Bình Luận

Luật Talion

Monday, 19/06/2017 - 11:09:47

Đạo luật này được áp dụng vào năm 1730 trước kỷ nguyên Gia Tô, tại nước Babylone, dưới trào vua Hammourabi, và vừa được một công dân Anh - ông Darren Osborne, 47 tuổi, đem ra sử dụng tại Luân Đôn vào lúc nửa đêm Chủ Nhật rạng sáng thứ Hai, 19 tháng Sáu, 2017.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Căn bản của luật Talion là câu “An eye for an eye, a tooth for a tooth” -mắt đổi mắt, răng đổi răng- luật pháp cho phép nguyên cáo chặt tay bị cáo, nếu trước đó bị cáo đã chặt tay nguyên cáo, đâm mù mắt bị cáo nếu trước đó nguyên cáo đã bị cáo đâm mù mắt.

Đạo luật này được áp dụng vào năm 1730 trước kỷ nguyên Gia Tô, tại nước Babylone, dưới trào vua Hammourabi, và vừa được một công dân Anh - ông Darren Osborne, 47 tuổi, đem ra sử dụng tại Luân Đôn vào lúc nửa đêm Chủ Nhật rạng sáng thứ Hai, 19 tháng Sáu, 2017.

Osborne lái một chiếc Van lủi vào đám đông tín đồ Hồi Giáo tan lễ, vừa ra khỏi thánh đường Hồi Giáo tại Finsbury Park, và còn đang luẩn quẩn tại đó.


Đám đông tín đồ Hồi giáo bị xe cán




Khoảng trên 100 người còn tụ họp trước nhà thờ, sau khi hung thủ đã bị bắt và nạn nhân đã được tản thương; nhiều người giận dữ lên án Osborne là khủng bố. Một người quát lớn, "chúng ta bị khủng bố tấn công."

Đa số nạn nhân mặc quốc phục Hồi giáo; những người không bị thương xúm lại lôi Osborne ra khỏi xe, đánh đập tàn nhẫn; trận đòn hội chợ chỉ ngưng lại sau khi vị tu sĩ từ trong Thánh Đường ra can thiệp và bảo mọi người gọi và trao phạm nhân cho cảnh sát.

Giáo đường Finsbury Park thuộc giáo phái Sunni Muslims, và họ đang cử hành thánh lễ Ramadan, dài suốt một tháng.

Sở cảnh sát Luân Đôn được báo động lúc 00:20 (không giờ 20 phút), họ huy động xe tản thương cùng đổ tới đường Seven Sisters Road, nơi tọa lạc của thánh đường Hồi Giáo. Nhân viên tản thương cho biết họ đưa tám nạn nhân vào bệnh viện và chăm sóc tại chỗ cho hai người khác.

Cảnh sát bắt giữ Osborne, nghi can đã lái xe lên lề đường cán người Hồi Giáo. Nhân chứng cho biết trước đó ba người khác từ trong chiếc Van gây tai nạn, bỏ xe chạy trốn.

Nha Cảnh Sát Chống Khủng Bố của Anh thụ lý vụ án mạng này; một phát ngôn viên cho biết họ sẽ thử nghiệm tâm thần hung thủ. Osborne mướn chiếc Van tại bãi xe Pontyclun, Wales.

Cảnh sát Luân Đôn huy động khá đông nhân viên võ trang, và sử dụng một chiếc trực thăng bao vùng, sẵn sàng đối phó với bạo động, nhưng bạo động chỉ giới hạn vào việc chiếc xe leo lề tấn công tín đồ Hồi giáo.

Phóng viên truyền thông ghi nhận phản ứng sơ khởi của đám đông bị tấn công: một người nói, “Chiếc van tới lúc nào mà không ai thấy cho đến lúc nó đâm sầm vào khối tín đồ Hồi giáo vừa xem lễ ra.”
Ông Harun Khan, tổng thư ký tổ chức MCB lên án người lái xe Van cố tình tấn công tín đồ Hồi Giáo vừa cầu nguyện trong tháng Thánh Lễ Ramadan ra; ba chữ MCB viết tắt tên của tổ chức Muslim Council of Britain (Hội Đồng Hồi Giáo Anh Quốc).

Nữ Thủ Tướng Anh, bà Theresa May, nói bà ưu tư về những người bị thương, trong lúc lãnh tụ đối lập -ông Jeremy Corbyn- cũng nói là “ông hoàn toàn bất bình về hành động khủng bố, và cầu nguyện cho những nạn nhân.”

Ngoại trưởng đặc trách khối Thịnh Vượng Chung -ông Boris Johnson- ra tuyên cáo, “Tôi chân thành thăm hỏi những nạn nhân của cuộc tấn công khả ố tại Finsbury Park. Chúng ta sẽ không để hận thù chia rẽ chúng ta."

Ngoại trưởng của đặc khu Wales, ông Alun Cairns nói cảnh sát vùng South Wales đang cộng tác với cảnh sát Luân Đôn trong việc điều tra vụ khủng bố này.

Lãnh tụ khối Dân Chủ Tự Do -ông Tim Farron- tweeted, “Vụ tấn công tại công trường Finsbury là một hành động vừa man rợ, vừa vô nghĩa. Tôi thương xót cầu nguyện cho những nạn nhân và ca ngợi những viên chức cấp cứu vẫn tỏ ra vô cùng anh dũng như mọi lần trước."

Ông Mohammed Kozbar, chủ tịch tổ chức thánh đường Finsbury Park, phát biểu qua tweeter, “Chúng tôi cầu nguyện và ưu tư về những nạn nhân của vụ tấn công hèn nhát tại thánh đường Finsbury Park.”
Quý vị lãnh đạo Thiên Chúa Giáo, đạo Sikh, và đạo Jewish cũng lên án cuộc tấn công sáng sớm thứ Hai, trong lúc những băng tần thân IS khuếch đại vụ khủng bố để khích động tinh thần trả đũa.

Ông Tommy Robinson, một lãnh tụ chính trị của phong trào English Defence League, cũng lên tiếng; ông nói, “Nhà thờ Hồi giáo nơi cuộc tấn công xảy ra vào tối nay đã từng có thành tích lâu dài về việc tạo ra những kẻ khủng bố + những người theo chủ nghĩa cực đoan cực đoan + khuyến khích thù hận, phân biệt chủng tộc. Tôi đã nói nhiều lần là nếu chính phủ hoặc cảnh sát không giải quyết được những trung tâm thù ghét này họ sẽ tạo ra quái vật như đã thấy tối nay.”

Trong lúc Thị Trưởng Luân Đôn Sadiq Khan -một tín đồ Hồi giáo- mô tả cuộc tấn công bằng xe Van là “a horrific act of terrorism”- một hành động khủng bố khiếp đảm.

Tiếng nói chống khủng bố đã được mọi người đồng loạt nói lên, thái độ chống khủng bố -dù khủng bố xuất phát từ bất cứ nơi nào- đã trở thành thái độ chính thức của chính quyền Anh; ông Neil Basu, điều phối viên quốc gia của Anh về Cảnh sát chống khủng bố, nhận định là mặc dù cảnh sát chưa nắm trọn mọi yếu tố liên quan, nhưng việc xảy ra đã được liệt vào loại “tấn công khủng bố.”

Trong tình trạng đó, chỉ trừ việc bác sĩ tâm thần xác định là hung thủ mắc bệnh điên, thì cách sắp loại của cảnh sát Luân Đôn hoàn toàn đúng, mặc dù “đúng” trên sự bất bình của rất nhiều người Anh.” Họ bất bình về tình trạng bất lực của chính phủ Anh và cảnh sát Luân Đôn, không trừng trị được quân khủng bố Hồi giáo, dung dưỡng tình trạng để mặc chúng tàn sát người Anh, và cũng không có biện pháp chính trị nào để bảo vệ tính mạng công dân Anh.

Mới 2 tuần trước hai tên khủng bố Hồi giáo Khuram Butt và Rachid Redouane đã lái xe lên cầu Luân Đôn và dùng dao chém chết 7 người, gây thương tích cho 48 người khác. Nhân chứng kể lại là vừa giết người chúng vừa hô khẩu hiệu, “giết để vinh danh Allah.”
 

Khuram Butt, ảnh trái, và Rachid Redouane

Phản ứng của ông Osborne có thể là -lần đầu tiên, tin tưởng vào “chính nghĩa chống khủng bố bằng mọi giá” của những nhân vật cầm quyền, lần thứ nhì, niềm tin hơi sút kém, và từ đó sút dần đến mức hoàn toàn mất tin tưởng vào lần chót.

Cho đến trưa ngày 19 tháng 6, cảnh sát Luân Đôn mới tiết lộ tên anh Osborne, nhưng cứ thử đặt giả thuyết một thân nhân của ông -vợ hoặc con anh- là một trong 7 người bị anh Butt dùng dao chém chết tại chợ trời Borough Market, dư luận có lẽ sẽ thương cảm hành động khủng bố của anh hơn.

Đó chỉ là một phản ứng mà Osborne không ý thức được là ông đã thực hiện luật Talion “a Van for a Van”; ông cũng dùng xe Van để giết tín đồ Hồi giáo như hai anh Hồi giáo đã dùng xe Van để giết bảy người Anh hai tuần trước đó.

Việc làm của ông cũng còn có thể diễn dịch là một hình thức nổi loạn trước thế bất công, lép vế của người Anh trước những cuộc tấn công tàn sát của người Hồi giáo; sự diễn dịch này trở thành nguy hiểm hơn, với trường hợp của hung thủ James T. Hodgkinson bắn trọng thương Dân Biểu Steve Scalise tại Virginia, chỉ vì nạn nhân là viên chức trong chính phủ và là đảng viên Cộng Hòa, mà hung thủ có nguyên một danh sách cần thanh toán để giải quyết những bất công về thuế khóa.

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng tín nhiệm tại Anh có thể phức tạo hơn trường hợp của Hoa Kỳ, vì tình trạng vô tội của hàng triệu người Anh gốc Ả Rập; trong lúc giải pháp để trừ tuyệt những anh xạ thủ bắn giết để giải quyết bất công thuế khóa như anh Hodgkinson lại vô cùng giản dị: loại bỏ mọi bất công đi. (ndt)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT