Thế Giới

Lụt nặng khiến Pháp đóng Bảo Tàng Viện Louvre

Friday, 03/06/2016 - 11:07:12

Đây là cơn lũ lụt tệ hại nhất của sông Seine từ 30 năm qua. Năm 2010, sông Seine từng dâng cao đến 8 mét 6 là kỷ lục tuyệt đối từ trước đến nay. Tình hình ngập diễn ra ở các vùng phía nam của Paris khi binh sĩ và nhân viên Hồng Thập Tự giúp đỡ cư dân gần phi trường Orly đang vất vả vì nước tràn vào.

Lụt nặng khiến Pháp đóng Bảo Tàng Viện Louvre

Paris của Pháp đã có báo động khi nước sông Seine dâng cao thêm 6.5 mét khiến các viên chức nhà Bảo Tàng nổi tiếng Louvre và Orsay của Paris đã cho đóng cửa, và nhân viên lo di tản các món bảo vật vô giá trưng bày tại đây. Số người chết vì lũ ở miền nam Đức là từ 10 đến 15 người, 2 người tại Pháp và Romania, 1 người tại Bỉ.
Mưa được dự đoán sẽ kéo dài đến cuối tuần từ trung bộ châu Âu đến Ukraine, nhiều thành phố ở phía nam Đức bị ngập, Bỉ, Áo, Hòa Lan, Ba Lan đều bị mưa gió hoành hành. Bộ Trưởng Bộ Môi Trường Pháp Segolene Royale cho hay các con đường chạy dọc theo sông Seine đã bị ngập, nhiều cửa hàng phải đóng cửa và một trạm xe metro cũng bị đóng lại.

Đây là cơn lũ lụt tệ hại nhất của sông Seine từ 30 năm qua. Năm 2010, sông Seine từng dâng cao đến 8 mét 6 là kỷ lục tuyệt đối từ trước đến nay. Tình hình ngập diễn ra ở các vùng phía nam của Paris khi binh sĩ và nhân viên Hồng Thập Tự giúp đỡ cư dân gần phi trường Orly đang vất vả vì nước tràn vào.

Trung Cộng sắp thành lập vùng cấm bay ở Biển Đông

Trước khi Tòa Án Quốc Tế The Hayes ra phán quyết về chuyện tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc đã có ý định áp đặt vùng nhận diện phòng không ADIZ tại đây. Theo các quan sát viên, nếu chuyện này xảy ra, chắc chắn các quốc gia như Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ phản đối mạnh mẽ.

Hiện nay kế hoạch này vẫn còn là bản nháp vì Bắc Kinh đắn đo trong việc cho ADIZ phủ đến đâu trong Biển Đông. Vùng nhận diện ADIZ sẽ là 7 đảo và bãi đá cạn mà Trung Quốc đã cho bồi đáp và xây thêm từ 2 năm qua ở quần đảo Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa cũng nằm trong kế hoạch này, kể cả đảo Hải Nam.
Theo một chuyên gia quân sự Canada thì như thế ADIZ sẽ phủ toàn bộ “đường lưỡi bò 9 đoạn” ở Biển Đông mà Bắc Kinh rêu rao có chủ quyền và sẽ tràn lên các vùng biển và vùng trời của các quốc gia như Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Năm 2013 Trung Quốc đã thiết lập vùng ADIZ ở Biển Hoa Đông, khiến Nhật Bản và Nam Hàn phản đối mạnh mẽ.

Từ bỏ chinh phục đỉnh Everest để cứu người

Một cựu quân nhân Anh Quốc, giờ đây là tay leo núi chuyên nghiệp, đã từ bỏ 500 mét cuối cùng trước khi chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới là Everest để quay sang cứu một phụ nữ Ấn Độ đang lâm nạn. Anh Leslie Binns, 42 tuổi, cư dân Rotherham của South Yorkshire, đã bỏ cuộc để cứu cô Sunita Hazra, một người leo núi Ấn Độ, đang bị nguy hiểm trước mặt anh.

Binns nói anh “rất tự hào đã cứu được một mạng người, nhưng nỗi mừng sẽ trọn vẹn hơn nếu tôi cũng cứu được một người khác đã tử nạn khi người này leo xuống.”

Chi tiết độc đáo là anh Bins bị hư mắt trái vì một vụ nổ ở chiến trường Afghanistan. Anh phục vụ 13 năm trong quân đội Anh, ở các chiến trường như Bosnia, Iraq và Afghanistan, bị trúng bom 4 lần. Anh được 2 lần tưởng thưởng huy chương, trong đó có huy chương của Nữ Hoàng Anh. Gia đình cô Hazra, 32 tuổi nói họ “hết lòng cảm tạ anh Binns, vì không có anh, Hazra chắc chắn sẽ chết vì bình dưỡng khí của cô đã cạn.”

Châu Âu muốn Palestine và Israel đàm phán

Khi viễn ảnh một giải pháp “hai quốc gia” cho Israel và Palestine có cơ may không sao thực hiện được, hôm thứ Sáu Pháp cảnh báo cần phải cấp tốc tìm mọi cách cho hai phía đàm phán, dù Israel đã nói chuyện đàm phán là vô ích.

Với việc Hoa Kỳ đang tập trung mọi chú ý vào chuyện bầu cử Tổng Thống, Pháp đứng ra tổ chức một hội nghị hòa bình cho Trung Đông nhằm phá vỡ thế bế tắt đã tồn đọng từ hai năm qua. Palestine đã lên tiếng hoan nghênh cố gắng này của Paris, nhưng phía Israel thì cho là bất cứ hội nghị quốc tế nào cho Trung Đông cũng sẽ vô ích, trừ phi hai bên đồng ý ngồi lại nói chuyện trực tiếp với nhau.

Hội nghị quốc tế do Pháp chủ trì bao gồm 25 Ngoại Trưởng từ Châu Âu, khối Ả Rập và cả Hoa Kỳ, nhưng không có đại diện của cả Palestine lẫn Israel. Ngoại Trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault trong một cuộc họp báo cho hay, “Giải pháp hai quốc gia đang bị hăm dọa phá sản, cần phải cấp tốc làm sao cho hai bên gặp nhau trực tiếp, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.”

FIFA công bố mức thâm lạm công quỹ của ông Blatter

Chuyện nội bộ của FIFA vẫn chưa yên khi các luật sư của FIFA tiết lộ trong vòng 5 năm, các cựu lãnh đạo đã tham nhũng đến $80 triệu đô la. Các tài liệu mới được công bố cho thấy cựu Chủ Tịch Joseph Blatter, cựu Tổng Thư Ký Jerome Valcke và cựu Giám Đốc Tài Chính Kattner đã móc ngoặc nhau để chiếm số tiền khổng lồ này từ năm 2011 đến năm 2015.

Do bị nghi ngờ đã tham nhũng nghiêm trọng, ông Blatter bị Ủy Ban Đạo Đức của FIFA cấm hoạt động như là chủ tịch FIFA vào tháng 2 năm nay trong vòng 6 năm còn ông Valcke bị cấm đến 12 năm.

Một thông báo từ văn phòng Chánh Biện Lý của Thụy Sĩ là OAG, vốn là cơ quan đang xúc tiến cuộc điều tra, cho hay, “Các tài liệu và dữ liệu điện tử đang bị tịch thu và sẽ được nghiên cứu cẩn thận xem có liên quan nào đến vụ điều tra của chúng tôi hay không.”  Mọi chuyện bê bối của FIFA bắt đầu từ tháng 5 năm 2015, khi một cuộc điều tra của Hoa Kỳ cho thấy đã có tình trạng tham ô lan rộng trong tầng lớp lãnh đạo của FIFA.

Hội Nghị Đối Thoại Sangri-La khai mạc

Hôm Thứ Sáu Hội Nghị Sangri-La hàng năm đã khai mạc, kéo dài trong vòng 3 ngày ở Singapore. Bầu không khí vùng Châu Á-Thái Bình Dương năm nay đạc biệt bị căng thẳng mạnh do thái độ và hành động bá quyền của Trung Quốc, bằng những khiêu khích trắng trợn về nguyên tử của Bắc Hàn và khủng bố quốc tế tấn công. Ngoài các Bộ Trưởng Quốc Phòng và chuyên gia quân sự, tham dự hội nghị Sangri-La còn có sự hiện diện của các học giả, các nhà ngoại giao và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong vùng. Tổ chức International Institute for Strategic Studies (IISS) ở London đứng ra tổ chức Hội Nghị Srangri-la, cũng đưa vào nghị trình các vấn đề an ninh khác như nạn nhập cư lậu, an ninh mạng, chạy đua vũ trang trong vùng và nạn đánh cá lậu. Bầu không khí căng thẳng tăng cao ở Biển Đông vì những lời nói và hành động của Trung Quốc, khiến không những Hoa Kỳ phản ứng mà các quốc gia khác không liên can đến vùng này cũng can thiệp vào như Nhật Bản và Ấn Độ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT