Du Lịch

Lý Sơn và tín ngưỡng

Friday, 24/07/2015 - 11:06:24

Hiện nay, chùa được một nhóm Tăng Ni, Phật tử tại Lý Sơn thay phiên trông nom, quét dọn và hương khói.

Bài TRẦN CÔNG NHUNG

Khi hỏi về tập tục tín ngưỡng ở Lý Sơn, ông Võ Hiễn Đạt(1) cho biết người dân Lý Sơn theo tôn giáo cổ truyền, thờ phượng mang tính địa phương: xưa là xóm, làng, nay là xã thôn, khu dân cư. Do đó lễ hội và việc cúng kiếng của người dân Lý Sơn rất đa dạng và quanh năm. Ông Đạt cũng nói qua những cơ sở tôn giáo, Lý Sơn hiện có 8 cơ sở: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Tin Lành, hàng chục Đình, Dinh, Miếu: Điện thờ Phật Mẫu (An Vĩnh), Đình cổ An Hải, chùa Đục, chùa Hang, miếu thờ thần Thành Hoàng, Thiên Yana, đền thờ Ông Nam Hải, v.v..

Điện Phật Mẫu (Trần Công Nhung/Viễn Đông)




Dịp đầu năm thường là thời điểm hoạt động văn hóa tâm linh mạnh nhất. Đó là tập tục của dân Lý Sơn xưa nay. Cúng kiếng là cầu quốc thái dân an, đi biển thuận buồm xuôi gió, làm nông không mất mùa. Lễ kỵ Ông Nam Hải (Cầu Ngư) được tổ chức kết hợp với hoạt động mở cửa biển, ra quân đánh cá đầu năm…
Tôi đi về hướng An Vĩnh thăm Điện thờ Phật Mẫu, điện Phật xây 3 tầng đồ sộ nguy nga, lưng dựa núi, mặt hướng ra biển. Một tòa tháp 4 tầng nổi hẳn lên nền trời xanh. Điện Phật Mẫu kiến trúc kiểu Thánh Thất Cao Đài thuộc họ Đạo Lý Sơn. Điện được khởi công xây ngày 24-5 Kỷ Sửu (16-7-2009), lễ An vị Đức Phật Mẫu ngày 9-6 Tân Mão (9-7-2011). Đến nay, sau hơn bốn năm xây dựng, ngôi Điện Phật đã hoàn tất, và tổ chức lễ khánh thành ngày 13-7-2013.

                                              Thắng cảnh chùa Hang (Trần Công Nhung/Viễn Đông)


Tuy diện tích không rộng nhưng nhờ địa thế và cách thiết kế mà ngay khi tàu còn ngoài biển du khách đã thấy tòa điện Phật như tỏa sáng tách hẳn vùng cư dân thuyền chài. Tam quan vào chính điện đơn giản mà cao ba tầng mái, ba cửa vào rộng rãi. Toàn bộ sân trong lát gạch kẽ hoa văn.
Hôm nay là ngày thường nên Điện Phật vắng khách. Những hình ảnh ghi lại ngày khánh thành Điện Phật thì người đông chật cả trong ngoài. Toàn khuôn viên điện thờ trang trí cờ phướn màu sắc rực rỡ. Phật tử dự lễ mặc những bộ đồng phục đặc biệt đẹp mắt, quang cảnh buổi lễ trật tự nghiêm trang.
Từ Điện Phật Mẫu, đi ngược lên núi Giếng Tiền, lưng chừng núi hơn trăm bậc cấp có ngôi chùa Đục. Theo dân gian thì xa xưa nơi đây là hang ông cọp. Nhiều người thấy cảnh trí thanh tịnh lại trên cao, nên nảy ý tạo một ngôi chùa. Và phải qua thời gian lâu dài, hang đá được đục rộng thêm để có chỗ bài trí các ban thờ.

                                                Chùa Hang (Trần Công Nhung/Viễn Đông)


Năm 1964 các sư trong phái Khất Sĩ đến làm lễ an vị Phật và từ đó có tên chùa Đục. Dần dà chùa Đục được xem như một thắng cảnh độc đáo của Lý Sơn, càng ngày càng được tu sửa thêm. Cổng lên chùa Đục rất tao nhã, xây ngay bên đường cái sát bờ biển. Hai trụ cổng có hai câu đối chữ Quốc ngữ viết theo lối chữ “triện” của Tàu:
“Bích Chi dạo gió tìm sơn động
Đỉnh Tự dừng chân chuyển pháp luân.”

                                          Tháp mộ Âm Linh Tự (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Từ cổng chùa lên điện thờ trên một trăm bậc, tường rào hai bên. Sát chân núi có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao sừng sững (27m) thu hút khách thập phương. Lên nữa, đường đi có lan can. Cửa chùa là cửa hang được gia cố xây hai lối vào bỏ trống, có hai câu đối:
Hải đảo nhô lên chùa núi đá
Kim thân Phật Tổ thạch động thành
Ban thờ sâu phía trong, tuy đơn giản nhưng cũng đầy đủ như ban thờ ở chùa ta thường thấy: Tượng tam thế Phật, hoa quả, bát nhang...
Chùa Đục còn gọi là chùa không sư. Tương truyền Bồ Tát Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai bão tố. Do đó từ tiền sảnh chùa Đục nhìn ra biển, có tượng Quán Thế Âm như đã mô tả.

                                         Khánh thành điện Phật (Trần Công Nhung/Viễn Đông)


Theo tinh thần Phật giáo nguyên thủy, tu Phật không chấp vào chuyện chùa lớn chùa nhỏ, bất kể non cao hay đồng bằng, mà cốt ở chỗ tâm thanh tịnh. Ngày nay quan niệm tu hành đã ô nhiễm trần đời khá nặng. Tu hành không còn tìm nơi vắng vẻ trái lại tìm chốn phồn hoa đô hội để dựa vào Phật tử xây chùa to, mở rộng thanh thế trong quần chúng. Có những vị Tăng tranh vào hội nọ đoàn kia, hoạt động chính trị nhố nhăng, bỏ Phật theo ma, thử hỏi làm sao thành chánh quả!
Từ chùa Đục leo lên Đỉnh Liêm Tự để xem miệng núi lửa, bây giờ là một cánh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Từ đây nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn, thấy rõ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Đình làng An Hải, cảm giác thư thái nhẹ nhàng tưởng như từ tiên cảnh nhìn về hạ giới.
Một địa điểm tâm linh quan trọng ở Lý Sơn là Âm Linh Tự, đây là nơi yên nghỉ của lính thuộc Hải Đội dưới triều Tây Sơn và triều Nguyễn.

                                                   Chùa Đục (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Âm Linh Tự tại thôn Tây xã An Vĩnh huyện Lý Sơn, Là nơi thờ tự toàn bộ binh lính các đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa) đã hy sinh. Âm Linh Tự được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII, là di tích lịch sử quan trọng chứng minh chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Qua mấy trăm năm hàng trăm phu binh Hoàng Sa bỏ mình trên biển trong khi đi làm nhiệm vụ theo lệnh Vua.
Âm Linh Tự không lớn, tương đối trang nghiêm: Chánh điện có các ban thờ như các nghĩa tự ở Quảng Ngãi. Gian bên tả thờ thần Thượng Thiên, gian bên hữu là nhà để chuẩn bị lễ vật hiến tế. Một nhà chứa “thuyền qui” để mỗi năm dự lễ hội đua thuyền.(2) Trước sân Âm Linh Tự là tháp ''Chiến Sĩ Trận Vong.'.
Phật giáo còn một chùa nữa cũng khá nổi tiếng là chùa Hang. Ngược về hướng cầu cảng rồi theo đường lên núi Thới Lới là đến Chùa Hang. Chùa Đục, phải quanh co lên núi, thì chùa Hang, du khách cũng phải vòng vèo xuống núi. Chùa tên “Thiên Khổng Thạch Tự” (chùa đá trời sinh), bốn chữ Tàu khắc trên vách núi.

                                              Cổng chùa Đục (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Điện thờ không quá lớn, đặt trang nghiêm giữa hang động chính. Theo người dân huyện đảo thì trong hang mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, là nơi dân đảo trú ẩn khi thời tiết khắc nghiệt.
Chùa rộng 480 mét vuông, chỉ cao có 3.2 mét. Tiền thân của chùa là một ngôi đền Chăm cổ. Những tượng Chăm đã bị người Pháp đưa đi từ đầu thế kỷ 20, và dân đảo thay thế bằng bàn thờ Phật và thờ các Tiền Hiền của ba tộc lớn nhất đảo.
Chùa nằm sát biển, nhưng ngay lối vào hang chính lại có mạch nước ngọt chảy ra từ vách đá rêu phong.
Chùa có tên là “Thiên Khổng Thạch Tự” (Chùa hang đá trời sinh) nhưng do không có sư trụ trì nên người dân địa phương goi là “chùa không sư.” Người dân địa phương cho biết “Thỉnh thoảng có nhiều nhà sư đến viếng chùa, ở năm mười ngày rồi đi, không hiểu vì sao.”
Trong chùa, bàn thờ Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa, tổ Đạt Ma bên trái. Mười-hai Diêm Vương, ba vị thủy Tổ trụ trì chùa (Trần Công Thành, Trần Công Hiền, Trần Công Quân) và 7 vị Tiền Hiền làng An Hải thờ bên phải cùng những bài vị thất tộc cả huyện đảo Lý Sơn gồm: Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Võ Xuân, Lê, Nguyễn, Đặng…
Hiện nay, chùa được một nhóm Tăng Ni, Phật tử tại Lý Sơn thay phiên trông nom, quét dọn và hương khói.

 
538h5: Lên chùa Đục (Trần Công Nhung/Viễn Đông)


“Thiên Khổng Thạch Tự” dài 24 m, trần hang cao 3,2 m, rộng chưa tới 500m2. Ngay trước chùa có hồ sen hình bán nguyệt, những cây bàng biển cổ thụ hàng trăm năm tuổi, và tượng Phật Quán Thế Âm hướng ra biển, phù hộ cho ngư dân đảo đi đánh cá luôn bình yên may mắn. Đặc biệt trong chùa hang có hai lối hẹp dài hun hút: “đường lên trời và đường xuống địa ngục.” Đường đi nguy hiểm nên bị chặn để tránh rủi ro cho những ai tò mò.
Những ngày lễ lớn hằng năm là Tết Nguyên Đán, Vu Lan, Phật Đản, ngày giỗ các vị Tiền Hiền, dân địa phương tới hành lễ, rất đông.
Chùa Hang có cách đây khoảng 400 năm có nhiều góc hay đẹp nhờ đường lên lối xuống, nhờ mặt tiền rộng rãi, có bãi rộng chùa càng đẹp thêm. Chùa là một thắng cảnh thiên nhiên vừa có bàn tay người bồi đắp. Chùa nằm sát mép biển dưới chân núi Thới Lới, cảnh quan sơn thủy nên thơ và hùng vĩ, là nơi du khách đến nghỉ ngơi, vãn cảnh, hòa mình với trời nước mênh mông để có những hình ảnh kỷ niệm kỳ thú khó tìm bất cứ nơi nào khác..
Trần Công Nhung
(2015)

(1) Xem “Ra đảo Lý Sơn” đã đăng
(2) Đón xem lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT