Bình Luận

Mở mặt trận thứ nhì

Saturday, 23/09/2017 - 08:22:41

Trên ba thế hệ trước, Tổng Thống Roosevelt mở MẶT TRẬN THỨ NHÌ với tối đa thận trọng mà 4,000 người lính anh hùng và vô tội còn nằm lại bờ biển Normandie. Xin cầu nguyện để vũ khí được đem ra sử dụng lần này giới hạn vào loại võ mồm.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Mở mặt trận thứ nhì là một quan điểm chiến lược, mô tả mục đích cuộc hội nghị Teheran, Iran, ngày 28 tháng 11, 1943 giữa ba lãnh tụ Đồng Minh Joseph Stalin, Winston Churchill và Franklin D. Roosevelt.
Vào thời điểm đó, quân quốc xã Đức vừa thất trận tại Stalingrad -sau 200 ngày giao tranh- (khởi đánh 7/17/1942, chấm dứt 2/2/1943), Staline muốn thừa thắng tiến vào lãnh thổ Đức để đánh tan quân Hitler, chấm dứt chiến tranh, nhưng Tổng Thống Mỹ Roosevelt không gấp gáp như vậy. Ông muốn mặt trận Đông Đức sắt máu tiếp tục thêm vài tháng nữa, rồi Hoa Kỳ mới mở “mặt trận thứ nhì” tấn công quân Đức trên cánh Tây -bằng cách đổ bộ vào bờ biển Pháp.

Thời gian trên nửa năm kéo dài giao tranh khiến quân Đức chịu đựng thêm nhiều tổn thất, và làm nhụt nhuệ khí phòng thủ bờ biển Normandie, khiến cuộc hành quân đổ bộ, không đòi hỏi quá nhiều tổn thất cho quân đội Hoa Kỳ. Vài sử gia còn cho là Roosevelt có thâm ý để mặc Mặt Trận Miền Đông kéo dài, gây thêm tổn thất cho quân đội Nga, vì ông nhìn thấy khí thế chống Mỹ của chính quyền cộng sản Nga, sau khi Mỹ giúp Nga đánh gục quân Quốc Xã Đức.


Ba lãnh tụ Đồng Minh Joseph Stalin, Winston Churchill và Franklin D. Roosevelt gặp nhau tại Teheran, thủ đô Iran quyết định mở mặt trận thứ nhì tấn công quân Đức quốc xã.

Do quyết định đó của tổng thống Hoa Kỳ, Thống Tướng Dwight D. Eisenhower chỉ đổ 156,000 quân đồng minh (Mỹ, Anh, Pháp, Canada ... ) xuống bờ biển Normandie ngày mùng 6 tháng Sáu, 1944 -nửa năm sau- đối đầu với 170 khẩu đại bác phòng duyên và vô vàn giàn phóng hỏa tiễn cỡ 320 ly, để tấn công 50,350 quân trú phòng Đức, bố trí dài trên 50 cây số bờ biển.


Bộ tư lệnh Hoa Kỳ thực hiện cuộc đổ bộ Normadie gồm nhiều danh tướng Mỹ; các tướng lãnh chụp hình ngồi gồm Air Chief Marshal Arthur Tedder; General Dwight D. Eisenhower; General Bernard Montgomery; 4 vị đứng phía sau là Lieutenant General Omar Bradley; Admiral Bertram Ramsay; Air Chief Marshal Trafford Leigh-Mallory; Lieutenant General Walter Bedell Smith.

Hừng đông ngày D day, 6/6/1944, vài ngàn quân nhảy dù đáp xuống phía sau lưng của chiến lũy Đức Normandie -một số xuống trước bằng dù, thiết lập bãi đáp cho glider -loại máy bay trườn trên mặt đất, không động cơ.

Lực lượng tiền đạo đó khóa mọi trục giao thông, không cho quân trừ bị Đức -từ bên trong lãnh thổ Pháp và Đức đổ ra bờ biển, tăng cường lực lượng phòng vệ chiến lũy Normandie



Cuộc đổ bộ Normandie, chịu đựng tổn thất nặng nề vì hỏa lực phòng duyên hùng hậu của Đức Quốc Xã.


Cuộc đổ bộ bằng tầu hải quân bắt đầu lúc 6 rưỡi sáng, với sự yểm trợ chiến thuật của hàng ngàn khu trục và oanh tạc cơ. Lực lượng Anh và Canada tiến chiếm ba mục tiêu mang bí danh ngụy trang như Gold, Juno, và Sword tương đối dễ dàng, lực lượng Mỹ cũng chiếm Utah Beach với tổn thất nhẹ.

Nhưng những đơn vị Mỹ tấn công Omaha Beach đã vấp vào sức kháng cự quyết liệt của quân trú phòng; tổn thất của Mỹ lên đến trên 2,000 thương vong, chỉ riêng trên bãi biển đó.

Tuy nhiên cuộc đổ bộ vẫn hoàn thành mỹ mãn ngay trong ngày 6/6/1944, đưa 156,000 quân đặt chân lên lãnh thổ Pháp, tạo đầu cầu tiến vào Âu Châu, mở MẶT TRẬN THỨ NHÌ đánh tan chế độ Quốc Xã của nhà độc tài Đức Adolf Hitler.


Hai người lính già nghiêm chỉnh chào kính 4,000 người lính chết trẻ trên bờ biển Normandie.


Người viết bài báo này sơ lược nhắc lại cái giá người lính Mỹ và Đồng Minh đã chấp nhận trả để giải quyết một bế tắc của lịch sử nhân loại. Tối thiểu cái chết của họ 73 năm trước cũng giúp hàng tỉ người có một cuộc sống nhân bản hơn; và dẫn chứng việc MỞ MẶT TRẬN THỨ NHÌ ngày đó, cũng dựa trên một quyết định chiến lược khôn ngoan và hợp lý.

Từ chuyện cũ đó, xin chuyển qua MẶT TRẬN THỨ NHÌ đang được Tổng Tư Lệnh Donald Trump quyết định mở ra ngày 20 tháng Chín, 2017; ông tuyên bố quyết định quan trọng đó trong bài diễn văn đọc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Qua bài diễn văn đó, ông nói chưa hiệp ước nào khiến Hoa Kỳ xấu hổ như bản hiệp ước vị tiền nhiệm của ông -Tổng Thống Obama- ký với Iran; ông muốn hủy bỏ hiệp ước đó như ông đang nỗ lực hủy bỏ mọi tác phẩm chính trị ưng ý của ông Obama.

Khó khăn của Tổng Thống Trump là Mỹ không đơn phương ký hiệp ước với Iran; đồng ký với Mỹ còn có Anh, Pháp, Đức, Nga, và Tầu -cả năm nước này cùng không có ý định xé bỏ hiệp ước họ đã ký.
Tổng Thống Iran -ông Hassan Rouhani- tuyên bố, “Hoa Kỳ đang kiếm cớ để vi phạm hiệp ước nguyên tử đã ký với Iran; chúng tôi không mất thì giờ để tái thương thảo với chính phủ hiện tại của Mỹ, vì thành tích họ chà đạp lên những điều đã ký kết.”


Ông Đạo Rouhani sắc bén, chứ không hiền lành như vợ chồng cậu Kim Jong-un


Vợ chồng cậu Kim Jong-un

Ngôn ngữ ông sử dụng cũng bén nhọn, châm chích không thua gì ngôn ngữ tổng thống Mỹ sử dụng; trong buổi họp báo ngay tại trụ sở LHQ; Rouhani nói với phóng viên truyền thông là bài diễn văn của Trump khiến mọi người phát giác ra là không chỉ dốt nát, vô lý mà Trump còn bần tiện, hằn học nữa.

Rouhani cũng khẳng định là mặc dù Iran chưa hề vi phạm hiệp ước ký với sáu cường quốc, nhưng ông sẽ không ngần ngại gì mà không vi phạm, nếu chính Mỹ cũng không tôn trọng. Tổ chức IAEA (International Atomic Energy Agency-Quốc Tế Nguyên Tử Lực) của LHQ xác nhận là cho đến giờ này Iran vẫn tôn trọng mọi điều họ ký kết.

Tổng thống Iran còn nói, “Thật đáng tiếc nếu bản hiệp ước nguyên tử bị phá hoại bởi bọn tay mơ tồi bại vừa lên cầm quyền.”

Câu nói quá nặng, và có lẽ tổng thống Mỹ nên dành quả banh golf ông đánh trúng lưng bà Hillary để đánh vào mặt ông Rouhani.

Phóng viên truyền thông chất vấn Ngoại Trưởng Rex Tillerson về lập trường của Tổng Thống Trump; trả lời câu hỏi, “Mỹ có hủy bỏ hiệp ước nguyên tử ký với Iran không?” ông Tillerson nói ông không biết, vì tổng thống chưa nói gì với ông cả.

Thủ tướng Anh, bà Theresa May, phụ họa, nói bà có hỏi, nhưng Trump cũng không tiết lộ bỏ hay không bỏ.
Sau những gay cấn với Bắc Hàn, tổng thống Hoa Kỳ quay sang khai chiến với Iran, ông gọi Tổng Thống Iran -Rouhani- là rogue (tên tồi bại), Rouhani gọi lại ông là rogue. MẶT TRẬN THỨ NHÌ đang khởi đi từ đó. Từ điển ngoại giao có thêm một chữ mới - không bóng bẩy như ngôn từ thường dùng.

Trên ba thế hệ trước, Tổng Thống Roosevelt mở MẶT TRẬN THỨ NHÌ với tối đa thận trọng mà 4,000 người lính anh hùng và vô tội còn nằm lại bờ biển Normandie. Xin cầu nguyện để vũ khí được đem ra sử dụng lần này giới hạn vào loại võ mồm.

Điều khó hiểu là không biết Trump mở MẶT TRẬN THỨ NHÌ để làm gì; ngày xưa Roosevelt -theo lời yêu cầu của Staline- mở MẶT TRẬN THỨ NHÌ đánh vào cánh Tây của quân Đức, để bắt Hitler chia đôi lực lượng: phía Tây chống Mỹ, phía Đông chống Nga; trong lúc Trump mở MẶT TRẬN THỨ NHÌ để tự chia đôi: một miệng chửi Kim Jong-un, miệng kia chửi Rouhani.

Ông tài ba gần bằng Lữ Bố đánh cả ba anh em Lưu Bị, Quan Công, và Trương Phi; có thể ông còn tài hơn Lữ Bố nữa, vì núp sau lưng Kim Jong-un còn có Tập Cận Bình và những xạ thủ Trung Cộng giúp Kim bắn hỏa tiễn tứ tung, như ngày xưa xạ thủ Nga sử dụng hỏa tiễn SAM tại Hà Nội, giúp Việt Cộng bắn rơi đại úy phi công John McCain.
Trump cũng chửi cả McCain.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT