Thế Giới

Mẫu hạm Mỹ sắp tập trận chung với Nhật

Saturday, 03/11/2018 - 08:13:51

Một tàu hậu cần thuộc Hải quân Canada cùng một khu trục hạm nhỏ cũng tham gia diễn tập. Việc tham gia này cho thấy mong muốn của Canada trong hiện diện quân sự ở châu Á. Đại diện các nước Anh, Pháp, Úc, và Nam Hàn sẽ tham gia với tư cách quan sát viên.

YOKOSUKA - Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan hôm thứ Bảy đã đến Nhật Bản, chuẩn bị cho cuộc tập trận chung với sự tham gia của 57,000 quân nhân, diễn ra đầu tuần sau. Cuộc diễn tập Keen Sword của Nhật Bản sẽ bắt đầu từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 11 ở vùng biển gần nước này. Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cùng 8 chiến hạm và các chiến đấu cơ F-18 của Hoa Kỳ cũng sẽ tham gia.
Hoa Kỳ và Nhật Bản điều động 57,000 thuỷ thủ, thuỷ quân lục chiến, và phi công tham gia diễn tập chống tàu ngầm, nhiều hơn 11,000 người so với 2016. Hoạt động chính là mô phỏng tác chiến trên không, đổ bộ và phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo. Keen Sword được tổ chức 2 năm một lần. Cùng các khu trục hạm, Nhật sẽ điều 47,000 quân tham dự sự kiện, chiếm 1 phần 5 các lực lượng vũ trang nước này.
USS Ronald Reagan hôm thứ Bảy đậu ở Yokosuka gần Tokyo, là tàu lớn nhất của Hoa Kỳ ở châu Á, với 5,000 thuỷ thủ và khoảng 90 chiến đấu cơ F-18. "Mối liên minh Mỹ - Nhật là cần thiết cho sự ổn định ở khu vực và cả vùng Ấn Độ Dương,” chuẩn đô đốc Hiroshi Egawa, chỉ huy hạm đội Nhật, tuyên bố. Một tàu hậu cần thuộc Hải quân Canada cùng một khu trục hạm nhỏ cũng tham gia diễn tập. Việc tham gia này cho thấy mong muốn của Canada trong hiện diện quân sự ở châu Á. Đại diện các nước Anh, Pháp, Úc, và Nam Hàn sẽ tham gia với tư cách quan sát viên.

Bắc Hàn dọa khôi phục vũ khí hạt nhân nếu Hoa Kỳ giữ lệnh trừng phạt
BÌNH NHƯỠNG - Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn hôm thứ Bảy đe dọa rằng, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ có thể đảo ngược nỗ lực giải trừ hạt nhân. "Nếu Hoa Kỳ vẫn giữ thái độ kiêu ngạo và không cho thấy bất cứ thay đổi nào trong ý kiến, Bắc Hàn có thể thêm 1 điều khoản vào bản định hướng phát triển kinh tế công bố hồi tháng 4. Từ Pyongjin có thể xuất hiện trở lại và sự thay đổi chính sách có thể được xem xét lại một cách nghiêm túc,” tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn nói. “Pyongjin” là chính sách của Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un đưa ra, định hướng phát triển song song kinh tế lẫn hạt nhân.
Tuyên bố của Bắc Hàn được coi là hành động "gây bối rối" cho Hoa Kỳ, trong lúc một viên chức cấp cao của Bắc Hàn đang dự kiến sẽ có cuộc gặp với Ngoại Trưởng Mike Pompeo vào tuần tới ở Hoa Kỳ. Hồi tháng 4, Chủ Tịch Kim Jong-un bất ngờ tuyên bố ông rút bỏ chính sách Pyongjin, còn được gọi là Byungjin. Ông cho biết Bình Nhưỡng đã có chiến lược mới, tập trung vào việc xây dựng lại kinh tế của đất nước.
Bắc Hàn từng nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ giảm các biện pháp trừng phạt và tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, là điều kiện để Bình Nhưỡng thực hiện các bước giải trừ hạt nhân. Trong tuyên bố của Bộ Ngoại Giao, Bắc Hàn cũng chế giễu ý tưởng của Hoa Kỳ khi Washington cho rằng "việc nhắc đi nhắc lại về lệnh trừng phạt và áp lực sẽ dẫn tới giải trừ hạt nhân.” Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn là lần đầu tiên nước này ám chỉ việc khôi phục lại các vụ thử vũ khí kể từ khi thay đổi chính sách hồi tháng 4.

Nga có thể cho Cuba vay tiền để mua vũ khí
MOSCOW - Nga nhiều khả năng sẽ cung cấp tài chính để Cuba mua xe tăng, trực thăng nhằm gia tăng năng lực quốc phòng. Phụ tá Bộ Trưởng Tài Chính Nga Sergei Storchak ngày thứ Sáu cho biết nước này sẽ phê chuẩn một khoản vay trị giá $43 triệu Mỹ kim cho Cuba để giúp Havana mua vũ khí do Moscow sản xuất. Theo viên chức Nga, trong 2 tuần tới, một phái đoàn quân sự Cuba sẽ tới thăm Nga và ký thỏa thuận về khoản vay.
Truyền thông Nga trước đó dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết Moscow dự định cho Havana vay hơn $50 triệu để mua thiết bị của Nga như xe tăng, xe thiết giáp và có thể là trực thăng quân sự. Chính phủ Cuba thì muốn hiện đại hóa các vũ khí Nga trong quân đội và mua sắm thiết bị mới. Tuyên bố của ông Storchak được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng Thống Vladimir Putin và Chủ tịch Hội đồng nhà nước Cuba Miguel Diaz Canel tại Moscow hồi giữa tuần. Trong cuộc gặp, ông Putin thông báo Nga dự kiến xây dựng một căn cứ tình báo ở Cuba, nhằm cho phép quốc đảo này khai thác hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu Glonass hiện đại của Moscow.
Nga đang nỗ lực cải thiện quan hệ và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Mỹ La-tinh, đặc biệt là với Cuba, trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân tầm trung INF, bất chấp sự phản đối của Moscow và châu Âu.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi Yemen mở cửa nhận viện trợ nhân đạo
CAIRO - Một viên chức của Cơ Quan Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc nói rằng, nhà chức trách Yemen đang gây khó khăn cho các chương trình viện trợ nhân đạo, và khuyến cáo rằng việc cản trở các nỗ lực giúp đỡ có thể đẩy quốc gia này vào nạn đói.
Ông Geert Cappelaere, thuộc UNICEF, cho biết hôm thứ Bảy một thỏa thuận đình chiến là điều bắt buộc để kết thúc cuộc chiến dài 4 năm ở Yemen, giữa liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu với phiến quân Houthi được Iran hỗ trợ.
Ông Cappelaere đã đến thăm thành phố cảng Hodeida và thủ đô Sanaa, nơi đang bị phiến quân chiếm đóng, vào 2 ngày trước, trong bối cảnh các vụ đụng độ và không kích vẫn diễn ra khốc liệt.
Viên chức Liên Hiệp Quốc này cho biết, cả chính phủ Yemen được quốc tế công nhận và phiến quân Houthi “đều không để cho nhân viên quốc tế làm việc một cách thuận lợi.” Ông Cappelaere chỉ trích rằng, các viên chức 2 phe, “với các lợi ích riêng,” đã cản trở việc cấp visa cho các chuyên gia y tế, đồng thời làm trì hoãn việc nhập cảng và phân phát lương thực.
Hầu hết các cơ quan nhân đạo quốc tế hoạt động trong khu vực bị quân Houthi chiếm đóng đều bị cản trở đi lại. Phiến quân cũng can thiệp vào việc phân phát hàng viện trợ bằng cách buộc cơ quan quốc tế phải ưu tiên cho một số khu vực, và đôi khi tự ý lấy hàng viện trợ để giao cho các tổ chức ủng hộ cho họ.
Ba phần 4 trong 29 triệu dân Yemen đang thiếu lương thực, 1.8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng, và 400,000 trẻ em dưới 5 tuổi đang có nguy cơ chết vì đói. Ngoài ra, cứ mỗi 10 phút lại có một trẻ em Yemen qua đời vì các căn bệnh có thể ngăn chặn được.

Dân New Caledonia sắp bỏ phiếu về việc tách khỏi Pháp
NOUMEA – Người dân ở New Caledonia, quần đảo thuộc Pháp, vào Chủ Nhật sẽ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý để quyết định xem họ có muốn hòn đảo tách khỏi Pháp hay không. Khoảng 175,000 người ở New Caledonia đủ điều kiện sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu ngày Chủ Nhật.
Trong khi đó, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần lớn người dân ở đây không muốn tách rời khỏi Pháp. Những người ủng hộ độc lập hôm thứ Bảy đã lái xe dọc khu cảng của thủ đô Noumea, trong đoàn xe 20 chiếc, vẫy lá cờ của thổ dân Kanak và hô to "Kanaky,” là tên gọi mới mà phe ly khai muốn đặt cho New Caledonia. Những người này cũng thúc giục những người Kanak, tức cộng đồng thổ dân bản địa, chọn ủng hộ ly khai.
Tuy nhiên, thổ dân Kanak bản xứ lại chiếm chưa tới 50% số cử tri, và một số trong nhóm này cũng không muốn tách khỏi Pháp, một phần vì khoản tiền $1.5 tỷ Mỹ kim mà Pháp cấp cho hòn đảo này hàng năm. Các cuộc thăm dò cho thấy từ 63 đến 75% cử tri New Caledonia phản đối việc độc lập khỏi Pháp. Theo Hiệp ước Noumea năm 1998, nếu người dân không muốn độc lập khỏi Pháp lần này, thì hòn đảo vẫn có thể tổ chức thêm 2 cuộc trưng cầu dân ý nữa trước năm 2022.
Giới quan sát lo ngại rằng cuộc trưng cầu dân ý có thể làm gia tăng căng thẳng giữa người Kanak bản xứ, những người muốn độc lập, và dân da trắng. Căng thẳng này từng dẫn tới bạo lực những năm 1980, khiến khoảng 70 người chết. Sự kiện này cũng dẫn tới Hiệp ước Noumea, mở đường cho việc cân bằng quyền lực trong chính quyền và cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 4 tháng 11.
New Caledonia có gần 270,000 dân, địa điểm được coi là có vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương. Khu vực này thuộc quyền kiểm soát của Pháp từ năm 1853, là một trong nhiều vùng lãnh thổ của Pháp trên toàn cầu.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT