Hôm Nay Ăn Gì

Mì Phú Chiêm, món quê giữ một tấc lòng

Monday, 29/06/2020 - 04:31:41

Hồi nhỏ, mỗi khi nhà có đám giỗ, bà cho ăn mì Phú Chiêm. Lớn lên, bà không còn nữa, mỗi sáng, khi mẹ đi chợ về, bữa nào vui, mẹ mua cho tô mì Phú Chiêm.


(Tom/ Viễn Đông)

 


Bài TOM
Hồi nhỏ, mỗi khi nhà có đám giỗ, bà cho ăn mì Phú Chiêm. Lớn lên, bà không còn nữa, mỗi sáng, khi mẹ đi chợ về, bữa nào vui, mẹ mua cho tô mì Phú Chiêm. Đến khi có vợ con, mẹ lãng, mẹ thi thoảng nói thèm mì Phú Chiêm và suốt ngày bảo rằng “con cái chẳng cho ta ăn gì ngoài dĩa rau luộc với chén mắm cáy,” những lúc như thế, tình cờ vợ mua cho mẹ tô mì Phú Chiêm (vợ chẳng bao giờ để mẹ thèm món gì nhưng mẹ cứ ám ảnh thời khốn khó, lúc nào cũng bảo vợ cho ăn toàn mắm với rau luộc…), rồi mua cho mấy đứa nhỏ, mua cho cả “đứa lớn” tô mì Phú Chiêm, tự dưng thấy nghèn nghẹn, thấy nhớ gì đó mông lung, xa xôi…

Nếu nói về một món ăn trải qua ba thời kỳ, ba chế độ chính trị nhưng nó vẫn không hề thay đổi hồn cốt, thậm chí thế hệ hiện tại có cách tân cho mới mẽ nhưng vẫn mang hồn cốt thuở nào, có lẽ, tôi không ngần ngại nói tới mì Phú Chiêm. Nói trải qua ba thời kỳ, ba chế độ bởi mì Phú Chiêm có từ thời Pháp thuộc cho đến thời Việt Nam Cộng Hòa rồi thời Cộng Sản Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng lạ ở chỗ là suốt các thời kỳ này, đói hay no, chiến tranh hay yên tĩnh thì mì Phú Chiêm vẫn hiển hiện trên xứ sở. Bằng chứng của chuyện này là hầu hết những người gánh mì Phú Chiêm đi bán dạo ở Quảng Nam đều có lịch sử ít nhất là ba đời, đôi gánh của họ tồn tại ít nhất cũng qua ba thời kỳ.


(Tom/ Viễn Đông)

Nhưng, xin mở ngoặc chỗ này, đó là những gánh mì Phú Chiêm bán dạo với một ấm chè xanh mang theo kèm, một nồi nước sôi để nhúng mì và một nồi nhưng bắc trên cái bếp lưu động với tôm, thịt heo ba chỉ, trứng cút, riêu cua, màu gấc và các loại gia vị hành tiêu tỏi ớt… Ngoài ra có một bịch bánh tráng nướng bẻ nhỏ, một bịch đậu phụng rang giã dập, một bịch hành ngò xắt nhỏ và rau sống gồm cải non, bắp chuối xắt, rau mùi, giá… vài cái chế xếp bằng tre hay ghế trệt, nhỏ bằng gỗ, thậm chí tấm bạt dành cho nhiều người ngồi bên vệ cỏ. Còn các quán mì Phú Chiêm có bàn ghế, có tên tuổi thì khác, vẫn có thể có tất cả mùi vị của mì Phú Chiêm gánh nhưng chắc chắn là bề dày đôi gánh thì không bao giờ có được cũng như hồn cốt của một gánh mì xứ Quảng thì chỉ có ở các cô, các chị đã nhiều đời quang gánh.

Nói tới gánh mì Phú Chiêm, có lẽ chỉ có đất Điện Bàn, Quảng Nam mới có, mà chính xác là đất Điện Phương, nơi đoạn cuối của con sông Chợ Củi, con sông đã đi vào huyền thoại của dinh trấn Thanh Chiêm, đoạn này còn gọi là đoạn Phú Chiêm, nằm liền kề với Thanh Chiêm. Trước đây ba mươi năm, đoạn sông Chợ Củi trước dinh trấn Thanh Chiêm còn là một đồng ruộng nối liền với một bàu sen. Trước 1975 thì nó là một con sông cạn, sau này, chính quyền mới cho san lấp mặt bằng để làm nông nghiệp, đến giờ thì toàn bộ đoạn sông Chợ Củi đi qua dinh trấn Thanh Chiêm đã bị san lấp mặt bằng để phân lô bán đất. Riêng bến Chợ Củi - Thanh Chiêm thì công ty xây dựng, phục chế nhà cổ Vinahouse đã cho san lấp hàng trăm ngàn khối đất và xây lên đó một cái dinh trấn giả. Rất may là cái dinh trấn giả này chưa kịp hoàn thành phần móng thì công ty xây dựng này phá sản và chủ công ty bỏ trốn biệt tăm. Vậy là công trình chưa hoàn thành và chuyện đào bới khối đất đó lên để lấy lại nguyên trạng cũng còn chút mảy may hi vọng.


(Tom/ Viễn Đông)

Riêng đoạn sông bên dưới, tức đoạn Phú Chiêm, gần với đoạn sông Hoài, Hội An thì, thời tôi còn nhỏ, con sông rộng mênh mông, nối với một nhánh Thu Bồn nước trong vắt, có những chiếc thuyền buồm đậu trên bến sông. Ngồi bên bờ nhìn ra sông cứ ngỡ như đang đứng trước Tràng Giang xa lạ. Thế nhưng một con sông rộng mênh mông vậy, chỉ sau mấy mùa lụt, nạn hút cát làm đổi dòng đã bồi lấp con sông còn lại một lạch nước nhỏ và bây giờ cái lạch nước đó cũng đã thành bãi dâu. Ba mươi năm trôi qua với mọi thứ thay đổi chóng vánh. Nhưng những người sống bên bờ sông Phú Chiêm ấy, những người đàn bà thức dậy lúc nửa đêm, đun củi lửa, lúi húi nấu nhưn mì, nhặt nhạnh rau sống rồi rửa rau (nghe nói thời trước họ ra sông để rửa), rang đậu phụng chín rồi giã dập, cho đến lúc năm giờ sáng thì bắt đầu hành trình mì gánh qua những đường quê.

Tờ mờ sáng, bên những vệ cỏ hay băng qua cánh đồng làng, những bước chân thoăn thoắt theo nhịp trời hửng sáng, những ngọn khói nghi ngút, mùi thơm lan tỏa một vòm sớm mai… Cái không khí ấy, chỉ có khi gánh mì Phú Chiêm đi qua. Không biết có phải vì những cảnh tượng hay viễn tượng xa mờ, mù khơi ấy mà thì sĩ Bùi Giáng lúc tuổi trung niên từng nghĩ về, viết về, “Mỏi mòn cố quận Phủ Chiêm/ Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng”, hay “Cõi bờ con mắt hoa nghiêm/ Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng,” rồi “Bụi mờ cố quận Phú Chiêm/ Trăng treo viễn tượng lim dim lối về…” Tất cả những câu thơ này, nếu trong một buổi sáng tình cờ, ngồi bên đường quê xứ Quảng, Điện Bàn, trên đồng ruộng hay ngồi ở nhà thờ Phước Kiều, cái nôi của chữ quốc ngữ, để vừa nhìn khói bay nghi ngút, vừa bưng tô mì quê xứ trên tay mà bùi ngùi nhớ điều xa xôi, viễn vọng…

Cái hay ở chỗ, mì Phú Chiêm là món rẻ nhất, an toàn nhất trong các món ngon xứ Quảng, vì một tô mì Phú Chiêm của các mẹ, các chị bán gánh hiện nay chỉ có giá 12 ngàn đồng (tương đương $0.60 Mỹ kim), và nói về mức độ ngon của mì gánh Phú Chiêm thì không có bất kì quán mì Phú Chiêm nào ở thành phố hay các quán nổi tiếng trên mạng có thể sánh bằng. Và cuộc đời có cái nghiệt ngã của nó, người bán mì gánh thì không bao giờ khá giả hay giàu có được, bởi họ sống chết với nghề nhưng lại không có khả năng quảng cáo hay kinh doanh theo kiểu hiện đại.


(Blog Nguyen Nhu Hien Hoa)

Dường như đắp đổi qua ngày, và muốn tồn tại, họ phải nấu ngon, nấu hết công lực. Bởi nếu nấu dở một chút thì chẳng ai thèm ngồi lại bên vệ đường mà ăn sáng, họ chấp nhận đi xe máy đến một quán nào đó khá hơn chút để ăn sáng với giá vài chục ngàn đồng. Đó là lựa chọn, mà cũng là thói đời, khó nói!

Giữa lúc này, cái lúc mà thế giới trở nên co cụm, tê liệt, đông cứng vì dịch bệnh, vì những bóng ma hắc ám nổi lên làm cho cuộc sống con người trở nên khủng hoảng, mệt mỏi, điều đó khiến cho thu nhập của người nghèo càng trở nên khốn cùng. Những người mẹ, người chị gánh mì Phú Chiêm phải nghỉ bán từ hôm Tết Nguyên Đán tới cuối tháng Tư âm lịch mới quang gánh lên đường trở lại, giá thịt heo tăng, giá mọi thứ tăng, thế nhưng giá mì Phú Chiêm vẫn đứng yên tại chỗ. Khi múc nhưn cho khách, các chị nói như năn nỉ, “Vì thịt, tôm hay thứ chi cũng tăng giá nên em múc nhưn không được nhiều như bữa trước, giảm mất lát thịt, con tôm. Mong anh/chị/cô/dì/chú/bác/em… thông cảm!”

Tự dưng, hai chữ “thông cảm” của các chị nói ra nghe sao cứ nghèn nghẹn, cay cay sống mũi…
Cũng có lần, tôi nhớ là vậy, nàng cho cả nhà ăn trưa vì “hôm nay rằm, chị Như (tên người bán mì hay gánh qua ngõ nhà tôi) quên mất nên vẫn bán, chẳng mấy người ăn.” Vậy là cả nhà ăn mì thế cơm trưa, rồi nàng dắt chị ra chợ ngã ba để mời mọi người vì “em mới lãnh lương, mời mọi người ăn tô mì, kệ, ráng phá giới một bữa giúp chị Như!” Cuối cùng gánh mì của chị Như cũng bán xong. Tôi nhớ, trưa đó mấy đứa nhỏ khen “mì mẹ nấu ngon nhất thế giới!” Vì mì chị Như nấu rất ngon, mà với hai đứa nhỏ con tôi, món gì ngon nhất thì chắc chắn phải là của mẹ nấu rồi! Thành thử, mì Phú Chiêm bữa đó của mẹ nấu!

Chắc đến đây tôi không cần nói thêm về cách nấu mì, bởi thay vì nói cách nấu mì, tôi xin cầu nguyện, thành tâm cầu nguyện mọi chuyện sớm trở lại bình thường, để quí vị lại về thăm quê, thăm gia đình một chuyến cho thỏa nhớ. Và quí vị nào ghé miền Trung, nhớ ghé Quảng Nam, ghé Điện Bàn ăn mì Phú Chiêm cùng chúng tôi! Món ngon, rẻ nhưng dung chứa tấc lòng người quê!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT