hợp ca. Tôi cũng được biết là trong buổi họp bất thường giữa các Giáo Sư Âm Nhạc của các trường Đại Học Ukraine, họ bàn nhau sẽ làm một chương trình nhạc quốc tế vào năm 2017, trong đó dành một phần riêng để trình diễn nhạc của Lê Văn Khoa. Tiến sĩ Taras Myronyuk yêu cầu phải có một ban hợp ca lớn trình diễn 3 tác phẩm hợp ca của Lê Văn Khoa, bài đầu tiên là “I Shall Return” (Hẹn Một Ngày Về), đây là bài tôi mới thu thanh trong chuyến đi lần này. Bài hát có giai điệu hùng tráng. Họ thích vì hợp với tinh thần chống Nga của họ. Tôi sẽ nhờ chuyển ngữ qua tiếng Ukraine lời ca này. Người khác thì đề nghị trình diễn những bài dân ca Việt được viết cho Bandura. Cô Irina Starodub, Giáo Sư dương cầm của National Tchaikowsky Conservatory yêu cầu có bài nhạc cho piano của Lê Văn Khoa. Khi nghe tôi nói về những điểm dị và đồng của nhạc Á Đông đối với nhạc Tây Phương, họ rất thích thú, muốn hiểu biết thêm. Họ sẽ dàn xếp để mời tôi qua diễn thuyết trong trường họ. Buổi trình diễn thực hiện được hay không còn tùy nhiều yếu tố liên hệ, nhưng dự định một chương trình nhạc quốc tế ở nước ngoài có phần trình diễn tác phẩm của một nhạc sĩ Việt Nam, đủ làm nhiều người Việt vui. Tôi tin trong tương lai nét dân nhạc Việt sẽ được thấp thoáng trong tác phẩm của người viết nhạc không phải Việt Nam.”

                               Giáo sư Lê Văn Khoa và Tiến sĩ Dutchak Violetta (Hình Lê Minh Khải)

Kể thêm về những điều mà ông rất cảm động trong chuyến đi qua Kyiv vừa rồi, Giáo sư Lê Văn Khoa cho biết:
“Trên đường về Giáo Sư Irina Starodub ân cần nhắn nhủ tôi, “Ông nhớ giữ gìn sức khỏe và viết thêm nhạc piano. Tôi rất yêu nhạc của ông.” Lời nói của cô giống như ý của bà Nhạc Trưởng đã nói với tôi hai hôm trước, khi tôi cho bà biết chuyến đi thu thanh này là chuyến đi cuối cùng của tôi. Bà nói với giọng êm ái, “Ông đừng nói lần cuối. Nhớ nghỉ ngơi đầy đủ và tiếp tục viết nhạc. Rồi chờ xem việc gì sẽ xảy ra.”

Giáo sư Lê Văn Khoa nói chuyến đi Ukraine vừa rồi mặc dầu ông đã có ý nghĩ đây là chuyến đi cuối cùng, “Nhưng dường như chuyến đi Ukraine này chưa phải là chuyến đi cuối cùng, vì đang có những chuyển động ngầm để kéo tôi trở lại phần đất này. Giáo Sư Tiến Sĩ Taras Myronyuk nói lớn với tôi trong phiên họp, “Bản thân ông có hai phần, một Việt, một Ukraine. Dĩ nhiên tâm hồn ông thuộc về Việt Nam.”

“Lời nói của ông làm tôi suy nghĩ. Năm 1933 tôi chào đời. Năm 1933 có gần 10 triệu người Ukraine bị chết đói bởi Stalin. Hai sự kiện này có liên hệ ít nhiều gì với nhau nhau không? Thế giới có cả triệu nhạc sĩ tại sao tôi được kể là người đầu tiên đem hai nguồn văn hóa Việt và Ukraine đến với nhau qua âm nhạc đặc thù của mỗi bên? Đó là lời phát biểu của Giáo sư Violetta năm 2007 khi nghe Kateryna thố lộ trong buổi hạch miệng Luận Án Tiến Sĩ của cô là cô đã trình tấu Dân Ca Việt Nam bằng đàn Bandura. Trong cả triệu nhạc sĩ sáng tác trên thế giới tại sao tôi được ghi nhận là một trong ba nhạc sĩ viết nhạc cho đàn dân tộc của Ukraine là Bandura độc tấu với dàn nhạc giao hưởng Tây Phương? Tại sao tôi chưa viết nhạc cho nhạc cụ của một dân tộc nào khác?

“Tôi không trả lời được các câu hỏi trên!
“Riêng tôi, tôi chỉ có niềm kiêu hãnh về dân tộc Việt và mong muốn góp một phần nhỏ trong việc đưa văn hóa Việt ra khỏi biên cương Việt Nam. Đồng thời hy vọng được mở lối cho thế hệ tương lai đi xa hơn để gieo nhạc Việt ra khắp thế giới.”
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT