Chuyện Nước Pháp

Màn trình diễn của hổ trắng quý hiếm (hết)

Wednesday, 07/09/2016 - 10:38:17

Nhờ tham khảo thêm những cuốn phim tài liệu nói về sở thú này, nhất là màn trình diễn mang tên Tiger World trên Youtube do báo chí đến làm phóng sự được cho phép quay phim trong vòng năm ba phút tôi liền nhớ những gì mình đã chứng kiến tường tận.

Ảnh ghép: trên là huấn luyện viên và hổ trắng - hổ cam, bên dưới là sô trình diễn đang thực hiện.

Trong bài trước, tôi đang kể cho quý độc giả thân mến đến đoạn bầy hổ đã ra từ từ trong sân trình diễn hình tròn bên ngoài có lưới chắn dưới sự điều khiển của chàng trai trẻ Rémy, 26 tuổi. Cần nhắc lại là ban tổ chức đã cấm tuyệt không cho quay phim hay chụp hình gì cả vì họ sợ làm đàn cọp bị giao động tâm lý. Hai hàng chữ viết bằng tiếng Đức và tiếng Pháp bảo thế. Trước khi mở màn, có lời xướng ngôn viên ghi âm sẵn lập lại thêm lần nữa nên không ai dám phạm luật. Nhất là khi có thú dữ, một ánh chớp đèn sáng bất ngờ làm lóe mắt khiến nó có thể nổi khùng vì sợ hãi và cắn người đứng gần nó nhất. Tôi đành phải ghi nhớ lại qua ký ức những gì hổ đã làm theo lời huấn luyện viên dạy bảo. Nhờ tham khảo thêm những cuốn phim tài liệu nói về sở thú này, nhất là màn trình diễn mang tên Tiger World trên Youtube do báo chí đến làm phóng sự được cho phép quay phim trong vòng năm ba phút tôi liền nhớ những gì mình đã chứng kiến tường tận.

Có 9 cái trụ đôn bằng đá hình chữ nhật rất thấp dành cho mấy chú hổ nhảy lên nằm ngoan ngoãn trên đó và chúng nó chăm chú nhìn chủ sẽ ra lệnh làm gì. Trên nóc đôn có lắp kiếng gắn đèn điện sáng mờ hình tròn nổi bật trong bóng đêm. Khi viết bài, tôi mới có thì giờ đếm đầy đủ 9 cái. Lúc mải miết xem, chắc hẳn khán giả không để ý tới. Tuy nhiên, hôm trình diễn đó họ cũng như tôi đều thấy có 1 đôn ghế bỏ trống. Chỉ còn có 8 tài tử mà thôi, chàng hay nàng thứ 9 vắng mặt chẳng rõ vì sao. Bên cạnh góc không khán giả có để xa ra 4 trụ đá gồm 2 cái thấp để hổ lấy trớn nhẩy lên 2 cái cao hơn nhiều được bắc ngang một tấm ván làm cầu cho cọp đi qua. Có lúc tấm ván được lấy ra và cọp phải trổ tài nhẩy xa từ đầu này qua đầu kia một cái một.

Thật khó tưởng tượng được giữa những con hổ mập mạp đang lúc trình diễn sô với ông chủ trẻ, tôi quan sát bằng ống dòm tí hon có mang theo kè kè trên tay thấy có 2 hoặc 3 chú cứ có dịp là nằm ngủ khò vô tư lự! Nó gác một chân lên chân kia bỏ thõng xuống trụ đá và tựa cằm lên đó ngủ ngon lành, mặc kệ mấy con kia đang chăm chú nhìn coi chủ sẽ dặn làm gì. Quả thật, mấy chú kia đang bị lần lượt ra chính giữa đứng sát vào nhau và một con khác có nhiệm vụ nhảy ngang qua mình 2 con kia. Đó là 2 chú cọp trắng tinh vằn đen, hai con cứ liếm láp lẫn nhau phần gương mặt thật âu yếm vì chúng nó là anh em ruột của lứa đầu. Rémy phải cho bú sữa bò nuôi nấng thay cọp mẹ sau mấy hôm sinh con rồi là nó bỏ mặc. Còn những con kia được mang về sở thú từ khi chúng nó lên 2 tháng hoặc 1 tuổi đúng. Thì ra được người nuôi nấng từ tấm bé nên những con cọp này tôi quan sát thật kỹ thấy chúng nó không hề có cử chỉ dữ tợn vừa nghe lệnh chủ vừa gầm gừ bất mãn cứ đưa chân ra tát gió như trong gánh xiệc thường thấy vậy. Hoàn toàn không có những hành động chống đối làm khán giả cũng ngại ngần cho người điều khiển, mà chúng nó có con nào cứ được dịp là ngủ khò một giấc dù ngắn ngủi ngay trong sân chuồng tròn biểu diễn! Có con lo liếm lông trên thân nó. Tôi thích quá, cứ quan sát mãi những con ngủ ngon lành. Thật lạ, chúng mở mắt ra khi ông thầy điều khiển cầm cây roi dài bằng tre bên tay trái dầy và dài hơn cây tre con thon nhọn bên tay mặt chạm nhẹ vào đầu. Rồi làm ngay điều chủ muốn vì cuối thanh tre có cắm sẵn một cục thịt bò nhỏ xíu để thưởng cho tài tử diễn trò. Cẩm nang đã mua có viết trước khi trình diễn hổ ta nào có được cho ăn gì đâu thế nhưng con nào con nấy trông mập tròn và lông dầy mướt, nghĩa là không đến nỗi phải nhịn ăn quá lâu mà nổi quạu. Đến tối chúng mới được ăn uống tha hồ no nê đầy ứ.

Cọp trình diễn còn được ở khách sạn 4 sao, chú nào chú nấy có 1 cái hồ tắm riêng và những cây cối để nó tha hồ leo trèo trong phạm vi 600 thước vuông sân rộng. Thức ăn sạch sẽ và nhiều nên cọp mập mạp và lông mướt đẹp. Khi bệnh có thú y sĩ chăm sóc và chích ngừa. Khi trời xấu được trốn vào hang động giả làm sẵn, mùa đông chỉ lạnh khoảng 10 độ tối đa nhờ máy sưởi nhân tạo. Nhờ vậy, cọp nuôi tại đây sống khỏe khoắn không bị nhiều tai ương như trong thiên nhiên mặc dù khả năng săn mồi tạm cất một bên không dùng tới. Để tránh sự nhàm chán, sở thú cho chúng nó đồ chơi hoặc giấu thức ăn rồi tập cho chúng phải đi tìm. Thỉnh thoảng, họ thay đổi hẳn khung cảnh để cọp đỡ chán chường. Khi nào đến lúc tập luyện làm sô thì phải vào chuồng tập. Thế nhưng tôi lại trông thấy rõ ràng nhờ cặp ống dòm tí hon thật lợi ích để quan sát kỹ là có 1 con duy nhất vào giờ chót khi 7 con kia cứ phải thay phiên nhau đi vòng vòng sân rồi nhẩy lên đôn cao biểu diễn thì nó cứ nằm phè ra đó trên chiếc đôn cá nhân với 2 chân buông thõng xuống dưới khỏe ru! Hay lắm, huấn luyện viên cứ để mặc nó làm reo, chỉ lo hô hoán mấy con kia làm xong nhiệm vụ. Thật tài tình, vì nhờ vậy mà từ đầu đến cuối mọi chuyện an lành và thành công hoàn toàn. Đoạn chót là khi cả bầy 8 trự phải kéo ra nằm xuống từng con sát bên nhau để hoàn thành công việc biểu diễn, chú cọp lúc nãy làm reo bây giờ ngoan ngoãn bước xuống đến bên đồng bọn rất hòa hợp.

Dạy dỗ cọp nghe lời là công việc bắt đầu khi nó lên 1 tuổi. Cần áp dụng lời nói hiền hòa, nhiều tình thương và sự thông cảm lẫn nhau cũng như sự kiên nhẫn của ông thầy khi học trò chưa hiểu phải làm gì. Sở thú tuyệt đối không dùng cách cư xử thô bạo dữ dằn như đánh đập trừng phạt hổ cứng đầu chống đối vì điều này chỉ làm nó giận ngầm rất lâu và trả thù khi có dịp vì trí nhớ dai khi bị đòn. Tôi quan sát từng hành vi của đôi bên và công nhận phương pháp dạy mới mẻ với sự êm dịu khuyến khích tìm hiểu và không bắt ép con thú phải làm điều gì nó không muốn thật thành công. Khán thính giả đã vỗ tay rầm rộ sau khi xong màn hổ nằm dài 8 con quấn quít bên nhau, có con cứ liếm con bên cạnh thật âu yếm hoài hoài. Rồi từng con theo thứ tự chui vào sau hậu trường, đèn bật sáng lên và thoắt cái anh chàng Rémy đã đứng ngay cạnh sân để sẵn sàng trả lời khán giả. Năm ba thanh thiếu niên nam nữ bèn ào tới vây quanh trò chuyện với thầy dạy bầy cọp nguồn gốc xứ Bengale (giữa Ấn Độ và Bangladesh). Trong tình trạng nuôi nấng như vậy, cọp sống được đến 30 năm so với 8 năm trong rừng xanh hoang dại. Từ 100.000 mãnh hổ khi xưa nay chỉ còn độ 3000 con, một phần do người nuôi trong nhiều vườn thú trên thế giới.

Nhạc nền còn vang lên đâu đây, cả một công trình lớn lao vừa ra mắt công chúng trong vòng hơn nửa giờ: nơi trình diễn là một động đá sừng sững rộng lớn bên ngoài có suối nước chảy xuống và lối vào viền quanh đôi bên có những cây cọ xanh buồng lá to tươi mát. Bên trong là ngôi đền cổ kiểu cách xứ Cam-Bốt làm phông cảnh sau sân tròn trình diễn. Trước và sau khi chấm dứt sô là phim ngắn có tính cách giáo dục chiếu trên màn ảnh rộng 43 thước nhằm mục đích bảo tồn môi sinh vĩ đại của quả đất hiến tặng cho con người và con thú sống chung hòa bình qua lời nói và hành động tốt đẹp.

Ntnd

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT