Văn Nghệ

Mời dự chương trình "Hành Trình 100 năm Cải Lương"

Friday, 10/11/2017 - 08:44:16

Để kết thúc chương trình, sẽ là trích đoạn "Sau Mức Màn Nhung", kể về cuộc đời những nghệ sĩ về già, do Lê Tín, Thanh Vũ ca; và bài hợp ca "100 năm cổ nhạc" do soạn giả Trần Văn Hương viết, được các nghệ sĩ tham gia cùng ra trình diễn để chào tạm biệt khán giả.

Bài BĂNG HUYỀN

Để giới thiệu đến công chúng, khán giả mộ điệu xa gần biết đến xuất xứ, sự hình thành và diễn biến của nghệ thuật sân khấu cải lương tròn 100 năm, vào 6 giờ chiều thứ Sáu, ngày 24 tháng 11, sắp tới, tại rạp Sài Gòn Performing Art Center (Fountain Valley) sẽ diễn ra chương trình Đại Nhạc Hội "Hành Trình 100 năm Cải Lương" do Đài Little Sài Gòn TV (phát trên băng tầng 57.7, trên hệ thống Galaxy 19) tổ chức và Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang (Đoàn NTSK Văn Lang) thực hiện. Khán giả đến xem chương trình sẽ thấy lại những hình ảnh sân khấu xưa và cách thức thành hình một sân khấu cải lương qua những tài liệu quí giá.
Chương trình được dàn dựng công phu, hát live, với các nhạc sĩ cổ nhạc gồm có Hoàng Phúc (guitare phím lõm), Thanh Tùng (đàn sến), Kim Đồng (đàn bầu), Lê Khiêm (đàn cò), Anh Khoa (keyboard)… và những nghệ sĩ tài danh tại hải ngoại như Phượng Liên, Cẩm Thu, Tuấn Châu, Vũ Luân, Kim Tiểu Long, Thanh Kim Mỹ… cùng các nghệ sĩ của Đoàn NTSK Văn Lang, Minh Cảnh Em, Phượng Hồng, Giang Bích Phượng, Xuân Mỹ, Tuấn Phong, Quốc Hải, Minh Hùng…, khách mời trình diễn chung là Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng và Đoàn Vũ Việt Cầm.


Nghệ sĩ Cẩm Thu (hình cung cấp)

Nghệ thuật Sân Khấu Cải Lương

Khi nhắc đến đặc trưng nghệ thuật của miền Nam, người ta không thể không nhắc đến một loại hình nghệ thuật sân khấu mang đậm hơi thở và tình cảm của người dân nơi đây, nghệ thuật Sân Khấu Cải Lương. Hiện giờ tuy Sân Khấu Cải Lương không còn ở vị thế hoàng kim như xưa, nhưng Cải Lương mãi mãi vẫn là máu thịt, là tình yêu của người dân miền Nam, của những người con gốc Việt sống nơi xứ sở tự do này. Thật ra, đó cũng là một tình cảm tự nhiên. Càng sống trong thế giới văn hóa của Âu Mỹ, người Việt ly hương càng có khao khát tìm về nguồn cội, về bản sắc văn hóa của mình. Mà Cải Lương là một bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu Hát Bội phản ánh chủ nghĩa anh hùng, Chèo nói lên cái trào lộng, thì Cải Lương thể hiện cái trữ tình của dân tộc.


Poster chương trình "Hành Trình 100 năm Cải Lương" do Đài Little Sài Gòn TV tổ chức và Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang thực hiện.

Tuy ra đời sau các loại hình sân khấu truyền thống ở phái Bắc (Chèo) và Trung Bộ (Hát Bội), nhưng Cải Lương có một nét đặc sắc riêng biệt, mang hơi thở và tình cảm của người dân vùng đất phương Nam. Sau 100 năm hình thành và phát triển, Cải Lương được truyền từ đời này sang đời khác, không ít vở diễn đã trở thành kinh điển của loại hình nghệ thuật này, là những bài học tuyệt vời về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, chuyên chở ngọt ngào qua những tuồng tích trên sân khấu.

Trong tình hình cải lương đang ngày càng vắng khán giả như hiện nay, việc xuất hiện của các nghệ sĩ tài danh nhiều thế hệ, bên các nghệ sĩ trẻ của Đoàn NTSK Văn Lang là một sự chung sức chung lòng đáng ghi nhận. Chương trình Đại Nhạc Hội kỷ niệm "Hành Trình 100 năm Cải Lương" của đoàn thực hiện, không chỉ để kỷ niệm ngày thành lập 100 năm ngành sân khấu cải lương mà còn là sự tri ân đến khán giả đã luôn ủng hộ đoàn suốt 10 năm qua, và là một đánh dấu cho bước đi trên con đường bảo lưu nghệ thuật cải lương tại xứ người.


Nghệ sĩ Kim Tiểu Long (hình cung cấp)

Đồng hành cùng Đoàn NTSK Văn Lang thực hiện chương trình này còn có Đài Little Sài Gòn TV. Không chỉ riêng chương trình "Hành Trình 100 năm Cải Lương", mà suốt 10 năm qua, Đài Little Sài Gòn TV đã bảo trợ cho Đoàn NTSK Văn Lang với chương trình cổ nhạc Văn Lang (dài 1 tiếng đồng hồ) phát hình trên đài Little Sai Gon TV hằng tuần vào lúc 8 giờ 30 tối Chủ Nhật, và phát lại lúc 5 giờ sáng thứ ba hằng tuần. Ngoài bảo trợ chương trình cổ nhạc Văn Lang, nhiều năm nay Đài Little Saigon TV còn có những chương trình giúp gìn giữ những phong tục tập quán xưa của người Việt nơi xứ người. Ví dụ như chương trình phối hợp cùng thương xá Phước Lộc Thọ tổ chức thi áo dài, nấu bánh chưng, bánh tét, bày mâm ngũ quả (vào dịp tết nguyên đán hằng năm) và Tết Trung Thu cho cộng đồng tại thương xá Phước Lộc Thọ...

Hành Trình 100 năm Cải Lương

Chị Mai Chân (trưởng Đoàn NTSK Văn Lang) kể, để thực hiện chương trình "Hành Trình 100 năm Cải Lương", bản thân chị và các thành viên trong ban tổ chức chuẩn bị rất công phu, chương trình đã chuẩn bị từ 4, 5 tháng trước. "Ngoài những tin tức Mai Chân tìm hiểu từ trên internet của giáo sư Trần Quang Hải, soạn giả Nguyễn Phương, Hồi Ký '50 Năm Mê Hát-Năm Mươi Năm Cải Lương' của học giả Vương Hồng Sển, đồng thời Mai Chân còn đi về Việt Nam để gặp những người am hiểu về cải lương, các vị ấy đều là những bậc tiền bối đã ngoài 80 tuổi, Mai Chân có hỏi chuyện và quay hình lại để phát trong chương trình 'Hành Trình 100 năm Cải Lương'.



Chị Mai Chân (Trưởng Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang) phát biểu khai mạc trong chương trình cúng tổ Sân Khấu vào năm 2016 (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cải lương là gì?

Chị Mai Chân cho biết, "Theo tài liệu của Ông Vương Hồng Sển, Bách Khoa Toàn Thư cũng như GS Trần Quan Hải thì danh từ cải lương có lẻ từ câu:
Cải biến kỳ sự,
Sử ích tự thiên lương.
"Nghĩa là đổi đi những cái cũ thành những cái mới, cải sửa lại cho hay hơn, cho hoàn hảo hơn và danh từ cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ sự thể hiện qua sân khấu, sự hình thành trên cơ sở từ nhạc lễ Nam bộ, biến thể của nhạc cung đình Huế, thuộc thang âm ngũ cung (hò, xự, xang, xê, cóng) đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long.
"Cải lương" thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, sau khi cải sửa lại, tức là cải lương lại thì nghệ thuật cải lương đã khác hẵn với nghệ thuật hát bội cả về nội dung lẫn hình thức."


Nghệ sĩ Vũ Luân (tay cầm quạt) trong một trích đoạn cải lương Hồ Quảng "Ngọc Kỳ Lân" (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Các tiết mục sẽ có trong chương trình

Tiết lộ vài tiết mục đặc sắc sẽ có trong chương trình, chị Mai Chân giới thiệu, "Sau bài diễn văn khai mạc, sẽ là phần trình diễn đánh trống Tổ và nhạc lễ do đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng biểu diễn. Tiết mục Liên khúc Giỗ Tổ 100 năm, do các nghệ sĩ Đoàn NTSK Văn Lang ca và Vũ Đoàn Việt Cầm múa minh họa.
"Nội dung chính sẽ giới thiệu trình tự ra đời của cổ nhạc, cải lương và giai đoạn cải lương phát triển rực rỡ, mỗi giai đoạn tiêu biểu sẽ minh họa bằng hình ảnh hoặc tiết mục ca cổ, trích đoạn cải lương. Trên màn ảnh của sân khấu có chiếu lại những hình ảnh của người xưa, như năm 1915, có ca kiểu đối thoại (ca ra bộ) ở Mỹ Tho với ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, người Cái Thia, tục gọi Tư Triều (đờn kìm), Mười Lý (thổi tiêu), Chín Quán (đờn độc huyền), Bảy Vô (đờn cò), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), cô Ba Đắc (ca sĩ).

"Họ là những tài tử được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại các cuộc triển lãm ở Pháp. Khi về, họ cho biết rằng Ban tổ chức có cho họ được đờn ca trên sân khấu và được công chúng đến xem rất đông…"

Chị Mai Chân giới thiệu thêm, "Sau hình ảnh trên, sẽ là tiết mục do Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trình diễn, tái hiện lại ban nhạc tài tử ngày xưa, với bản Tứ Đại Oán 'Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga'. Đây là tác phẩm từng được trình diễn tại Khách Sạn Minh Tân, Mỹ Tho năm 1910 do ban tài tử của ông Nguyễn Tống Triều.
"Thời bấy giờ, khi nghe được cách cho "đờn ca trên sân khấu", Thầy Hộ, chủ rạp chiếu bóng Casino, ở sau chợ Mỹ Tho, mời ban tài tử Tư Triều, đến trình diễn mỗi tối thứ tư và thứ bảy trên sân khấu, trước khi chiếu bóng, được dân chúng hoan nghinh nhiệt liệt. Cũng trong thời gian nầy, Ông Phó Mười Hai là người Vĩnh Long rất hâm mộ cầm ca. Ông thường tới lui ở Mỹ Tho để thường trực xem ban tài tử đờn ca Nguyễn Tống triều ca diễn. Khi về lại Vĩnh Long, ông liền cho người ca đứng trên bộ ván ngựa và ca ra bộ. Ca ra bộ phát sinh từ đó.

"Cải lương đã bắt đầu từ năm 1916, nhưng kể từ ngày 16 tháng 11 năm 1917, khi tuồng Gia Long Tẩu Quốc, được công diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn, cách hát mới lạ nầy bành trướng không thôi, mở đầu cho nghệ thuật mới, lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm sửa, vừa canh tân, vừa cải cách nên cải lương hình thành từ đây.


Nghệ sĩ Phượng Liên (hình cung cấp)

"Và rồi ngay năm này (1917), ông André Thận (Lê Văn Thận) ở Sa Đéc có gánh hát xiệc, ông liền đem vào màn có ca ra bộ trước khi hát xiệc.
"Ông Năm Tú (Châu Văn Tú) ở Mỹ Tho mua lại gánh của ông André Thận rồi sắm thêm màn cảnh, y phục và nhờ ông Trương Duy Toản (tác giả vở Kim Vân Kiều), họa sĩ Trần Ngọc Điếu vẽ phong cảnh soạn tuồng, đánh dấu sự ra đời của loại hình nghệ thuật cải lương.

Và cũng từ đó cái tên "Cải Lương" xuất hiện lần đầu tiên trên bảng hiệu gánh hát Tân Thịnh của thầy Năm Tú với câu đối:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.
"André Thận và Năm Tú, đã đưa cải lương lên sân khấu thiệt thọ. Tuồng Trang Tử Thử Vợ và tuồng Kim Vân Kiều diễn tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và Sài Gòn...Lúc này hát cải lương mới thành hình thật sự và có nhiều uy tín vang vội khắp nơi và được hãng đĩa Pháp đã sản xuất rất nhiều đĩa hát 78 vòng trên toàn quốc. Và kể từ ngày nầy các gánh hát cũng lần lượt lập ra như: Văn Hí Ban ở Chợ Lớn, Tập Ích Ban ở Thốt Nốt Nghĩa Đồng Ban, Nam Đồng Ban với nữ nghệ sĩ Năm Phỉ rất nổi tiếng ở vở :"Tham phú phụ bần",Tái Đồng Ban ở Mỹ Tho với các nghệ sĩ nổi tiếng như: Phùng Há, Năm Châu… vân vân…"

Chị Mai Chân nói, "Để minh họa lại quá trình phát triển của sân khấu cải lương, 'Hành Trình 100 năm Cải Lương' sẽ diễn lại trích đoạn 'Tống Tửu Đơn Hùng Tín' thể điệu Xuân Tình ca, do Phượng Hồng, Quốc Hải, Hữu Thọ, Lam Phương là 4 nghệ sĩ Đoàn NTSK Văn Lang trình diễn."

Chị giới thiệu, "Vào Năm 1918 nhạc sĩ Cao Văn Lầu tức Sáu Lầu người quê ở Tân An, cùng gia đình đến định cư ở Bạc Liêu lúc Ông còn rất nhỏ, đã sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang, gồm 20 câu 2 nhịp, sau đó thì phát triển thành nhịp 4 trên sân khấu Tập Ích Ban vào năm 1921 và thành nhịp 8 trên sân khấu Tái Đồng Ban vào năm 1922. Trong chương trình, nghệ sĩ Cẩm Thu sẽ hát bài Dạ Cổ Hoài Lang."

"Đến năm 1936 Nghệ sĩ Năm Nghĩa tức Lư Hòa Nghĩa (ba của nghệ sĩ Bảo Quốc, cha dượng của nghệ sĩ Thanh Nga) đã đưa bài Dạ Cổ Hoài Lang thành nhịp 16 với một cái tên khác là: 'Vọng Cổ Bạc Liêu'.
Để minh họa cho bài vọng cổ nhịp 16, Minh Cảnh Em và Cảnh Trân hát bài tân cổ 'Mưa Trên Phố Huế'."
Chương trình cũng sẽ giới thiệu một số nhạc cụ của dàn nhạc cải lương, như: đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, đàn cò, đàn tỳ bà, guitar phím lõm, đàn sến, song loan. Dàn nhạc tân có thêm hai cây guitar solo và guitar bass và thời gian sau được bổ túc thêm đàn piano và organ."

Chị Mai Chân cho biết thêm, "Nghệ sĩ Thanh Tú của Đoàn NTSK Văn Lang sẽ hát bài vọng cổ 'Võ Đông Sơ' của soạn giả Viễn Châu sáng tác vào thập niên 1960, kể lại câu chuyện tình của Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà. Tiết mục này mục đích muốn nhắc lại cho khán giả giai đoạn 1920- 1930, từng có gánh hát rất đặc biệt xuất hiện tại Mỹ Tho, là gánh Đồng Nữ Ban của cô Ba Trần Ngọc Viện. Bấy giờ cô Ba Viện đang dạy gia chánh và đờn tranh tại Trường nữ sinh Áo Tím. Khi lập gánh hát, cô Ba Viện nhờ thầy giáo Nguyễn Tri Khương (cháu nội của Nguyễn Tri Phương) viết tuồng cho gánh hát. Một trong những vở tuồng của thầy Khương viết cho gánh Đồng Nữ Ban rất ăn khách là Giọt lệ Chung Tình. Tuồng này không chỉ nói về mối tình của Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà mà còn gợi lòng yêu thương của đồng bào tổ quốc.

"Thể loại cải lương Hồ Quảng cũng được xuất hiện vào năm 1935 với Nữ Nghệ Sĩ Lão Thành Phùng Há và phát triển rất là mạnh mẽ vào năm 1960 tới năm 1970 và những nghệ sĩ rất nổi tiếng trong lãnh vực Hồ Quãng là Nghệ Sĩ Bạch Mai, Bạch Lê, Phượng Mai, Thanh Tòng, Đức Lợi…Chương trình sẽ diễn trích đoạn cải lương Hồ Quảng 'Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài', do nghệ sĩ Vũ Luân, Xuân Mỹ, Phượng Hồng, Thanh Vũ diễn."
Tiếp theo sẽ là trích đoạn cải lương "Triệu Thị Trinh" do Thanh Kim Mỹ và Tuấn Phong ca.

Buổi diễn cũng sẽ diễn lại trích đoạn "Đêm Lạnh Chùa Hoang" (của soạn giả Yên Lang) từng là vở diễn thành công trên sân khấu Kim Chung thập niên 1960 vào thời hoàng kim của sân khâu cải lương. Trích đoạn này sẽ do Kim Tiểu Long, Giang Bích Phượng, Minh Hùng, Liên Thảo diễn.

Trước khi diễn trích đoạn "Đêm Lạnh Chùa Hoang", để vinh danh cố soạn giả Yên Lang (1940 - 5 tháng 6 năm 2017), ông không chỉ là một soạn giả tài hoa, luôn tâm huyết với việc gìn giữ cổ nhạc, cải lương tại hải ngoại, mà còn là cố vấn cho Đoàn NTSK Văn Lang suốt bao năm qua, nghệ sĩ Tomy Du của Đoàn NTSK Văn Lang sẽ hát bài "Cung Sầu Cho Người Đi Xa" do Đoàn NTSK Văn Lang sáng tác để nhắc lại tình cảm thương mến của anh chị em nghệ sĩ dành cho cố soạn giả Yên Lang.

Buổi diễn còn diễn lại trích đoạn cải lương "Tuyệt Tình Ca", là một vở tuồng cải lương tâm lý xã hội được ra đời vào thập niên 1965, của soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp do đoàn Dạ Lý Hương trình diễn tại rạp Quốc Thanh (Sài Gòn). Vai ông Cò (Cảnh sát trưởng quận 9) do cố nghệ sĩ, vua vọng cổ Út Trà Ôn thủ diễn, đã trở thành vai "để đời" của ông, đã trở nên "bất tử" trong lòng khán giả mộ điệu. Trích đoạn này sẽ do nghệ sĩ Phượng Liên vai Bà Lan (vợ sau của ông Cò), Tuấn Châu vai ông Cò, Vũ Luân vai Lê Long Hồ, Giang Bích Phượng vai Lê Thị Trường An (là 2 con của ông Cò) và Tuấn Phong vai Nhân (con của ông Cò với vợ lớn), người yêu của Lê Thị Trường An (vì không biết là anh em cùng cha khác mẹ).

Để kết thúc chương trình, sẽ là trích đoạn "Sau Mức Màn Nhung", kể về cuộc đời những nghệ sĩ về già, do Lê Tín, Thanh Vũ ca; và bài hợp ca "100 năm cổ nhạc" do soạn giả Trần Văn Hương viết, được các nghệ sĩ tham gia cùng ra trình diễn để chào tạm biệt khán giả.

Chị Mai Chân chia sẻ, "Mai Chân mong khán giả yêu thích cải lương, muốn tìm hiểu xuất xứ, cội nguồn của dân tộc mình qua bộ môn cải lương, thì hãy ủng hộ và đến xem chương trình thật đông. Vì đây là chương trình rất giá trị, khó mà bỏ qua. Ban tổ chức mong quý khán giả hãy yểm trợ cho Đoàn NTSK Văn Lang, để biểu dương tinh thần tri ân tiền nhân "Uống nước nhớ nguồn", một cội nguồn của dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến, dù chúng ta vẫn còn ly hương."

Vé có 3 loại, VIP $55, hạng 1 $45, và vé đồng hạng $30.
Để lấy vé xin liên lạc: Mai Chân (714) 260-3856,
Thanh Kim Mỹ (714) 251-7533 , Phạm Khanh (714) 653-0605.
Đài Little Sai Gon TV (714) 979-9562.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT