Đời Sống Việt

Mẹ Thánh Teresa & Cơn Khát Tình Thương

Wednesday, 14/09/2016 - 07:50:46

Mẹ Teresa đã từng giới thiệu ngắn gọn về mình: “Theo huyết thống, tôi là người Albani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công Giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian. Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu.”

Bài viết về những cảm nghiệm nhân dịp Mẹ Teresa được Đức Giáo hoàng Phanxicô
tuyên thánh tại Vatican (Chủ nhật 4/9/2016)

Phượng Vũ

"Con chỉ là cây bút chì nhỏ bé.
Trong tay Thiên Chúa Ngài đã vẽ đời con."(Mẹ Teresa)

Hình ảnh "cây bút chì nhỏ bé" gợi cho tôi nhớ lại những buổi họp ở lớp, ở trường hay trong nhà thờ, khi người ta cần mọi người trả lời ngay, theo kiểu "mì ăn liền". Lúc đó sẽ có người cầm 1 bó “cây bút chì nhỏ bé” đi phát cho mọi người dùng, xong rồi có trả lại hay vứt bỏ cũng không sao vì nó gần như không có giá trị gì để tiếc rẻ! Nhưng “cây bút chì nhỏ bé” Teresa trong bàn tay Thiên Chúa đã làm nên những việc vĩ đại. Mẹ Teresa không chỉ nổi tiếng trong giới Công Giáo mà còn là người được khắp hoàn cầu ngưỡng mộ với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng.



Đài BBC đã nói về Mẹ: “Khi nhắc đến cái tên Teresa, mọi người trên hành tinh này đều nghĩ đến biểu tượng một người phụ nữ thánh thiện, cao cả và vĩ đại nhất trên thế gian này. Mẹ Teresa đã dành trọn đời mình cho những người bất hạnh trên đời, từ những trẻ em mồ côi sống vất vưởng lang thang, cho đến những người khổ đau, bệnh tật, cùng cực ở khắp nơi...”

Mẹ Teresa đã từng giới thiệu ngắn gọn về mình: “Theo huyết thống, tôi là người Albani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công Giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian. Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu.”

Mẹ đã nhận được nhiều giải thưởng:
- Giải Padmashri của Ấn Độ, năm 1962.
- Giải Hòa Bình của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, năm 1971.-Giải Nehru vì có công thăng tiến nền hòa bình và sự thông cảm trên thế giới, năm 1972. -Giải Nobel Hòa Bình, năm 1979
Trong khi các phương tiện truyền thông càng ngày càng ca tụng Mẹ hết lời qua các công việc Mẹ làm, đối với riêng tôi Mẹ Teresa lại xuất hiện với những hình ảnh thật gần gũi và thân thuộc:

Mẹ Teresa: Nữ thánh của “đời thường”
Trong giáo hội Công Giáo đã có biết bao nhiêu vị được tuyên thánh (được tuyên thánh rất khó vì phải trải qua nhiều luật lệ nghiêm ngặt). Ngay như Cha Trương Bửu Diệp, được người Việt Nam rất sùng mộ, không kể lương giáo, nhưng cho đến giờ vẫn chưa được phong thánh. Đối với các vị thánh này tôi luôn kính phục, nhưng các vị cao siêu quá, có những hành động quá anh hùng dũng cảm (như các thánh tử đạo VN). Tôi biết thân tôi còn nhiều yếu đuối, kém cỏ, không theo chân các ngài được... nên chỉ "kính nhi viễn chi". Nhưng đối với Mẹ Teresa thì khác, tôi lại cảm thấy gần gũi, có lẽ vì tôi được may mắn sống cùng thời đại với Mẹ chăng? Tôi vẫn thường nhìn thấy hình ảnh Mẹ trên các phương tiện truyền thông, báo chí: Hình ảnh 1 bà già nhỏ con, giản dị chân đi dép mặc chiếc sari rẻ tiền màu trắng viền xanh...(chiếc áo sari của Mẹ Teresa mặc chỉ đáng giá 65 xu, chưa đầy một đô la) và gương mặt có vẻ già nua xấu xí (nhưng tâm hồn mẹ thì lại đẹp đẽ sáng láng tuyệt vời). Mẹ Teresa đã giúp đỡ những người nghèo khó ở Caculta trong suốt gần nửa thế kỷ. Hình ảnh nhỏ bé của Mẹ Teresa trong bộ trang phục sari giản dị trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Hôm 4/9/2016, Đức Gia1o Hoàng Phanxico đã nói với khoảng 120.000 người có mặt ở quảng trường Thánh Peter trong buổi lễ tuyên thánh cho Mẹ: “Sự thánh thiện của Mẹ quá gần gũi với chúng ta, quá dịu dàng... đến nỗi chúng ta rất tự nhiên gọi Mẹ là Mẹ Teresa.”

Ngoài ra những lời khuyên của Mẹ Teresa nghe cũng giản dị và nằm trong tầm tay thực hiện của mọi người:
"Mỗi khi bạn cười với ai đó, đó là một hành động của yêu thương, một món quà, một điều đẹp đẽ."
Món quà này chắc ai cũng có sẵn để có thể gửi tặng ngay đến những người chung quanh. Về việc làm từ thiện, mẹ nói:

"Nếu bạn không thể làm trăm người đỡ đói, thì chỉ cần làm cho một mà thôi."
Giống như kiểu làm việc thiện nên làm từ việc nhỏ nhất với quan niệm: "Từng giọt từng giọt thiện, thức dậy những niềm vui".

Về lời nói với những người chung quanh, Mẹ cho biết:
"Lời tử tế ngắn gọn dễ nói nhưng âm vang của nó thực sự vô tận."
Nếu bạn là người đã từng trải qua những cơn hoang mang, lo lắng sợ hãi, bạn mới thấu hiểu âm vang của những lời tử tế quan trọng và cần thiết đến chừng nào! Rồi đến những vấn đề lớn như, "Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới?", lời khuyên của Mẹ xem ra cũng đơn giản và dễ làm, "Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình," vì gia đình là tế bào căn bản của xã hội và thế giới.

Sự giản dị và gần gũi đời thường của mẹ Teresa đã thu hút một thanh niên người Nhật (Akihiro) đến với đức tin, gia nhập Giáo Hội Công Giáo và sau này trở thành linh mục. Cha rời bỏ gia đình ở Nhật Bản và hiện giờ đang sống và làm việc ở miền Bắc Ấn Độ để phục vụ người nghèo như Mẹ Teresa đã làm. Cha Akihiro, dòng Thừa Sai Bác Ái kể với hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ:

-Lần đầu tiên tôi gặp Mẹ Teresa là khi đang làm việc tại viện tế bần Nirmal Hriday do Mẹ thành lập tại trung tâm của Calcutta. Tôi bị ấn tượng về sự đơn giản và gần gũi với những người giúp Mẹ phục vụ các người đau yếu và hấp hối. Mẹ bé nhỏ và cảm giác tôi có khi gặp Mẹ giống như gặp một người bà. Thường khi bạn muốn gặp những người nổi tiếng thì rất khó, họ luôn ở đằng trước và khó mà đến gần được họ. Nhưng tôi luôn bị ấn tượng về cách Mẹ đến với chúng tôi.”

Cha nhắc lại lời của Mẹ Teresa: “Thế giới muốn thấy những gương mẫu hơn là nghe những lời nói”. Tôi cũng rất thích câu nói này của Mẹ, nên dù mẹ không là tiến sĩ thần học, không là nhà hùng biện nổi tiếng, cũng không giữ một chức vụ gì quan trọng trong giáo hội Công Giáo nhưng Mẹ, chính Mẹ, một người phụ nữ giản dị, bình dân chứ không ai khác, đã giới thiệu rõ ràng hình ảnh “Lòng Thương Xót Chúa” một cách đậm nét tới mọi người trên toàn thế giới. Đó có lẽ cũng là lý do ĐGH Phanxico muốn tuyên thánh cho Mẹ trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót (2016) này. Và đó cũng là cách tuyên dương vai trò của phụ nữ trong giáo hội. Với tư cách là một phụ nữ, tôi rất tự hào về Mẹ, một người phụ nữ rất xuất sắc trong việc quảng bá hình ảnh "Lòng Thương Xót Chúa" một cách hiệu quả nhất, hơn bất cứ ai khác trong giáo hội. Và qua thành quả việc Mẹ đã làm, hy vọng vị trí và vai trò của phụ nữ trong giáo hội sẽ được trân trọng hơn!

Mẹ Teresa và cơn khát tình thương
Cuộc đời của nữ tu Teresa có lẽ cũng bình thường như bao nhiêu nữ tu khác. Năm 19 tuổi, Teresa theo dòng tu Loreto của Ireland, sau đó được gởi đến Calcutta để học sư phạm. Khi nào có thể, Teresa đều đi giúp chăm sóc bệnh nhân. Khi ra trường, chị trở thành giáo viên và mỗi ngày phải đi xuyên qua thành phố. Cạnh trường là một trong những khu ổ chuột lớn nhất Calcutta. Chị Teresa không thể nhắm mắt làm ngơ được: Ai chăm sóc cho những người nghèo sống lang thang trên đường phố đây? Nỗi băn khoăn này luôn ám ảnh tâm trí chị "mình phải làm gì cho họ chứ?" Với tất cả những thao thức ấy, chị đi tĩnh tâm nhiều ngày tại Darjeering. Sau này chị nói:"Đấy là chuyến đi quan trọng nhất trong đời tôi." Trên chuyến xe lửa trở về bỗng chị nghe như có tiếng nói của Chúa, một sự thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong, "Hãy dấn thân phục vụ những người nghèo nhất của những người nghèo và hãy đến sống cùng với họ để chăm sóc họ."

Sau khi trở về Calcutta, chị xin phép rời tu viện để đến cùng sống và giúp đỡ những kẻ khốn khổ nhất . Teresa đến các khu ổ chuột và đường phố, thăm viếng và giúp đỡ người nghèo. Chị giúp tắm các em bé và rửa các vết thương cho người nghèo... Điều khiến mẹ vĩ đại hơn cả, đó là tình thương vô biên đối với người nghèo. Mẹ đã sống một cuộc đời cơ cực, vì như Mẹ nói, phải sống giữa người nghèo, nếm trải sự đói khổ cùng họ mới có thể thấu hiểu, và từ đó, mới có thể giúp xoa dịu nỗi đau của họ... Sau một thập niên, Mẹ lập một nhà tế bần và một nhà cho trẻ bị bỏ rơi. Từ 1950 Mẹ lập Missionaries of Charity - Dòng Thừa Sai Bác Ái - Hiện nay dòng này có tới 4.500 nữ tu trên khắp thế giới để phục vụ người nghèo bị bỏ rơi, chăm sóc và đem lại tình thương cho họ.

Chính trái tim rộng mở, chính tình yêu Chúa Jesus đã khiến Mẹ nhìn thấy Chúa Jesus trong hình hài của những người cùng khổ. Và Mẹ đã chân tình giúp đỡ những con người ấy với một mong ước duy nhất: "Xoa dịu cơn khát của Chúa: khát tình yêu và khát các linh hồn". Từ đó Mẹ phát hiện ra "Cơn khát Tình Thương" của con người. Căn bệnh trầm trọng nhất của nhân loại ngày nay là "đói tình yêu thương". Mẹ Teresa nói rằng: “Sự nghèo khó khốn cùng nhất là nỗi cô đơn và cảm giác không được yêu thương.”

Mẹ thường đi nhặt những người bị bỏ rơi trong đống rác, bị bỏ mặc nằm chờ chết bên vệ đường, cúi xuống với những người thoi thóp nơi cống rãnh. Mẹ đã từng kể lại:

- Tôi không bao giờ quên, một hôm tôi xuống phố, chợt thấy vật gì động đậy ở trong cống rãnh. Tôi lội xuống gạt bùn lầy dơ bẩn đi, và thấy đó là một con người. Ông ta bị sâu dòi rúc rỉa khắp thân, nằm thoi thóp chờ chết. Sau khi đem về nhà , chúng tôi phải mất 3 tiếng đồng hồ để lau rửa nhẹ nhàng cho ông sạch sẽ. Người sống dơ bẩn trong cống rãnh này, sau cùng đã nói, "Tôi đã sống như con vật trên đường phố, nhưng tôi sẽ chết như một thiên thần, vì đã được yêu thương và được săn sóc." Ngay khi chúng tôi còn cầu nguyện với ông, ông nhìn vào một Sơ mà nói, "Sơ ơi, tôi sắp đi về nhà Chúa," rồi ông chết. Trên mặt ông nở nụ cười rạng rỡ. Tôi chưa hề thấy nụ cười nào giống như thế.

Nhưng có phải chỉ có những người bệnh tật, nghèo đói mới là người đói yêu thương không? Đói ở đây là gì? Có phải là đói ở Phi Châu, ở Ấn Độ, nơi nhiều người đói một miếng bánh, một chén cơm không? Đúng, nhưng cũng là đói tình yêu thương, đói được người khác quan tâm, "Hãy quan tâm tới người khác. Điều kinh hãi nhất là bị bỏ rơi, bị lãng quên.” Điều này đã đập mạnh vào trái tim tôi, để nhắc nhở mình khỏi bị quên, tôi đã in ra và ép nhựa , dán lên tường trong phòng ngủ, để mỗi ngày tôi đều nhìn thấy nó. Làm từ thiện giúp những người đói cơm áo về vật chất 1 năm có thể làm được vài lần. Nhưng giúp đỡ cái “đói tình thương, đói quan tâm”, nhất là đối với những người già neo đơn, nếu để ý tôi có thể thực hiện mỗi ngày và đôi khi nó lại trở thành quan trọng đối với họ.

Mẹ Teresa nói rằng, “Bệnh tật đáng sợ nhất không phải là phong hủi hay lao phổi mà là cô đơn.” Điều đó đã được minh họa qua cái chết bằng tự tử của những người nổi tiếng, họ giàu có sang trọng và danh vọng ngập tràn. Lúc còn trẻ tôi chỉ nghĩ đơn giản những người nghèo khổ thiếu cơm ăn, thiếu áo mặc mới cần đến sự quan tâm giúp đỡ của chúng ta. Nhưng sau khi đọc sách của Mẹ Teresa, với trái tim bao dung ngập tràn lòng nhân ái và tinh tế, Mẹ đã chỉ ra sự nghèo khổ về tinh thần, sự thiếu yêu thương, nâng đỡ trong cuộc sống là điều mà mọi người thường hay lãng quên. Cái "đói khát", cái "nghèo khó" này mới thực sự khủng khiếp và khó nhận ra, kể cả từ trong gia đình mình. Mẹ Teresa đã nhắc nhở mọi người: Tình yêu phải bắt đầu từ trong nhà bạn, sự nghèo khó cũng bắt đầu từ trong nhà bạn. Bạn phải biết ai là người cô đơn, ai không được yêu mến, ai đang bị bỏ quên ngay trong gia đình." Từ đó tình yêu thương mới có thể lan ra ngoài xã hội được.
Mẹ Teresa đã chỉ cho chúng ta điểm khởi đầu: “Chúng ta hãy luôn gặp nhau với nụ cười, bởi nụ cười là điểm bắt đầu của yêu thương.”

Mẹ Teresa: tấm gương soi cho những người yêu làm từ thiện
Mẹ Teresa còn được biết đến với tên “Thánh của người bần cùng” vì lao động miệt mài, không mệt mỏi cho người nghèo. ĐTC Phanxicô đã viết lời tựa cho một cuốn sách mới về Mẹ Teresa Calcutta với tiêu đề: “Chúng ta hãy yêu những người không được yêu thương”.

Thời trẻ tuổi tôi hay quan niệm, mình sẽ làm từ thiện khi mình khá giả có của dư...nhưng Mẹ Teresa đã nêu lên một quan niệm mới: “Cho đi là mình chia sẻ cả những cái mình quí trọng chứ không phải để làm nhẹ bớt đi những cái dư thừa!” Mẹ đan cử 1 ví dụ:

“Hồi đó, nhằm lúc thiếu đường trong thành phố Calcutta, có một cậu bé chừng 4 tuổi đem đến cho tôi một chén đường và bảo tôi: “ Thưa Mẹ, con đã nhịn ăn đường suốt một tuần nay. Xin Mẹ hãy dùng ít đường này cho các trẻ mồ côi của Mẹ." Một cử chỉ anh hùng biết bao đối với một em bé mới có 4 tuổi! Em đã học biết yêu kẻ khác đến độ hy sinh những gì mình cần thiết."

Không cần phải đợi giàu có mới làm từ thiện. Khi khởi đầu cuộc đời dấn thân đi làm từ thiện, toàn bộ tài sản của chị Teresa vỏn vẹn là một cục xà phòng và năm rupi (một đô la = 45 rupi, và 5 rupi khoảng 12 cents). Cái quan trọng là chúng ta có tấm lòng, "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Vì làm từ thiện không cần phải là một điều gì lớn lao mà là bắt đầu bằng những việc nhỏ trong tầm tay. Mẹ Teresa đã bắt đầu bằng việc dạy các em bé nghèo học chữ, học cách rửa ráy và giữ vệ sinh, rồi lau chùi và chăm sóc những người đau ốm bệnh tật! Nói tới đây tôi vui mừng khi nhớ lại 1 bản tin đài VOA kể chuyện ở Việt Nam vẫn có những cô giáo lo dạy học cho các em nghèo trong những lớp học tình thương, mà lớp học nay chỗ này mai chỗ khác, có khi mưa tạt ướt áo trò lẫn áo cô ở vùng ngoại thành Sài Gòn. Câu chuyện quá cảm động vì đôi khi các cô giáo phải bỏ tiền túi eo hẹp của mình để mua tập vở cho các em, rồi có hôm đi dạy mang theo chút bánh cho các em ăn đỡ đói lòng, có sức mà học, vì có khi đói quá có em bị xỉu... Mẹ Teresa đã nói đúng: “Trong cuộc sống này chúng ta không thể làm những điều vĩ đại. Chúng ta chỉ có thể làm những điều nhỏ bé với tấm lòng vĩ đại." Điều này cho thấy "Tình Người" vẫn còn hiện diện đó đây giúp ta vững tin hơn là mầm Thiện vẫn còn nẩy lộc khắp nơi chứ không phải bị thui chột hoàn toàn. Đừng bao giờ tắt niềm tin vào điều Thiện!

Gương sáng từ thiện của Mẹ Teresa đã lôi cuốn biết bao nhiêu người trẻ tìm đến những trung tâm phục vụ người nghèo ở Calcuta và ở nhiều nơi trên thế giới để nếm trải sự nghèo khổ của người nghèo. Và sau đó họ sẵn sàng rời bỏ những xa hoa nhung lụa để dâng hiến đời mình phục vụ cho những người nghèo:

Maria Donna sinh tại Kudus, trong một gia đình Công Giáo giàu có, làm chủ ngành công nghiệp thuốc lá PT Djarum. Cô đã theo học tại Úc và sau đó tốt nghiệp tại Hoa Kỳ. Lần đầu tiên cô gặp các nữ tu Thừa Sai Bác Ái là khi cô tham gia vào việc chăm sóc các người vô gia cư ở Illinois. Rồi một lần kia khi cô đang nghỉ hè với gia đình ở Hồng Kông trong một khách sạn sang trọng, cô cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy quá nhiều người không nhà cửa trên các con đường của Hồng Kông, những người nghèo khổ, thấp bé, dơ dáy, bệnh tật. Cảm giác đầu tiên của cô là muốn chạy khỏi cảnh tượng gây buồn nôn. Nhưng khi cô tránh những người này, đã có điều gì đó ngăn cô lại, dường như bảo cô trở lại với họ để làm điều gì đó tốt cho những người kém may mắn này... Hiện nay cô phục vụ người nghèo ở Đông Timor.

Mẹ Teresa khi còn sống đã nhiều lần sang Việt Nam với ý định lập dòng Thừa Sai Bác Ái để giúp đỡ những người nghèo ở Việt Nam, hoặc gửi các Thừa Sai tới giúp đỡ... Nhưng tất cả những kiên nhẫn và thiện chí của Mẹ đã nhiều lần bị nhà cầm quyền CSVN làm khó dễ và từ chối. Vậy mà họ luôn tự xưng là "chính phủ của dân nghèo". Họ sợ cả 1 bà già yếu đuối thánh thiện chỉ chuyên tâm một đời lo cho người nghèo? Không biết họ còn lương tri của một con người không?

Có một khía cạnh anh dũng khác của vĩ nhân này mà ta chỉ biết được sau khi Mẹ qua đời. Đây là một điều Mẹ giấu kín đối với mọi người, kể cả những thân hữu gần gũi nhất với Mẹ. Mẹ chỉ viết thư cho cha linh hướng, "linh hồn con vẫn chìm trong bóng tối và u buồn sâu thẳm”. Mẹ gọi cái cảm nghiệm nội tâm ấy làbóng tối. Nó khởi sự từ ngày Mẹ bắt đầu công việc phục vụ người nghèo và tiếp tục mãi cho đến cuối đời (gần 50 năm). Thật là kinh khủng với đêm đen dài lê thê và Mẹ phải tập "yêu bóng tối" của đời mình. Điều này làm nhiều người ngạc nhiên vì những tưởng một con người tận tụy yêu thương lo cho người nghèo thay Chúa như Mẹ Teresa, chắc hẳn lòng luôn được thấm đẫm tình yêu và sự bình an của Chúa ủ ấp! Đó có lẽ cũng là bài học cho mỗi người chúng ta để noi gương Mẹ Teresa làm những điều tốt đẹp vì yêu thương “cho đi một cách như không” chứ không phải vì để được bù đắp cách này cách khác. Học nơi Mẹ Teresa tinh thần “bóng tối, sự thiếu vắng, sự cô đơn thiêng liêng Mẹ cảm nhận trong tâm hồn lại không làm nhụt chí của Mẹ.” Giống như xưa khi sắp chết trên thập giá, Chúa Jesus cũng đã từng kêu lên : “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, vì sao Người lại bỏ tôi.” (Mc 15, 34). Có lẽ những lúc đó chúng ta sẽ cùng Mẹ Teresa cất lên lời nguyện xin:
"Chạm lòng con Chúa ơi, ngay giờ này.
Chạm lòng con để con luôn yêu Ngài...
Vực con vươn lên khỏi chốn tối tăm tuyệt vọng.
Vực con vươn lên khỏi nghi sợ và sầu não."
Ngày 5/9/1997, lúc 9g30 tối, Mẹ Teresa qua đời “trong ngôi nhà mất điện và tất cả đều chìm vào bóng tối”. Nhưng ngày hôm nay (4/9/2016) hình ảnh Mẹ đã được tỏa sáng rực rỡ giữa bầu trời tràn ngập nắng ấm ở quảng trường Peter, giữa hằng trăm ngàn các con cái và những người yêu mến Mẹ từ muôn phương đổ về trong buổi lễ Mẹ được tuyên Thánh

Phượng Vũ
(9/2016)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT