Văn Nghệ

Mời dự đêm nhạc "Màu Thời Gian - Ca Khúc Chính Mung"

Friday, 27/04/2018 - 11:23:13

“Thứ đến, chúng tôi cũng xin cảm ơn quý vị thi sĩ đã có những bài thơ thật hay làm gợi hứng cho chúng tôi phổ nhạc như Phạm Văn Quảng, Đèo Văn Trấn, Lê Văn Trung, Phạm Nhuận, Phạm Quỳnh Giao, Phạm Bá Đức, Nguyễn Trình.

Bài BĂNG HUYỀN

Với các khán giả yêu mỹ thuật, thường đến dự những triển lãm hội họa do Nhóm Họa Sĩ Nam Cali, Hội Họa Sĩ Việt Nam Hải Ngoại tổ chức trong cộng đồng, thì họa sĩ Chính Mung là một tên tuổi quen thuộc qua những tác phẩm mỹ thuật mix media, tranh sơn dầu... tạo được dấu ấn riêng. Không chỉ là một họa sĩ, ông còn là một nhạc sĩ, viết nên những ca khúc tạo ra từ chiều sâu cảm xúc, từ bên trong trái tim mẫn cảm và tinh tế của người nghệ sĩ. Nó rất thiết tha và sâu lắng nhưng cũng rất gần gũi và quen thuộc, với từng lời, từng chữ thấm sâu vào hồn người, và cũng rất riêng biệt một cõi riêng mình.


Flyer Đêm Nhạc Màu Thời Gian

Vừa là một người vẽ tranh và cũng là một người viết nhạc, với ông, “Hội họa thật bao la những mộng mơ, tôi mơ đến mầu sắc của một vùng đất nào đó, huyền hoặc, hội họa diễn tả cái thật trong mơ nên màu sắc gợi đến cho tôi những nốt nhạc réo rắt trong mơ lẫn với thực tế ngoài đời. Cả hai hội họa và âm nhạc đã hỗ trợ cho tôi để có cái nhìn, cái nghe, cái cảm… một cách chân tình và thân ái.”

Sắp tới đây vào lúc 7 giờ tối thứ Bảy, ngày 5 tháng 5, 2018, tại phòng Hội của Viện Việt Học, sẽ diễn ra “Đêm Nhạc Màu Thời Gian - Ca Khúc Chính Mung," vào cửa tự do. Là đêm nhạc lần đầu tiên chính thức ra mắt trong cộng đồng, giới thiệu các ca khúc của Chính Mung và tập sách nhạc “Màu Thời Gian- Ca Khúc Chính Mung” vừa được ấn hành đẹp mắt. Sách nhạc sẽ được phát hành trong đêm nhạc, giá bán là $10. Tập sách nhạc là quá trình sáng tác hơn nửa đời người của tác giả, là một cuộc hành trình dài vào bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ.

Nét đặc sắc của đêm nhạc

Đến với đêm nhạc, khán giả sẽ được nghe những tiếng hát giàu cảm xúc của Phương Thảo- Phương Mai, Kim Yến, Ngọc Quỳnh, Lam Thủy, Lâm Dung, Bùi Tiến Dzũng, Vương Đức Hậu, Thanh Nguyên, Bùi Khanh, Ngọc Hoa, Bích Thủy, Chính Mung, Thụy Hoàng.…

MC chương trình sẽ do Nguyễn Hoàng Dũng và Ngọc Quỳnh. Làm đẹp thêm cho các tiếng hát sẽ là tiếng đàn keyboard, piano của Phú Hùng, Bùi Tiến Dzũng, nhạc cụ dân tộc Việt Nam sẽ do Giáo sư Nguyễn Văn Châu trình tấu.

Giới thiệu về tên chủ đề và mục đích của đêm nhạc, Chính Mung cho biết, “Để đánh dấu một chặng đường tương đối khá dài trong cuộc đời hoạt động văn nghệ của Chính Mung và cũng để có chút gì kỷ niệm cho mình, cho người mình yêu, cho bạn bè và cho đời một món quà nhỏ. Chúng tôi có tập hợp được 25 ca khúc được viết từ thuở mới lớn (19 tuổi) cho đến nay đã hơn nửa đời người, vui có, buồn có… nó phản ảnh nội tâm của tác giả trải qua thời gian và những thăng trầm của cuộc sống.

“Tập nhạc được mang tên Mầu Thời Gian, Ca Khúc Chính Mung, không phải là tựa một bản nhạc cùng tên mà là được gợi ý từ một bài thơ cùng tựa đề của Đoàn Phú Tứ Mầu Thời Gian. Mầu thời gian không xanh, mầu thời gian tím ngắt. Người ta nghĩ mầu thời gian là mầu xanh, nhưng theo tôi màu thời gian nhiều mầu nhiều sắc lắm, nhất là những sắc mầu đậm, có khi quá tím nữa vì nó tím ngay trong cuộc sống, nên nó giữ được đậm nét những kỷ niệm của đời người.

“Cũng từ ý của bài thơ đó, chúng tôi đã sáng tác bức tranh cũng cùng tựa đề và dùng làm tranh bìa của tập nhạc này. Người con gái trong tranh tượng trưng cho cuộc sống từ nét đẹp của thuở mới lớn, màu xanh của thời gian trong nửa đoạn đời cũng từ từ phảng phất mầu tim tím khi đã biết thế nào là cuộc đời, và rồi bay vút lên không trung khi tuổi đời mình đã xế bóng hoàng hôn… thế là những kỷ niệm lại càng phong phú hơn.”

Ông giới thiệu về tập nhạc, “Tập nhạc được viết qua từng giai đoạn: Bài hát của thời mới lớn. Bài hát viết trong lao tù cộng sản. Bài hát của một tình yêu chân thật. Những bài hát xa xứ nơi quê người.
“Cũng có một lý do nữa để có ý tưởng in và ra mắt tập nhạc là do bạn bè khuyến khích, vì họ có nghe qua vài bản nhạc của tôi và muốn có những bản nhạc này để hát với nhau trong những buổi tụ họp văn nghệ. Từ đó tôi nuôi ý tưởng sẽ ấn hành tập nhạc của mình, mới đầu thì chỉ nghĩ mình chỉ ấn hành thôi, nhưng theo bà nhà tôi là Lam Thủy (họa sĩ) cho rằng in ra để đó thì cũng như không, chi bằng tổ chức một buổi ra mắt, giới thiệu đến quý bằng hữu văn nghệ cùng nghe.”

Họa sĩ- nhạc sĩ Chính Mung khi đến định cư Hoa Kỳ cuối thập niên 1980, ông và vợ là họa sĩ Lam Thủy đã tham gia vào Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, gắn bó với Đoàn hơn 20 năm. Ông phụ trách ban hợp ca của Đoàn, dạy cho các ca viên của ban hợp ca hát. Soạn bè hòa âm cho phần hát của ban Hợp Ca Đoàn VNDT Lạc Hồng. Giáo sư Nguyễn Văn Châu thì soạn bè hòa âm cho dàn nhạc. Còn họa sĩ Lam Thủy khi còn ở trong nước, trước 1975, từng là thành viên của Đoàn Văn Nghệ Sinh Viên Học Sinh Nguồn Sống, do nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát là trưởng đoàn. Lam Thủy trong ban ca, từng đóng hoạt cảnh, chuyên hát những bài dân ca Bắc, Ca Trù… nhạc thính phòng. Trong Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, Lam Thủy là ca viên của ban hợp ca và là giọng nữ cao tuyệt đẹp được chọn hát đơn ca nhiều tác phẩm trong các chương trình của Đoàn VNDT Lạc Hồng.

Tiết lộ điều hứng thú với các khán giả khi đến nghe nhạc, họa sĩ nhạc sĩ Chính Mung nói, “Cái hứng thú mà chương trình sẽ đem lại cho khán giả theo tôi nghĩ đó là những bài hát trong tập nhạc rất là mới. Khán giả đến tham dự chắc sẽ chờ đợi để thưởng thức xem những bản nhạc đó có đáp ứng được sự mong đợi của họ hay không. Tôi là tác giả, tôi cũng cảm thấy có sự hồi hộp. Tôi chỉ mong, với một ít tự tin về những ca khúc của mình, dẫu sao cũng không đến nỗi tệ để làm phụ lòng mọi người. Hơn nữa, khi tôi sáng tác một nhạc phẩm mới, tôi đã hát, đàn cho bà nhà tôi. Bà nhà tôi sẽ nghe và bình phẩm từng giọng nhạc, từng lời hát. Và do đó giúp tôi hoàn chỉnh được bản nhạc.

“Với kinh nghiệm sẵn có trong sinh hoạt âm nhạc trải qua bao nhiêu thời gian, bà nhà tôi đã có thể biết được là bài này nghe hay, bài khác nghe dở. Và như vậy, xuyên qua bà nhà tôi, những bản nhạc đó cũng sẽ được người nghe chấp nhận.

“Đồng thời, trong toàn bộ 25 ca khúc trong tập nhạc này, nó đã có một đời sống riêng của nó, những bản nhạc với nhịp điệu lúc thì nhẹ nhàng của điệu slow, lúc thì nhịp nhàng lả lướt qua điệu bolero, rumba, cũng có cả điệu tango sẽ giúp cho khán thính giả đỡ nhàm chán khi tham dự một chương trình âm nhạc dài gần ba tiếng đồng hồ. Có bản nhạc được trình bày theo hình thức nhạc thính phòng, có nghĩa là ca sĩ hát với piano và một cây guitar. Và có bản nhạc theo âm hưởng ngũ cung sẽ được trình bày với sự phụ họa của dụng cụ âm nhạc dân tộc Việt Nam do Giáo Sư Nguyễn Văn Châu, Trưởng Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng phụ trách. Sẽ có phần hát đơn ca, song ca, hợp ca.”

Cơ duyên gắn bó với âm nhạc

Chính Mung kể, “Tôi có năng khiếu âm nhạc từ thuở thiếu thời, tuy không được theo học một trường lớp của trường dạy âm nhạc chính thức, nhưng lúc nhỏ đã được vị Linh Mục của một trường Thiên Chúa Giáo tại Dalat, lúc đó tôi khoảng 8, 9 tuổi, vị Linh Mục đó là Cha Phương Linh, tác giả của các bài hát trung thu nổi tiếng từ xưa cho đến bây giờ. Cha đã chịu khó hướng dẫn một vài đứa nhỏ chừng ba, bốn người, đứa học đàn mandoline, guitar, đứa học gõ trống… dĩ nhiên muốn biết chơi những dụng cụ âm nhạc đó thì ít nhất cũng phải biết một tí ti lý thuyết âm nhạc căn bản.


Chính Mung, Lam Thủy, Nguyễn Văn Châu hát ca trù (Hình cung cấp)


“Như đã nói ở trên, nhờ có năng khiếu, Cha chỉ dạy một thì tôi tiếp thu và suy diễn thêm đến năm, sáu và mày mò, tự học qua sách vở,… đến khi tuổi mới lớn vào khoảng 18, 19 tuổi tôi đã sáng tác một bản nhạc dựa theo lời thơ của một người bạn, mà trong tập nhạc Mầu Thời Gian tôi đã để bài hát này Đoản Khúc Cho Một Người Tình ở trang đầu, với lời giải thích là bài hát viết chưa trọn, có nghĩa là chưa xong, dù sau này có cố gắng để hoàn tất nhưng cũng không có cảm hứng để làm… âu đó cũng là một kỷ niệm của một thời mới lớn. đây chỉ là bài đầu tay, để kỷ niệm thôi.”


Chính Mung và Lam Thủy (Hình cung cấp)

Ông cho biết bản thân ông không có thần tượng nhạc sĩ nào đặc biệt. Ông thích hầu hết các nhạc sĩ thời tiền chiến và những nhạc sĩ thời mà âm nhạc Việt Nam hưng thịnh nhất, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Văn Phụng, Tuấn Khanh, Trịnh Công Sơn, v.v… Ông nói, “Tuy yêu mến những nhạc sĩ kể trên, nhưng trong nhạc của tôi ít có bóng dáng của các nhạc sĩ ông vừa nêu, có chăng chỉ phảng phất vài giai điệu.”




Ban Hợp Ca Lạc Hồng (Hình cung cấp)

Dòng nhạc Chính Mung

Ông tâm sự, “Nhạc của tôi tương đối giản dị, dễ cho người nghe và người hát và giai điệu dễ làm quen, dễ nhớ… có lẽ đó bản tính của tôi vốn mộc mạc, chân thật, tôi không ưa cầu kỳ.. và vì thế trong sáng tác tôi ít gặp khó khăn, khi có cảm hứng tôi viết thật lẹ và trong tâm hồn những âm điệu, nét nhạc nó ẩn dấu trong tiềm thức, có lúc trong giấc mơ nó hiện lên thật đến nỗi khi tỉnh giấc mình có thể ghi lại những dòng nhạc… con người tôi hay mơ mộng nên nhạc của tôi cũng mộng mơ không kém…nhạc có chất thơ và lời có chất nhạc, nó gắn bó, liên kết tạo nên một chuỗi nhạc và lời êm đềm, miên man. Viết nhạc và viết lời đều khó như nhau, nhưng nếu có được nguồn cảm hứng thì nhạc và lời tự nó tuôn trào ra.”


Chính Mung (Hình cung cấp)

Khi người viết hỏi vì sao ông không mời những ca sĩ nổi tiếng hát các ca khúc của mình để phổ biết, sẽ được nhiều khán giả biết đến hơn, ông khiêm tốn nói, “Tôi vốn dĩ thầm lặng, nhiều lúc nghĩ mình viết nhạc để chính mình nghe là đủ, vì thế trải dài qua bao thời gian tôi không nghĩ tới việc phổ biến tác phẩm của mình. Nhưng khi đã đến cái tuổi già lão, chợt ngẫm nghĩ mình phải có cái gì đó để lại cho con cháu hay nói một cách văn hoa thì phải để lại cho đời một chút ít gì đó, dù đó chỉ là cái tài vặt vãnh. Tôi không nghĩ tới mình sẽ nổi danh trong lãnh vực âm nhạc cũng trong lãnh vực hội họa. Tôi đam mê cả hai, chỉ để thỏa mãn những mộng mơ của mình mà thôi. Nếu tôi có duyên nổi tiếng, thì đã nổi tiếng từ lâu rồi, chứ đâu đợi đến bây giờ.”


Họa sĩ Chính Mung và Lam Thủy tại triễn lãm tranh dịp Tết Binh Thân do Nhóm Họa Sĩ Nam Cali tổ chức, với Thị Trưởng Tạ Đức Trí, Nghị Viên Sergio Contreras, luật sư Nguyễn Hoàng Dũng (Hình cung cấp)

Nói về thế giới âm nhạc của mình, ông chia sẻ, “Suốt cả cuộc đời, tôi ít bị những khó khăn ngăn trở trong cuộc sống (chỉ trừ khi phải sống hơn năm năm trong lao tù cộng sản sau biến cố 1975). Trong tôi bao giờ cũng có cái bao dung, bao dung cho mình, cho đời và cho người. Tôi luôn luôn hướng thiện, tìm cái đẹp nhất cho mình. Vì thế trong âm nhạc, tôi cũng thể hiện những bao dung đó, giai điệu nhẹ nhàng không lắt léo, để người nghe thấy mình lâng lâng. Không vũ bão để người nghe thấy mình an bình. Âm nhạc làm đẹp cho tâm hồn và cuộc đời của mình.”

Theo họa sĩ, nhạc sĩ Chính Mung, để hoàn thành một nhạc phẩm hay điều đầu tiên là phải có cảm xúc, “nói đúng hơn là cảm hứng, những giai điệu của nhạc có lúc đã nằm trong đầu mình một thời gian và khi đã tới điểm rồi thì mình sẽ viết ra (viết note nhạc) thành một câu hay một đoạn và mình phải kiểm chứng ngay câu nhạc đó bằng piano hay guitar. Thường thì tôi viết nhạc trước rồi mới viết lời sau. Như đã nói ở trên, mình phải có cảm xúc trước thì việc sáng tác một bản nhạc mới có được nét nhạc hay và lời đẹp.”
Với ông cần phải có cảm xúc để sáng tác một bản nhạc, vì vậy khi viết ra tác phẩm, trước tiên ông viết cho chính mình. “Mình sống trong khoảnh khắc mộng mơ, thả hồn vào nét nhạc, vào từng lời hát, ta đã thấy ta trong đó. Rồi từ đó khi đến với khán thính giả, họ cũng sẽ cảm nghiệm như thế.”


Mặt trước và sau tập sách nhạc (Hình cung cấp)

Họa sĩ nhạc sĩ Chính Mung cho rằng, để có thể trở thành một nhạc sĩ, người viết nhạc cần trang bị cho bản thân những điều rất căn bản như, “Biết về lý thuyết âm nhạc (xướng âm, xướng thanh), biết về kỹ thuật (lý thuyết) sáng tác (những nguyên tắc trong luật sáng tác như luật cân phương chẳng hạn…).
“Biết sử dụng ít nhất một loại dụng cụ âm nhạc (piano, guitar, violon...).

“Ngoài những điều căn bản nêu trên, người nhạc sĩ sáng tác cần có cho mình nguồn cảm hứng (cảm hứng về chân trời, mây nước, về hoàn cảnh, về cuộc sống hiện thực, về những ước mơ,…). Tóm lại nó cần có những chất xúc tác để mình nối kết từ nguồn cảm hứng với khi thể hiện trên khung nhạc và trên nhạc cụ. Nói rõ hơn là phải có hồn nhạc.”


Chính Mung (Hình cung cấp)

Ông có nhận xét gì về sự phát triển của âm nhạc Việt Nam hiện nay ở trong nước?
Ông dè dặt phát biểu, “Câu hỏi này rất tế nhị, cần phân tích đúng đắn. Trong một xã hội yên bình, trật tự và tự do, lấy nhân phẩm làm cứu cánh, tư cách của một con người thật sự thì tự nó âm nhạc có giá trị đích thực và sẽ tiếp tục vươn lên. Ở trong nước, vì sống trong chế độ cộng sản độc tài, trong môi trường chụp giựt, xô bồ để tranh sống, hiện tượng âm nhạc lai căng và thị hiếu thưởng thức âm nhạc đích thực không có. Nền âm nhạc có giá trị do đó đã chết từ lâu.”

Còn với nhạc Việt tại hải ngoại, ông trả lời, “Ở hải ngoại, nền âm nhạc Việt Nam không phát triển được nhiều. Thứ nhất, phần lớn những nhạc phẩm được yêu thích đều là những tác phẩm đã có từ lâu của những nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975, nếu có những sáng tác của những nhạc sĩ đó sau này thì nét nhạc hình như cũng bị mai một, phai mờ. Thứ hai, người nhạc sĩ đã quá già nua và mất hết cảm hứng. Còn lớp người trẻ được đào tạo tại hải ngoại, không ít thì nhiều cũng bị ảnh hưởng của nền âm nhạc bản xứ. Do đó tâm hồn Việt Nam sẽ không có trong những bạn trẻ này.”

Họa sĩ, nhạc sĩ Chính Mung bày tỏ những ưu tư của mình, “Ở Hải Ngoại, nhạc sĩ sáng tác người Việt hơi khó để giới thiệu tác phẩm của mình, tuy nhiên sau này nhờ phương tiện mạng lưới truyền thông người nhạc sĩ có thể đưa những tác phẩm của mình để thính giả thưởng thức, nhưng cũng chỉ trong một mức giới hạn nào đó. Tôi mong ước được có một nơi, có thể là một trung tâm văn hóa người Việt hải ngoại, đỡ đầu, giúp phổ biến các tác phẩm của các tác giả còn xa lạ với người thưởng ngoạn, đó là nói chung.”
Vì chưa được nhiều khán giả biết đến, nên có thể tạm gọi nhạc sĩ Chính Mung là một nhạc sĩ mới, ông bày tỏ, “Gọi tôi là nhạc sĩ mới nhưng thật ra tôi đã hoạt động trong lãnh vực âm nhạc hơn nửa đời người, đã sáng tác từ lâu và cũng đã đem trình diễn trong thời học sinh, sinh viên. Ra đến hải ngoại, tôi đã sinh hoạt với Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trên 20 năm, và đã có những tác phẩm được trình bày trong các buổi trình diễn lớn của Đoàn. Tuy nhiên để mong được giới thiệu nhạc mình với khán giả nhiều hơn nữa thì riêng tôi, tôi không thấy đó là nhu cầu chính. Cái chính là âm nhạc giúp mình an bình hơn trong tâm hồn và thể xác.”

Để giúp mọi người hiểu thêm về nhạc của Chính Mung và những nỗi niềm của ông với âm nhạc, ông tâm sự, “Tính đam mê âm nhạc giúp cho tôi có được một chút ít vốn liếng để tự mình làm được những điều mình mong muốn. Từ lúc còn bé (thời gian mới di cư từ Bắc vào Nam, tại vùng định cư, những buổi trình diễn ca nhạc ngoài trời đã làm tôi hào hứng, bỏ cả bữa ăn chiều để đến ngồi trước sân khấu lộ thiên thật là sớm chờ giờ trình diễn trước đó cả 4, 5 tiếng đồng hồ. Đó có phải là dấu hiệu sớm nhất để mình bước chân vào lãnh vực âm nhạc hay không). Âm nhạc luôn ở trong tâm hồn và càng phát triển hơn nữa khi ở trong một khung trời thơ mộng với những núi đồi thật tự nhiên của một thành phố miền Trung Việt Nam đầy sương và gió lạnh. Cảm được khung cảnh, cảm được cuộc sống,.. đó là những kho dự trữ để sau này mình biến nó thành âm nhạc, bằng hội họa.”

Họa sĩ nhạc sĩ Chính Mung nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển lời tri ân của ông đến với tất cả mọi người, “Trong thời gian hơn 20 năm cộng tác với Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trong vai trò phụ trách Ban Hợp Xướng của Đoàn. Làm việc với anh Nguyễn Văn Châu, Trưởng Đoàn là một kinh nghiệm quý báu trong việc soạn hòa âm và hướng dẫn, cũng như đã sáng tác một số bài hợp ca cho Ban Hợp Xướng. Chúng tôi vô cùng cám ơn Đoàn Lạc Hồng và anh Châu.

“Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn quý vị ân nhân đã bảo trợ cho chương trình nhạc này. Ngay từ lúc mới manh nha ý tưởng để tổ chức buổi ra mắt tập nhạc Mầu Thời Gian, quý vị đã khuyến khích, sốt sắng và nhất là đã yểm trợ chúng tôi về mặt tinh thần cũng như vật chất, nhờ vậy mà chúng tôi mới có can đảm để thực hiện một Đêm Nhạc như đêm hôm nay.

“Thứ đến, chúng tôi cũng xin cảm ơn quý vị thi sĩ đã có những bài thơ thật hay làm gợi hứng cho chúng tôi phổ nhạc như Phạm Văn Quảng, Đèo Văn Trấn, Lê Văn Trung, Phạm Nhuận, Phạm Quỳnh Giao, Phạm Bá Đức, Nguyễn Trình.

“Chúng tôi cũng xin cám ơn Chị Lâm Dung đã đưa lên Youtube một số bài hát của tôi do chính Chị hát, hòa âm và đàn.

“Và mới đây nhất là phải cảm ơn bà nhà tôi, với giọng hát thật trữ tình đã hát bài hát mà tôi gợi hứng từ tác phẩm hội họa “Nơi Này Bình Yên” của Lam Thủy và phổ biến trên facebook.
“Cũng xin chân thành cám ơn họa sĩ Trương Đình Uyên đã vẽ chân dung Chính Mung thật tuyệt vời mà chúng tôi đã in vào mặt sau của tập nhạc.

“Cuối cùng xin phép cho chúng tôi nêu danh những quý vị đã yểm trợ tinh thần và hiện kim sau đây: anh chị Bảo Nam, anh Đào và chị Lâm Dung, chị Ngọc Hoa, chị Vi Linh, anh Phú Hùng và Phương Thảo, Phương Mai, và hai con của chúng tôi: Hùng & Hoàng.

“ Đồng thời chúng tôi cũng cảm ơn các bạn thân hữu đã nhận lời giúp trình bày các nhạc phẩm trong tập nhạc: Bích Thủy, Bùi Khanh, Bùi Tiến Dzũng, Diệu Mai, Kim Yến, Lâm Dung, Ngọc Hoa, Ngọc Quỳnh, Phú Hùng, Phương Mai, Phương Thảo, Thanh Nguyên, Thụy Hoàng, Bác Sĩ Vương Đức Hậu. Đặc biệt hơn nữa, anh Phú Hùng và Bùi Tiến Dzũng phụ trách keyboard đã hết lòng yểm trợ trong vấn đề tập dượt và trình diễn trong Đêm Nhạc.
“Chúng tôi cũng đặc biệt cám ơn đến quý vị truyền thông báo chí: anh Bùi Bỉnh Bân, Đài Freevn.net, Bác Sĩ Nhuận, nhà văn Hoàng Mai Đạt, ký giả Băng Huyền của Báo Viễn Đông, ký giả Kỳ Phát của Tuần Báo Trẻ Magazine, anh Minh nhà in Minh Printing đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong vấn đề kỹ thuật và ấn loát để có được một tập nhạc thật đẹp.”
Họa sĩ Lam Thủy mời gọi, “Chúng tôi trân trọng mời quý vị đồng hương đến để thương thức đêm nhạc thính phòng với những bản nhạc rất mới của người nhạc sĩ để hết tâm huyết của mình vào tác phẩm. Quý vị đến dự là khích lệ lớn cho ban tổ chức cũng như cá nhân nhạc sĩ Chính Mung.”
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT