Văn Nghệ

Mời dự triển lãm tranh "Mầu Phố Cũ"

Friday, 01/09/2017 - 09:21:28

Anh Lương Trường Thọ thì chiều dài về sáng tác hội họa cũng lâu rồi, vừa qua anh có triển lãm 50 năm cầm cọ tại vùng Little Saigon.Tranh của anh rất đặc biệt, hầu hết là tranh theo trường phái trừu tượng và bán trừu tượng.


Thiệp mời triển lãm Mầu Phố Cũ

Bài BĂNG HUYỀN

Có khi chỉ là những mộng mị của tâm tưởng muốn níu giữ những vẻ đẹp đã mất, đã phai nhòa theo thời gian. Nhưng cũng có lúc nó hiện lên vừa rõ ràng, vừa mơ hồ với nỗi nhớ mong khắc khoải, da diết, đầy ám ảnh. Với nhiều phong cách thể hiện, nhiều góc nhìn khác nhau, tám họa sĩ đã vẽ nên một quê hương Việt Nam đa dạng về cảnh sắc và con người, những khoảnh khắc, nhịp điệu riêng của cuộc sống. 


Đây là những điều mà những người yêu mỹ thuật sẽ tìm thấy tại triển lãm hội họa mang tên “Mầu Phố Cũ” của nhóm tám họa sĩ là bạn bè thân hữu của nhau. Gồm họa sĩ Ái Lan, Dương Ngọc Sum, Lương Trường Thọ, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Xuân Trung, Phan Chánh Khánh, Trương Đình Uyên, và Võ Hy.

Triển lãm “Mầu Phố Cũ” sẽ diễn ra bốn ngày, từ thứ Sáu, 15 tháng 9, tới thứ Hai, ngày 18 tháng 9, tại Việt Báo Gallery.




Ý nghĩa chủ đề triển lãm

Chia sẻ về tên triển lãm, họa sĩ Trương Đình Uyên nói, “Thật ra ban đầu chúng tôi dự tính sẽ triển lãm những tác phẩm về cố đô Huế, vì trong nhóm có 5 người là gốc Huế (gồm anh Võ Hy, anh Dương Ngọc Sum, anh Phan Chánh Khánh, Trương Đình Uyên và Ái Lan), nhưng sau đó thấy có 3 người không gốc Huế (Anh Lương Trường Thọ gốc miền Trung, ở Khánh Hòa- Nha Trang, anh Nguyễn Xuân Trung gốc miền Bắc, còn anh Nguyễn Văn Bảy thì gốc miền Nam), nên chuyển thành “Mầu Phố Cũ”, để gợi những hoài niệm về thành phố cũ khắp nơi trên đất nước Việt Nam.

Tên tiếng Anh của triển lãm là Nostalgia, nghĩa là hoài niệm về một điều gì đó trong quá khứ, hoài niệm về quê hương của mình. Bên cạnh đó còn có một số tranh về thảm trạng môi sinh đang bị diệt chủng tại quê hương mình, những trăn trở khi thấy Formosa thải chất độc, hại môi trường, làm cho người dân miền Trung khốn đốn.”

Họa sĩ Trương Đình Uyên cho biết, “ Hồi đầu năm 2017, trong không khí bạn hữu, khi những bạn bè này ngồi chung lại tại studio của vợ chồng tôi đển hàn huyên, tôi đề nghị mấy anh em họa sĩ, có người từng triển lãm, có người học vẽ tại Mỹ cũng như tại Việt Nam nhưng chưa có cơ duyên triển lãm tại quận Cam, hãy cùng làm một triển lãm nhỏ nhưng quy mô, phải có chọn lọc một tí. tôi nhận thấy vài năm nay tại quận Cam chưa có nhóm họa sĩ triển lãm chung có tính cách quy mô. Đa số chỉ là những triển lãm nhỏ, từng cá nhân hoặc triển lãm có quá nhiều họa sĩ tham gia, khiến không gian triển lãm bị loãng. Do đó triển lãm lần này chúng tôi gồm 8 họa sĩ có sự chọn lọc, vì 8 họa sĩ chúng tôi đều có tác phẩm giá trị. Tôi chỉ là người kêu gọi thôi, còn tất cả các họa sĩ mỗi người đều góp một tay, giữ trách nhiệm riêng để thực hiện triển lãm lần này, như thiết kế brochure, panel… mời các vị dân cử, tiếp tân… Chúng tôi đã chuẩn bị cho triển lãm này từ đầu năm nay, chọn mùa Thu vì muốn khi đó tiết trời bớt nóng, và cũng có thì giờ cho các họa sĩ chuẩn bị.”
Anh bày tỏ, “Tôi rất hài lòng về cuộc triển lãm lần này. Từ trước nay tôi tham gia nhiều cuộc triển lãm, nhưng vai trò của mình trong những cuộc triển lãm hoàn toàn thụ động, phụ thuộc vào nhóm, cho nên sự tổ chức nhiều khi không hài lòng về cách thức treo tranh… Nhưng kỳ này tôi rất hài lòng, địa điểm triển lãm chúng tôi chọn Hội trường Việt Báo vì có không gian đẹp như một Gallery art, khi bước chân vào, làm cho mình thích thú hơn, ánh sáng cũng thích hợp để xem tranh. Mọi thành viên đều đồng ý triển lãm kéo dài bốn ngày, thay vì chỉ hai hay ba ngày như mấy triển lãm trước đó. Ngoài ra chúng tôi còn thực hiện brochure khoảng 20 trang, khổ giấy bằng nửa trang giấy học trò, trong đó liệt kê tiểu sử từng tác giả, và những tác phẩm tranh vẽ tiêu biểu của từng họa sĩ, được in ấn màu đẹp mắt và đóng bìa công phu. Chúng tôi in khoảng 1000 brochure như vậy, khán giả đến xem tranh có thể giữ brochure làm kỷ niệm. Đây cũng là mong muốn đánh dấu sự khởi sắc trong triển lãm lần này.”


Vài nét giới thiệu về họa sĩ Trương Đình Uyên

Nét hấp dẫn của triển lãm

Theo họa sĩ Trương Đình Uyên, triển lãm “Mầu Phố Cũ” có nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau, hội họa thì có nhiều chất liệu như sơn dầu, acrylic, pastel (hay còn gọi là phấn tiên, là một loại phấn màu), tranh tổng hợp mix media, tranh cắt dán… Không chỉ dồi dào về chất liệu, là triển lãm của tám họa sĩ nên có nhiều phong cách khác nhau, là vì tổng hợp được khá nhiều loại hình nghệ thuật và phong cách biểu hiện rất đặc biệt gồm tranh trừu tượng, phản trừu tượng, ấn tượng, biểu hiện.

Khổ tranh thì có tranh lớn, tranh nhỏ. Mỗi họa sĩ mang khoảng sáu tác phẩm gồm cả tranh lớn, tranh nhỏ. Tranh lớn sẽ treo trên tường, tranh khổ nhỏ thì ban tổ chức dựng bức hoành phi ngay giữa hội trường để treo lên. Triển lãm còn có cả tượng điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Xuân Trung và họa sĩ Trương Đình Uyên.
Với chủ đề của triển lãm, và tài năng qua từng tác phẩm của tám họa sĩ, hứa hẹn khi đến với triển lãm, người xem tranh có thể thấy mình qua từng tác phẩm, nhớ đến những kỷ niệm xưa cũ mà quen thuộc nhưng cũng đầy ám ảnh. Các tác phẩm của tám họa sĩ, mỗi người một vẻ, không chỉ óng ả bề mặt, mượt mà, mà còn là những hòa sắc, những mảng khối và đường nét đem đến xúc cảm thẩm mỹ tinh tế cho người thưởng ngoạn, và có cả những thô ráp, dữ dội như gợi nhắc về một quá khứ vụn vỡ, đôi lúc như mơ hồ, ảo ảnh mà cũng thật ám ảnh về Việt Nam, đất nước nơi mà cả 8 họa sĩ đã sinh ra, đồng thời cũng là mảnh đất đã tạo cho họ nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào. Và càng đi sâu khai thác, họ càng thấy mênh mông, vô tận.

Giới thiệu tám họa sĩ

Giúp người xem tranh hiểu hơn một chút về từng họa sĩ trong triển lãm “Mầu Phố Cũ”, họa sĩ Trương Đình Uyên giới thiệu, “Tôi tốt nghiệp cử nhân Mỹ Thuật tại Oklahoma, Hoa Kỳ năm 1986. Hiện vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu về sáng tác mỹ thuật. Hiện cư ngụ tại quận Cam. Tôi có triển lãm nhiều trong cộng đồng Mỹ và cộng đồng Việt Nam, ngày trước tôi vẽ tranh sơn dầu nhưng sau này tôi chuyển sang vẽ màu acrylic. Tôi thuộc trường phái hậu ấn tượng và biểu hiện. Qua tranh, tôi muốn nói lên vấn đề gì đó mà mình ưu tư, băn khoăn về cuộc đời, lý giải qua nhãn quan mình về cuộc sống… Tôi mang đến triển lãm lần này tranh pastel và acrylic, các đề tài trong tranh có hoài niệm về quê hương,về cuộc sống, tình yêu và thảm họa môi trường.”

Họa sĩ Trương Đình Uyên cho biết bức tranh mà anh rất ưng ý khi đem đến triển lãm lần này, được anh đặt tựa là “Cá Chết Nổi Lên Tôi Chìm Xuống”, tôi chìm xuống đây là chìm xuống nổi buồn của mình, khi nhìn thấy quê hương gặp thảm họa môi trường do Formosa gây ra quá xót xa, với những tai biến xảy đến cư dân miền Trung, đã vốn rất nghèo khổ. Bức tranh này anh vẽ màu acrylic, khổ nhỏ khoảng 24 x 32, được anh vẽ rất nhanh trong một cảm xúc mạnh mẽ.

Họa sĩ Trương Đình Uyên mô tả, “Tôi vẽ hình ảnh người đàn bà đầu bị chìm xuống dưới nước, một luồng nước đen từ ống thải, thải ra khiến đàn cá bị chết bức tử, những cái mang đều rỉ máu,vẫy chọi và bung lên mặt nước, tạo nên hình ảnh mạnh về nội dung và hình thức. Phía dưới nước là những mảng rong biển bị chết. Tranh này tôi chỉ dùng tông màu xám, màu sắc rất lạnh và buồn, nhưng lại có hình ảnh trăng lưỡi liềm màu đỏ nằm dưới nước. Trăng liềm màu đỏ là hình ảnh rất dễ sợ, theo văn hóa nhân loại trăng máu (blood moon) là điềm báo trước điềm xấu, tôi vẽ trăng liềm màu đỏ nhúng chìm ngay góc bức tranh, ngay gần ống xả luồng nước đen, gián tiếp nói lên sự lo lắng điều xấu sẽ xảy ra trong tương lai trên quê hương mình. Hình trăng liềm đó với tôi, nó còn là hình ảnh lưỡi gặt trên cờ đảng cộng sản. Thật ra về hội họa mà nói ra hết thì rất thô thiển, nhưng không nói thì nhiều khi người xem không hiểu được những ẩn ý của mình.”

Nói về bút pháp và tranh vẽ của họa sĩ Ái Lan, vừa là đồng nghiệp và cũng là người bạn đời, hiền thê của mình, họa sĩ Trương Đình Uyên giới thiệu, “Tranh của Ái Lan có lỗi vẽ rất mượt mà, cô ứng dụng lối vẽ tranh lụa của truyền thống vào tranh sơn dầu. Ái Lan có năng khiếu rất đặc biệt, lối sử dụng cây cọ và màu sắc hài hòa, tạo độ bóng mượt. Khi vẽ tôi thường chú ý rõ đường cọ đi trên tranh, còn Ái Lan thì hoàn toàn không thấy đường đi của cây cọ, hình ảnh được Ái Lan chắt lọc rất mượt mà theo lối vẽ sơn dầu nhưng ứng dụng hiệu ứng của tranh lụa rất độc đáo. Ái Lan là họa sĩ khá nổi tiếng tại Việt Nam, có nhiều triển lãm thành công ở trong nước và nhiều nước trên thế giới, tranh Ái Lan có nhiều trong bộ sưu tập của các gallery ở HongKong, Đài Loan, Đại Hàn, Singapor… là những nơi Ái Lan từng đến triển lãm. Cá nhân tôi quen Ái Lan trong một triển lãm tranh do Hội Nữ Hoạ Sỹ Quốc tế (INWAC) tổ chức tại Oregon – Hoa Kỳ vào năm 2010 và sau đó chúng tôi thành hôn với nhau.”

Họa sĩ Trương Đình Uyên nói một trong những bức tranh của Ái Lan mà anh rất ngưỡng mộ là tranh về Mẹ, được Ái Lan vẽ lâu rồi, kỳ này chị mang đến triển lãm vì không gian rất nghệ thuật, nên không thể thiếu bức tranh này. Tranh vẽ người đàn bà ôm con, theo anh, tuy đề tài này từng được nhiều họa sĩ vẽ rồi, nhưng bố cục tranh này của Ái Lan là bức họa rất tài tình, là một trong những tác phẩm mà dưới mắt nhìn chuyên môn của anh, là bức thành công nhất của Ái Lan.

“Bức tranh này không chê vào chổ nào được cả, về bố cục cũng như màu sắc, kỹ thuật tạo hình. Hình ảnh người mẹ thuần Việt Nam và đứa con trên tay, những hoa lá chung quanh người mẹ đều được trừu tượng hết, khi nhìn vào sẽ thấy nổi lên hình ảnh người mẹ và đứa con là điểm nhấn, còn hình ảnh xung quanh đều được trừu tượng hóa hết, không định hình được gì cả, muốn nhấn mạnh tình mẹ che lấp hết hẳn tất cả những hình tượng gì được cho là đẹp đẽ nhất trên cuộc đời này. Thật ra họa sĩ vẽ tranh thì cũng phải bán ra, nhưng tôi luôn nhắc bà xã đừng bao giờ bán bức tranh này. Tranh này vẽ sơn dầu trên bố tổng hợp, tạo nên hiệu ứng 3 D, bức tranh nổi hẳn lên, nhìn rất thú vị, màu sắc rất mạnh, rất độc đáo.”

Ngoài hai vợ chồng mình, họa sĩ Trương Đình Uyên đã phác họa vài nét tiêu biểu của 6 họa sĩ góp mặt trong triển lãm “Mầu Phố Cũ”, anh giới thiệu, “Anh Dương Ngọc Sum đã tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở Huế từ 1967, anh tham gia trong Quân Lực VNCH, anh qua đây định cư diện H.O. Anh từng bỏ triển lãm tranh một thời gian dài do bận bịu mưu sinh và chăm lo gia đình, nay anh quay lại triển lãm nhờ cơ duyên gặp gỡ chúng tôi dịp đầu năm nay. Anh từng đậu thủ khoa Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, nhưng giờ anh đổi qua loại tranh cắt dán, và cũng là sở trường của anh. Lần này anh có mang tranh sơn dầu, nhưng còn có tranh cắt dán, là loại tranh tiêu biểu anh muốn giới thiệu trong triển lãm lần này.

Anh Lương Trường Thọ thì chiều dài về sáng tác hội họa cũng lâu rồi, vừa qua anh có triển lãm 50 năm cầm cọ tại vùng Little Saigon.Tranh của anh rất đặc biệt, hầu hết là tranh theo trường phái trừu tượng và bán trừu tượng.

Anh Nguyễn Văn Bảy là một trong những họa sĩ kỳ cựu nhất ở đây, nên trong triển lãm, bức poster lớn nói về cuộc triển lãm Mầu Phố Cũ treo trước khi vào phòng tranh, sử dụng bức tranh sơn dầu Ánh Sáng và Niềm Tin của anh Bảy. Vì đề tài bức tranh hay và cũng rất hợp với chủ đề chung của triển lãm. Tranh vẽ hình ảnh nhà thờ của Việt Nam, những giáo dân đến để cầu nguyện cho một đất nước hòa bình. Chúng tôi sử dụng tranh của anh Bảy làm bức tranh chính trên poster để vinh danh người đàn anh đã trên 80 tuổi vẫn còn vẽ. Ngoài ra anh Nguyễn Văn Bảy còn có bức tranh Nắm Đất Quê Hương Của Mẹ Đã Mất, nói lên nỗi lòng của anh về biển đảo quê hương bị chiếm và mất dần. Đây cũng là một bức tranh rất đặc biệt trong triển lãm.
Anh Nguyễn Xuân Trung là em trai của Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa, anh qua Mỹ từ năm 1973 đi du học, sau khi anh nghỉ hưu, anh từ San Fanxico về sống tại quận Cam khoảng một năm, anh Nghĩa là bạn thân trong gia đình tôi, đã giới thiệu anh Nguyễn Xuân Trung có vẽ tranh. Anh cũng là một người hiểu biết rất giỏi về nhạc Jazz và chơi guitar cổ điển rất hay. Tranh anh đem đến triển lãm lần này có sự trở về với những kỷ niệm thời niên thiếu, những nơi chốn cũ, những bài ca xưa vốn đã thúc đẩy anh sáng tạo nên những bức tranh đem đến triển lãm Mầu Phố Cũ.

Anh Phan Chánh Khánh cũng là một người anh mà tôi có duyên gặp 15 năm trước, lúc đó tôi có dạy một lớp vẽ cho một studio Mỹ ngay trong vùng quận Cam thì tình cờ gặp anh vào hỏi thăm, sau đó anh qua tiểu bang miền Đông làm việc, nên rất ít thời giờ để vẽ. Năm rồi anh nghỉ hưu, đã về lại sống tại quận Cam, rồi anh gặp lại tôi, tôi mời anh tham gia vào triển lãm lần này. Anh tốt nghiệp mỹ thuật năm 1971, chuyên về tranh lụa. Anh không vẽ nhiều, các tác phẩm của anh chịu ảnh hưởng tranh lụa và tranh sơn mài truyền thống Việt Nam, đặc biệt có 2 tác phẩm tiêu biểu của anh triển lãm lần này là Phủ Xưa Tôn Nữ và Lăng Vua Tự Đức.

Anh Võ Hy chưa bao giờ triển lãm và chưa bao giờ bước vào ngành hội họa, cách nay 7-8 năm, anh nghỉ hưu sau thời gian làm việc như một người đấu thầu về các công trình kiến trúc, xây dựng, anh bắt đầu bước vào hội họa và tự học, tự trau dồi nghề nghiệp. Suốt 7- 8 năm, anh dành thời gian cho hội họa và vẽ trên 100 bức tranh. Thấy lòng đam mê của anh, nên tôi có mời anh tham gia triển lãm lần này. Anh có 3 tác phẩm Mầm Sống, Chơi Vơi và Ký Ức đem đến triển lãm lần này.”

Mong ước đồng hương đến dự triển lãm “Mầu Phố Cũ” thật đông, vì đã được tám họa sĩ chuẩn bị rất chu đáo và tâm huyết. Chia sẻ nỗi niềm, họa sĩ Trương Đình Uyên tâm sự, “Người Việt Nam chúng ta tại đây xưa nay ít quan tâm đến mỹ thuật , có thể vì bận bịu mưu sinh chuyện cơm áo, nên ít quan tâm đến mỹ thuật. Tôi thấy họa sĩ Việt Nam dấn thân trong ngành mỹ thuật đòi hỏi nhiều sự hy sinh, mà sự đền bù thì không bao nhiêu. Tôi rất mong quý vị có thể sắp xếp thời giờ đến chia sẻ với cộng đồng chúng ta trong bộ môn hội họa, điêu khắc, môn nghệ thuật trong cộng đồng chúng ta tương đối ít chứ không phổ biến nhiều như các nước Tây phương… Những người theo đuổi hội họa và nghệ thuật, nhất người người gốc Việt phải hy sinh thời giờ rất lớn trong đời sống để làm nên tác phẩm mà nhiều khi sự hưởng ứng và đền bù thì không được bao nhiêu, đòi hỏi các họa sĩ niềm đam mê rất lớn.”


Tranh của họa sĩ Trương Đình Uyên

Theo họa sĩ Trương Đình Uyên, “Để trau dồi và có cơ hội thưởng lãm nghệ thuật, phải nói rằng không có gì sướng hơn, độc đáo hơn là trực tiếp tham gia vào cuộc triển lãm và nói chuyện với từng họa sĩ. Vì nếu nói rằng nghe một bản nhạc hay chỉ cần cảm xúc thôi, đọc một cuốn truyện chỉ cần cảm xúc thôi, nhưng mà hiểu một bức tranh thì rất nan giải. Là vì ngôn ngữ hội họa là một nghệ thuật không có tiếng nói, chỉ dùng màu sắc, độ sáng tối, độ mạnh, yếu và độ nóng, lạnh để biến thể những đường nét để diễn tả lên bức tranh. Nên hiểu được điều họa sĩ muốn nói trong tranh là một vấn đề nan giải. Điều hay nhất là để hiểu bức tranh là sống cùng thời với họa sĩ đó, có cơ duyên gặp gỡ nói chuyện với họa sĩ đó thì mình sẽ hiểu họa sĩ vẽ tranh với mục đích gì, chuyên chở điều gì, sẽ là điều rất thú vị. Công sức chuẩn bị cho triển lãm này rất công phu, đòi hỏi chúng tôi họp bàn bạc trong mấy tháng trời để mà kiến tạo cuộc triển lãm hy vọng nó thành công trong cộng đồng, không hề nghĩ tới vị lợi vì biết rằng bán một bức tranh rất khó khăn, nhưng vẫn làm vì là tiếng nói, tâm tư của mình. Hơn thế nữa tôi mong là bên cạnh chủ đề hoài niệm, mình là người Việt xa quê, thì điều trăn trở nhất của những người xa quê hương là nhớ về quê hương qua hình ảnh các bức tranh được thực hiện rất công phu của nhóm tám họa sĩ này. Ngoài hoài niệm về quê hương, còn có những bức tranh nói lên nỗi lòng những người phải xa quê mà phải thấy cảnh đất nước đang bị ô nhiễm, môi trường độc hại, những vấn đề rất hiện thực. Chúng tôi rất mong sự yểm trợ về tinh thần của quý vị, mong quý vị hãy đến để chung vui với chúng tôi.”

Triển lãm hội họa “Mầu Phố Cũ” bắt đầu mở cửa từ 9 giờ sáng thứ Sáu, ngày 15 tháng 9, tại Việt Báo, 14841 Moran Street, Westminster, CA 92683. Phòng tranh mở cửa từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối mỗi ngày. Lễ khai mạc, cắt băng khánh thành lúc 10 giờ sáng thứ Bảy. Bế mạc lúc 7 giờ tối thứ Hai, ngày 18 tháng 9, 2017. (bh)


Vài nét giới thiệu về họa sĩ Ái Lan, nữ họa sĩ duy nhất của triển lãm “Mầu Phố Cũ”


Tranh của họa sĩ Ái Lan


Vài nét giới thiệu về họa sĩ Dương Ngọc Sum


Tranh của họa sĩ Dương Ngọc Sum


Vài nét giới thiệu về họa sĩ Lương Trường Thọ


Tranh của họa sĩ Lương Trường Thọ


Vài nét giới thiệu về họa sĩ Nguyễn Văn Bảy


Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Bảy


Vài nét giới thiệu về họa sĩ Nguyễn Xuân Trung


Tranh của họa sĩ Nguyễn Xuân Trung


Vài nét giới thiệu về họa sĩ Phan Chánh Khánh


Tranh của họa sĩ Phan Chánh Khánh




Bài BĂNG HUYỀN
Những ai phải rời xa nơi “chôn nhau cắt rốn” và chọn xứ người làm nơi sinh sống, lập nghiệp, thì kí ức về quê hương, về nguồn cội, vẫn mãi luôn là điều thiêng liêng trong trái tim mỗi người. Tám họa sĩ, tám tính cách, tám nỗi niềm trăn trở, tám suy tư, nhưng đều xem mỹ thuật là phương tiện để tư duy và là lẽ sống. Họ đã gửi vào trong tranh, trong từng đường nét và màu sắc, vào tác phẩm điêu khắc những rung động của tâm hồn trước thiên nhiên, cuộc sống, con người, những khát vọng về cái đẹp và những hoài niệm về quê hương đầy trăn trở, ưu tư. 


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT