Hoa Kỳ

Luật cải cách y tế ObamaCare đã sẵn sàng được thi hành, nhưng...

Hoài Mỹ/Viễn Đông Wednesday, 06/03/2013 - 08:13:43

Nói cách khác, việc canh tân y tế là một dự án uy tín của Tổng Thống Barack Obama và mở đường cho cuộc cải cách vĩ đại nhất trong ngành y tế Hoa Kỳ kể từ gần 50 năm nay.

WASHINGTON - Tổng Thống Barack Obama đã đề nghị một chương trình cải cách y tế vốn được mô tả là lớn lao nhất kể từ cuộc canh tân-Medicare của cố Tổng Thống Lyndon B. Johnson năm 1965. Vả lại, cải cách hệ thống y tế của Hoa Kỳ là một trong những lời hứa quan trọng hơn cả trong cuộc vận động tranh cử của ông. Nói cách khác, việc canh tân y tế là một dự án uy tín của Tổng Thống Barack Obama và mở đường cho cuộc cải cách vĩ đại nhất trong ngành y tế Hoa Kỳ kể từ gần 50 năm nay.

Khởi đầu, vào tháng 2 năm 2009, Tổng Thống Barack Obama đã được Quốc Hội biểu quyết chấp thuận việc tài trợ bảo hiểm tổng quát chính thức cho trẻ em. Tuy nhiên kế hoạch chính yếu của Tổng Thống vẫn nhắm vào mục tiêu là mọi cư dân ở Hoa Kỳ phải được bảo hiểm y tế; trong đó kể cả việc bảo hiểm bằng chính ngân sách công cộng cho những người nghèo và những người có lợi tức thấp.
Dự luật cải cách y tế của Tổng Thống Obama đã được cả hai viện Quốc Hội biểu quyết hồi tháng Chạp năm 2009. Tổng Thống Obama đã ký đạo luật này ngày 23-03-2010 với tiêu đề “Affordable Care Act of 2010” - như thể một kế hoạch trong chính sách đối nội quan trọng nhất của ông. Tuy nhiên cả thảy 26 tiểu bang, trong số này gồm hầu hết Thống Đốc là người của đảng Cộng Hòa, điển hình như New Jersey, Florida, Nevada, Idaho, New Mexico, Utah... đã cương quyết khiếu nại các kế hoạch cải cách y tế này và đòi hủy bỏ, bởi vì theo ý kiến của họ, đạo luật chống lại quyền lợi và tự do lựa chọn của người công dân.
Một tòa án ở Atlanta hồi tháng 8 năm 2011 đã kết án đạo luật Affordable Care Act là chống lại hiến pháp khi cưỡng bức một trách nhiệm để được bảo hiểm y tế.
Thế nhưng ngày 28-06-2010, Chánh Thẩm John Robets, đại diện Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán quyết là dạo luật “The Patient Protection and Affordble Act” - cũng được gọi nôm na vắn tắt bằng danh từ thông dụng ObamaCare - là không vi hiến. Trước kết quả này, Tổng Thống Obama đã tuyên bố: “Nếu chúng ta cất ánh mắt khỏi các cuộc tranh luận chính trị, ắt chúng ta thấy việc công nhận hôm nay (của Tối Cao Pháp Viện) là một chiến thắng của tất cả người Hoa Kỳ”. Và ông nói bổ túc: “Nếu bạn là một trong số 30 triệu người dân vốn không có bảo hiểm y tế thì đạo luật này sẽ cung ứng cho bạn một dịch vụ với những việc bảo hiểm y tế riêng hợp tình hợp lý và đầy phẩm chất để bạn chọn lựa”.
Một vài yếu tố về việc cải cách y tế của Hoa Kỳ
-Hoa Kỳ, quốc gia kỹ nghệ duy nhất trên thế giới, vẫn thiếu sự cung ứng y tế công cộng cho toàn thể dân chúng. Các chương trình y tế công cộng trước đây chỉ bảo trợ cho những nhóm được tuyển chọn. Số dân chúng còn lại, phần phải tự lo việc bảo hiểm y tế riêng tư hoặc xuyên qua việc làm.
-45-50 triệu người Hoa Kỳ thiếu bảo hiểm y tế, trong khi 25 triệu người chỉ được đài thọ bảo hiểm thấp kém.
-Mặc dầu vậy, hệ thống y tế của Hoa Kỳ từ xưa tới nay vẫn được “đánh giá” là đắt tiền nhất thế giới.
-Những chủ điểm trong kế hoạch cải cách y tế mới do Tổng Thống Barack Obama và đảng Dân Chủ hậu thuẫn: Giảm thiểu mạnh mẽ những sở phí y tế công cộng, cung ứng y tế cho tất cả một giá cả phải chăng, cung ứng việc chọn lựa tự do bác sĩ và cung ứng phẩm chất tốt đẹp hơn trong mọi cung ứng.
-Bản tính toán cho biết là những việc cải cách này trị giá 940 tỉ Mỹ Kim trong vòng 10 năm, tuy nhiên giảm thiểu sự lạm chi trong ngân sách quốc gia Hoa Kỳ là 138 tỉ Mỹ Kim trong cùng thời gian. Những người Cộng Hòa cho rằng việc cải cách này quá đắt.
-Khoảng 32 người Hoa Kỳ tới nay không hề có việc bảo hiểm y tế nào cả. Mục tiêu của đạo luật nhằm 95 phần trăm dân số sẽ phải được hưởng.
-Đạo luật đòi hỏi tất cả người Hoa Kỳ phải mua bảo hiểm y tế - một bảo hiểm tối thiểu - tính tới năm 2014, nếu không, đương sự sẽ bị trừng phạt.
-Kế từ Thứ Sáu, ngày 15-02-2013, đạo luật “The Patient Protection and Affordble Act” hay ObamaCare bắt đầu có hiệu lực.

Vẫn có những sự phản đối
Điển hình những trường hợp dưới đây:
Trong dân chúng: Mặc dù đã có phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do viện Ipsos thực hiện cho thống tấn xã Reuters vẫn cho biết có đến 56 phần trăm người được phỏng vấn đã trả lời phản đối việc cải cách y tế này, trong khi 44 phần trăm ủng hộ.
Cuộc điều nghiên kể trên chứng tỏ là người Cộng Hòa đã gây được ảnh hưởng trong khối cử tri nhằm chống lại chương trình cải cách y tế của Tống Thống Barack Obama nói riêng, của đảng Dân Chủ nói chung - tuy vậy tuyệt đại đa số dân chúng vẫn ủng hộ nhiều điều khoản trong nội dung của đạo luật này, chẳng hạn “con cái phải được cha mẹ tài trợ bảo hiểm y tế cho tới khi chúng đến 26 tuổi”. Ngược lại, điều họ chống đối hơn cả là khoản buộc tất cả mọi người phải ký một khế ước bảo hiểm y tế từ nay tính tới năm 2014; và họ có nguy cơ bị phạt vạ trong trường hợp họ từ chối tuân hành.
Ở một số tiểu bang: Mặc dù tân đạo luật cải cách y tế đã khởi sự được thi hành, một số Thống Đốc, điển hình là Thống Đốc Chris Christie của New Jersey, Bill Haslam của Tennessee và Rick Scott của Florida vẫn cương quyết không hợp tác với chính quyền liên bang trong việc thiết lập các kế hoạch bảo hiểm theo những đòi hỏi của đạo luật ObamaCare.
Lucy Nashed, phát ngôn viên của Thống Đốc tiểu bang Texas, Rick Perry, cũng đồng lòng qua câu xác quyết: “Texas is not interested in being a subcontractor to ObamaCare”; tiếu bang không quan tâm đến việc làm công ty ký hợp đồng phụ cho đạo luật canh tân y tế này, bởi vì họ cho rằng các tiểu bang phải được các sự lựa chọn khác nhau: “It's healthy for the states to have various choices”.
Giới y sĩ: Bác sĩ chủ nhiệm Richard Horton mới đây đã viết một bài bình luận trên Lancet về chủ đề “The American paradox”, trong đó ông đặt vấn đề về tình trạng giới hạn tự do. Ông nêu lại rằng sở dĩ tờ Lancet được thành lập năm 1823 là nhằm bao đảm cho tất cả bác sĩ được hưởng sự tiếp cận đồng đều kiến thức. Tư tưởng về bình quyền bình đẳng này vào thập niên 1800 bao hàm một cuộc tấn công vào những quyền ưu tiên của giới thượng lưu, và đây cũng là phần quan trọng trong cuộc tranh đấu cho tự do - nhằm mang lại cho mọi người các cơ hội đồng đều. Tương ứng là việc tiếp cận đồng đều với các dịch dụ y tế, một phần quan trọng để đạt được tự do. Theo bác sĩ Horton, cuộc chiến chống lại ObamaCare thành hình là bởi thế, triệt hạ sự can thiệp của chính quyền.

“Vực thẳm ngân sách” ảnh hưởng đến ObamaCare
-Ngày 01-03-2013, các quyết định cắt giảm tự động trong ngân sách quốc gia Hoa Kỳ khởi sự có hiệu lực. Chương trình cải cách y tế ObamaCare cũng nằm trong số các lãnh vực chịu hệ quả nặng nề. Để cứu vớt tình trạng, nhiều chuyên gia kinh tế và văn phòng ngân sách phi đảng phái của Quốc Hội (CBO) suy đoán là “mức thuế vụ sẽ phải gia tăng nơi các công dân có lợi tức cao để góp phần vào việc chi cho công cuộc canh tân y tế (Affordable Health Care Act) của Tổng Thống Barack Obama“
-Cơ quan Health and Human Services đã làm con tính: “The fiscal cliff” hay “vực thẳm tài chánh” sẽ cắt tối thiểu 1,9 tỉ Mỹ Kim của chương trình ObamaCare.
-”The Fiscal Ciff” cũng đã báo động 26.5 phần trăm trong tổng số lợi nhuận của một bác sĩ sẽ bị giảm thiểu. Theo bản phúc trình của Mary Agnes của Kaiser Health News, thì “các bác sĩ sẽ phải chi ra nhiều hơn, trong khi các bệnh viện được trả sở phí kém hơn, ít nhất 10 phần trăm của tổng số sở phí,” theo qui định của đạo luật Affordable Health Care Act.
Nói tóm lại, ObamaCare đã mang lại nhiều niềm hy vọng và hứa hẹn cho đa số người nghèo và giới kém lợi tức trong xã hội Hoa Kỳ, tuy nhiên cũng tiếp tục gây nên nhiều sóng gió... mà tương lai của đạo luật này chưa hẳn đã sáng sủa. (HM)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT