Đạo và Đời

Lời vàng ngọc của Ấn Quang Đại Sư

Wednesday, 25/04/2018 - 08:31:25

Bất luận là người tu tại gia hay xuất gia, cần phải trên kính dưới hòa, nhẫn nhục điều mà người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được; thay người làm những việc cực nhọc, thành toàn cho người là việc tốt đẹp.



Ấn Quang Đại Sư trong hình không rõ nguồn và ngày.

Ngài là vị Tổ Thứ 13 của Tịnh Độ Tông, sanh năm 1862 tại Cáp Dương, Thiểm Tây và viên tịch năm 1940. Ấn Quang Đại Sư là người họ Triệu, tên Thánh Lượng. Năm 1930, ngài mở đạo tràng Tịnh Độ tại núi Linh Nham ở Tô Châu. Vào thời của ngài thì xã hội cũng không khác ngày nay của năm 2018, khi mà đạo đức suy thoái, con người chỉ mong hưởng lạc. Vì vậy ngài chuyên giảng về giáo lý nhân quả báo ứng để chấn chỉnh nhân tâm, lấy nhân quả làm nền tảng, niệm Phật vãng sanh Tây Phương làm phương châm tu tập. Những lời khuyên nhủ của Ấn Quang Đại Sư tuy dành cho người tu hành của một thế kỷ trước, nhưng thật ra cũng có thể được áp dụng trong đời sống ngày nay của mọi người, bất kể tôn giáo. Xin trích dẫn ba đoạn ngắn sau đây để chúng ta cùng suy ngẫm và thực hành trong tuần này.

Lời khai thị

Bất luận là người tu tại gia hay xuất gia, cần phải trên kính dưới hòa, nhẫn nhục điều mà người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được; thay người làm những việc cực nhọc, thành toàn cho người là việc tốt đẹp.
Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn; hoặc niệm nho nhỏ, hoặc niệm thầm.
Ngoài việc niệm Phật, đừng dấy khởi một niệm nào khác. Nếu khởi vọng niệm phải tức thời bỏ ngay. Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối. Nếu đã tu trì, phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng, khoa trương. Chỉ nên chăm sóc việc nhà mình, đừng nên dính vào việc nhà người. Chỉ nên nhìn đến những hình dạng tốt đẹp, đừng để mắt tới những hình dạng xấu xa bại hoại.
Hãy coi mọi người như Bồ Tát, mà ta chỉ là kẻ phàm phu. Nếu quả có thể tu hành được như vậy thì nhất định được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

Lời khuyên ăn chay

Phàm là người học Phật thì có một việc rất nên chú ý là kiêng ăn mặn vì ăn mặn sẽ tăng trưởng cơ duyên giết hại. Con người và hết thảy động vật cùng sống trong vòng trời đất, tâm tánh vốn bình đẳng, chỉ vì nhân duyên ác nghiệp đến nỗi hình thể sai khác quá xa. Nếu đời này quý vị ăn thịt chúng nó, đời mai sau chúng nó sẽ ăn thịt quý vị.
Oán hờn báo đền mãi, cơ duyên giết chóc đời đời chẳng có lúc nào kết thúc. Nếu như ai nấy đều ăn chay thì sẽ vun bồi tâm từ bi của chính mình, tránh khỏi cơ duyên giết hại. Nếu không, dù cho niệm Phật, nhưng chỉ lo sướng miệng, vui bụng, ăn đẫy thức tanh hôi, vẫn chưa thể đạt được lợi ích thật sự nhờ học Phật vậy!

Lời khuyên về nhân quả

Người đời chẳng biết nhân quả, thường nói con người sau khi chết đi là đã giải thoát hoàn toàn, không có quả báo thiện - ác nữa. Đây chính là tà kiến sai lầm nhất về đời sau của thiên hạ vậy. Cần biết là: Người đã chết đi rồi, thần thức chẳng bị diệt. Nếu ai nấy đều biết thần thức chẳng diệt, ắt sẽ thích làm lành. Nếu không biết thần thức chẳng diệt sẽ mặc tình phóng túng, giết cha, giết mẹ, đủ thứ tội ác do đấy mà sanh! Những thứ hành vi nghịch ác tột bậc ấy đều là kết quả của tà kiến đoạn diệt mà ra!
Nếu ai nấy có thể chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc; nhưng đấy vẫn chưa phải là biện pháp rốt ráo. Thế nào mới là biện pháp rốt ráo? Chính là niệm Phật cầu sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, và phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, ngăn chặn điều tà, giữ lòng thành thì sẽ chuyển được vận nước, tiêu trừ được tai nạn. Bởi lẽ, tai nạn ngày nay đều là do cộng nghiệp của mọi người chiêu cảm.
Nam Mô A Di Đà Phật.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT