Văn Nghệ

Mời dự triển lãm "Tổng quan về Nghệ Thuật Việt Nam" tại Đại Học Cal State Fullerton

Friday, 29/06/2018 - 11:07:19

Họa sĩ Văn Mộch, và hai họa sĩ kiêm khoa học gia là họa sĩ Duyên Hà và họa sĩ Đỗ Lê Minh là ba trong những người lúc đầu lập ra Ủy ban Đặc nhiệm (ad hoc) Viet Art Group, vận động bạn bè tham gia triển lãm.

Bài BĂNG HUYỀN

Vào lúc 11 giờ sáng thứ Bảy, ngày 7 tháng 7 sắp tới, tại Salz-Pollak Atrium Gallery trong Paulina June & George Pollak Library, trường Đại học California State University, Fullerton (CSUF) (địa chỉ 800 N State College Blvd., Fullerton, CA 92834.) sẽ diễn ra lễ khai mạc của cuộc triển lãm “Vietnamese Art: An Overview” (Tổng Quan Về Nghệ Thuật Việt Nam) do nhóm Việt Art Group tổ chức. Triển lãm này sẽ kéo dài hơn hai tháng, từ thứ Bảy, ngày 7 tháng 7, cho tới Thứ Năm, ngày 27 tháng 9, 2018.
 

Hoa rừng, hình của Đỗ Lê Minh (Hình cung cấp)

Họa sĩ Văn Mộch, và hai họa sĩ kiêm khoa học gia là họa sĩ Duyên Hà và họa sĩ Đỗ Lê Minh là ba trong những người lúc đầu lập ra Ủy ban Đặc nhiệm (ad hoc) Viet Art Group, vận động bạn bè tham gia triển lãm.

Việt Art Group
 
Nhóm Viet Art Group mời được 12 họa sĩ và điêu khắc gia người Việt sống trong vùng Nam California và được một số họa sĩ và các nhà sưu tầm nghệ thuật cho mượn đồ cổ, tượng cổ, tranh dân gian và tranh thật của các danh họa Tạ Tỵ, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tú Duyên. Những tranh quý này rất ít khi triển lãm trước công chúng tại California nhưng sẽ được trưng bày trong lần triển lãm “Vietnamese Art: An Overview” vào tháng 7 sắp tới.
 

(Hình cung cấp)

Họa sĩ Duyên Hà nói, “Chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ. Sau khi chúng tôi bàn tính tất cả những công việc, chúng tôi dùng hệ thống phân nhiệm cho các thành viên từng người từng nhiệm vụ, không có việc phân quyền. Việt Art Group sẽ tự giải tán ngay tức khắc sau khi triển lãm này kết thúc. Sau này có thể có những anh em khác thực hiện những triển lãm khác, mong sẽ được các bạn trẻ tiếp nối mô hình mà chúng tôi đề ra như lần này. Việt Art Group đã hình thành ý tưởng triển lãm tranh tại trường đại học khoảng tháng 9năm 2017. Việt Art Group đã nộp đơn xin triển lãm tại trường đại học Cal State University, Fullerton và được chấp thuận vào dịp Giáng sinh năm ngoái dành cho Việt Art Group triển lãm từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2018. Vì trường đại học Cal State University,Fulerton gần vùng Little Saigon của cộng đồng gốc Việt nên ban tổ chức mong sẽ có đông người Việt đến xem triển lãm lần này.”

Chủ đề, nội dung triển lãm

Theo họa sĩ Văn Mộch, ban tổ chức nghĩ rằng chủ đề của triển lãm này quá bao quát, nên ban tổ chức không có tham vọng sẽ giới thiệu đầy đủ các tác phẩm trong chủ đề này. “Tuy nhiên đây là bước đầu tiên anh em muốn làm thử xem sao, thử xem cuộc triển lãm đặc biệt như thế này chúng tôi vận động mượn tác phẩm quý từ những vị sưu tầm tranh, sưu tầm đồ cổ và đồng nghiệp có dễ không? Chúng tôi may mắn được các vị đó giúp đỡ nhiều, đã cho mượn một số tranh quý và những đồ cổ rất đắt tiền”
Viet Art Group giới thiệu triển lãm “Vietnamese Art: An Overview” gồm có bốn phần:
1. Nghệ thuật Việt Nam thời cổ: Tranh Tết Đông Hồ, Tranh Hàng Trống (bản chính), đồ sứ, tượng cổ, tranh cổ khắc trên gỗ.
2. Thời kỳ tiếp xúc với Nghệ thuật Tây Phương: Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (1924-1945) gồm tranh của bốn danh họa thời kỳ này là Lê Phổ, Tạ Tỵ, Tú Duyên, Mai Trung Thứ (bản chính).
3. Thời Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975): Thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ (họa sĩ Nguyên Khai, Hồ thành Đức, Nguyễn Phước, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, điêu khắc gia Dương Văn Hùng) và các họa sĩ Văn Mộch, Đỗ Lê Minh, Duyên Hà, Bé Ký, Nguyễn Văn Trung (bản chính).
4. Nghệ Thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ: những anh chị em họa sĩ tốt nghiệp hoặc hoạt động tại Hoa Kỳ gồm có Ann Phong, Ái Lan, Trương Đình Uyên (bản chính).
 

Hai chị em, tranh của Bé Ký (Hình cung cấp)

Những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện triển lãm lần này

Họa sĩ Văn Mộch cũng là một trong những thành viên chủ chốt của ban tổ chức, chia sẻ, “Những tác phẩm được chúng tôi mượn từ những nhà sưu tầm tranh, đem đến triển lãm lần này từng được những nhà sưu tầm tranh đấu giá thành công với giá rất đắt, nên chúng tôi vô cùng cẩn thận khi mang những tác phẩm đó chia sẻ cho đồng bào xem, nhất là cho các bạn sinh viên. Khi chúng tôi liên lạc với các nhà sưu tầm, tốn nhiều thời gian, và chi phí di chuyển các tác phẩm đó đem đến triển lãm, in ấn các flyer giới thiệu triển lãm… Toàn bộ những chi phí này các thành viên của Việt Art Group tự bỏ tiền túi ra để thực hiện, với mong muốn dồn hết nỗ lực để triển lãm thành công.”

Tiếp lời họa sĩ Văn Mộch, họa sĩ Duyên Hà nói thêm, “Nếu có vị mạnh thường quân nào có lòng tốt bảo trợ cho chúng tôi thì chúng tôi rất vui lòng nhận, nhưng hiện tại thì anh em chúng tôi góp công và phải tự bỏ tiền ra thực hiện triển lãm. Những tranh của các danh họa Việt Nam và đồ cổ đem đến triển lãm lần này có giá trị rất cao. khoảng 300 ngàn mỹ kim. Trong lần triễn lãm này chúng tôi được trường Đại học Cal State University, Fullerton cung cấp nơi triển lãm, các dụng cụ treo tranh, tủ trưng bày đồ cổ, và giúp bảo hiểm tranh, đồ cổ trong suốt thời gian triển lãm. Đây là một hỗ trợ rất quý với chúng tôi, dù không có hiện kim.”


Nắng Mới, tranh của Duyên Hà (Hình cung cấp)

Không đề cập tới sinh hoạt nghệ thuật cộng sản

Giới thiệu về các tác phẩm sẽ giới thiệu trong triển lãm “Vietnamese Art: An Overview,” họa sĩ Duyên Hà cho biết, “Chúng tôi tôn trọng hoàn toàn quan điểm cá nhân của các họa sĩ và điêu khắc gia tham gia triển lãm lần này. Tiêu chuẩn thế nào là tranh được triển lãm, chúng tôi không đặt ra. Chúng tôi chỉ căn cứ vào thành tích, khám phá mới mẻ của họ. Có một điều tế nhị là chúng tôi quyết định không trình bày những tác phẩm hay những sinh hoạt của các họa sĩ hoạt động dưới thời cộng sản từ 1945 đến nay. Chúng tôi không có ý nói tranh của các vị ấy không có giá trị, chúng tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi không biết rõ và không có tài liệu chính xác về điều kiện sinh hoạt và ý nghĩa tác phẩm của quý vị ấy. Vì vậy chúng tôi không thể đưa vào triển lãm tranh của họ.. Riêng chúng tôi không bao giờ muốn vẽ tranh tuyên truyền, không chịu áp lực kể cả việc chiều theo thị hiếu quần chúng.”

Cả hai họa sĩ Văn Mộch và Duyên Hà đều nói rằng ban tổ chức rất tôn trọng các trường phái, các bút pháp của các họa sĩ tham gia triển lãm “Tổng quan về Nghệ Thuật Việt Nam.” Các họa sĩ, điêu khắc gia hoàn toàn tự do trình bày các tác phẩm của họ. Triển lãm lần này sẽ có các loại sáng tác khác nhau, rất đa dạng với nhiều quan điểmnghệ thuật khác nhau. Sẽ có khoảng 30 tranh của các họa sĩ sống tại California trong phần ba (Thời Việt Nam Cộng Hòa 1954-1975) và phần bốn (Nghệ Thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ). Có bốn tranh của các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tạ Tỵ, Tú Duyên. Có hai bức tranh Hàng Trống, và khoảng sáu bức tranh Đông Hồ. Những đĩa cổ đời Lê, Lý… thì khá nhiều, sẽ được trưng bày trong triển lãm.

Mục tiêu triển lãm và những kỳ vọng

Nói về hai mục tiêu của triễn lãm lần này do Viet Art Group tổ chức, họa sĩ Duyên Hà cho biết, “Thứ nhất, trình bày cho khán giả Hoa kỳ, các sắc dân khác, nhất là sinh viên trẻ người Mỹ, hoặc Mỹ gốc Việt,biết đến giá trị nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã có từ ngàn xưa, trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử và sự đóng góp trong hiện tại của các họa sĩ tỵ nạn cũng như các họa sĩ Việt Nam trưởng thành tại Hoa Kỳ.
 

Trăng Xanh (1), tranh của Nguyên Khai (Hình cung cấp)

“Thứ hai, trình bày cho quý đồng hương có dịp xem tranh Việt Nam, đồ cổ trong các bộ sưu tập vô giá, để nhớ lại các ngày tháng cũ, để có dịp đưa con em tới xem cho con cháu biết Việt Nam có một sinh hoạt văn hóa lâu đời và có giá trị. Chúng tôi cũng mong quý đồng hương biết đến và thông cảm, hỗ trợ cho những họa sĩ, điêu khắc gia người Việt ở mọi lứa tuổi vẫn âm thầm sáng tác trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi tại Hoa Kỳ, tuy được tự do tuyệt đối khi sáng tác.”

Còn về kỳ vọng của ban tổ chức với lần triển lãm này, họa sĩ Duyên Hà bày tỏ, “Chúng tôi có hai kỳ vọng, mong mọi người hưởng ứng, những sinh viên trong trường đại học, những cư dân quanh vùng đến xem triển lãm đông đảo. Kỳ vọng thứ hai là sau triển lãm kết thúc, ủy ban đặc nhiệm của Việt Art Group sẽ giải tán, mong là tinh thần của ủy ban đặc nhiệm sẽ còn sống tiếp tục, sẽ xuất hiện lại trong thời gian sắp tới do những người khác thực hiện, do những anh em trẻ tiếp nối để giới thiệu cho người Hoa Kỳ nền mỹ thuật Việt Nam.”

Nhận xét về nghệ thuật tạo hình trong tiến trình phát triển của nghệ thuật đương đại trong thế kỷ 21 hiện nay, họa sĩ Duyên Hà chia sẻ, “Nghệ thuật đương đại trong thế kỷ 21, và trước đó là thế kỷ 20, đối với thế hệ họa sĩ, nghệ sĩ tạo hình chúng tôi đều bị đẩy lui bởi những kỹ thuật mới. Ngày xưa vẽ tranh chân dung là nghề của chúng tôi, nhưng sau này chụp ảnh lẹ hơn nhiều. Đầu tiên chúng tôi bị nhiếp ảnh đen trắng, ảnh màu, sau đó là phim ảnh, máy điện toán, video, internet… lấn áp. Chính sự tiếp xúc với những phát minh mới mẻ của khoa học nên các họa sĩ phải có một đường lối khác. Theo ý tôi, nếu nhìn vào hội họa mới, chúng ta sẽ thấy các họa sĩ có ý thức sẽ lùi về nghiền ngẫm, nhìn vào nội tâm của mình. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp chúng tôi có nhiều phương tiện hơn tiến bộ về nội dung tác phẩm. Bây giờ chúng tôi có đầy rẫy các phương tiện, nhưng sáng tác cái gì mới là vấn đề chính của chúng tôi phải quan tâm. Khi sáng tác như vậy, giữa người sáng tác và người thưởng ngoạn có sự chia cách.


Ông Đồ - Lớp học đời xưa, tranh của Văn Mộch (Hình cung cấp)

“Năm 1908 khi họa sĩ Pablo Picasso khởi xướng ra trường phái Lập thể, rất ít ai thưởng ngoạn. Đến bây giờ thì nhìn những hình vẽ hoặc cái bàn méo mó… có khi chúng ta lại thích. Nhưng những họa sĩ tiền phong có sự ngăn cách với giới thưởng ngoạn. Chúng tôi cũng bị như vậy. Vì người sáng tác có thể chỉ trích người thưởng ngoạn không hiểu gì về sự tiến bộ…còn những người thưởng ngoạn thì không thích tác phẩm “lố lăng!”. Chưa chắc họ không hiểu. Có thể họ hiểu mà vẫn không thích, cho là người sáng tác lập dị, làm cho nó oai lên thôi. Thật ra những cái đó là những điều hiểu lầm. Qua cuộc triển lãm lần này chúng tôi muốn giới thiệu những quan niệm sáng tác của chúng tôi với người thưởng ngoạn, mong tạo được sự đồng cảm.”



Ngày về, tranh của Hồ Thành Đức (Hình cung cấp)



Two sisters with Magnolias-(1), tranh của Nguyễn Thị Hợp (Hình cung cấp)

Họa sĩ Văn Mộch bày tỏ, “công việc của anh em chúng tôi bỏ ra rất nhiều cho mô hình của lần tổ chức triển lãm này, cùng chủ đề triển lãm. Chúng tôi chú tâm vào việc truyền đạt, bảo tồn văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi không đủ phương tiện nhiều như những nhóm khác. Nên chúng tôi kêu gọi quý vị hãy hợp tác trong những lần triển lãm sau, khi chúng tôi có cơ may cùng anh chị em họa sĩ lập một ủy ban đặc nhiệm mới để thực hiện những triển lãm mới quy mô hơn nữa tại các trường đại học.”
 
 
Floating in Ocean 2015, tranh của Ann Phong (Hình cung cấp)

Họa sĩ Duyên Hà, họa sĩ Văn Mộch cùng các thành viên của Việt Art Group rất mong giới thưởng ngoạn người Việt sẽ ủng hộ ban tổ chức, đến xem triển lãm thật đông. Họa sĩ Duyên Hà nói, “Mong triển lãm sẽ gây được tiếng vang, cho thấy các anh em họa sĩ vẫn có những hoạt động ở đây, dù so với hoạt động âm nhạc không bằng, nhưng các anh em họa sĩ vẫn có những sinh hoạt giá trị, mong được mọi người ủng hộ. Viet Art Group mong được quý vị yêu nghệ thuật và quý vị trong giới truyền thông tham dự và hỗ trợ cuộc triển lãm Vietnamese Art: An Overview. Thành thật tri ân quý vị.”
 

Mẹ và con, tranh của Ái Lan (Hình cung cấp)


Giấc mộng đẹp, tranh của Trương Đình Uyên (Hình cung cấp)


Moon Reflection on Lotus Pond, tranh của Nguyễn Đồng (Hình cung cấp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT