Tiêu Thụ

Minh bạch về các mối liên hệ quyền lợi giữa bác sĩ và hãng dược

Friday, 21/08/2015 - 08:11:59

Vấn đề đặt ra là: Bác sĩ nhận “ân huệ” của các hãng dược có hẳn là một sự lạm dụng chức vụ không? Có và không! Có, là vì ân huệ có thể chi phối cách thức bác sĩ nhìn nhận và đánh giá dược phẩm. Không, là vì sản phẩm chưa hẳn là không có giá trị tự nó.

Bài ERIC TRẦN

Trong đạo luật y tế mà chúng ta vẫn gọi là Obamacare, được áp dụng từ đầu năm 2014, có một điều khoản gọi là Physician Payments Sunshine Provision, cũng gọi là “Open Payments” (bạch hóa các khoản tiền) bắt buộc các bác sĩ phải khai báo các khoản tiền mình nhận được từ các hãng dược, cũng như các hãng dược phải công bố các khoản tiền mình bỏ ra để vận động giới y sĩ.
Sự bạch hóa không có ý nói rằng việc bác sĩ nhận làm phát ngôn viên cho hãng dược, hoặc nhận quảng cáo cho một thứ thuốc nào đó, là một điều xấu. Sự bạch hóa chỉ có ý nghĩa rằng, bệnh nhân, cũng là người tiêu thụ thuốc, được quyền biết rằng bác sĩ của mình có nhận ân huệ gì từ nhà sản xuất thứ thuốc mà vị đó ghi toa cho mình hay không.

Không thể coi thuốc men như một sản phẩm thông thường để nhà sản xuất chỉ có thể nhắm tới lợi nhuận



Vấn đề đặt ra là: Bác sĩ nhận “ân huệ” của các hãng dược có hẳn là một sự lạm dụng chức vụ không? Có và không! Có, là vì ân huệ có thể chi phối cách thức bác sĩ nhìn nhận và đánh giá dược phẩm. Không, là vì sản phẩm chưa hẳn là không có giá trị tự nó.
Trong thời đại bùng nổ thông tin qua liên mạng Internet, bất cứ ai trong giới tiêu thụ, dù là người thấp cổ bé miệng đến đâu, cũng có thể vào xem hồ sơ Open Payments tại địa chỉ https://www.cms.gov/openpayments. Đây là một trang mạng chính thức của nhà nước Hoa Kỳ, để theo dõi và điều hành các dịch vụ y tế Medicare và Medicaid.
Từ trang mạng này, giới tiêu thụ được biết công ty dược Genentech, tác giả thuốc Avastin và nhiều loại thuốc trị ung thư đắt tiền khác, đã chi trả cho các bác sĩ và bệnh viện nhiều hơn bất cứ một hãng dược nào khác trong năm 2014. Với các chi phí nghiên cứu, quà cáp, trả công thuyết trình, ăn uống, và di chuyển…. lên tới $295.4 triệu, gấp 4 lần số tiền hãng dược AstraZeneca đã trả ra trong cùng năm.
Genetech cũng cho biết đã trả $2.8 triệu cho một vị y sĩ và $10.1 triệu cho một vị y sĩ khác để hoàn thành hợp đồng đã ký với Seragon, một tiểu công ty mà Genetech đã mua lại trong năm 2014.
Tính đổ đồng, các y sĩ được chiếu cố đã nhận được $233,376 mỗi vị; 125 công ty chi ra hơn $1 triệu đô mỗi công ty, trong số đó, 10 công ty chi bạo nhất đã trả ra tổng cộng $709 triệu. Số liệu từ trang mạng Open Payments cho thấy có tới 1,444 công ty đã chi một số tiền tổng cộng $6.49 tỷ đô cho 607,000 y sĩ và 1,121 bệnh viện nhận giảng dậy sinh viên y khoa.
Ông Andy Slavit, quản trị Trung Tâm Điều Hành Medicare và Medicaid, gọi tắt là CMS, cho biết, “Giúp cho giới tiêu thụ tiếp cận những tin tức loại này là một bước căn bản trong tiến trình cải tổ, giúp cho hệ thống y tế được tốt hơn. Cho đến nay, mặc dầu mới bước sang năm thứ hai, Open Payments đã trở thành một nguốn tham khảo được rất nhiều người truy cập, và đánh giá cao sự bạch hóa thông tin về những nguồn tiền được trao đổi giữa ngành dược và ngành y.”


Bệnh nhân vốn coi trọng thuốc men, ít khi chịu rời khỏi văn phòng bác sĩ mà không được một toa thuốc trong tay

Người Mỹ thường gọi ngành dược là Big Pharma, với hàm ý đây là một “đại ca” rất mạnh về tiền bạc và rất biết cách kinh doanh. Vấn đề một cơ sở kinh doanh tung tiền để đẩy mạnh sự tiêu thụ sản phẩm là chuyện chính đáng. Nhưng thuốc men không phải là một sản phẩm thông thường, giống như một cái computer, một cái điện thoại, cái đồng hồ … để nhà sản xuất chỉ có thể nhắm vào lợi nhuận.
Trong khi đó, với tâm lý coi trọng thuốc men, ít khi bệnh nhân chịu rời khỏi văn phòng bác sĩ mà không mang theo một toa thuốc. Gặp vị bác sĩ nào không cho toa, mà chỉ cho lời khuyên về việc giữ gìn sức khỏe, tăng cường thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống và làm việc hợp lý… thì xem ra, bệnh nhân không được vui! Thậm chí có người còn dài miệng chê “bác sĩ không tận tâm”! Người tiêu thụ mà có sẵn tâm lý đó thì cũng không thể trách giới kinh doanh chỉ ham làm tiền. Nay với những thông tin minh bạch về mối liên hệ quyền lợi giữa bác sĩ và hãng dược, liệu người bệnh nhân có thay đổi được phần nào cách nhìn về thuốc men hay không?
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT