Chuyện Nước Pháp

Màn trình diễn của hổ trắng quý hiếm (kỳ 1) 

Wednesday, 31/08/2016 - 08:18:39

Thôi thì chúng tôi tạm thời nghe theo bảng chỉ dẫn trên xa lộ cũng khá dễ rồi đến đúng ngã ra thì máy lại nói tiếp theo chạy đúng đường tới địa chỉ của Sở thú.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

Chúng tôi bàn bạc với nhau sẽ chọn vườn thú nào để đưa đám con nít đi coi vào mùa hè năm nay. Quanh vùng gần chúng tôi nhất có sở thú tư nhân Amnéville vừa quảng cáo khắp nơi trên đường phố và qua báo chí là họ ăn mừng 30 năm mở cửa! Chà, tôi biết trong quá khứ lùi xa lơ xa lắc chúng tôi đã đưa bọn trẻ thế hệ thứ nhất tới đây nhưng sẽ là mới toanh cho đám nhỏ tương lai thuộc về nền văn minh 21. Tất cả đều đồng ý nên chúng tôi khởi hành vào sáng thứ Năm để đi xem trọn ngày. Trên đường đi tới đó chúng tôi dùng cái GPS (Global Positionning System, hệ thống toàn thể vị trí, do nhân tài xứ Hòa Lan chế tạo) thông dụng gắn trên kiếng xe bên trong. Sự kiện này vô cùng hữu ích vì làm giảm bớt mối lo sợ căng thẳng bị lạc đường hay khó khăn nếu xa xôi quá, đồng thời không cần dùng tới bản đồ giấy kè kè một bên vướng víu khó chịu. Cái máy đơn giản của chúng tôi sử dụng cho 18 nước Âu Châu theo quảng cáo. Nó nói 2 giọng nam hay nữ tùy ý và cho hình ảnh rõ ràng từng con đường, từng khoảng cách còn vượt qua theo đơn vị mét.



Mỗi lần chạy mau quá vận tốc giới hạn là máy nhắc nhở đã chạy nhanh quá. Nếu không tuân theo lời chỉ dẫn, chạy đường khác cố ý hay vì lơ đãng quẹo bậy hay đường bị sửa thì máy tính ngay theo cách khác với lời nói cảnh giác “nouveau calcul, cách tính mới”. Lần nào cũng tới chỗ ngon lành, vậy mà hôm nay có lẽ vì chạy trên xa lộ (autoroute, freeway) nên máy bỗng trở thành lạng quạng. Số là nó cứ bảo chúng tôi phải rẽ vào đường nhỏ mãi! Xa lộ nào cũng giống nhau trên nguyên tắc đường thẳng bon rộng rãi nhiều lằn chạy xuôi - ngược chiều nhau và luôn luôn có lối ra đánh số hay mang bảng tên chỉ dẫn rất rõ ràng và lối nhập vào từ bên phải. Thôi thì chúng tôi tạm thời nghe theo bảng chỉ dẫn trên xa lộ cũng khá dễ rồi đến đúng ngã ra thì máy lại nói tiếp theo chạy đúng đường tới địa chỉ của Sở thú.

Ngày xưa, vào thế chiến thứ 2 (năm 1940), tỉnh nhỏ Amnéville gồm khoảng 10 ngàn dân hiện nay ở về phía Đông Bắc nước Pháp đã bị Đức chiếm rồi tịch thu vào lãnh thổ của họ. Trong vòng 4 năm, nhiều người trẻ tuổi bị đưa vào lính trong quân đội của Đức ra mặt trận và không bao giờ về nữa. Sau đó, quân đội Hoa Kỳ tới giải phóng toàn tỉnh năm 1945 kèm theo nhiều trận dội bom kinh khủng cho dân chúng bản địa mặc dù để tiêu diệt chốt pháo thủ của Đức. Chúng tôi đi qua nhiều làng mạc nhỏ xíu mang những cái tên rất Đức thật khó đọc và khó nhớ. Nơi đây có một rạp hát rộng tới 12 ngàn chỗ dành cho những đại hội ca nhạc tầm cỡ vĩ đại, nhiều lần tổ chức đã mời những đoàn ca nhạc sĩ đông người xứ Bạch Nga qua nhảy múa hoặc những vở kịch cổ điển (comédie musicale) rất ăn khách thuộc loại “Thằng Gù ở Nhà Thờ Đức Bà”.


Rồi cũng tới nơi. Sở thú đã thay hình đổi dạng đến bất ngờ. Chúng tôi có cảm tưởng như chưa hề tới đây lần nào. Thật lạ, đúng vậy; sao nó như rộng lớn hơn xưa nhiều lắm và cách thức quảng cáo với bảng hiệu chữ lớn xanh đỏ khác nhau cũng chẳng giống tí gì trong quá khứ. Khi đã mua vé vào cửa xong xuôi (rất đắt tiền, như đi xem buổi ca nhạc hội do những danh tài cỡ như Céline Dion) và đọc sơ qua cuốn sách tí hon tóm tắt lịch sử của sở thú tôi mới biết mọi chuyện đã tiến rất xa cho đến giờ. Đắt tiền vì nhờ thế mà có chương trình hổ trắng quý hiếm biểu diễn chỉ mới đây thôi. Sở thú nổi tiếng vì là tư nhân duy nhất nơi đây không hề xin trợ cấp của chính phủ, hoàn toàn trông cậy vào con số hàng năm có hơn 600 ngàn người đến thăm viếng. Với doanh thu vượt trội từng năm cứ lên đều, họ đã dùng tiền thặng dư giúp thêm cho những nơi trên thế giới bảo toàn những động vật hoang dã sắp bị diệt chủng như gấu, hổ trắng. Chính ông giám đốc đã cứu giúp chúng hết lòng với tài nghệ dạy cọp trình diễn. Hiếm khi có một vị cầm đầu sở thú kiêm luôn người dạy thú dữ, ông cũng có truyền nghề cho một chàng trai trẻ thứ hai thay phiên mỗi khi làm sô hàng ngày. Trên đường đi, chỗ nào cũng thật sạch sẽ như danh truyền và thức ăn cho thú rất đầy đủ, tươi rói. Chúng tôi nhìn kỹ giờ giấc thì thấy sô hổ trắng Tiger World sẽ có lúc 15 giờ rưỡi, đại bàng vào lúc 16 giờ rưỡi. Hai tiết mục này rất ăn khách theo lời quảng cáo. Cũng có sô của những con khác như gấu, hải cẩu nhưng chúng tôi đã xem qua rồi.
Hổ trắng có 6 con nơi đây. Chúng nó được nuôi dưỡng riêng biệt khác với những con hổ thường chúng tôi đã thấy trước đó. Gian phòng rộng lớn với 2000 chỗ ngồi đã từ từ đầy khách vào lúc 15 giờ. Một chiếc lưới khổng lồ từ từ được hạ xuống chia cách nơi hổ vào và khán giả ngồi về một phía duy nhất đối diện với chúng. Hổ từ trong liền ra từ từ với sự hiện diện của chàng trai tóc dài chấm cổ mặc áo da hợp chất hóa học tay cầm cây roi dài bằng tre. Đúng với danh truyền, hổ trắng mập mạp to con hơn hổ thường lông màu cam với nhiều vằn đen tuyền. Chúng không phải là loại hổ bạch tạng (albinos) vì bệnh mà do gien di truyền ảnh hưởng làm màu lông trắng xuất hiện nhiều hơn với cái tên khoa học Panthera tigris. Hổ trắng còn được gọi là hổ vua chúa do sự biến đổi bất thường của gien di truyền (leucisme). Càng ngày càng hiếm có hổ trắng và loài hổ nói chung được liệt vào loài thú dữ sắp bị diệt chủng. Ba con hổ trắng trong số 6 con đã sinh ra tại chỗ trong vườn thú này và được cho bú sữa, chăm nom gần gũi từ ngay lúc đó bởi chàng trai Rémy tiếp sức với ông giám đốc Michel. Như vậy, thú con sống quen với hơi người và dễ dạy dỗ hơn là thú hoang dại.

Chúng ta đã từng thấy qua hình ảnh những ông hoàng Ả Rập chạy xe nhà vương giả bóng loáng với chú cọp hay sư tử nuôi từ hồi nhỏ ngồi kế bên tay lái thật le lói! Tuy nhiên, có một cách thức riêng biệt dạy hổ trắng mà Rémy và Michel đã học lại từ ông thầy danh tiếng William Vos. Ông này là dân gốc Hòa Lan, đã từng biểu diễn điều khiển cả bầy cọp trong gánh xiệc danh tiếng Gruss Pháp ở Paris vào năm 1980.

Ntnd (còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT