Đạo và Đời

Lời Chúa khó nghe

Wednesday, 06/09/2017 - 08:06:42

Than xong, lão ta vái Tử Thâm một cái rồi đi ra. Đó là câu chuyện trong sách Luận Ngữ muốn nói rằng không có một môn học riêng để dạy người ta nói sự thật. Muốn nói sự thật thì phải có cái tâm chân thật, và điều quan trọng là phải biết chấp nhận hậu quả.

Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Trong thời Cựu Ước, làm tiên tri hay ngôn sứ không phải là điều dễ. Chức vụ tiên tri hay ngôn sứ không phải là một nghề nghiệp. Nhưng đây là ơn gọi, được Chúa sai đi để nói với dân hoặc để thông truyền sứ điệp của Chúa muốn gởi tới cho dân của Ngài.

Trong bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật tuần này, tiên tri Giêrêmia đã than thở với Chúa những cực khổ của mình, bởi vì sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho ông quả thật là khó khăn và phức tạp. Bởi vì ông phải nói thật chứ không được nói dối. Nhưng sự thật thì dễ làm mất lòng, như người ta nói: Trung ngôn nghịch nhĩ, nghĩa là nói thật thì khó nghe, nói thật không dễ làm cho người khác chấp nhận.

Những người Do Thái lúc bấy giờ đã chống đối sứ mạng của ông vì ông loan báo những tai ương sắp đổ xuống trên đám dân bội bạc, bất tín. Ông đã chọn con đường khổ giá, không bắt chước các tiên tri giả nói những điều phỉnh nịnh, hứa hẹn những điều sung túc để gạt gẫm dân chúng.

Từ xưa đến nay có những lúc nói thật không phải là điều dễ. Sách Luận Ngữ có câu chuyện như thế này: Một hôm có một cụ già đến xin học nói sự thật, học trò của Đức Khổng Tử là Tử Thâm ra tiếp và ngạc nhiên nói rằng, “Rất tiếc ở đây chỉ dạy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Không dạy nói thật. Cụ đi nơi khác mà học thôi.”
Ông lão nghe Tử Thâm nói vậy thì có vẻ thất vọng, nhưng cố gắng vớt vát, “Lão nghe tiếng Phu Tử nức tiếng thiên hạ. Vậy ngoài Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Phu Tử còn dạy cái gì nữa?”


Tiên tri Jeremiah (Giêrêmia). (The Herald Magazine)

Tử Thâm trả lời, “Dạy đủ lục nghệ. Từ làm chính trị đến đi buôn, từ làm hàng thật đến hàng giả, từ chế đồ xịn đến đồ lộ. Học đến đâu sáng ra đến đó. Cứ gọi là vua ra vua, tôi ra tôi. Bố ra bố, con ra con. Chồng ra chồng, vợ ra vợ. Thầy ra thầy, trò ra trò. Trên đời này, động đến môn nào Phu Tử cũng tuyệt đối tinh thông cả. Duy có cái môn nói thật ấy thì bản sự đây quả chưa nghe nói đến bao giờ.”

Lão kia nghe thấy thế thì quá thất vọng, thở dài một tiếng rồi than, “Thế mà lão phu đây cứ tưởng bở. Ôi! Đến cửa này cũng không học được cách nói thật nữa thì lão đành nói dối cho trọn kiếp cùng với thiên hạ thôi.”

Than xong, lão ta vái Tử Thâm một cái rồi đi ra. Đó là câu chuyện trong sách Luận Ngữ muốn nói rằng không có một môn học riêng để dạy người ta nói sự thật. Muốn nói sự thật thì phải có cái tâm chân thật, và điều quan trọng là phải biết chấp nhận hậu quả.

Bài tin Mừng của Chúa Nhật tuần này cho biết những lời chân thật của Chúa thì khó nghe. Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng Ngài phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Các ông chẳng biết ngày thứ ba thì sống lại có nghĩa như thế nào. Các ông chỉ biết rằng Chúa đang sẵn sàng chấp nhận cái chết, cho nên Phêrô đã kéo Chúa ra để can gián Ngài. Nhưng Ngài đã quở trách Phêrô và cho biết rằng đây là việc làm của Thiên Chúa.

Sự thật đó đã làm Phêrô lo buồn không hiểu. Nhưng khi Chúa đã phục sinh, tất cả các Tông Đồ đều hiểu kế hoạch và tình thương của Thiên Chúa. Rồi chính trong bài Tin Mừng Chúa Nhật này, Chúa nói với chúng ta phải vác thập giá mà theo Ngài, hãy đi tìm sự sống chân thật chứ đừng đi tìm sự sống hư mất: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống.”
Chúng ta có nghe thấy chói tai không? Hãy trả lời!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT