Người Việt Khắp Nơi

LS Phan Đào Nguyên ra mắt sách Mối Thâm Tình của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản

Monday, 27/06/2022 - 07:08:48

Buổi sinh hoạt đặc biệt này được bảo trợ bởi giáo sư Nguyễn Trung Quân, nguyên Hiệu Trưởng...


Các diễn giả trong buổi hội luận, từ trái, giáo sư Trần Huy Bích, nhà giáo Phạm Phú Minh, luật sư Winston Phan Đào Nguyên, và giáo sư Nguyễn Trung Quân. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Chiều Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022, đông đảo giới trí thức người Việt Quốc Gia tại Nam California gồm giáo sư, bác sĩ, luật sư, cựu học sinh các trường Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) và trường Trung Học Tổng Hợp Nguyễn An Ninh (Saigon) cùng một số báo giới đã đến Viện Việt Học để tham dự buổi ra mắt cuốn sách “Mối Thâm Tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản” do luật sư Winston Phan Đào Nguyên viết, và hội luận nhằm làm sáng tỏ sự kiện cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu vinh danh hay phản bác, lên án “Quan Phan” Phan Thanh Giản?

Buổi sinh hoạt đặc biệt này được bảo trợ bởi giáo sư Nguyễn Trung Quân, nguyên Hiệu Trưởng các trường Trung Học Phan Thanh Giản, Cần Thơ và Trung Học Tổng Hợp Nguyễn An Ninh, Saigon.

Sau nghi thức khai mạc, cô Kim Ngân, Giám Đốc Điều Hành Viện Việt Học giới thiệu đôi nét về giáo sư Nguyễn Trung Quân, một nhà giáo kỳ cựu, luôn hết lòng phục vụ nền văn hóa giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa và được giới phụ huynh cũng như cựu học sinh vô cùng kính trọng và quý mến. Sau đó, giáo sư Nguyễn Trung Quân nói đến mục đích của buổi ra mắt cuốn sách và đặc biệt giáo sư mong muốn các thành viên tham dự sẽ tích cực đóng góp ý kiến trong phần hội luận để làm sáng tỏ vấn đề, và giáo sư nhường lời cho LS Winston Phan Đào Nguyên trình bày chi tiết và lý do tại sao ông ra mắt cuốn sách này.

Theo lời tác giả, ngày 31 tháng 12, 2021 tỉnh Bến Tre ra một văn bản về kế hoạch tổ chức cuộc Hội Thảo Quốc Tế Nguyễn Đình Chiểu sau khi được Đại Hội Đồng UNESCO chính thức thông qua nghị quyết chấp thuận cho tỉnh Bến Tre tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
Trong văn bản của tỉnh Bến Tre có nêu hai mục đích, một là thực hiện cam kết với tổ chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO); hai là yêu cầu tổ chức hội thảo phải nghiêm túc, an toàn và đạt được chất lượng khoa học cao. Trong yêu cầu thứ hai này có ghi “Chú trọng các nhà nghiên cứu là người Việt Nam ở nước ngoài.”

Sau khi cuốn sách “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” được phổ biến trên internet và ra mắt vào ngày 15.5.2022 tại Viện Việt Học, Nam California, Ban Tổ Chức Hội Thảo kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ Đồ Chiểu đã có thư mời Viết Bài Hội Thảo Quốc Tế Nguyễn Đình Chiểu, dung lượng bài viết tối thiểu 4,000 từ (không bao gồm danh mục tài liệu tham khảo).


Sách bán trên mạng Amazon

Ngay sau đó, LS Winston đã viết bài tham luận gửi về ban tổ chức. Ngày 9 tháng 3, 2022 LS Winston Phan Đào Nguyên nhận được thư mời chính thức “Kính đề nghị tác giả viết toàn văn tham luận. Vui lòng gửi toàn văn cho Ban Tổ Chức chậm nhất là ngày 29 tháng 4 năm 2022.” Tác giả đã làm đúng theo yêu cầu. Ngày 17.5. 2022 LS Phan Đào Nguyên nhận được thư phản hồi của Trưởng Ban Nguyễn Chí Bền. Trong thư, ông Bền từ chối khéo bài tham luận của LS Phan Đào Nguyên bằng câu “Tuy nhiên, tham luận của TS dài quá (118 trang). Với 100 tham luận của các tác giả trong nước, ngoài nước, kỷ yếu hội thảo không thể in được một tham luận có số trang dài như vậy” và theo lời LS Phan Đào Nguyên, họ đã cắt đến 80% bài tham luận của ông, nên ngày 25.5.2022 ông đã viết thư để chính thức rút bài tham luận ra khỏi buổi Hội Thảo. Và bài tham luận dài 118 trang đã được in thành sách, chính là cuốn “Mối Thâm Tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản” ra mắt hôm Chủ Nhật.

Điểm đáng chú ý nhất, gây tranh cãi nhiều nhất từ hàng chục năm qua chính là bài thơ cụ Nguyễn Đình Chiểu điếu cụ Phan Thanh Giản. Bài thơ điếu được chép theo ông Phan Đình Chiêm là con cụ Phan Thanh Giản như sau:

“Lịch sĩ tam triều độc khiết thân
Vi quân nan bảo nhất phương dân
Long Hồ ninh phụ thư sinh lão
Phụng các không quy học sĩ thần
Bỉnh tiết tằng lao, sinh Phú Bật
Tận trung hà hận, tử Trương Tuần
Hữu thiên! Lục tỉnh tồn vong sự
An đắc thung dung tựu nghĩa thần”

Bài điếu viết bằng chữ Nho (chữ Hán) lẫn chữ Nôm.

Trong khi ở miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, cụ Nguyễn Đình Chiểu và cụ Phan Thanh Giản được mọi người dân kính nể và tôn trọng, hai ngôi trường lớn nhất ở Cần Thơ và Mỹ Tho mang tên hai cụ, thì ngược lại dưới chế độ Cộng Sản miền Bắc, cụ Phan Thanh Giản bị coi là “Phan Lâm mãi quốc” tức là Phan, Lâm bán nước.”


Các tham dự viên hầu hết là giáo sư, bác sĩ, luật sư và những người tha thiết đến văn hóa, lịch sử của Việt Nam. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Theo lời giáo sư Nguyễn Trung Quân, ngay khi chiếm được miền Nam, nhà cầm quyền Cộng Sản đã cho giật sập tượng cụ Phan tại trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ, và từ đó đến nay, giáo sư Nguyễn Trung Quân cùng các nhà giáo miền Nam đã yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải khôi phục danh dự cho cụ Phan Thanh Giản nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Bài thơ điếu cụ Phan đã bị các ông Trần Nghĩa, Trần Khuê và bà Phạm Thị Hảo là những người tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ,” là các nhà nghiên cứu sử học của Việt Nam Cộng Sản diễn dịch theo “tư duy” của họ và cho rằng bài thơ điếu của cụ Nguyễn Đình Chiểu là bài châm biếm cụ Phan Thanh Giản, không phải cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu vinh danh Quan Phan.

Vì điều này mà giáo sư Nguyễn Trung Quân cũng như LS Phan Đào Nguyên đã mời một số giáo sư, bác sĩ, luật sư đến để đóng góp ý kiến, phản biện lại chủ trương của Đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam, và đòi hỏi phải phục hồi danh dự cho nhà ái quốc Phan Thanh Giản.

Trong số các diễn giả, giáo sư Trần Huy Bích, một học giả uyên bác, tinh thông nho học, giáo sư đã dùng kiến thức về Nho học lẫn Việt học để cắt nghĩa từng chữ, từng câu trong bài thơ điếu của cụ Đồ Chiểu điếu cụ Phan Thanh Giản. Những lời trình bày của giáo sư Trần Huy Bích đã làm sáng tỏ vấn đề một cách hết sức thuyết phục khiến một trong những tham dự viên đã phải thốt lên “Đây là một cái tát vào mặt những kẻ tự xưng là trí thức của miền Bắc Cộng Sản Việt Nam.”

Một số vị khác bày tỏ lòng biết ơn LS Winston Phan Đào Nguyên đã có bài tham luận rất công phu, giá trị để giúp mọi người hiểu thêm về giá trị bài thơ điếu cụ Phan của ông đồ Nguyễn Đình Chiểu.

Buổi ra mắt và hội luận được coi là thành công hết sức tốt đẹp với những thành phần tham dự được coi là những gương mặt trí thức Việt Nam tiêu biểu tại hải ngoại.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT