Văn Nghệ

Mời dự buổi ra mắt sách Khoa Học Phương Tây và Triết Lý Phương Đông

Friday, 20/10/2017 - 08:08:25

“Có hai cách giải quyết vấn đề. Đầu tiên là đi về quá khứ mà không làm thay đổi quá khứ. Cách đó đã có hằng ngày, khi ta nhìn lại cuốn phim thu 10 năm về trước, là cách nhìn về quá khứ, mà không thay đổi nội dung cuốn phim đó.

Bài BĂNG HUYỀN

Vào lúc 1 giờ trưa thứ Bảy, ngày 28 tháng Mười sắp tới, tại hội trường Việt Báo sẽ diễn ra buổi ra mắt sách “Khoa Học Phương Tây và Triết Lý Phương Đông” của Giáo sư Kiều Tiến Dũng. Ông là Tiến Sĩ chuyên ngành Vật Lý Lý Thuyết sống tại Melbourne, Úc châu.

Buổi ra mắt sách do ký giả Phiến Đan là trưởng ban tổ chức, sẽ có phần nói chuyện của hai diễn giả là Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh và Tiến Sĩ Orchid Lâm Quỳnh, cùng sự có mặt của tác giả quyển sách để trình bày một số vấn đề trong sách, trả lời một số câu hỏi của người tham dự và ký tặng sách.
Chương trình cũng sẽ có vài bản nhạc để chuyển đổi các mục trong buổi giới thiệu sách do những ca sĩ thân hữu của ban tổ chức đến giúp vui.


Thư mời dự buổi ra mắt sách của tiến sĩ Kiều Tiến Dũng (hình cung cấp)

Vài nét về tác giả

Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng là một thuyền nhân tị nạn đến Úc năm 1980, khi mới 20 tuổi. Chỉ trong vòng ba năm ông hoàn tất học trình Cử Nhân Vật Lý với hạng tối ưu rồi làm luận án Tiến Sĩ Vật Lý tại Đại Học Edinburgh ở Anh. Ông đã có dịp làm việc trong lãnh vực này ở nhiều đại học trên thế giới như Oxford (Anh), MIT, Columbia, Princeton Institute of Advanced Study (Hoa Kỳ), Melbourne và hiện tại ở Đại học Swinburne (Úc). Ngoài bộ môn vật lý, nhất là cơ lượng tử (quantum mechanics) và thuyết trường lượng tử (quantum field theory), ông cũng đã có những nghiên cứu trong một số ngành liên quan như toán học, lý thuyết về điện toán (theoretical computer science), ngay đến cả chuyên ngành kinh tế đặc biệt (econophysics) và tài chính định lượng (quantitative finance) được áp dụng trong thị trường chứng khoán.

Lý do thực hiện quyển sách

Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng cho biết, “Tôi là người nghiên cứu về toán và vật lý, rất thích tìm hiểu về khoa học, nhưng là người Việt nên cũng chịu ảnh hưởng về văn hóa và triết lý Phương Đông. Từ lâu rồi thì tôi rất thích về sự tương đồng giữa khoa học phương Tây và triết lý phương Đông. Nhưng không có cơ hội nào ngồi xuống viết. Cơ hội đến với tôi khoảng ba, bốn năm trước, khi tôi cùng một số anh chị em làm chương trình radio Hồn Việt (HVR) [do ông Quốc Việt, cựu Trưởng ban Việt ngữ SBS Radio, lập nên Hồn Việt Radio để phát thanh 7 ngày mỗi tuần trên khắp lục địa Úc châu qua một hệ thống phát thanh tư nhân của người Úc], tôi có nhận viết một loạt bài về đề tài Đông và Tây. Đầu tiên tôi chỉ định viết bốn bài thôi, nhưng càng đào sâu vào thì thấy càng nhiều vấn đề để nói thành ra 14 bài, và trong thời gian phát thanh trên HVR đã được sự đón nhận đông đảo của anh em bạn bè nên tôi gom lại thành tập sách.”


Bìa quyển sách Khoa Học Phương Tây và Triết Lý Phương Đông (hình cung cấp)

Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng nói thời gian ông đặt bút viết loạt bài để phát thanh trên HVR khoảng bốn, năm tháng liên tục. Do sự bắt buộc thời gian, mỗi bài viết xong thì được phát thanh liền, thành ra không có ai hiệu đính, xem lại. Nhưng sau khi phát thanh xong, có nhiều người góp ý, vì vậy khi gom lại thành cuốn sách “Khoa Học Phương Tây và Triết Lý Phương Đông” thì ông có thay đổi một số thứ tự của đề tài, thay đổi vài đoạn, và cũng hơi gấp rút để in thành sách, nên ông có nhờ người khác xem lại về lỗi chính tả thôi, còn thì không có ai góp ý về cuốn sách.


Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng (hình cung cấp)

“Vì đề tài tôi chọn quá rộng lớn, thành ra nội dung vẫn do chính tôi quyết định. Nhưng hình bìa thì có nhờ người thực hiện. Phía xa xa có một cấu trúc phương Đông nhỏ, như xa xăm trong quá khứ, vì triết học phương Đông có cả ngàn năm rồi, gần với phía ngoài tấm hình bìa là những kiến trúc Tây phương, muốn nói về khoa học phương Tây. Nối liền Đông và Tây là chiếc cầu, mà đặc biệt chiếc cầu có hai vòng cung, cả hai vòng cung đó phản ánh xuống mặt nước thành con số 8 nằm ngang, đây là một ký hiệu trong toán học, nói về vô cực. Cái cầu này ý nói về kiến thức, sự thật thì vô cực và bao gồm cả Đông và Tây. Ý nghĩa đó tôi không tự vẽ được nên phải nhờ anh bạn họa sĩ trình bày suy nghĩ của mình ra hình bìa.”

Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng bùi ngùi cho biết khi ông viết các bài viết để phát thanh trước khi in thành sách, mẹ ông có nghe và rất thích thú, nhưng khi cuốn sách ra đời thì mẹ ông không còn nữa. Nên khi in sách, trang đầu ông có ghi Kính Dâng Mẹ.

Ông tâm sự, “Tôi bị ảnh hưởng từ mẹ rất nhiều, vì thời thơ ấu của mình tôi đã đi nhiều nơi theo mẹ trong quân ngũ VNCH và có nhiều kỷ niệm với bà rất nhiều. Bà là một nữ quân nhân QLVNCH thuộc binh chủng Nhảy Dù, đã gặp và kết hôn với ba của tôi cũng là một quân nhân cùng binh chủng Dù. Tôi là con đầu của ông bà.”

Tập sách này gồm hai phần, phần chính là về khoa học phương Tây và triết lý phương Đông gồm 14 chương, mỗi chương là một đề tài khác nhau, khoảng 200 trang, và hơn 100 trang cuối trong phần 2 là một số bài viết riêng lẻ không nằm trong đề tài chính nhưng được gom vào sách để nói lên những suy nghĩ riêng tư của tác giả.

Thông điệp quyển sách

Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng cho biết, “Có những sự việc có vẻ đối nghịch, nhưng thật sự chúng có những liên hệ với nhau, hữu ích cho nhau, giữa Đông và Tây, giữa có và không có… Tôi cũng muốn nói lên cái tư tưởng, cái quyền được tìm tòi, được đặt câu hỏi là quyền rất cần thiết, nếu có những tư tưởng táo bạo, đi ngược lại với thể chế chính trị của đất nước đó hoặc sự nhốt tù, nhưng tư tưởng, tinh thần, ý chí, sự thật thì không thể nào dễ hủy diệt được.

“Tư tưởng là rất quan trọng, vì tư tưởng đưa đến suy nghĩ và hành động, hành động dẫn tới thói quen, thói quen làm nên giá trị và nhân cách con người. Đó là câu nói của Đức Đạt La Lạt Ma. Đối với nhiều thể chế chính trị họ rất sợ tư tưởng. Sách có thể bị họ đem đốt, người bị đem nhốt, quyền có tư tưởng và nghiên cứu đặt câu hỏi là rất quan trọng của con người. Vì vậy ngoài vấn đề khoa học và triết lý, tôi còn liên hệ vấn đề người Việt Nam trong đời sống hằng ngày, cũng vì lý do đó, nên dù chưa thử nhưng tôi nghĩ cuốn sách sẽ không được phát hành tại Việt Nam. Mong rằng trong tương lai nó sẽ được đón nhận tại Việt Nam, nhất là các bạn trẻ ở Việt Nam có cơ hội đọc và đóng góp thêm hoặc phát triển ra thêm.”

Theo tiến sĩ Kiều Tiến Dũng, “Đây không phải là một tập sách nghiên cứu, chỉ là một tập sách gợi ý, giới thiệu. Vì thường thường khi mình nói Đông và Tây thì khác biệt nhiều hơn là sự tương đồng. Tôi là người làm về khoa học, nhất là khoa học của thế kỷ 20 trở về sau này, có hai khoa học mới là điện tử và thuyết tương đối, rất tương đồng với triết lý của Phương Đông cả ngàn năm trước. Vì vậy tôi muốn giới thiệu đến người đọc sự tương đồng này để mong qua đó học hỏi thêm được điều gì đó từ người đọc phản hồi lại. Khi tôi viết phần nói về khoa học thì cái khó là làm sao nói đến vấn đề đó thật đơn giản bằng tiếng Việt, nó vốn là đề tài mà tôi đã nghiên cứu bấy lâu nay. Còn nói về triết học, triết lý Đông Phương, tôi phải đi tìm tài liệu để đưa ra những dẫn chứng mà vốn từ Hán Việt của tôi thì hơi khiêm tốn.”

Ông giải thích, “Tôi có nêu lên một số điểm tương đồng giữa khoa học hiện đại phương Tây và một vài hệ thống triết học phương Đông cổ xưa chứa đựng trong Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh và Phật Giáo (tôi đưa vào sách và xem nó là một hệ thống triết học hơn là một tôn giáo). Nếu khoa học phương Tây có khoảng 400, 500 năm nay, là phương tiện, một cách thức để đi tìm sự thật về hiện tượng thiên nhiên ngoài kia, hay vũ trụ xung quanh mình, thì triết học phương Đông cổ xưa cũng là cách của mấy ngàn năm trước giúp người ta đi tìm và khám phá sự thật.

“Bản chất của khoa học là lập lại được, có thể chứng minh sai và đi từ chi tiết đến tổng quát. Triết học, nhất là triết Đông Phương thì lại từ tổng quát, không cho mình cách suy luận, dẫn chứng, nhưng qua cuộc sống của mình, trải nghiệm qua thì mới hiểu được điều đó, có sự thật trong đó, thành ra cách trình bày của triết lý Đông phương từ cái đơn giản tối đa, chúng ta phải chứng nghiệm sự thật bằng kinh nghiệm đời người. Hai điều đó có vẻ trái ngược nhau, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng.”

Nói thêm đôi nét về nội dung quyển sách, tiến sĩ Kiều Tiến Dũng cho biết 14 đề tài chính của quyển sách gồm có, “Giới hạn của ngôn từ và văn tự. Bất biến và Tuyệt đối. Hư không, hữu hạn và vô hạn. Hiện tượng và Bản chất. Chủ quan và khách quan. Giới hạn và tự do. Quấn quít bât khả phân, vân vân.

“Những đề tài trên là những cặp phạm trù triết học đối đãi rất dễ nhận biết trong đối chiếu giữa khoa học phương Tây và triết lý phương Đông, tôi cố gắng dùng những cách giải thích đơn giản nhất, đây không phải cuốn sách nghiên cứu, bác học, nên không nói những lý luận dài dòng, quá cao siêu.

“Ví dụ như đề tài về thời gian vốn là một bí ẩn trong khoa học hiện đại, tôi gắng giải thích một cách thỏa đáng thời gian là gì, có những tương đồng với cái nhìn của triết học Đông Phương về thời gian qua cái vòng tròn từ sinh trụ hoại diệt… mà khoa học bây giờ cũng có cái nhìn như vậy. Về đề tài thời gian có hai vấn đề, thứ nhất là câu hỏi là ta có đi ngược lại với thời gian hay không. Câu hỏi đặt ra và có những lý luận gọi là mâu thuẫn, ví dụ A đi ngược lại với quá khứ của chính mình, A gặp ông nội, trong lúc nào đó lỡ tay giết ông nội khi ông chưa có gia đình, thì làm sao ông sinh ra bố và sinh ra A.

“Có hai cách giải quyết vấn đề. Đầu tiên là đi về quá khứ mà không làm thay đổi quá khứ. Cách đó đã có hằng ngày, khi ta nhìn lại cuốn phim thu 10 năm về trước, là cách nhìn về quá khứ, mà không thay đổi nội dung cuốn phim đó.

“Trong khoa học phương Tây, Cơ Học Điện Tử thì mình có thể đi ngược về quá khứ, mà quá khứ đó thuộc một nhánh khác, thành ra dù mình có làm gì quá khứ đó đi nữa thì nó không ảnh hưởng đến hiện tại của mình mà chỉ ảnh hưởng đến hiện tại của một nhánh vũ trụ khác. Trong khoa học Cơ Học Điện Tử nói đến cái đa vũ trụ thay vì là vũ trụ duy nhất.”

Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng nói sở trường chính của ông là khoa học phương Tây, nhưng ông lại rất thích tìm hiểu về triết phương Đông. Kinh nghiệm của bản thân ông thấy rằng muốn nắm một vấn đề, mình phải ngồi xuống viết hay giảng cho người khác thì từ đó mình hiểu rõ vấn đề hơn. Chứ nhiều khi mình nghĩ mình hiểu nhưng khi đặt bút viết thì phải giải thích làm sao cho đúng và người khác dễ hiểu, thì chính mình học hỏi được rất nhiều điều. Ông cũng hy vọng trong tương lai có nhiều thời giờ, ông sẽ ngồi viết lại quyển sách này bằng tiếng Anh để phổ biến đến các độc giả người Việt sống khắp nơi trên thế giới cũng như những người đọc sắc dân khác.

Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng nhờ nhật báo Viễn Đông gửi lời mời, “Tôi rất mong cuốn sách được phổ biến rộng rãi, đề tài sách tôi viết là đề tài rất khó nhưng cũng rất lý thú, mong muốn có sự ủng hộ và mong nhận được phản hồi của người đọc, góp ý cho tôi. Rất mong gặp được quý vị đến với buổi ra mắt sách để gặp gỡ và đặt câu hỏi.”

Buổi ra mắt sách vào 1 giờ chiều thứ Bảy, ngày 28 tháng Mười, tại hội trường Việt Báo, 14841 Moran St., Westminster, CA 92683.

Sách “Khoa Học Phương Tây và Triết Lý Phương Đông,” dày 340 trang, bìa mềm,giá $18 Mỹ kim, được bán tại tòa soạn Người Việt, trên trang web www.NguoiVietShop.com. Và www.Amazon.com.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT