Hôm Nay Ăn Gì

Mì hến của o Năm o Mười xứ Huế

Thursday, 03/12/2020 - 07:30:05

Nói tới bún hến, cơm hến xứ Huế thì chắc ai cũng biết.


(Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Nói tới bún hến, cơm hến xứ Huế thì chắc ai cũng biết. Nếu từng tới Huế mà chưa ghé Đập Đá ăn cơm hến, bún hến hay nem tré, chưa từng lang thang thành nội, gặp một người gánh cơm hến, bún hến ngang qua, ngồi ăn dưới gốc cây, trên một cái ghế gỗ nho nhỏ chẳng khác nào ăn mì Phú Chiêm ở xứ Quảng… Có lẽ, chưa đọc hết cái hồn dân dã của xứ này, hay nói khác là xem như chưa tới Huế. Nhưng cơm hến, bún hến thì quen rồi, nói tới đặc sản dân dã Huế, phải nói tới mì hến.

Nói mì hến, chắc chắn là không thể kể tới khu Đập Đá, bởi ở đây không có món này, chỉ bán hến xúc bánh tráng, bún hến, cơm hến. Mà tìm bún hến, cơm hến, hến xúc bánh tráng, thậm chí hến mối, một loại hến nhỏ li ti chỉ có nhiều trên sông Hương, Cồn Hến thì có vẻ như có thể đi tìm bất kì nơi nào ở thành phố, thậm chí về tít tận chợ Tây Ba (Huế có chợ Đông Ba, nằm về phía Đông kinh thành Huế và chợ Tây Ba, nằm về hướng Tây, gần bến đò Bao Vinh, làng cổ Bao Vinh. Chợ Đông Ba bán thức ăn, hàng hóa cao cấp, dành cho dân thị thành, chợ Tây Ba chủ yếu bán rau củ quả, bán những loại thực phẩm dân dã, ít ai nhắc tới…) cũng có thể gặp nhiều cơm hến, bún hến. Duy, chỉ có quán o Ba, o Năm ở khu chung cư Nguyễn Huệ, cách nhà thờ Phú Cam chừng 500 mét đường chim bay và nằm sát bờ sông An Cựu là có món này.

Xứ Huế kể ra cũng lạ, lạ cả con người, điệu sống và cả cung bậc tình cảm. Xứ Huế, ai cảm nhận sao không biết, chứ với tôi, người nào tử tế thì đúng nghĩa tử tế, sống hết mình, yêu thương giận ghét cũng hết mình, kẻ nào đểu giả, hèn hạ, bỉ ổi thì cũng hết mình, hèn hạ, bỉ ổi rịn ra da. Có lẽ do vậy mà đời sống ở Huế rất khó nói và cũng không phát triển như nơi khác mặc dù Huế làm du lịch gần như là đầu tiên trên xứ Việt.

Tôi nhớ năm 1998, nghỉ hè, mẹ tôi trúng lứa heo nái, cho tôi mấy chục ngàn đồng để đi Huế chơi, lúc này Huế làm du lịch đã sang năm thứ ba. Hồi đó có hẳn một chuyến xe buýt du lịch chuyên đưa khách từ Đà Nẵng, Quảng Nam đi Huế, mỗi khi khách Đà Nẵng, Quảng Nam đi Huế thì phải đặt vé trước, sau đó có xe trung chuyển tới nhà chở ra trạm xe buýt riêng dành cho xe đi Huế, xe buýt đi Huế là xe loại xịn nhất, tài xế được trả lương cao nhất và có trình độ tay nghề cao nhất… Hồi đó, nói tới Huế, cái gì cũng nhất, giá cả cũng đắt nhất. Thế nhưng người ta vẫn ùn ùn kéo ra thăm xứ Huế mộng mơ.

Nhưng thời gian này kéo dài không được bao lâu, bởi phong cảnh hữu tình, đền đài tráng lệ, đi đâu cũng đẹp, trừ con người. Hồi đó Huế quá xô bồ, người làm dịch vụ du lịch xem khách chẳng ra gì, thậm chí tôi gặp trường hợp thuê phòng trọ ngủ ở ngay bến xe du lịch Huế, giữa khuya, chủ trọ đập cửa ầm ầm, yêu cầu tôi đổi phòng để cho một cặp khách tây vào ngủ, tôi phải ra ngoài hiên treo mùng ngủ. Hồi đó không ai dám hó hé, ai phản đối thì chủ trọ kêu đầu gấu tới gây sự, đánh đập.

Phải nói rằng những năm Huế làm du lịch đầu tiên là những năm người Huế lộn xộn không thể tả, và đó là khởi nguồn của thất bại. Tôi đi xe thồ, hồi đó còn xe đạp thồ, ông xe thồ cầm tờ 50 ngàn đồng, nói không có tiền thối, đợi ông đi đổi tiền, rồi đạp đi luôn, chờ hai giờ đồng hồ không thấy quay lại. Vậy là biết Huế của Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Huế của Mậu Thân đã hiện hồn, chẳng còn biết nói sao. Và cái giá phải trả của Huế là thế hệ sau không thể bù đắp, gở gạc cho thế hệ trước. Những người làm du lịch trẻ năng động và tử tế hơn thời cha anh của họ. Nhưng nói cho cùng thì họ vẫn còn mang dáng dấp của thời đó, chưa bứt thoát ra được như Hội An, Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội, Lào Cai… Đáng buồn, nhưng giữa vô thiên lủng cái tệ, cái đáng buồn, thì thi thoảng, đâu đó giữa góc khuất của Huế, vẫn có những con người, điệu sống rất đẹp, rất nên thơ…


(Tom/ Viễn Đông)

Những quán ăn ở khu chung cư Nguyễn Huệ là một ví dụ, ở đây, dưới hành lang của một khu chung cư cũ kĩ, một dãy quán dài, từ bánh nậm, bánh đúc, bánh bột lọc, bánh khoái, bánh gói, bánh bèo, xôi đậu… cho đến bún hến, cơm hến, mì hến và cả cà phê, nước vối… Các quán tuy nhỏ nhưng bên ngoài lại có hành lang để xe hơi, bên trong hành lang xe hơi là hàng cây, đến nơi để xe máy, làn cho người đi bộ và quán ăn.

Nếu nói nghiêm túc thì hiếm nơi nào trên đất Huế lại có những cái quán mở như thế này. Chữ “mở” ở đây nên bỏ trong noặc kép, mở về không gian, mở về cung cách phục vụ khách và mở cả về mặt văn hóa, chịu học hỏi. Tôi nhớ không lầm, gia đình tôi chạy xe lòng vòng thành phố Huế, định bụng sẽ xuống Đập Đá để ăn, vì nơi này có chỗ để xe hơi. Nhưng nhớ lại lần ăn trước thì không mấy hứng thú bởi chỗ để xe hơi cũng chia phần từng quán, ăn quán nào thì để xe trong khu vực trước quán đó mặc dù khu để xe là khu công cộng, chẳng phải của riêng gia đình nào. Thế nhưng không may để nhầm xe vào khu khác thì bị thu tiền giữ xe, không khí rất khó chịu… Đang suy nghĩ, chạy rà xe từ dốc Nam Dao xuống Đập Đá, định rẽ ở ngã năm nhà thờ Chính Tòa Huế thì bà xã tôi nhìn thấy khu chung cư cũ kĩ, có mấy cái quán bên dưới, lại có chỗ để xe, vậy là vòng bùng binh, đi ngược lại tới ngã tư lại quay đầu, vào cho được chỗ dãy quán.

Điều làm tôi ngạc nhiên là chỗ để xe thoải mái, người ta đỗ xe thẳng lối, đúng vạch, nền nếp. Vào quán, cảm giác ấm áp, thân thiện, chúng tôi ngồi ở quán bún hến, gọi mấy bát bún hến và định ngồi đó gọi thêm dĩa bánh bèo (thức ăn ở Huế rẻ, nhưng bán cũng rất ít, ai quen với phong cách ăn miền Nam thì phải ăn hai suất, ba suất tại Huế mới đủ no) thì chủ quán bánh bèo mời sang phần quán của o để ăn.

Tôi hỏi chủ quán bún hến, “Giả sử như cháu ngồi ở quán này mà gọi thức ăn bên quán kia thì sao?”
Người chủ quán cười, có vẻ không đồng ý, nhưng cũng không phản đối gay gắt.

Tôi đế thêm, “Xứ mình là xứ du lịch, cháu sang bên Singapore, vào một dãy nhà hàng dưới tầng hầm, ở đó có mọi quán của mọi nước. Lỡ cháu mua thức ăn của Hàn Quốc mà sang ngồi quán Nhật Bản vì bàn ghế sắp chung, không có vạch chia hàng như bên mình… Thì chủ quán Nhật Bản vẫn cho nhân viên ra phục vụ mình đàng hoàng, sau đó bưng cái dĩa không mình ăn xong về trả cho quán Hàn Quốc và không quên cảm ơn khách giùm cho quán Hàn Quốc. Ngược lại cũng vậy. Chính cái tinh thần tương trợ, tương hỗ nhau mà người ta mạnh!”

Các o nghe gật gù, tỏ vẻ thán phục cái nước Singapore mà “cậu trẻ” vừa kể.

Sau một hồi bún hến, đến bánh bèo, chúng tôi gọi tiếp mì hến. Một loại mì ăn liền màu hơi vàng, có lẽ là mì gói loại rẻ, một bịch hai mươi bốn cục, trụng nước sôi cho chín theo kiểu Spaghetti, sau đó cho vào bát, dưới đáy bát sắp một ít rau sống, gồm cả rau nưa chẻ nhỏ (một loại môn có lá hơi giống lá cà rốt và bẹ thì xốp giống y bẹ khoai môn, củ cũng giống củ khoai môn, bẹ chẻ nhỏ, làm rau sống ăn rất ngon), cho đậu phụng chiên muối, da heo chiên và hến xào lên trên, chan thêm một muỗng sa tế ớt và mắm tôm loãng. Vậy là có một bát mì hến. Mì hến thường ăn khô, thi thoảng múc một muỗng nước hến đưa vị, cũng có người cho cả chén nước hến vào bát mì và ăn giống như ăn bún bò. Món này khá thú vị, ai từng ăn chắc khó mà quên hương vị của nó.


(Tom/ Viễn Đông)

Ăn xong, cả gia đình, có thể nói là “càn quét” các quán nhưng tổng tiền chúng tôi trả các quán vẫn chưa tới 120 ngàn đồng ($5.20). Có thể nói là mức giá rẻ khó tưởng tượng giữa xứ du lịch! Và thú vị hơn nữa là khi chúng tôi đứng dậy, các o chủ quán tự giới thiệu tên o Ba, o Năm, và nói lời cảm ơn vì tôi đã “dạy o cách để bán lịch sự, văn minh hơn,” họ cảm ơn vì “cái bài học Singapore” của tôi.

Ơ hay, cũng con người đó, cũng xứ đất đó, nhưng chỉ cần lựa chọn tâm thế cởi mở, chỉ cần yêu người, yêu mình và đừng quá tham lam (chỉ cần đừng quá thôi là đã khá hơn rồi!) thì mọi thứ trở nên đáng yêu, mềm mại và quyến rũ. Tôi tin rằng một lúc nào đó, xứ Huế mộng mơ một thuở lại trở về!

Xin chúc quí vị có bữa ăn ngon miệng, vì món này dễ chế biến và ăn khá là ngon, quí vị chế biến để đãi gia đình!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT