Hôm Nay Ăn Gì

Mì xào giòn thưn

Monday, 08/06/2020 - 07:37:48

Cái gì nửa cháy nửa thưn (mềm, nói theo cách của các bà nội trợ miền Trung) đều cho cảm giác vừa gần gũi vừa xa lạ, vừa tình cảm vừa khô khốc, vừa trữ tình vừa cộc lốc…


(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM

Cái gì nửa cháy nửa thưn (mềm, nói theo cách của các bà nội trợ miền Trung) đều cho cảm giác vừa gần gũi vừa xa lạ, vừa tình cảm vừa khô khốc, vừa trữ tình vừa cộc lốc… Nói chung là thú vị mà trong cái thú vị có gì đó là lạ, khó tả. Mì xào nửa cháy (giòn) nửa thưn (mềm) của bà nội trợ bảo đảm được một yêu cầu rất căn bản thời đại dịch, đó là tránh gây tổn thương đường hô hấp. Bởi ăn món có chiên, xào nhiều dầu mỡ trong thời điểm nhạy cảm này hết sức nguy hiểm, điểm yếu lớn nhất của hệ hô hấp con người là không chịu nổi chất béo dù là chất béo thực vật hay động vật.

Nói tới mì xào thưn giòn, có lẽ phải nhắc tới cái thời vừa qua khỏi cơn đói kém. Bởi thời đói kém, một gói mì người ta chế thật nhiều nước thành hai bát canh cùng với một nồi cơm nguội, một chén nước mắm ớt thì có thể hoàn tất bữa cơm gia đình bốn, năm người. Thời khó khăn chẳng ai nghĩ tới món mì xào. Mà nếu có mì xào thì cũng dùng loại mì Quảng xắt sợi, xào chung với giá, nước mắm, tiêu bột để ăn cùng với cơm trong dịp nhà có đám giỗ, cúng kính. Bình thường không dễ gì có mì mà xào. Chuyện xào một gói mì để ăn trong thời khó khăn có vẻ như không diễn ra.

Đến khi kinh tế mở cửa, tức năm 1986 trở về sau, chuyện cái ăn cái mặc mới khá hơn, lúc đó những gia đình có người thân đi Mỹ mới được phép nhận tiền nước ngoài, không còn tình trạng người thân bên Mỹ phải té xỉu sau khi nghe người nhà nhắn tin đã nhận được quà và bán để lấy tiền. Số là thời đó ngăn sông cấm chợ, tuyệt đối không cho nhận tiền Dollar của đế quốc Mỹ, còn vàng thì cho nhận nhưng gửi về vàng thật mà đến tay người nhà toàn đồ đểu nên ít ai gởi. Có nhiều người nhét vàng vào cục xà bông (hồi đó xà bông thơm rất quí hiếm, cỡ như Camay, Shap là thuộc hàng “đại gia” mới xài được. Nên việc gởi về cho người thân thùng vài chục cục xà bông nghe cũng hợp lý. Thư từ cũng khó, không có điện thoại để gọi viễn liên như bây giờ… Có người nhét vàng vào các cục xà bông, sau đó đóng hộp gởi về. Người nhà mừng quá, mang đi bán kiếm tiền, phải bán chui bán nhủi, tới khi biết ra thì chuyện đã muộn, họ bán mất cả lượng vàng với giá một thùng xà bông.

Chuyện buồn và chuyện đau lòng hồi đó thì đầy rẫy. Tôi nhớ nhất là có bà dì tên Viên, bà và gia đình thoát sang Mỹ trên một chiếc tàu đánh cá của gia đình. May sao thuận buồm xuôi gió, sau thời gian ở trại tị nạn cũng được sang Mỹ. Đâu chừng mươi năm, dì Viên về thăm quê, Tết, bà mang vào cho tôi mấy thanh chocolate và lì xì tôi mấy đồng. Sau đó dì hỏi tôi có biết quán tạp hóa nào gần không, dắt dì mua một số thứ. Hồi đó ở quê làm gì có tiệm tạp hóa, chỉ có mấy cái quán chủ yếu bán bánh kẹo, thuốc lá, mà kẹo cũng chủ yếu kẹo the xanh, kẹo mè, kẹo đường và kẹo đậu phụng là hết chứ chẵng bõ bèn chi, nên cũng chẳng có mì tôm cho bà dì mua, vậy là bà đón xe thồ, ra thẳng chợ, mua cho được mấy gói mì tôm, mua một ít tôm, thịt bò về và chế biến.

Đầu tiên, dì lột vỏ tôm, ướp thịt bò, sau đó ngâm mì với nước sôi chừng ba phút rồi vớt ra, cho vào rổ đợi ráo. Trong lúc đó dì bắc chảo dầu phi hành tỏi cho thơm và cho tôm vào trước, cho thêm chút nước mắm, chút hành lá và cho mì và thịt bò vào cùng lần, đun lửa lớn (vì hồi đó không có bếp gas, chỉ có bếp củi thôi!), liên tục dùng đũa đảo mì và và sau đó đợi cho có mùi mì hơi cháy xém thì bắc chảo xuống, cho mì ra dĩa, xắt một ít hành lá, ngò thơm bỏ lên trên, xem như có dĩa mì xào ngon số dách.

Rõ ràng mì xào thời đó không phong phú như bây giờ, giờ thì có mì xào hải sản, trước khi xào mì, người ta xào hải sản rồi cho cà chua, cải ngọt vào, sau đó mới cho mì vào, rõ ràng dĩa mì xào bây giờ ngon và phong phú, thậm chí người ta cho chút dầu hào, dầu gấc vào nữa cho đẹp màu… Nhưng thời xưa thì làm gì có mấy thứ gia vị đó, nếu có cũng chỉ thành phố thôi chứ chợ quê tìm khó mà tìm. Nhưng, cái vị mì xào đơn giản lại ngon hơn mới là chuyện đáng nói.

Thường thì không có rau, quả, củ đi kèm thì mì xào rất nhanh cháy sém bởi không có nước từ các loại rau, củ quả tiết ra để giữ mềm sợi mì. Chỉ cần đun lửa một chút là có ngay dĩa mì xào giòn thưn, một dĩa mì giữ đúng vị gốc của một thuở nào đó thuộc về quá khứ tuy khó khăn nhưng ăm ắp tình người.

Tôi nhớ hồi đó, dì vốn quen ăn các món Tây sau một thời gian ở Mỹ nên việc ăn cơm với cá kho có vẻ không hợp. Nhưng thấy tôi thích món này, dì bảo tôi ăn, tôi thì còn con nít, cứ như vậy ung dung ăn hết sạch dĩa mì xào của dì (dì là chị em chú bác ruột với mẹ tôi). Mẹ tôi đi dạy về, thấy dì ngồi nhìn tôi ăn thì biết tỏng chuyện gì đang xảy ra, mẹ lại đạp xe ra chợ mua thêm mấy gói mì về xào cho dì. Đương nhiên là mẹ mất gần một tuần lương để mua mấy gói mì gọi là “đền bù” cho phần tôi ăn. Có lẽ vì vậy mà món này gắn với tuổi thơ tôi, nó như gạch nối giữa ký ức với hiện tại, giữa thời khốn khó xã hội chủ nghĩa vừa mở cửa thị trường với “mùi vị tư bản.” Có thể là vậy!

Sau này khi có gia đình riêng, thi thoảng, bà xã tôi cũng tranh thủ giấc khuya xào cho tôi một dĩa, sau buổi làm việc đêm mệt mỏi, có người lúi húi xào cho mình dĩa mì thì đời cũng có cái thú của nó, thậm chí đó là hạnh phúc hiếm hoi nữa là đằng khác. Giữa mùa dịch bệnh này, xin hãy chăm sóc cho nhau, cho dù là dĩa mì xào đơn giản giữa giấc khuya hay buổi sáng sớm.
Xin cầu chúc quí vị bình an và luôn thấy hạnh phúc từ những bữa ăn giản dị nhất!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT