Bình Luận

Ma bắt tùy mặt

Monday, 23/11/2015 - 09:44:48

Hai hôm sau -thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015- phát ngôn viên ngoại giao Trung Cộng Hồng Lei tuyên bố với phóng viên Xinhua Today, “Việc Nhật sắp làm chỉ là phản ánh của những việc Nhật đã làm trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Con ma trong bài báo này là Trung Cộng, khuôn mặt bị ma bắt là Nhật; câu chuyện ma bắt xảy ra ngày thứ Năm 11/19/2015, khi thủ tướng Nhật Shinzo Abe -trong một câu chuyện bên lề Hội Nghị APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation- Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương) bảo Tổng Thống Barack Obama, “Tôi sẽ cân nhắc lại việc Hạm Đội Tự Vệ của Nhật cộng tác với hạm đội Hoa Kỳ trong việc tuần tiễu Biển Đông; tôi cần nghiên cứu xem việc cộng tác đó tạo ra những hậu quả nào cho nền an ninh của Nhật.”


"Tôi sẽ cân nhắc lại việc Hạm Đội Tự Vệ của Nhật cộng tác với hạm đội Hoa Kỳ ..."

Hai hôm sau -thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015- phát ngôn viên ngoại giao Trung Cộng Hồng Lei tuyên bố với phóng viên Xinhua Today, “Việc Nhật sắp làm chỉ là phản ánh của những việc Nhật đã làm trong Đệ Nhị Thế Chiến.

“Tuân hành luật lệ quốc tế, Trung Quốc cương quyết bảo đảm quyền tự do hải hành trên biển Nam Hải cho mọi quốc gia,” Hồng Lei nói. “Tuy nhiên Trung Quốc sẽ mạnh mẽ chống lại bất cứ quốc gia nào lợi dụng quyền tự do lưu thông trên hải lộ và trên không phận để có những hành động đe dọa chủ quyền của những quốc gia khác, và khuyến khích việc quân sự hóa địa phương.”


Hồng Lei tuyên bố với phóng viên Xinhua Today

Hồng Lei không nhắc, nhưng vẫn gợi nhớ đến việc xảy ra hôm 24 tháng 10, 2015 -việc chiến hạm Lassen của Hoa Kỳ công khai đi vào hải phận 12 hải lý của quần đảo Trường Sa mà Trung Cộng lấn chiếm rồi công bố Trường Sa là lãnh thổ Trung Cộng và vùng biển 12 hải lý quanh Trường Sa là lãnh hải Trung Cộng.

Lần đó Trung Cộng không “mạnh mẽ chống lại Hoa Kỳ trong hành động lợi dụng quyền tự do lưu thông trên hải lộ để có hành động đe dọa chủ quyền của Trung Cộng, và khuyến khích việc quân sự hóa địa phương,” mặc dù đó là chủ tâm của Hoa Kỳ.

Câu đàm thoại -mặc dù rõ rệt chuyên chở thái độ thận trọng, dè dặt của thủ tướng Abe, vẫn bóp chết tình trạng giao hảo đã sẵn sứt mẻ giữa Trung Cộng và Nhật, mặc dù Trung Cộng đang là khách hàng quan trọng nhất của sản phẩm Nhật.

Năm ngoái Thủ Tướng Nhật Abe gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hai lần trong hai cuộc hội nghị thượng đỉnh, nhưng hai bên không đối thoại riêng với nhau. Ông Abe thường chỉ trích những việc Trung Cộng làm trên Biển Đông, nên giao tình giữa đôi bên có chiều căng thẳng.

Bí thư của nội các Nhật -ông Yoshihide Suga- khẳng định câu đối thoại Thủ Tướng Abe nói với Tổng Thống Obama không tạo một thay đổi nào trong chính sách quốc phòng của Nhật; Hiến Pháp Nhật chủ trương hòa bình, do đó quân đội Nhật được gọi là Lực Lượng Tự Vệ (LLTV).

Suga nói với phóng viên truyền thông, “Hiện nay Nhật chưa tham gia vào hoạt động của Hoa Kỳ bảo vệ tự do hải lộ, và sau này, Nhật cũng chưa dự tính việc đưa LLTV Nhật tham dự vào công tác đó.”

Tuy nhiên, Trung Cộng vẫn không thoải mái với việc Hoa Kỳ khuyến khích thủ tướng Abe chọn chiều hướng diễn dịch hai chữ “tự vệ” trong Hiến Pháp Nhật một cách rộng rãi hơn, để đưa Nhật đến một chính sách quốc phòng mạnh hơn, một tổ chức quân đội hợp lý hơn, mặc dù vẫn chỉ với mục đích tự vệ. Từ 70 năm nay, quân đội Mỹ vẫn đảm trách việc bảo vệ Nhật.

Trung Cộng không muốn thấy LLTV của Nhật chuyển biến thành một quân đội tối tân và hùng mạnh; đầu tháng 11/2015, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Cộng Chang Wanquan khuyến cáo Nhật không nên can dự vào Biển Đông -một vùng biển chưa hề xảy ra tranh chấp giữa Nhật và Trung Cộng.

Nhưng trong chính lược Pivot (chuyển mình) từ Âu sang Á Châu, Obama đến Đông Nam Á tham dự những Hội Nghị Thượng Đỉnh tại đó với dụng ý rõ rệt là đối phó với việc Trung Cộng lấn chiếm gần như trọn vẹn Biển Đông.

Để phủ nhận chủ quyền của Trung Cộng trên đảo Trường Sa, ông cho chiến hạm Mỹ đi vào hải phận Trường Sa; để phủ nhận quyền thiết lập vùng kiểm soát không lưu (Air defense zones), ông cho B52 bay qua không phận bị Trung Cộng giới hạn; Obama còn khuyến khích các quốc gia trong khối ASEAN có tinh thần tự vệ, và nhận lời trở lại căn cứ hải quân Subic trên đất Phi.

Trên mặt trận kinh tế, ông tổ chức Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) gồm 12 quốc gia -trong đó không có Trung Cộng. Tất cả những hành động đó được thực hiện với chủ đích tái lập thăng bằng (rebalance) tại Đông Nam Á, không chấp nhận bá quyền Trung Cộng.

Trong sáu ngày công du Á Châu, Obama liên tục chỉ trích chính sách lấn chiếm của Trung Cộng; cho đến ngày chót -Chúa Nhật 22 tháng 11/2015- Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Liu Zhenmin mới lên tiếng trả lời.

Ông Zhenmin nói việc Trung Cộng hút cát từ lòng biển lên, bồi vào những đảo đá ngầm tạo thành những diện tích lớn hơn chỉ là việc công ích; và việc thiết lập phi trường hay quân cảng trên những hòn đảo đó, cũng không có nghĩa là quân sự hóa Biển Đông.


Một bức hí họa -Tầu ăn hết cá, Đông Nam Á bất bình

Zhenmin nói, “Đừng liên kết những kiến trúc quân sự, với ý đồ bá chủ Nam Hải; Trung Quốc không chủ trương quân sự hóa mặt biển.” Ông mạnh miệng tố cáo những quốc gia chủ trương khuấy động vùng biển Nam Hải đang sống thanh bình.

Zhenmin nói lên một nửa sự thật qua những chữ “vùng biển Nam Hải đang sống thanh bình” nửa kia của sự thật là những chữ “nhẫn nhục dưới sức mạnh quân sự lấn chiếm của Trung Cộng.”

Trung Cộng chạy mặt Hoa Kỳ, chỉ vì quân đội Hoa Kỳ mạnh hơn quân đội Trung Cộng trên mọi phương diện, kể cả phương diện chính nghĩa. Khôn không qua lẽ, khỏe chẳng qua lời; Mỹ đã khôn, đã khỏe, mà lại còn đứng về phe những quốc gia yếu nhược để rebalance cán cân công lý thì quả là Trung Cộng đang mất chỗ đứng, mất vai trò “anh chị” trong xóm.

Con ma Trung Cộng coi mặt để bắt Nhật Bổn, nhưng có thể đang bắt lầm; Nhật không chủ trương xây dựng sức mạnh quân sự nữa, vì họ đã quá mạnh trong Thế Chiến Thứ Nhì, đã lấn chiếm một phần lãnh thổ Trung Quốc và nhiều nước khác tại Á Châu trong đó có Việt Nam, Phi Luật Tân, và Triều Tiên, nhưng sau đó đã trả một giá khiếp đảm với hai quả bom nguyên tử.

Giờ này Nhật không có quân đội, nhưng tiềm năng quân sự của họ vẫn lớn hơn Trung Cộng 29 lần, nếu so sánh bằng con số hàng không mẫu hạm; 74 năm trước, Nhật đã có khả năng đóng 29 chiếc hàng không mẫu hạm, hải quân Nhật đã có khả năng sử dụng 29 chiếc mẫu hạm này trên khắp mặt biển Thái Bình.

Trong lúc đó -74 năm sau- hải quân Trung Cộng mới có độc nhất một chiếc Liêu Ninh (Liaoning), mua lại của Nga.

Tuy nhiên, cái khó của Mỹ là không giúp Trung Cộng hiểu được nguyên lý tạo ra tình trạng Mễ, hay Canada không cần phải có quân đội mà vẫn không sợ Mỹ tấn công, lấn chiếm.


Kính thưa quý vị độc giả,
Nếu quý vị cho là những sự kiện nêu lên trong bài bình luận này chính xác, chi tiết, và đúng thời gian tính, tác giả kính mời quý vị đọc tuyển tập BÌNH LUẬN THỜI SỰ gồm 73 bài bình luận tương tự, in trên 540 trang giấy mầu vàng lợt, đóng bằng chỉ, bìa cứng, trình bày trang nhã, với đầy đủ hình ảnh liên quan. Giá sách là $30; mua sách xin gửi về địa chỉ 515 Crestwater Ct., Houston, TX 77082. Trân trọng, Nguyễn Đạt Thịnh

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT