Hôm Nay Ăn Gì

Mít non kho cá chuồn

Thursday, 11/03/2021 - 09:15:47

Ở Việt Nam, nói không ngoa thì món ăn đi vào tục ngữ, dân ca không ít, bởi tâm thức Việt có tính lý lơi, mọi thứ đều có thể biến thành vần vè, thơ ca.


(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM

Ở Việt Nam, nói không ngoa thì món ăn đi vào tục ngữ, dân ca không ít, bởi tâm thức Việt có tính lý lơi, mọi thứ đều có thể biến thành vần vè, thơ ca. Giữa đời sống quá khắc nghiệt, cái nghèo, chiến tranh, nỗi buồn mất mát sau chiến tranh, nỗi buồn người đi kẻ ở… Mọi thứ chỉ có thể giải thoát bằng tiếng thở dài hoặc tiếng cười điên dại hoặc tiếng hát lý lơi hay thâm trầm cho bay bớt cái hơi đau khổ… Nói thì nghe như kịch, như cải lương, nhưng cuộc đời người Việt, đừng hỏi vì sao người Việt ai cũng nhà thơ, không vài bài cũng vài chục bài, không thơ cũng vè, phú, nhạc… Bởi khi nào hết khổ, khi nào mọi thứ ẩn ức được giải thoát, người ta sẽ tự nhiên mà bớt làm thơ, bớt vần vè thôi. Tự dưng đang nói món ăn lại sang chuyện vần vè thơ phú, bởi món mít non kho cá chuồn cũng vần vè thơ phú:

Ai về nhắn với bạn nguồn
Mít non em gởi xuống cá chuồn anh gởi lên

Với người Quảng xưa và người Việt bây giờ, món mít non cá chuồn đã thành quen thuộc, ở chừng mực nào đó, đây là món đặc sản. Nói là món của người Quảng xưa bởi món này bắt nguồn từ xứ Quảng, nói là món của người Việt bây giờ bởi lúc này, hình như không còn riêng gì người miền Trung ưa món này mà hầu hết người Việt đều ưa món này, đặc biệt những du khách từ miền khác đến xứ Quảng, mặc dù đã từng ăn món này ở nhà vẫn cứ thích gọi thêm mít non kho cá chuồn tại “bản quán” của nó để xem sao, thử ngon dở cở nào…

Và, nói tới món ăn này, món ăn mà vô hình trung nó đã khiến cho làng ca dao miền Bắc phải đứng hình. Bởi người miền Bắc có hai câu: “Cảm ơn trời rộng đất dày/Nửa đêm cái cối cái chày có nhau” để ám chỉ vấn đề nam nữ, chuyện luyến ái, ngẫu tượng phồn thực… Thì miền Trung, cái câu “mít non em gởi xuống cá chuồn anh gởi lên” lại sinh động chẳng kém. Tại sao không phải mít non anh gởi xuống? Bởi nghề làm biển thì không có người phụ nữ nào dám đương đầu với sóng gió, chỉ có đàn ông, nghề làm vườn, hái măng rừng, mít rừng thì chỉ có phụ nữ. Luận giải nghề nghiệp thì đối tượng mít non của em và cá chuồn của anh gửi hoàn toàn hợp lý.


(Tom/ Viễn Đông)

Nhưng, sâu xa bên trong câu ca dao này lại là biểu tượng phồn thực - Linga và Yoni. Bởi, với người làm rừng, làm vườn ở thượng nguồn, miền núi, trung du, cứ đến mùa mít ra trái, người ta chọn những trái mít có eo, nần, có kẽ để hái đi, bởi những trái mít như vậy, nhìn hình dạng khá là đẹp nhưng tới khi chín, phần xơ nhiều hơn múi, nhưng bù vào đó, trái mít non càng nhiều xơ thì kho cá, luộc trộn tôm thành món mít trộn càng ngon. Và hầu như câu chuyện tình biển và núi, chuyện tình cảm nam nữ, lứa đôi cũng hình thành từ những buổi chợ, buổi hẹn hò dân dã như thế.

E mang trái mít của em ra chợ, anh gởi con cá chuồn của anh lên chợ, anh cần thức quà của núi, em cần con cá của biển. Sâu xa hơn, em cần cái mênh mông, bát ngát và hào hiệp của biển trong anh và anh cũng cần cái trắc ẩn, lý lơi, nõn nuột của em. Cuộc đời chúng ta cần nhau như mít trộn với cá chuồn. Sâu xa hơn chút nữa, chỉ có cá chuồn của anh khế hợp với mít non của em mới duy trì được bữa ăn ngon, mới có cái để duy trì sự sống… Nhưng nói cho cùng, bên trong câu nhắn gửi này lại là một phức cảm nhục thể rất tự nhiên giữa con người với con người khi sự khác giới và độ tuổi bắt đầu bén mùi nhựa sống.

Nhưng mà tôi đang giới thiệu với quí vị món mít non kho cá chuồn, đây là món ăn dân dã, quí vị chỉ cần một miếng mít non, gọt bỏ vỏ, cắt thành từng miếng mỏng vừa (như trong hình), một con cá chuồn làm sạch ruột, mang, vi, cắt thành từng khúc, sau đó ướp gia vị gồm một chút đường nếu quý vị không dùng bột ngọt, một chút tiêu, hành, ớt tỏi, một muỗng nước mẵm, một chút muối. Nguyên liệu sơ chế là vậy, còn việc kho cũng đơn giản không kém. Chỉ cần phi thơm một chút dầu ăn, cho cá chuồn và mít đã ướp sẵn vào, đun nhỏ lửa đến khi sôi, cho thêm nửa chén nước nóng (phải là nước nóng hoặc nước sôi để món cá không bị tanh), đun sôi trên lửa nhỏ chừng mười phút là đã có một nồi cá chuồn kho mít non thơm ngon và dân dã.
Chúc quý vị có một bữa ăn thú vị và vui vẻ với món “mít non em gửi xuống/cá chuồn anh gửi lên”!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT