Thế Giới

Miến Điện: Gần 40,000 người Rohingya lánh nạn

Friday, 01/09/2017 - 09:24:10

Yanghee Lee, Ủy Viên đạc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói, “Cái vòng lẩn quẩn bạo động sắc tộc ở bang Rakhine làm chúng tôi rất lo lắng, chúng ta cần chấm dứt tệ nạn này.”


Người Hồi Rohingya đang tìm đường đến biên giới Bangladesh trong lúc đang có giao tranh giữa lực lượng Rohingya và quân đội Miến Điện tại tỉnh Rakhine ngày thứ Sáu, 1 tháng Chín. (Getty Images)

Gần 40,000 dân chúng Rohingya thiểu số theo Hồi giáo ở Miến Điện đã bỏ chạy sang Bangladesh kể từ khi bạo động sắc tộc bùng lên trở lại ở bang Rakhine của Miến Điện cách đây một tuần, theo ước lượng của Liên Hiệp Quốc cho hay.
Vào ngày 25 tháng 8, hàng ngàn tay súng của lực lượng phiến quân người Rohingya đồng loạt tấn công vào trên 20 đồn bót của quân đội Miến Điện làm hàng chục người chết và cuộc xung đột kéo dài khiến cư dân trong vùng phải kéo nhau đi lánh nạn. Nhiều người đã chết đuối khi họ cố vượt dòng sông Naf để vào lãnh thổ Bangladesh, và hôm thứ Sáu có thêm 16 thi thể của các nạn nhân chết đuối tấp vào bờ, khiến tổng số người vượt sông tử nạn lên đến 40 người.
Yanghee Lee, Ủy Viên đạc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói, “Cái vòng lẩn quẩn bạo động sắc tộc ở bang Rakhine làm chúng tôi rất lo lắng, chúng ta cần chấm dứt tệ nạn này.”

Kenya: Kết quả bầu cử Tổng Thống bị hủy bỏ
Tối Cao Pháp Viện đã ra quyết định hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống trong tháng Tám vì lý do có nhiều chuyện trái luật đã xảy ra và ra lệnh phải tổ chức một cuộc bầu cử mới trong vòng 60 ngày tới. Chánh Án David Maraga tuyên bố “cuộc bầu cử ngày 8 tháng Tám không hợp hiến, vô giá trị.”
Ủy ban bầu cử quốc gia Kenya trước đó loan báo đương kim Tổng Thống Uhuru Kenyatta đã tái đắc cử với số phiếu hơn đối thủ là 1.4 triệu phiếu, nhưng Raila Odinga, người tranh chấp quyết liệt với ông Kenyatta, mô tả ủy ban này “mục nát” và yêu cầu các thành viên của ủy ban phải từ chức và họ sẽ bị truy tố.
Tuy bực bội nhưng Tổng Thống Kenyatta vẫn nói ông sẽ tôn trọng quyết định của Tối Cao Pháp Viện Kenya. Có thể nói đây là lần đầu tiên tại Phi Châu, một phán quyết của tòa án đã tỏ ra thắng thế quyền lực của một tổng thống đương nhiệm.

Putin cảnh cáo chuyện Bắc Hàn
Trong tuần sau, Tổng Thống Nga Vladimir Putin sẽ lên đường sang Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh các quốc gia trong khối BRICS, và hôm thứ Sáu ông nói giải pháp duy nhất cho khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên là phải “đàm phán trực tiếp.”
Tuy Nga không phải là đồng minh hay người bảo vệ cho chế độ Bắc Hàn, Nga toan tính chen vào cuộc khủng hoảng, vào lúc Hoa Kỳ đang lâm vào thế rất khó khăn ở vùng địa lý-chính trị quan trọng này.
Không quân của Nga mới đây cũng cho các pháo đài bay của họ bay đến vùng của bán đảo Triều Tiên. Ông Putin cảnh cáo là “tình hình có thể lan rộng ra thành cuộc khủng hoảng có quy mô rất to lớn.”
Ngoại Trưởng Sergey Lavrov của Nga nói “chính Hoa Kỳ phải chủ động đề nghị đàm phán trước, chứ không phải Bắc Hàn.” Nga vẫn chủ trương giống như Trung Quốc là Hoa Kỳ và Nam Hàn đừng tập trận có vẻ khiêu khích Bình Nhưỡng nữa.

Nga sẽ trả đũa Hoa Kỳ
Chính phủ Nga cho hay sẽ có “đối phó quyết liệt” đối với lệnh từ Hoa Thịnh Đốn là yêu cầu Nga đóng cửa Lãnh Sự Quán của Nga ở San Francisco và hai văn phòng ngoại giao ở Washington và New York. Chính phủ Hoa Kỳ cho Nga hai ngày để thực hiện, khiến bầu không khí căng thẳng giữa hai siêu cường gia tăng.
Hoa Kỳ giải thích hành động này nhằm trả đũa chuyện Nga đã yêu cầu Mỹ cắt giảm số nhân viên ngoại giao của mình ở Nga xuống vào đầu tháng Tám.
Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố với các sinh viên Nga hôm thứ Sáu là “Moscow sẽ trả đòn mạnh mẽ nhưng vẫn chưa quyết định sau cùng sẽ làm gì.”
Ông Lavrov nói, “Chúng ta sẽ có quyết định này một khi các chuyên gia Nga hoàn thành bản phân tích tình hình, thực là không thề ngồi yên khi người ta làm hại đến quyền lợi của Nga như thế.”



Một người đàn ông chống nạng và một con cừu bên ngoài một tòa nhà bị đổ nát bởi bom đạn tại quận Cobar trong vùng thủ đô Damascus ngày thứ Sáu. (Getty Images)

Syria: Thành trì cuối cùng của IS sắp sụp đổ
Raqqa là thành phố lớn cuối cùng mà lực lượng IS còn bám giữ ở Syria, nhưng theo ông Staffan de Mistura, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria mới đây có nhận xét là “Raqqa sẽ bị lấy lại vào cuối tháng 10, và các cuộc bầu cử dân chủ sẽ được tổ chức ở đó chỉ trong vòng một năm.”
Ông de Mistura tuyên bố tổng Thống Syria Bashar al-Assad cần phải có “hành động chính trị” cho Raqqa, nếu không muốn thấy tàn quân của IS lại kéo đến thành phố này dưới một cái tên khác. Ông cho hay “hòa bình trường cửu cho Syria chỉ có thể xuất hiện nếu cuộc nội chiến không kết thúc một cách lộn xộn với chiến thắng duy nhất nghiêng về cho ông al-Bassad.”
Vì nếu không, theo ông de Mistura, công việc tái thiết sau chiến tranh và hồi hương dân tị nạn Syria sẽ không thề diễn ra. Có vẻ như dư luận quốc tế đang bỏ rơi Syria và để mặc cho al-Bassad chiến thắng sau cùng, nhưng ông de Mistura nói “như thế các nhóm kháng cự sẽ tiếp tục.”

Bắc Hàn: Lệnh cấm du khách Mỹ bắt đầu có hiệu lực
Từ ngày 1 tháng 9 tất cả công dân Hoa Kỳ, trừ “những trường hợp rất đặc biệt,” bị cấm không được du lịch đến Bắc Hàn, theo thông báo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Tiếp theo cái chết của anh sinh viên Otto Warmbier khi trở về nước sau một thời gian bị giam cầm ở Bắc Hàn, chính phủ Mỹ cho là “mối hiểm họa Bình Nhưỡng sẽ bắt giữ vô cớ người Mỹ là có thật,” nên không còn “khuyến cáo,” mà ra lệnh “cấm luôn” chuyện du lịch ở Bắc Hàn, vì đây là việc cần phải làm.
Hôm thứ Năm đã diễn ra cảnh các tour du lịch đưa hết du khách Mỹ từ Bắc Hàn về nước. Trung bình hàng năm có khoảng 1,000 người Mỹ du lịch đến Bắc Hàn, so với khoảng 5,000 du khách từ các nước phương tây đến. Số du khách ngoại quốc đông đảo nhất đến Bắc Hàn chính là người Trung Quốc. Giờ đây có thể chỉ có giới ký giả và nhân viên thiện nguyện Hoa Kỳ là được phép đi Bắc Hàn mà thôi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT