Đạo và Đời

Một câu chuyện mẹ đồng trinh trong đạo Phật

Wednesday, 25/12/2019 - 03:35:04

Lúc ấy đại sư Đạo Tín chợt nhận ra cậu bé này chính là ông đạo sĩ Tài Tùng năm xưa, nên mới có sẵn căn cơ tu Phật như vậy, mai sau có thể phổ truyền Phật Đạo. Thế là thiền sư liền nhìn qua người mẹ, hỏi bà có chấp thuận cho con trai được xuất gia tu hành.


(Photo: Pexels)

Bài ĐỒNG PHÚC

Thuở xưa, hồi đầu thế kỷ thứ bảy, tức là khoảng 1,400 năm trước, tại một ngôi làng nọ ở huyện Hoàng Mai, Châu Kỳ (nay là tỉnh Hồ Bắc) có một người mẹ dắt con trai đi ăn xin. Người mẹ còn trẻ tuổi, ăn mặc lam lũ, tay chân thô kệch vì lao động nhiều năm. Còn đứa bé khoảng sáu, bảy tuổi, tuy áo quần cũng rách tươm như mẹ, nhưng lạ kỳ là bé có một khuôn mặt rạng rỡ, da dẽ xinh tươi, ánh mắt thông minh. Vừa dắt con, người mẹ vừa cố gắng không nghĩ tới một tương lai mờ mịt của đứa bé mà bà đã hạ sanh trong một hoàn cảnh bất thường.
Đứa bé ấy chính là thiền sư Hoằng Nhẫn (Hongren hay Hung Ren), vị tổ sư thiền thứ 32 tính từ thời Đức Phật Thích Ca truyền tâm ấn cho sơ tổ Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa) và cũng là vị tổ thứ năm của Thiền Tông Trung Hoa. Cuộc đời của ngài Hoằng Nhẫn không chỉ khởi đầu trong cảnh hàn vi, nghèo khó mà còn vắng bóng một người cha. Đúng hơn là ngài không có cha. Mẹ của ngài là một phụ nữ đồng trinh sanh con mà không cần một người nam.
Mỗi mùa Giáng Sinh, chúng ta được nghe lại câu chuyện nhiệm mầu về Chúa Giêsu chào đời trong một hoàn cảnh khác thường. Ngài là con của Đức Mẹ Maria, một phụ nữ đồng trinh được thụ thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Bà Maria đã hạ sanh Chúa Hài Đồng trong thời gian đính hôn với ông Giuse (Joseph), chưa chính thức là vợ chồng. Sau ông Giuse được vinh danh là Thánh vì ông đã bày tỏ tấm lòng cao thượng dành cho Mẹ Maria và đón nhận Chúa Giêsu như một người con hợp pháp trong xã hội.
Còn về trường hợp ngài Hoằng Nhẫn (602 - 675 dương lịch), vị Ngũ Tổ Thiền Tông, từ ngày mang thai ngài trong bụng, mẹ của ngài họ Châu đã phải sống một cuộc đời đầy nhẫn nhục, khổ hạnh mà vốn đã cơ cực trước khi bà có con. Câu chuyện chào đời của ngài Hoằng Nhẫn cũng là một cách nhìn về sự sinh tử luân hồi, cho thấy cái chết về thân mạng không là sự kết thúc vĩnh viễn của một mạng sống. Nghiệp lực là nguyên nhân đưa đến sự tái sanh từ đời này qua đời khác.
Những câu chuyện được ghi chép về ngài Hoằng Nhẫn kể rằng ngài vốn là một đạo sĩ tên là Tài Tùng, làm nghề trồng cây tùng nên có tên như vậy, thường ẩn dật ở trên đỉnh núi Phá Đầu. Một lần kia, đạo sĩ khi ấy đã tám mươi tuổi có chuyện xuống núi và được dịp gặp ngài Đạo Tín, tức là vị Tứ Tổ Thiền Tông.
Đạo sĩ hỏi Tổ Đạo Tín, “Tôi cả đời này không còn mưu cầu điều gì hết, chỉ một lòng hướng Phật. Tôi tuy có tu hành nhưng chưa biết tới đại đạo của thiền. Vậy ngài có thể chỉ dạy, thuyết giảng cho tôi nghe được không?”
Tứ Tổ Đạo Tín trả lời, “Tôi thấy tuổi của ông cũng đã già rồi, cho dù ông có thể nghe đạo, chỉ e ông cũng không có đủ thời gian mà phổ biến nó với chúng sinh, thế thì thuyết giảng cho ông có ích lợi gì đâu.”
Rồi ngài Đạo Tín nói thêm câu này, đưa đến câu chuyện tái sanh của đạo sĩ Tài Tùng. Ngài Đạo Tín nói, “Nếu kiếp sau ông đầu thai đến đây thì tôi sẽ chờ ông.”
Lời thử thách đó đã khiến vị đạo sĩ hạ quyết tâm muốn được nghe Tứ Tổ giảng đạo. Ông muốn tái sanh để có cơ hội được học đạo với Tổ Đạo Tín.
Trên đường về núi Phá Đầu, lúc đi đến bờ sông, đạo sĩ Tài Tùng nhìn thấy một cô gái đang giặt quần áo. Với ý niệm được tái sanh, ông liền vái chào và hỏi cô gái, “Không biết thí chủ có thể cho tôi tá túc ở nhà thí chủ được không?”
Cô gái đáp, “Tôi còn cha mẹ, ông có thể đến nhà hỏi cha mẹ tôi.”
Vị đạo sĩ hỏi tiếp, “Nhưng riêng cô có bằng lòng không.”
Cô gái gật đầu bằng lòng. Đạo sĩ vui mừng, về núi Phá Đầu và ngồi thiền cho đến khi viên tịch, tâm luôn hướng về việc tái sanh để được học đạo với ngài Đạo Tín.
Sau ngày đạo sĩ viên tịch, cô gái bỗng nhiên có thai. Cha mẹ cô vô cùng bối rối, hổ thẹn với làng xóm, ra sức tra hỏi cô xem chuyện gì đã xảy ra. Cô gái không nói được rõ ràng sự tình, vì thật sự cũng không hiểu tại sao mình đã mang thai, đâu có chung chạ với ai đâu. Thế rồi cô bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà, vì gia đình không muốn bị ô nhục bởi con gái chửa hoang.
Không còn nương nhờ được vào ai, cô gái đành rời bỏ quê hương, đi xa làm việc dệt vải và lao công lặt vặt để kiếm sống, cùng lúc dưỡng thai và chịu đựng những lời gièm pha của thiên hạ.
Đến hết thời kỳ chín tháng, cô gái sanh một bé trai kháu khỉnh. Nhưng đứa trẻ này vô cùng kỳ lạ, có sự tinh anh như một người lớn, khác hẳn với những đứa trẻ khác. Cô sợ hãi, cho rằng đây là một điềm gỡ, đành đoạn đi đến quyết định bỏ con.
Một đêm kia cô mang đứa bé bỏ xuống sông. Nhưng rồi người mẹ nghĩ lại thấy thương đứa bé vô cùng, sốt ruột nên sáng hôm sau lại ra sông xem xét. Không ngờ, đứa bé ấy không những không bị chết đuối mà toàn thân không bị ướt, được trôi vào bờ mà trên thân thể hoàn toàn sạch sẽ, mũm mĩm đáng yêu vô cùng. Người mẹ liền ôm lấy đứa bé, biết rằng số phận của nó còn tùy thuộc vào mình. Từ đó cô dốc lòng nuôi dưỡng con, dù tình trạng đời sống của hai mẹ con mỗi ngày một ngặt nghèo hơn, lang thang không nơi nương tựa.
Thời gian trôi qua, khi đứa trẻ lớn hơn một chút thì hai mẹ con phải đi ăn xin để kiếm sống qua ngày. Từ quê cho đến chợ, người ta đều gọi cậu bé là đứa trẻ không cha, không có họ.
Một ngày kia, hai mẹ con gặp một vị trưởng giả có học vấn uyên thâm về đạo Phật. Vị trưởng giả thấy dáng dấp khác thường của cậu bé thì nói, “Phật có ba-mươi hai tướng tốt. Đứa trẻ này chỉ còn thiếu bảy loại tướng trong ba-mươi hai tướng của Như Lai, cho nên không bằng được Như Lai. Nhưng nếu so với người thường thì thật hơn không biết đến mấy ngàn lần.”
Nghe vậy, người mẹ nghĩ con mình có duyên với đạo Phật. Một hôm, cái hôm mà người mẹ lo lắng trước tương lai mờ mịt, bữa đói bữa no của hai mẹ con, thì họ tình cờ gặp Tứ Tổ Đạo Tín ở giữa đường. Lúc đó vị thiền sư có việc đi qua huyện Hoàng Mai. Ngài thấy cậu bé chừng bảy tuổi có tướng cốt xuất sắc hiếm thấy, không giống những đứa trẻ bình thường khác, liền hỏi, “Này cậu bé! Con họ gì?”
Cậu bé trả lời, “Họ thì có, nhưng không phải họ bình thường.”
Đại sư Đạo Tín hỏi lại, “Là họ gì?”
Cậu bé lớn tiếng trả lời, “Họ Phật.”
Đại sư Đạo Tín vô cùng kinh ngạc, thầm khen ngợi, “Đứa trẻ này thật là thông minh, nhanh nhẹn, giỏi biện luận. Đứa trẻ không nói ra họ của mình, chắc chắn là có nỗi khổ gì đó.”
Thế là ông lại hỏi, “Chẳng lẽ, con không có họ sao?”
Cậu bé vẫn ung dung đối đáp, “Họ vốn cũng chỉ là thứ hư ảo, không có ý nghĩa gì thực sự cả. Cho nên, con không có họ.”
Lúc ấy đại sư Đạo Tín chợt nhận ra cậu bé này chính là ông đạo sĩ Tài Tùng năm xưa, nên mới có sẵn căn cơ tu Phật như vậy, mai sau có thể phổ truyền Phật Đạo. Thế là thiền sư liền nhìn qua người mẹ, hỏi bà có chấp thuận cho con trai được xuất gia tu hành.
Mẹ của cậu bé lập tức đồng ý không một chút do dự. Bà mong con được nhà chùa chăm nuôi, có nơi nương tựa, không phải đi ăn xin như mẹ. Vả lại, bà cũng ước nguyện con dùng trí thông minh cứu giúp đời. Nhìn vị tổ, bà nói, “Con xin cúng dường đứa bé này cho Tam Bảo.” Rồi nhìn xuống đứa con lần cuối, bà nói “Con hãy đi theo Sư Phụ đây.”
Từ đó cậu bé theo ngài Đạo Tín tu hành, được dạy cho học giáo pháp. Vốn sẵn thông minh hơn người nên về sau trở thành môn đệ giỏi nhất, được ngài Đạo Tín truyền y bát nối tiếp làm Tổ đời thứ năm. Ngài được sư phụ đặt tên là Hoằng Nhẫn nhằm gợi nhắc sự nhẫn nhục nuôi con của mẹ trước sự gièm pha của người đời, cũng như sự kiên nhẫn của thầy chờ đến ngày hội ngộ đệ tử ở kiếp sau.
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thường hóa đạo tại Chùa Đông Thiền, huyện Hoàng Mai, nơi mà nhiều năm sau ngài truyền lại y bát cho Lục Tổ Huệ Năng.
Câu chuyện phóng tác về ngài Hoằng Nhẫn nói đến sự tái sanh do nghiệp lực, cũng gợi nhắc sự quyết tâm tu hành từ đời này qua đời sau để thành Phật mà bất cứ ai cũng có thể làm được, như Phật đã chỉ dạy khi nói, “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.”
Nguyện cho câu chuyện trên đây giúp cho ý chí tu hành của bạn được vững bền, không còn bị vướng mắc để đạt được giải thoát viên mãn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT