Hôm Nay Ăn Gì

Món gỏi trộn tai mui miếng

Monday, 06/12/2021 - 06:59:46

Người miền Bắc gọi món trộn, còn miền Nam gọi là gỏi, nhưng cũng có nhiều thứ,...


(Đặng Tiến)


Bài TOM

Người miền Bắc gọi món trộn, còn miền Nam gọi là gỏi, nhưng cũng có nhiều thứ, cả Bắc, Trung, Nam cùng dùng chung một tên, ví dụ như mít trộn, chẳng có ai miền Nam gọi gỏi mít cả, hoặc món gỏi vịt, cả miền Nam và miền Bắc đều gọi gỏi vịt chứ chẳng có anh miền Bắc nào gọi là vịt trộn cả. Nói như vậy để thấy thực ra, tự sâu thẳm, Nam và Bắc chỉ là một, ẩm thức phát biểu căn tính và cội nguồn, người Việt không thể có căn tính ẩm thực Mỹ, người Hòa Lan không thể có căn tính ẩm thực Nhật, người Bắc và Nam có chung căn tính ẩm thực, có khác chăng là qua thời gian, qua thay đổi chính trị và lịch sử, những tác động từ bên ngoài làm thay đổi, nhưng bản chất thì vẫn vậy.

Tự dưng nói món gỏi, món trộn mà lại lan man cho lắm vào không khéo bị ghét, mà nói về món ăn mà bị ghét thì xem như thất bại, hỏng cho cả người giới thiệu và người ăn, ghét thì người ăn cũng không ngon mà người giới thiệu cũng mất cả hứng thú. Nghiệt nỗi, người Việt, khái niệm Nam - Bắc còn rất đậm trong phân biệt văn hóa. Đôi khi tôi thèm, tôi ước mơ, tôi khao khát giá như mọi thứ phân biệt ấy được xóa nhòa, người ta ngồi lại với nhau, uống chén rượu nhạt, ăn miếng trầu truyền thống ông bà và cùng cay mắt nhìn về đau khổ của quá khứ. Có người Việt nào quá khứ không đau? Có người Việt nào chưa từng mất mát? Có người Việt nào chưa từng khổ đau? Nhưng rồi những thứ chủ nghĩa xa lạ cứ chặn ngang cuộc đời, nó cũng giống như có một con cóc nhảy vào đĩa thức ăn, mọi thứ trên mâm trở nên lộn xộn và không còn dùng được!

Thôi thì tôi nhớ tới món gỏi trộn mà miền Bắc gọi là món trộn. Hồi đó, những năm 1990 thế kỷ trước, Sài Gòn có phát triển nhưng chưa phì đại như bây giờ, chưa có internet, chưa có những chiếc đĩa CD, DVD chứa một dung lượng lớn phim ảnh như bây giờ, người ta xem video bằng đầu máy và băng. Những cửa hàng cho thuê băng video tràn ngập Sài Gòn, đặc biệt ở các chung cư, dường như mỗi lô đều có một cửa hàng cho thuê. Nhưng cũng thời đó, người nào có máu mặt thì cho thuê băng video rất đắt, vì sao? Vì có người làm trong Fafilm Việt Nam ở Sài Gòn tiết lộ thông tin, ví dụ như bữa nay chuẩn bị có phim Bao Công, thì các cửa hàng có máu mặt sẽ có băng gốc trước để đánh hàng loạt băng ra cho thuê trước. Sài Gòn cạnh tranh nhau từng giây.


(Đặng Tiến)

Hồi đó tôi bỏ học lần thứ nhất (đời tôi bỏ học ba lần, lần cuối bỏ học cho tới bây giờ, chắc không học lại nữa đâu!), tôi đi làm thuê cho một tiệm video ở cư xá Thanh Đa, Bình Thạnh, Sài Gòn. Công việc của tôi là đánh băng và đi đòi băng. Đánh băng tức ngồi vào một căn phòng bí mật, ông chủ đưa cho cái băng gốc (mà ông có được sớm nhờ quan hệ bên Fafilm), tôi ngồi trong đó, đánh (sang) ra thành mấy chục bản, sau đó bí mật mang ra tiệm. Đương nhiên là cơ quan văn hóa và chủ tiệm nhẵn mặt nhau rồi, nên mọi thứ làm vừa kín đáo mà cũng vừa công khai. Nghĩa là Fafilm chỉ mới có quyết định cho chiếu thì ngoài tiệm đã có bảng quảng cáo và cho thuê, nếu khách tới thì cho thuê, nhân viên văn hóa tới thì nói “em đoán vậy nên giới thiệu thôi chứ đâu có phim mà cho thuê…!” Mọi thứ coi như xong. Đòi băng, nói cho nghe có vẻ gấu chứ thực ra là đi gõ cửa từng nhà, lấy lại băng cũ, để về đánh phim mới.

Làm được gần năm thì tôi nghỉ, cái bữa nghỉ việc vừa buồn vừa vui ấy, lại liên quan tới dĩa gỏi Bắc (tức món trộn có bún tàu mà anh Đặng Tiến sẽ giới thiệu ở phần cuối bài). Tôi nhớ một cô bé tên Nghi, ở trên tầng ba, cô hay chạy xuống nhờ tôi bảo lãnh với chủ tiệm để cô thuê băng, hồi đó thuê băng phải thế chứng minh nhân dân, mà cô bé còn nhỏ, chưa có giấy chứng minh, cô thuê chủ yếu phim hoạt họa Tom và Jery, phim Bao Công nữa. Riêng cô bé này tôi từng tới nhà để “đòi băng” nên tin tưởng, cho thuê nguyên bộ, lấy tiền theo giá thiếu nhi, tức lấy chừng 30% giá cho thuê. Có tôi bảo lãnh, bé Nghi tha hồ mà thuê, vài ba bộ về để đó coi dần, tính con nít mà, cứ thấy nhiều là ham, còn tôi không có em nên thấy mình rất chi là anh cả, oai hùng. Cho đến một bữa. Qua trưa rồi, bé Nghi mặt buồn xo, mắt sưng húp vì khóc, chạy xuống nói, “Anh ơi, cho em đền bằng cái này nha anh, em không có băng để trả anh đâu!”

Nói xong cô đưa cho tôi một hộp chứa thức ăn rồi chạy lên lầu. Chờ lúc vắng khách, tôi mở ra xem, thấy món gỏi trộn tai heo với bún tàu. Tôi đậy lại, mang lên nhà thì thấy nhà khóa cửa, băng đĩa, chén bát vỡ lăn lóc. Hỏi nhà bên cạnh, mới biết mẹ của cô bé quyết định chuyển nhà, vì người vợ mới của ba bé Nghi tới quậy hai mẹ con Nghi, cho rằng ông chồng hay tới lui chỗ này. Vậy là gia đình dọn đi. Tôi mang hộp thức ăn về, cố gắng ăn hết những cọng bún cuối cùng, như một hành động cảm thông và bày tỏ sự xót thương của mình với cô bé. Lần đó chủ tiệm trừ tháng lương của tôi và mắng tôi một trận vì tội “ngu gái.” Trời ạ, ngu gái gì với một cô bé chưa đầy mười hai tuổi, coi phim hoạt hình?! Tôi thấy mình bị xúc phạm quá nặng nên nghỉ việc, về quê, đi học lại.


(Đặng Tiến)

Cái món gỏi trộn tai heo với bún tàu, từ đó tôi cũng không bao giờ ăn nữa, mỗi khi nhìn thấy, tôi lại nhớ tới bé Nghi, không biết rồi cuộc đời cô bé ấy trôi dạt về đâu giữa Sài Gòn, tự dưng tôi nhớ tới cô bé như một đứa em mà mình yêu mến. Rồi tình cờ, tại anh Đặng Tiến mà tôi nhớ tới món này. Đây là cách làm theo giới thiệu của nghệ sĩ Đặng Tiến:

“1. Nguyên liệu: Tai lợn loại ngon chừng 2 lạng. Giá đỗ xanh chừng chừng 1 lạng. Miến ngon chừng 1 lạng. Hành tây một củ nhỏ. Lạc rang trầy vỏ. Gia vị: Mùi tầu, nước cốt chanh (có thể thay bằng giấm) tùy khẩu vị, nước mắm cá ngon truyền thống chừng 2 thìa canh, ớt bột Hàn Quốc đủ dùng, bột nêm tùy khẩu vị.

“2. Thực hiện:

“Tai heo luộc chín nhưng đừng nhừ tử mà phải làm sao không sống mà vẫn … ròn khi ăn! Luộc xong cho ngay vô nước lạnh (tất nhiên là phải sạch) ngâm một lát cho nguội rồi vớt ra thái mỏng. Miến ngâm nước nóng già cho mềm rồi xắt ngắn vừa phải. Hành tây thái mòng vừa phải. Giá đỗ rửa sạch. Hành tây và giá đỗ trần qua nước nóng già. Mùi tầu thái chỉ.

“Trộn đều thịt heo, giá đỗ, miến, các gia vị và lạc rang, trước khi ăn chừng 10 phút cho nó kịp hòa quện mùi vị!”

Kính chúc quí vị có một bữa ăn ngon miệng và thú vị!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT