Chuyện Nước Pháp

Lịnh khẩn cấp ban bố trên toàn quốc: chiến tranh chống khủng tặc (kỳ 1)

Wednesday, 18/11/2015 - 08:19:35

Về phía báo chí, truyền thanh, truyền hình thì một trong những lời khuyên "chí lý" của chuyên gia chính trị đưa ra là "dân chúng phải làm quen với sự khủng bố kinh hoàng như vậy".

  Tin mới nhất: nhân viên công lực tấn công giặc khủng bố tại Saint-Denis, ngoại ô Paris. 

Qua bao nhiêu xúc động mạnh, qua rất nhiều nhân chứng kể đi kể lại những chi tiết rùng rợn xoay quanh đại họa do khủng tặc bạo hành tại thủ đô Paris hơn một tuần lễ vừa qua, kết luận cuối cùng đã đến. Đó là 3 ngày tang lễ quốc gia, là tình trạng báo động khẩn cấp trên toàn quốc, là một biện pháp chống trả bên ngoài bằng cách dội bom ào ạt sào huyệt đất đai của đầu não bọn khủng bố Daesh, là cuộc “chiến tranh” thực sự trong nước chống giặc Hồi giáo trá hình!

Về phía báo chí, truyền thanh, truyền hình thì một trong những lời khuyên "chí lý" của chuyên gia chính trị đưa ra là "dân chúng phải làm quen với sự khủng bố kinh hoàng như vậy". Tôi đã trải qua nhiều trạng thái xúc động mạnh trong tình hình chiến tranh Việt Nam ngày xưa, cũng như rất nhiều bạn đọc thân mến đã từng có kinh nghiệm sống có lẽ còn cao gấp bội phần, nên nhận thấy lời khuyên này cũng khá hợp lý. Mặc dù cường độ tấn công càng ngày càng mạnh, càng có tính cách tội ác tổ chức chặt chẽ tuy chưa đến mức hoàn hão (thì còn ghê gớm xa hơn nữa), nhưng cung cách thông tin không thay đổi. Người xem truyền hình trên các đài quốc gia và tư nhân đều quả thật đã quen với những cảnh nóng khủng khiếp gần giống với các cuốn phim bắn giết bạo động có nạn nhân nằm rải rác êm rơ  hay chồng chất lên nhau. Nhiều hình ảnh giống nhau xuất hiện qua lại đều đều như khi tổng thống Pháp lên đài TV ủy lạo dân chúng, các màn lực lượng bảo vệ an ninh dàn trận trên đường phố bắn nhau với khủng tặc đạn bay toé lửa khi chạm vào xe hơi đậu kế bên, các nạn nhân thoát ra được chạy tán loạn... Sau đó là hình ảnh và tên tuổi từng tên giặc tự sát sau khi thi hành xong bổn phận, kẻ trốn tránh còn lại bị truy nã ráo riết bên nước Bỉ với gương mặt chụp tỏ rõ trên màn ảnh. Những chân dung của nạn nhân tử vong làm khán thính giả bàng hoàng xúc động, sự ngây thơ trong lời kể lại của người sống sót cứ tưởng là pháo nổ do một trò đùa thêm trong cuộc chơi nhạc rốc từ cuối phòng! Một cô gái gốc người Nam Phi tình cờ có mặt trong giây phút đó đã phải nằm im giả chết trong vòng hơn 1 giờ kể lại mọi chuyện trên trang xã hội Facebook được 2,5 triệu lời phê "ưa thích" kể cả chủ nhân của FB. Cô kể lại hình ảnh làm mọi người già trẻ đều phải xúc động mạnh là khi cô thấy những chàng trai trẻ ôm xác người yêu vừa ra đi trên tay mình, thật không còn gì gây sốc hơn thế nữa! Riêng về phía nhân viên cứu thương và công lực khi xúm nhau vào cứu trợ các nạn nhân nằm ngổn ngang trong căn phòng chơi nhạc rốc đã cho biết nghe thấy hàng loạt tiếng reo không ngừng của điện thoại di động được gọi tới không ai trả lời...      

Rồi tới những hình ảnh "quen thuộc" của dân chúng xúm nhau kéo tới tưởng niệm nạn nhân qua các bó hoa và nến lung linh trang trọng tại công trường Cộng Hoà (Place de la République), tại nơi có quán ăn "Cam Bốt nhỏ" và Le Carillon gần đó mấy thước với khách hàng vô tội kể cả bà chủ (ông chủ thoát chết) và nhân viên phục vụ bị sát hại. Một bóng đèn bị bể bất ngờ vì hư hỏng gây báo động giả làm đám đông hoảng lạng chạy ào ra, một vài người đạp luôn lên hoa và nến chất đầy quanh bệ tượng đài. Thôi thì phải vậy thôi, người dân thủ đô đã trở thành "quen thuộc" với những hình ảnh này; kể cả lúc nghe toàn thể nhân viên chính quyền đứng đầu là Tổng Thống cùng hát quốc ca. Tuy nhiên, tôi có một nhận xét riêng là khi chúng ta lên mạng tìm đọc thông tin đa chiều, sẽ có nhiều chuyện làm chúng ta suy nghĩ. Không, không nên bị ru ngủ bởi những hình ảnh "quen thuộc" gần như là nhồi sọ theo cách viết thông dụng hiện nay (bourrage de crâne). Là sao? Là tác dụng gây quen, gây sự chịu đựng nhiều lần mà không có biện pháp cụ thể chống lại. Điều này có nguy cơ trở thành "kinh niên" (chroniser) khi mà một nước giàu mạnh sống trong hoà bình đã khá lâu (sau thế chiến thứ hai đến nay tại Pháp là đã được 70 năm tròn, thật đáng quý) nay lại đã có nguy cơ đối diện lại chiến tranh "cục bộ"! Một điều kỳ lạ quá chăng?

Đi ngược chiều thời gian vài hôm, tôi nghe thấy cơ quan thông tin truyền hình của chính phủ Pháp (đài quốc gia số 2, đây là một cơ quan thông tin có cổ phần hoạt động 100% đài thọ bởi chính phủ...) đã cho phát ra một tin ngắn điều tra về hậu cần của bọn khủng tặc Daesh vào buổi tối 20 giờ có hàng triệu người xem. Tin ngắn này thật ra rất bị hạn chế!

Với một hình ảnh tuyên truyền của bọn chúng, tên giặc tay cầm khẩu súng tự động kiểu Nga và lá cờ đen tuyền có hai biểu tượng màu trắng, xướng ngôn viên nói rằng "nước Hồi giáo" Daesh sống sót nhờ mỏ dầu lửa nội địa từ xứ Irak và Syrie mà chúng chiếm được. Riêng về lá cờ xuất hiện chính thức kể từ tháng Giêng năm 2007, cách giải thích (theo từ điển thế giới trên mạng Wikipédia) như sau:

Lá cờ này có màu đen tuyền trong khuôn khổ hình chữ nhật thông thường, phát xuất từ lá cờ nguyên thủy cùng màu đen của vị tiên tri Mahomet chứng nhận quyền sở hữu lãnh thổ cai trị của ông. Từ chuyên môn nói về lãnh địa này là "califat" hay "khalifat" hoặc "calipha" do người thừa kế của Mahomet nhận lấy với cái tên là "calife". Danh từ califat (dễ đọc: ca-li-pha) còn có nghĩa là chế độ chính trị áp đặt và thời gian ngư trị của nó trên lãnh thổ, nơi đây là 2 phần đất của hai quốc gia Irak và Syrie. Chúng ta nhận thấy là "quốc gia Hồi Giáo" tự tuyên bố thành lập này hoàn toàn sống trên "xứ người" nên khắp nơi trên thế giới không có nước nào công nhận nó cả. Gần như là hiện tượng sống ký sinh với sự kiện là ký sinh trùng có khả năng tiêu diệt cơ thể nó sống chung để biến thành cơ thể riêng của nó. 

Nguyễn Thị Ngọc Diễm (còn tiếp 1 kỳ)   


 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT