Thế Giới

Miến Điện tìm thấy 29 thi thể rớt máy bay

Thursday, 08/06/2017 - 07:29:50

Theo nhà chức trách, phi cơ gặp nạn chở tổng cộng 122 người. Hơn nửa số hành khách là gia đình các binh sĩ, trong đó có 15 trẻ em, 35 binh sĩ và 14 thành viên phi hành đoàn.



DAWEI - Ít nhất 29 thi thể đã được tìm thấy tại biển Andaman, sau vụ rơi máy bay Y-8F-200 của Không Quân Miến Điện. Văn phòng lực lượng quốc phòng Myanmar (DSO) chiều thứ Năm cho biết, thi thể của 1 người đàn ông, 20 phụ nữ và 8 trẻ em được tìm thấy trên vùng biển Andaman, ngoài khơi nước này. Đây là kết quả quá trình tìm kiếm của các tàu hải quân và ngư dân Miến Điện.
Các thi thể đang được đưa vào bờ để bắt đầu quá trình nhận dạng. Lực lượng cứu nạn cho biết, một số thi thể không còn nguyên vẹn. Quân đội Miến Điện vẫn tiếp tục chiến dịch tìm kiếm với sự tham gia của 9 tàu hải quân, 5 máy bay, hai trực thăng cứu nạn, và nhiều tàu bè của người dân địa phương. Phi cơ vận tải Y-8F-200 của Miến Điện mất tích hôm thứ Tư, khi đang bay từ thị trấn duyên hải Myei tới thành phố Yangon. Nó mất liên lạc 29 phút sau khi cất cánh, khi ở độ cao hơn 5,480 mét, cách thị trấn Dawei khoảng 70 cây số về phía tây.
Theo nhà chức trách, phi cơ gặp nạn chở tổng cộng 122 người. Hơn nửa số hành khách là gia đình các binh sĩ, trong đó có 15 trẻ em, 35 binh sĩ và 14 thành viên phi hành đoàn. Phi công chính là Trung tá Nyein Chan, có kinh nghiệm hơn 3,000 giờ bay. Chiếc Y-8F-200 số hiệu 5820 được Myanmar mua từ Trung Quốc vào tháng 3, 2016 và có tổng cộng 809 giờ bay.

Nam Hàn cảnh cáo Bắc Hàn sau đợt thử hỏa tiễn
SEOUL – Bắc Hàn vào hôm thứ Năm lại vừa bắn thử một số hỏa tiễn chống hạm. Tuy đây chỉ là loại hỏa tiễn tầm ngắn, hỏa lực yếu hơn so với các loại được thử trước đây, nhưng hành động này vẫn được cho là thái độ thách thức của Bình Nhưỡng, để chứng tỏ rằng nước này sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Các hỏa tiễn được bắn từ thị trấn Wonsan, nằm ven biển phía đông Bắc Hàn. Hỏa tiễn bay khoảng 200 cây số, và rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in, trong cuộc họp với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, đã tuyên bố rằng ông sẽ không nhượng bộ, dù chỉ 1 bước, trong các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Ông cảnh báo rằng, các hành động của Bắc Hàn sẽ chỉ khiến nước này tiếp tục bị cô lập và càng thêm khó khăn về kinh tế. Ông Moon, một người theo trường phái tự do, trước đây đã từng bày tỏ mong muốn được đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng.
Các nhà phân tích cho rằng, các vụ thử hỏa tiễn mới nhất này là nhằm tăng áp lực lên ông Moon để ông phải nhượng bộ. Ông Moon từng hy vọng cải thiện quan hệ giữa 2 miền, bằng cách tăng cường các trao đổi dân sự. Tuy nhiên, vào thứ Hai vừa qua, Bắc Hàn đã từ chối lời đề nghị của 1 tổ chức dân sự Nam Hàn, muốn cung cấp vật dụng và thuốc men chống bệnh sốt rét. Quyết định của Bình Nhưỡng được cho là để phản đối việc Nam Hàn ủng hộ các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc, vừa được ban hành vào cuối tuần trước.

Nam Hàn: Quân đội đề nghị ngân sách cao kỷ lục
SEOUL - Bộ Quốc Phòng Nam Hàn vừa đề nghị cấp ngân sách lên gần $39 tỷ Mỹ kim cho năm tới, do những mối đe dọa gia tăng từ Bắc Hàn và nhu cầu cải tổ quân đội. Khoản ngân sách đề nghị tăng 8.4% so với năm 2017. Hầu hết khoản tiền sẽ được dùng để tăng lương cho các binh sĩ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Moon Jae-in, lãnh đạo theo xu hướng tự do, đã hứa tăng 50% mức lương tối thiểu theo từng giai đoạn. Bộ Quốc Phòng cũng dự định sẽ tăng số sĩ quan chính thức và không chính thức từ 2,198 lên 3,089 người.
Ngoài ra, dự thảo ngân sách cũng bao gồm việc tăng chi tiêu cải thiện hỏa lực, đặc biệt là việc sớm thiết lập Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn và phòng không Nam Hàn (KAMD), và chương trình tấn công phủ đầu Kill Chain. Nếu được Bộ Tài Chính và Quốc Hội phê chuẩn, khoản gia tăng ngân sách so với 2017 sẽ cao hơn mức tăng trung bình khoảng 5% thời các chính quyền bảo thủ trước đó của ông Lee Myung-bak và bà Park Geun-hye.

Ukraine: Nổ tại tòa đại sứ Mỹ
KIEV - Một thiết bị nổ vào sáng sớm thứ Năm đã được ném vào khuôn viên đại sứ quán Hoa Kỳ tại thủ đô Kiev, nhưng không có người bị thương. Nhà chức trách tại Kiev cho biết, sự việc xảy ra lúc 12:05 sáng giờ địa phương, tại khuôn viên đại sứ quán Hoa Kỳ ở quận Shevchenko. "Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi xác định một kẻ không rõ danh tính ném một vật nổ không xác định vào khuôn viên phái đoàn ngoại giao. Không có người bị thương sau vụ nổ", Sở cảnh sát Kiev thông báo.
Một cuộc điều tra hình sự đang được thực hiện đối với hành động khủng bố. Nhà chức trách cũng đang tìm cách xác định danh tính nghi can. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm ngoái từng phát cảnh báo du lịch với các công dân nước này ở Ukraine. Thông báo cho rằng, tình hình ở Ukraine "khó lường" và "có thể thay đổi nhanh chóng.”


Iran: Các tay súng trong vụ tấn công là người Iran
TEHRAN – Các thành viên ISIS, những kẻ tấn công thủ đô Tehran của Iran khiến 17 người chết, đã được tuyển mộ ngay tại nước này, theo viên chức Iran cho biết hôm thứ Năm, 8 tháng 6. Nhà chức trách Iran chưa chính thức công bố danh tính những kẻ tấn công, nhưng đã công bố ảnh chụp thi thể của 5 phiến quân. Các vụ tấn công xảy ra vào 1 ngày trước tại Quốc Hội Iran tại thủ đô Tehran, và đền thờ ông Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sáng lập đất nước Hồi giáo này.
Đây là các vụ tấn công đầu tiên tại Iran được Nhà Nước Hồi Giáo ISIS nhận trách nhiệm. Tại tòa nhà quốc hội, 3 kẻ khủng bố ăn mặc giả làm phụ nữ đã tìm cách đi vào tòa nhà. Chúng giết 1 người canh gác ở lối vào, và nổ súng vào những người bên trong. Một kẻ tấn công sau đó đã cho nổ đai bom tự sát. Lực lượng an ninh Iran phải mất vài giờ để ổn định tình hình và tiêu diệt toàn bộ các phiến quân. Trong vụ tấn công đền thờ, xảy ra vào cùng thời điểm, lực lượng an ninh đã ngăn cản 2 kẻ tấn công khi chúng xông vào đều thờ. Một trong 2 phiến quân sau đó nổ bom tự sát, và kẻ còn lại bị bắn hạ.
Các tay súng là công dân Iran, từng rời quốc gia để đi chiến đấu cho ISIS, tại các chiến trường Mosul ở Iraq và Raqqa tại Syria. Những kẻ này quay về Iran vào tháng 7 năm ngoái, theo lệnh của 1 thủ lãnh ISIS là Abu Ayesheh, với ý định tấn công các thành phố lớn của nước này. Nhóm người này sau đó lại rời Iran một thời gian, sau khi mạng lưới của họ bị phát hiện và Aby Ayesheh bị tiêu diệt. Nhà chức trách Iran không cho biết thời điểm nhóm phiến quân này lại quay về quê hương để gây ra vụ tấn công.

Qatar: Các nước Ả Rập đặt điều kiện nối lại ngoại giao
RIYADH – Các nước Ả Rập đang đặt ra một số điều kiện mà Qatar phải đáp ứng, nếu muốn nối lại quan hệ ngoại giao và kinh tế. Trong số các yêu cầu này có cả việc phải thu nhỏ phạm vi của mạng lưới truyền thông Al Jazeera, vốn nổi tiếng về các thông điệp ủng hộ Hồi giáo cực đoan. Các nước Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập UAE, Ai Cập, và một số đồng minh khác, cũng muốn Qatar bảo đảm rằng, chính phủ nước này sẽ ngừng hỗ trợ tài chính cho các nhóm cực đoan vùng Trung Đông, và cắt quan hệ với các lãnh đạo chính trị của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo – một phong trào Hồi giáo hoạt động toàn cầu.
Một số lãnh đạo của Huynh Đệ Hồi Giáo, đặc biệt là những người đến từ Ai Cập, hiện đang sống lưu vong tại Doha, thủ đô Qatar. Vào đầu tuần, nhiều quốc gia Ả Rập đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời đóng cửa biên giới đường bộ và đường hàng không, vì cho rằng quốc gia này đang gây bất ổn cho vùng Trung Đông. Ả Rập Saudi và UAE cho biết họ đang chuẩn bị thực hiện thêm nhiều biện pháp trừng phạt Qatar trong vài ngày tới, bao gồm việc áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế.
Các viên chức Ả Rập Saudi và UAE đã công khai cáo buộc Qatar tài trợ cho các tổ chức cực đoan có liên hệ với al Qaeda tại Syria và Yemen, và cung cấp nơi cư trú cho các thành viên nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo. Qatar cũng đang chứa chấp nhiều thủ lãnh chính trị của nhóm Hamas, một nhóm phiến quân Palestine, có liên minh với Huynh Đệ Hồi Giáo, và đang bị Hoa Kỳ và Liên Âu coi là một tổ chức khủng bố quốc tế.

Dân Ấn Độ vẫn thích vào Mỹ làm việc
MUMBAI – Bất chấp nguy cơ Hoa Kỳ hủy bỏ chương trình visa việc làm H-1B, các thanh niên trẻ tại Ấn Độ vẫn đổ xô đi học ngành kỹ sư điện toán, với hy vọng sẽ có cơ hội làm việc ở nước ngoài trong tương lai. Ấn Độ có 23 trường dạy kỹ sư điện toán nổi tiếng, thu hút hơn 1 triệu đơn ghi danh xin học mỗi năm, và chỉ chưa tới 1% trong số này được nhận vào học.
Anh Naman Narang, 17 tuổi, đang học tại Mumbai, cho rằng việc Hoa Kỳ cân nhắc bãi bỏ chương trình Visa H-1B có thể ảnh hưởng đến thị trường việc làm tại đất nước này, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu của thế giới về ngành kỹ sư điện toán. Ngoài ra, anh cũng hy vọng rằng, vào thời điểm anh tốt nghiệp vào 5 năm sau, Hoa Kỳ có thể sẽ có 1 tổng thống mới, với những thay đổi về chính sách khác biệt với chính phủ Trump hiện nay.
Phần lớn thanh niên Ấn Độ đều muốn học ngành điện toán, do ngành này có mức lương tương đối cao, và có thể đem lại cơ hội làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm, Ấn Độ có gần 1.6 triệu kỹ sư điện toán mới tốt nghiệp từ các trường học, và số lượng người Ấn Độ được cấp visa H-1B, chiếc vé để làm việc tại Hoa Kỳ, đã tăng từ 108,000 người vào năm 2014, lên hơn 126,000 người vào năm 2016. Việc chính phủ Trump muốn thắt chặt chương trình di dân khiến nhiều người lo ngại rằng, số người có thể ra nước ngoài có thể sẽ giảm sút, và sự cạnh tranh để lấy visa Hoa Kỳ sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT