Đạo và Đời

Lời khuyên niệm Phật

Wednesday, 05/06/2019 - 07:02:27

(Bài viết ngắn dưới đây được trích từ một trong nhiều “Lá Thư Tịnh Độ” của Ngài Ấn Quang Đại Sư, được Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch lại tiếng Việt. Những lời khuyên của Ngài Ấn Quang tuy được nói đã hơn nửa thế kỷ trước, dành cho cư sĩ Cao Thiệu Lân


Bìa của một trong nhiều tái bản của Lá Thơ Tịnh Độ. (Quangduc.com)

 

(Bài viết ngắn dưới đây được trích từ một trong nhiều “Lá Thư Tịnh Độ” của Ngài Ấn Quang Đại Sư, được Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch lại tiếng Việt. Những lời khuyên của Ngài Ấn Quang tuy được nói đã hơn nửa thế kỷ trước, dành cho cư sĩ Cao Thiệu Lân tuổi đã năm mươi, nhưng xem ra vẫn vô cùng hữu ích cho những ai đang thật sự chí nguyện tu hành để được giải thoát. Bài này được viết lại với ngôn từ phổ thông hóa chỉ nhằm mục đích chia sẻ với người thời nay. Nếu có sai lỗi thì xin quí độc giả niệm tình tha thứ cho.)

Trong bức thư gửi đến, thấy nói cư sĩ đang nhiếp tâm niệm Phật, lạy Kinh Pháp Hoa, và cố gắng làm lành lánh dữ mà chưa được như ý mỗi ngày. Bao nhiêu điều ấy, đủ chứng tỏ sự tu hành của cư sĩ là thiết thật, không như những kẻ tự dối người, phô trương bề ngoài để cầu danh.

Phép lễ tụng trì niệm, phải lấy lòng thành kính làm chủ. Nếu thành kính cùng cực, dù ở địa vị phàm phu công đức tuy chưa được viên mãn, nhưng kết quả cũng khó nghĩ bàn! Trái lại thì, tuy lễ tụng theo các nghi thức, xét ra có khác gì múa hát, dù có bày nét khổ, vui, thương cảm, đều là giả tạo vì chẳng phải tự nơi đáy lòng phát lộ. Nếu có công đức, chẳng qua là cầu phước sau này ở cõi trời, người, mà không hề hiểu rằng chính những cõi ấy hành giả vẫn có thể gây nghiệp ác, gieo nên quả khổ vô lượng về sau.

Chớ cho rằng công đức duyên tưởng một vị Phật không rộng lớn bằng duyên tưởng nhiều vị Phật. Nên biết Phật A Di Đà là pháp giới tạng thân, bao nhiêu công đức của chư Phật trong mười phương pháp giới, nơi một đức Phật A Di Đà đều đầy đủ cả. Ví như lưới châu ngọc của trời Đế Thích, ngàn châu hiện đủ trong một hạt châu, một hạt châu in bóng khắp ngàn châu, mỗi châu đều dung nhiếp lẫn nhau, không dư không thiếu.

Kẻ mới học đạo, nếu còn bận bịu nhiều cảnh đời, lo toan cho việc nhà, việc sở thì tâm thức sẽ khó tránh bị rối loạn, và đã làm người thì nghiệp chướng còn nhiều mà phước huệ thì ít, thường bị ma chướng quấy rầy. Vì lẽ ấy, Đức Phật Thế Tôn và chư Tổ đều khuyên bảo chúng ta hãy một lòng chuyên niệm Phật A Di Đà, đợi khi nào chứng được Tam Muội thì hãy nghĩ đến các pháp môn khác.

Được biết gần đây cư sĩ tu trì tha thiết, từ xét lấy mình để sửa lỗi noi dấu thánh hiền, chẳng phải cầu lấy hư danh, thầy lấy làm vui! Muốn học Phật, Tổ, thoát sanh tử, những điểm đầu tiên là: phải biết hổ thẹn, biết sám hối, biết ngưng làm việc ác, luôn làm việc lành, giữ gìn giới luật, và thường nhìn vào bên trong chính bản thân mình.

Cho nên, biết nhiều kiến thức về đạo không khó, thực hành mới chính là khó! Nhiều bậc thông minh giữa đời, bằng cấp học vấn chất đầy tủ, danh hiệu chức tước liệt kê cả hàng dài, nhưng vì chỉ biết nói nhưng không biết thực hành, thành thử luống qua một kiếp người, uổng phí mấy mươi năm trên cõi đời mà khi rời trần thế vẫn hai tay bàn tay trắng, không có một chút đạo nghiệp mang theo. Thật rất đáng tiếc!

Biết đề phòng trước, lúc gặp cảnh duyên ở đời, phiền não mới không bạo phát. Mạnh nhứt là tiền của, sắc đẹp và chuyện ngang trái bất thường. Nếu hiểu tiền của phi nghĩa hại hơn rắn độc, thì không còn lòng tham muốn khi thấy của. Giúp đỡ người chính là xây đắp nền phước đức cho mình về sau, biết như thế, khi có ai hoạn nạn cầu cứu, không vì tiếc của mà không cho, lòng không khởi phiền não.

Về sắc đẹp, lúc đứng trước người từ xinh như hoa đến kỹ nữ, nên nghĩ đó là chị, hoặc em ruột mình, sanh lòng cứu độ xót thương, tất không bị sắc đẹp làm động niềm ái dục. Gia đình, chồng vợ phải kính nhau như khách, là người ơn giúp đỡ lẫn nhau, mới không bị sắc dục hại mình. Đến như gặp việc ngang trái nên sanh lòng xót thương dung thứ cho kẻ không biết lỗi lầm, chớ tranh chấp hơn thua. Lại tưởng rằng: kiếp trước mình đã từng làm khổ hại người, hôm nay bị việc này là trả nợ tiền kiếp; nghĩ như thế tự nhiên vui vẻ, không sanh lòng nóng giận muốn báo thù.

Nói về pháp môn Niệm Phật thì Tín, Nguyện, Hạnh là tông yếu. Tín là hết lòng tin ở Phật, tin sâu ở Ngài; Nguyện là tha thiết nguyện được vãng sanh về cõi Phật; và Hạnh là hành trì chuyên cần từng ngày, từng giờ, từng phút được làm người. Ba món nầy đầy đủ, quyết định được vãng sanh.

Về phần Tín, Nguyện, nên để tâm chú trọng, phải một lòng cầu về cõi Phật, chớ mong kiếp sau trở lại làm người để hưởng sự giàu sang. Chẳng những không muốn thọ thân vua ở cõi trời, người, mà cho dù cho thân là một vị cao tăng nghe một hiểu ngàn, mở rộng pháp hóa làm lợi ích chúng sanh, thì đó mới là ngộ chứ chưa phải chứng, vẫn còn bị luân hồi và có thể đọa lạc.

Được như thế thì tín, nguyện của ta mới cảm đến Phật, và thệ nguyện của Phật mới có thể nhiếp thọ ta. Cho nên, tín, nguyện rất là cần yếu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT