Mẹo Vặt

Mẹo vặt về đái đường (bài 3)

Tuesday, 21/02/2017 - 06:11:56

Bác Sĩ Westman giải thích: “Thể dục đương nhiên là tốt cho cơ thể về nhiều phương diện. Nhưng về việc giảm đường, giảm cân thì không. Là vì, thể dục làm cho chúng ta chóng đói hơn và càng muốn ăn nhiều hơn. Nhịn thì khổ mà ăn nhiều hơn thì làm sao giảm cân, giảm đường?”

Bài VŨ HẰNG

Đây là bài 3 trong “thiên tình-sử lê thê” của ông Cả Đẫn nhà em. Chả là vì vài năm nay ổng thường om xòm về chuyện đái đường, đến nỗi hàng xóm nghe chuyện cứ bụm miệng cười, cho rằng ổng nhà quê, sang tới Mỹ rồi mà chưa bỏ được tật đái bậy. Nhưng nhà quê thì có, chứ đái bậy thì không. Là bởi vì, ông vẫn còn thói quen dùng chữ “đái đường” để chỉ một cái bệnh mà ngày nay chúng ta gọi là “tiểu đường” (diabetes). Thực ra tình trạng của ổng chưa đến nỗi nào, mới là tiền-tiểu-đường thôi. Nhưng bản tính ổng lo xa nên mới có chuyện dài này.


Róc xác tập thể dục cả ngày…

Như các bạn đã biết, đó là chuyện ổng Cả Đẫn tầm sư học đạo và đã gặp được một người thầy mà ổng kính nể lắm lắm, là bác sĩ Westman, giáo sư tại Đại Học Duke University thuộc tiểu bang North Carolina. Theo tiết lộ mím mím của ông Cả Đẫn thì đối với bác sĩ Westman, tiền-tiểu-đường là chuyện nhỏ, ngay cả những người đã mắc tiểu đường loại II (diabetes type II) rồi cũng có thể được giải thoát bằng một phương pháp đơn giản, an toàn, không tốn kém.

Bác sĩ Westman kể lại cả hàng ngàn bệnh nhân tiểu đường đã đi qua dưới tay ông và bệnh tật đã bị đẩy lui hoàn toàn trong 98 phần trăm trường hợp (phải xui lắm mới bị rơi vào cái tỷ lệ 2% còn lại, hy vọng không có đấng trượng phu nhà em). Đặc biệt hơn nữa, cách chữa của bác sĩ lại chẳng đòi hỏi người bệnh phải từ bỏ “đệ nhất khoái,” thậm chí cũng chẳng cần ăn uống kham khổ, hoặc phải tập luyện mướt mồ hôi sôi nước mắt cả ngày. Không, bạn vẫn vui vẻ hưởng thụ cuộc đời, thịt cá vẫn ăn như thường. Chả thế mà có bệnh nhân tinh nghịch dán ngay ở cửa phòng mạch của ông tờ giấy “Mỗi ngày một miếng thịt bacon thì cả đời khỏi lo viếng bác sĩ” mà ông thầy vẫn cứ để nguyên, chẳng cho lột đi.


Phương pháp ăn uống dành cho người tiểu đường như mọi người vẫn biết

Nghe những lời ca tụng quá xá quà xa mà ông Cả Đẫn dành cho sư phụ, không biết các bạn thế nào, chứ Hằng thì mặc dầu đã “tát biển đông” với ổng ngót hai chục năm nay rồi mà em vẫn không thể nào tin nổi. Biết rằng không thể nói xuông mà thuyết phục được, ông Cả Đẫn cho biết thêm rằng: Bác Sĩ Westman đã từng viết hơn 50 bản báo cáo đăng trên các tạp chí y khoa về các thành công đáng kinh ngạc của ông trong việc chữa trị thành công cả ngàn bệnh nhân tiểu đường và… béo phì.

“Chữa được cả béo phì nữa? Vậy muốn giảm vài pound là chuyện nhỏ, phải không?” em hấp tấp hỏi lại. Rồi không để cho ổng trả lời, em vội vã chơi luôn, “Mà sao ông kể chuyện ề à quá! Sao không nói mẹ vào chuyện tăng mỡ, giảm cân đi cho rồi. À quên tan mỡ, giảm cân chứ!”

Nhưng vẫn cái luận điệu “chuyện phải có đầu có cuối, kẻo bà lại cho rằng tôi nổ,” bất cần vẻ nôn nóng sốt ruột của em, ông Cả Đẫn bảo rằng: Năm 2015, cùng với 21 nhà khoa học khác, Bác sĩ Westman đã cho ra đời một báo cáo y khoa có tên “Dietary Carbohydrate Restriction as the First Approach in Diabetes Management” (ông Cả Đẫn tạm dịch là “Giới hạn tiêu thụ Carbohydrate trong việc ăn uống là phương cách tiên quyết để điều trị tiểu đường”).


… Mà không biết có ăn thua gì không?

Đến đây hẳn nhiều bạn đã thấy được bí quyết của Bác Sĩ Westman rồi. Thực ra nói là “bí quyết của Bác Sĩ Westman” cũng không đúng. Bởi vì phải hạn chế Carbohydrate (tinh bột) là chuyện xưa như trái đất, nạn nhân bị tiểu đường nào cũng được nghe nói đến mòn lỗ tai rồi, chứ có phải khám phá mới lạ gì đâu. Thì Bác Sĩ Westman cũng đâu dám tự nhận cho mình cái danh dự đó. Chỉ có điều là ông giúp cho bệnh nhân hạn chế Carbohydrate, và tự chữa lành tiểu đường thành công cho mình.

Trong bản báo cáo y khoa nói trên, Bác Sĩ viết: “Áp dụng việc rút bớt lượng carbohydrate trong lúc ăn uống, chúng tôi đã giúp bệnh nhân bớt dần thuốc chích Insulin đến mức 150 đơn vị mỗi ngày sau 8 ngày, với những tiến bộ rõ nét trong việc kềm chế chỉ số đường huyết (glycemic index, chỉ số đường trong máu), thậm chí bình thường hóa các tham số đường huyết (normalization of glycemic parameters).”

Trên đây là nguyên văn lời Bác Sĩ Westman. Ông xã em giải thích thêm rằng “bình thường hóa các tham số đường huyết” chính là cách nói của giới chuyên môn về “tình trạng lành bịnh, chữa khỏi” tiểu đường.
Như lời Bác Sĩ Westman nói thì đúng là không có gì kỳ bí, khó hiểu về nguyên nhân cũng như cách chữa tiểu đường cả: Nguyên nhân là do chúng ta tiêu thụ quá nhiều Carbohydrate; và cách chữa là giảm bớt tiếp nạp Carbohydrate vào cơ thể.

Lại nữa, khám phá này vẫn xưa như trái đất, ai mà chẳng được khuyên là “bớt ăn chất ngọt, và năng tập thể dục,” có gì mới lạ đâu. Nhưng về chuyện tập thể dục thì có điều hơi lạ: Xin bạn kiên nhẫn nghe Bác Sĩ Westman nói thêm: “Có nhiều người rất thất vọng đến nói với tôi: Rằng họ tập thể dục nhiều lắm, tập đến muốn róc xác luôn, ấy vậy mà tiểu đường vẫn không thuyên giảm. Làm thế nào bây giờ?”

Bác Sĩ Westman giải thích: “Thể dục đương nhiên là tốt cho cơ thể về nhiều phương diện. Nhưng về việc giảm đường, giảm cân thì không. Là vì, thể dục làm cho chúng ta chóng đói hơn và càng muốn ăn nhiều hơn. Nhịn thì khổ mà ăn nhiều hơn thì làm sao giảm cân, giảm đường?”

Đúng, nhận xét này thật là độc đáo và... dễ nghe (Không phải nhịn ăn, mà cũng không róc xác tập thể dục: Quá tốt!). Vậy làm sao để giảm tiêu thụ Carbohydrate? Câu trả lời xem ra vẫn còn là một bí mật. Mời các bạn nghe “đức lang quân” nhà em kể tiếp trong bài lần sau nhé.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT