Văn Nghệ

Mời dự chiều nhạc hòa tấu hợp xướng Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm

Friday, 08/11/2019 - 06:34:32

Chiều nhạc hòa tấu hợp xướng “Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm” được giới thiệu đến khán giả vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11, 2019 sắp tới...

Các ca sĩ trong Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi kỷ niệm 30 năm

 

Bài BĂNG HUYỀN

Chiều nhạc hòa tấu hợp xướng “Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm” được giới thiệu đến khán giả vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11, 2019 sắp tới, tại Saigon Performing Arts Center, sẽ là một buổi diễn rất đặc biệt.

Những tiết mục sẽ có trong chiều nhạc

Khán giả sẽ mong chờ và được thỏa mãn những gì ở chiều Nhạc “Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm”?
Khán giả đến thưởng thức buổi hòa nhạc này sẽ tìm được những xúc cảm dâng trào và lắng đọng sâu sắc.
Buổi diễn sẽ bao gồm những tác phẩm xuất sắc của âm nhạc Việt Nam ngợi ca nét đẹp của đất mẹ Việt Nam và lịch sử bất khuất của các bậc tiền nhân qua hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đây là dịp để khán thính giả được thưởng thức những tác phẩm kinh điển của tân nhạc Việt Nam được hòa tấu bởi dàn nhạc giao hưởng Orchestra Collective of Orange County với hơn 33 nhạc sĩ được Nhạc Trưởng David Rentz (tiến sĩ âm nhạc, dạy tại đại học Claremont) điều khiển dàn nhạc, giúp tăng thêm vẻ đẹp của phần hát hợp xướng của ban Hợp Xướng Ngàn Khơi (dưới sự điều khiển của các ca trưởng Trần Mộng Thủy, Nguyễn Hoàng Hương, Bùi Quỳnh Giao).

Chương trình còn có những ca khúc tình yêu và tình tự quê hương qua những tiếng hát sâu lắng của ca sĩ ca sĩ Bích Vân, Nguyên Khang, Ngọc Hà, Bích Liên, Vasa Diệu Nga, Thu Vàng, Mê Linh, Lê Hồng Quang, ban hợp ca Cát Trắng, Sóng Xanh và nhóm thiếu nhi VS Music Studios. Đảm nhiệm phần giới thiệu chương trình là MC Lê Đình YSa, Nguyễn Hoàng Dũng và Bích Trâm.


Một thành viên sáng lập Ngàn Khơi năm 1989

 

Theo tiết lộ của ban tổ chức, chiều Nhạc “Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm” vẫn có những ca khúc đơn ca đặc sắc của các ca sĩ, nhưng phần hợp xướng của Ngàn Khơi vẫn là điểm chính của chương trình. Nhạc đệm cho phần hát có thay đổi màu sắc, sẽ có hai bài hát do ban hợp xướng Ngàn Khơi ca chỉ được đệm tiếng đàn piano. Còn phần lớn bài hát sẽ được hát chung với dàn nhạc giao hưởng. Các ca sĩ hát đơn ca khi thì hát với dàn nhạc, khi thì hát chỉ có tiếng dương cầm của nhạc sĩ Quốc Vũ hoặc Bạch Đằng nhằm giúp tăng thêm vẻ đẹp cho các giọng ca.

Đến với chiều nhạc, khán giả sẽ được nghe trích đoạn Trường Ca Mẹ Việt Nam. Hòn Vọng Phu 1, 2, 3 (Lê Thương) do nhạc sĩ Lê Văn Khoa viết hòa âm cho dàn nhạc và hợp xướng, Ngàn Khơi sẽ hát với dàn nhạc giao hưởng. Lần đầu tiên Ngàn Khơi sẽ trình diễn bài Xuân Quang Trung của nhạc sĩ Vũ Văn Tuynh. Ngàn Khơi sẽ hát Lữ Hành, Khỏe Vì Nước…
Chiều nhạc còn có những ca khúc được ca sĩ hát so lo chung với ban hợp xướng. Ví dụ như ca khúc Tình Hoài Hương (Phạm Duy). Ca sĩ nào hát thì mời khán giả hãy đến thưởng thức sẽ biết. Sẽ có ca sĩ chọn hát ca khúc Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (Phạm Duy).


Nhạc Trưởng Trần Chúc dặn dò các ca viên trong hậu trường

 

Chiều nhạc Ngàn Khơi còn có những tiết mục của nhóm Sóng Xanh, Cát Trắng cũng rất đặc sắc. Những giọng hát non trẻ của nhóm hát thiếu nhi là các em học trò của lớp nhạc ca sĩ Bích Vân và Sean Buhr, giọng ca của em Mê Linh sẽ đem nét tươi mới cho chiều nhạc.

Tâm tình của GS Lê Văn Khoa

Giáo Sư (GS) Lê Văn Khoa là người đã gợi ý cho các thành viên sáng lập của Ngàn Khơi gầy dựng nên ban hợp xướng Ngàn Khơi, đồng thời ông cũng giúp Ngàn Khơi viết hòa âm cho hợp xướng, cho dàn nhạc giao hưởng trong lần trình diễn vào năm 1990 của Ngàn Khơi mang tên “Việt Nam Quê Hương Mến Yêu,” đã tạo nên tiếng vang và là điểm son đáng từ hào của Ngàn Khơi lúc bấy giờ. Ngay thời điểm đó, cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới chưa có ai thực hiện được chương trình hòa nhạc như vậy.
Chia sẻ cảm xúc của mình nhân kỷ niệm 30 năm của Ngàn Khơi, GS Lê Văn Khoa bày tỏ, “Tôi nghĩ rằng vai trò văn hóa đối với cộng đồng người Việt chúng ta ở hải ngoại là một điều rất nên có, rất nên duy trì. Mà trên thực tế rất ít người quan tâm. Nhiều người nghĩ chỉ cần giàu có về vật chất là đủ rồi. Vì cớ đó, cho nên Ngàn Khơi gặp nhiều khó khăn về tài chánh.

“Bất cứ một tổ chức nào muốn tồn tại thì phải có tiền để hoạt động. Ngàn Khơi là một tổ chức vô vụ lợi, đâu có ai tài trợ, nên chỉ trông cậy vào tiền bán vé khi thực hiện show nhạc, nhưng chỉ để trang trãi cho chi phí buổi trình diễn thôi. Còn những bổi tập luyện trước đó thì những thành viên gia nhập vào Ngàn Khơi tự gánh lấy các chi phí khác. Nên vì lẽ đó khó phát triển được nhiều.”

Theo GS Lê Văn Khoa, “Trong âm nhạc số 3 quan trọng lắm. Đầu tiên là người viết nhạc, người trình diễn và người thưởng thức. Nếu người viết nhạc mà không có người có trình độ kỹ thuật và nghệ thuật cao để trình diễn thì tác phẩm không trình diễn đạt, không được phổ biến ra. Nếu người viết nhạc có trình độ cao rồi, người trình diễn có trình độ cao rồi, mà người thưởng thức không có, thì kể như không có nhạc. Người Việt chúng ta quen ca khúc phổ thông, có lời ca ướt át. Âm nhạc cao cấp chừng nào thì càng khó có người nghe chừng đó. Tổ chức show nhạc không có người nghe thì làm sao có tiền? Ngay như dàn nhạc giao hưởng của người Mỹ cũng phải ngưng hoạt động nếu không có các nhà bảo trợ.


Nhạc Trưởng Nguyễn Bội Cơ năm 2015

 

“Vậy mà Ngàn Khơi vẫn duy trì được 30 năm qua, đó là điều tôi nghĩ rằng, mình nên ngã mũ thán phục sự trì chí của các thành viên trong Ngàn Khơi. Họ đã chịu đứng lại chung với nhau cùng làm việc. Tôi xin được ngã mũ tán thưởng Ngàn Khơi và đồng thời cũng hy vọng thế hệ sau cũng sẽ có những người nhận thức được giá trị của loại nhạc hợp ca để họ tiếp nối. Để nuôi dưỡng. Vì đó là thế giới văn hóa của Việt Nam. Nhưng mình chưa đủ mạnh để đi vào xã hội Hoa Kỳ và các nước khác. Mình chưa đủ người yểm trợ để thực hiện được điều đó.”

Bên cạnh lời khen cho sự trì chí của các thành viên giúp Ngàn Khơi sinh hoạt suốt 30 năm qua, GS Lê Văn Khoa bày tỏ thêm, “Những ca viên đi theo Ngàn Khơi có nghĩa là họ cũng có một đam mê hát hợp ca. Điều đó là rất tốt. Nhưng điểm tôi muốn nói là mình phải luôn vươn lên, phải tiến bộ. Đừng nên nghe người ta nói điểm bất lợi thì mình chán nản. Đừng nghe những lời người ta ca tụng mà mình thỏa lòng. Mình phải hiểu người đó ở trình độ nào để nói lên điều đó, rồi mình xét lại mình có đúng như họ nói không. Đừng nghe người ta chê mà mình buồn, nên biết người chê đó ở mức nào. Đừng nghe người ta tâng bốc, mình tưởng đâu là mình siêu. Hãy xem sự tâng bốc đó có giá trị gì hay không. Và nên tự hiểu mình cần phải tiến bộ. Đó là điều chánh mà tôi muốn nhắn gửi đến Ngàn Khơi. Tôi rất thán phục sự kiên trì của họ, nhưng cũng xin nhắc nhở chút xíu mấy điểm đó. Vì cái khen, cái chê của người ta có thể giúp mình, nếu mình xét lại mình nằm ở vị trí nào trong sự khen chê đó.”


Các ca viên kỳ cựu năm 2015

 

Hát và nghe hợp xướng

Gắn bó với Ngàn Khơi, các ca viên có cơ hội tham gia một tập thể yêu nhạc và tôn trọng âm nhạc, một tập thể đoàn kết gắn bó để cùng nỗ lực tạo nên cảm xúc chung và thành công cho tác phẩm khi trình diễn trước khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ khi hát hợp xướng, người trình diễn sẽ biết thể hiện hơn nhưng cũng biết lắng nghe hơn, lắng nghe một cách tinh tế sao cho sự hòa quyện của các bè đạt tới đỉnh điểm. Hát hợp xướng rèn cho người ta một giọng hát tốt với hơi thở sâu và cả một đôi tai tinh tế. Người hát hiểu và tôn trọng giọng nói, giọng hát của mọi người, biết thưởng thức sự đa dạng của thế giới âm thanh.

GS Lê Văn Khoa nhận xét, “Cái hay của hợp xướng thì nhiều lắm. Ở khía cạnh nghệ thuật nào cũng vậy, mình hãy chịu nghiên cứu để mình nhận đúng chân giá trị của nó. Thường thì đa số người Việt quen nghe một ca sĩ hát đơn ca. Vì họ nghe được lời ca. Ban hợp ca hát đôi khi họ không nghe được lời. Thứ nhất vì có nhiều người hát, thứ hai có nhiều bè giọng khác nhau. Tôi có gặp một người sáng tác nhạc đã xuất bản CD nhạc, người đó nói rằng, họ không thể nào nghe được hai người hát. Như vậy, mình thấy người đó nói thật. Vì hai người hát hai bè khác nhau. Nhiều khi họ nghe thấy lẫn lộn, không biết bè nào chánh, nhất là đối với bài hát họ không quen, thì càng mù tịt luôn, không nghe được cái hay của nó.”

GS Lê Văn Khoa gợi ý, “Thành ra nếu muốn thưởng thức nhạc hợp ca, mình phải biết nghệ thuật kết hợp âm thanh lại để nó có hòa hợp với nhau hay không? Nếu có nhiều người hát mà cho là hợp ca là dùng từ không đúng. Nhiều người hát lại chỉ có một giai điệu thôi thì chỉ là đồng ca. Khi nghe thử hợp ca, ban đầu mình chưa quen, thì hãy quên đi lời ca, chỉ nên nghe âm thanh thôi. Nghe âm thanh có quyện với nhau không? Có hòa hợp với nhau không? Có dẫn dắt gì mình không? Nó có tạo được êm ái, xoa dịu được tâm hồn đang thổn thức của mình không? Hoặc nó có tạo ra một sức mạnh nào đó để mình bùng vỡ ra không?

“Giai đoạn đầu tập nghe hợp ca, thì nên nghe như vậy. Giai đoạn sau nắm được cái đó rồi thì mình mới khai triển thêm chuyện khác. Chứ không thì mình sẽ bị dội ngay, không muốn nghe nữa. Những quý vị nào chưa quen nghe nhạc hợp xướng, đừng sợ. Hãy đi nghe thử đi, các quý vị cũng sẽ thấy nó lôi cuốn lắm. Khi đó nó lôi cuốn mình lên một đẳng cấp khác, thì hãy để nó lôi cuốn mình đi. Giai đoạn đầu, khán giả tập nghe hợp ca, hãy nghe thử sự hòa hợp âm thanh như thế nào. Nếu nó êm ả, thì đó là món quà cho mình rồi. Mình nên yểm trợ nó để nhận thêm những món quà khác. Còn nếu mình bỏ thì sẽ không có thêm món quà nào nữa.”
GS Lê Văn Khoa chia sẻ thêm, “Tôi có nghe phong phanh Ngàn Khơi có vẻ hơi mệt mỏi. Đó là chuyện đương nhiên. Trường kỳ bao giờ cũng có điều đó. Nhưng tôi hy vọng Ngàn Khơi mệt rồi, thì nghỉ dưỡng sức, hết mệt lại tiếp tục. Chứ không nên mệt quá nghỉ luôn, sẽ uổng lắm. Tôi e rằng nếu Ngàn Khơi không tiếp tục nữa, thì không có ai tiếp nối, thì uổng lắm. Đó là điểm văn hóa của cộng đồng người Việt mình tại đây. Nếu nói theo chính trị một chút, thì đó cũng là khí giới văn hóa để chống lại cộng sản Việt Nam. Nếu mình buông xuôi thì không ai làm đâu. Hát trong nhà thờ thì người Việt mình tham gia nhiều lắm. Mỗi nhà thờ có ba bốn ban hợp ca, nhưng chỉ hát nhạc nhà thờ thôi. Không trình diễn những bản nhạc đời, hùng ca như của Ngàn Khơi.


Các nhạc trưởng năm 2015

 

“Tôi mong các thành viên của Ngàn Khơi hãy cố gắng tiếp tục trì chí, mặc dù nó rất bạc bẻo. Bao nhiêu trăm giờ mình bỏ ra cùng luyện tập với biết bao cực khổ không ai biết. Khán giả chỉ biết giây phút mình trình diễn thôi. Bởi vì nếu Ngàn Khơi không làm nữa, thì chúng ta rất khó có một ban hợp xướng nào đó thực hiện chương trình hát hợp xướng như Ngàn Khơi.”

Vé của Chiều Nhạc Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm có các loại $40, $55, $75, $100 và SPONSOR. Có bán tại Tú Quỳnh (714) 531-4284; Nhật Báo Viễn Đông (714) 379-2851 và Ban Tổ Chức (714) 675-8761.
Ban hợp xướng Ngàn Khơi rất mong được gặp lại các khán giả đã yêu thương Ngàn Khơi suốt bao năm qua và mong gặp thêm những khán giả mới. Qúy vị hãy đến để thưởng thức một chiều nhạc rất giá trị và nhiều ý nghĩa, để sau chương trình, sẽ trở thành khán giả thân quen của Ngàn Khơi trong những lần sau!


Tại Musco Theatre năm 2017


Nhạc Trưởng Lê Văn Khoa 2018

 
 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT