Tiêu Thụ

Liệu có thể tin được dược thảo?

Friday, 20/04/2018 - 08:08:41

Một vị khác, bác sĩ Richard Gerhauser, M.D, còn minh thị bài bác thuốc tây để cổ động cho dược thảo, vitamin và muối khoáng…. Ông tuyên bố: Nếu (tôi) bị ung thư “tôi sẽ KHÔNG BAO GIỜ để người ta chạy ki-mô (chemotherapy) cho tôi.”

Bài ERIC TRẦN

Cùng với vitamin và muối khoáng (minerals), dược thảo được xếp loại là “thuốc bổ”, tự bản chất không phải thuốc chữa bệnh. Nhưng hiện nay, người ta vẫn quảng cáo mạnh miệng rằng dược thảo có thể chữa được bệnh, thậm chí cả những bệnh mà thuốc tây chữa không khỏi. Những lời quảng cáo như vậy thực chất là bất hợp pháp, nên nhà quảng cáo phải tìm cách nói lòng vòng để khỏi bị bắt bẻ hoặc kiện cáo, nhưng vẫn đủ để cho giới tiêu thụ bình dân hiểu rằng dược thảo “chữa bệnh được mà!”

Trên thực tế, giá trị của dược thảo nói riêng, hoặc thuốc bổ nói chung, đến mức nào? Có tiêu chuẩn gì giúp người tiêu thụ đánh giá thực chất của dược thảo hay không?


Dược thảo đóng chai không khác gì thuốc tây, nhưng liệu có thể tin được không?

Giá trị của dược thảo Dược thảo có giá trị gì không? Có! Đó là điều chắc chắn. Nếu không, nó đã tuyệt tích từ lâu. Trái lại, ngành kinh doanh dược thảo mỗi ngày mỗi phát triển. Mặc dầu không tạo ra được những nhà triệu phú, nhưng nó cũng giúp cho nhiều người có của ăn của để.

Trên thị trường Hoa Kỳ, doanh số của ngành dược thảo năm 2016 chiếm $64 tỷ đô la, và dự phóng lên tới $102 tỷ vào năm 2024. Đã vậy nó lại cung ứng một môi trường rộng rãi mà ai cũng có thể nhảy vào: Mặc dầu là sản phẩm phục vụ sức khỏe, nhưng bạn không cần phải được đào tạo về y khoa, mà chỉ cần giỏi... ăn nói, để thuyết phục khách hàng. Chính vì thế mà chúng ta thấy rất nhiều quảng cáo dược thảo trên các phương tiện truyền thông như Radio, TV, báo giấy, báo mạng….


Bác sĩ Russell Blayblock, MD, cổ động các phương pháp chữa trị bằng dược thảo thiên nhiên qua “nhà thuốc của Thượng Đế” (Pharmacy of God).

Sở dĩ ngành dược thảo được tiêu chuẩn rộng rãi như vậy là vì nó không bị ràng buộc bởi những qui luật ngặt nghèo vốn đặt nặng trên vai những người hoạt động y tế có môn bài như bác sĩ, y tá, phòng mạch, bệnh viện. Nói như vậy không có nghĩa là dược thảo không được các nhà chuyên môn nghiên cứu và cổ động.
Trong khi đa số bác sĩ chỉ kê toa những thứ thuốc tây đã được FDA, cơ quan chuyên môn của nhà nước Hoa Kỳ chuẩn thuận, và được chính thức bán tại các Pharmacy có môn bài hành nghề hợp pháp, thì cũng có một số bác sĩ, thậm chí những bậc thầy trong ngành y khoa, lớn tiếng cổ động dược thảo.

Chẳng hạn, Bác Sĩ Russell L. Blayblock, M.D., chủ trương bản tin y khoa The Blaylock Wellness Report, cho rằng bột nghệ (curcumin) và chất quercetin (dược chất chiết xuất từ một vài loại rau quả) có thể giúp ngăn ngừa và chữa trị được khá nhiều bệnh, thông thường như đau nhức khớp xương, hen suyễn, đau bao tử..., và hiểm nghèo như ung thư, tai biến, trụy tim... Theo ông, chả việc gì chúng ta phải mua những thứ thuốc tây đắt tiền trong khi trời đất đã dành sẵn những sản phẩm trị bệnh trong một cái kho thiên nhiên mà ông gọi là Pharmacy of God (Nhà Thuốc của Thượng Đế).

Một vị khác, bác sĩ Richard Gerhauser, M.D, còn minh thị bài bác thuốc tây để cổ động cho dược thảo, vitamin và muối khoáng…. Ông tuyên bố: Nếu (tôi) bị ung thư “tôi sẽ KHÔNG BAO GIỜ để người ta chạy ki-mô (chemotherapy) cho tôi.”

Trong bản tin Natural Health Response, số ra tháng Tư, năm 2018, ông viết: (trích) “Các bác sĩ ung thư là những người chào hàng (salesman) giỏi, mà khách hàng lại rất dễ bị lung lạc trước ảnh hưởng của họ trong hoàn cảnh một sống hai chết do căn bệnh mang lại. Họ bán cái công thức sau đây: Chạy Chemotherapy là còn hy vọng; Không chạy chemotherapy là hết hy vọng. Không có lời gì lại xa sự thật như vậy. Tôi xin nói với quí vị rằng: Bệnh nhân luôn luôn còn hy vọng, ngay cả khi đương sự không làm gì cả.” (hết trích).

Người tường thuật chuyện này (Eric Trần) không hề được đào tạo một ngày nào về y khoa, trước nay vốn coi bác sĩ là bậc thầy, là sao bắc đẩu, đọc đến đây thì chân tay run lật bật, sợ rằng mình nói ra những lời xúc phạm quá đáng. Nhưng, xin quí bạn hiểu cho rằng, những phát biểu ghi trên là nguyên văn của một bác sĩ tây y (MD), những lời mà ai cũng có thể truy tìm nguồn gốc trên giấy trắng mực đen. Nếu quí độc giả muốn có một copy số báo trên, xin liên lạc với chúng tôi ở địa chỉ email bên dưới.



Bác Sĩ Richard Gerhauser, M.D., cho rằng Chemotherapy, phương pháp trị liệu ung thư tốn kém nhưng có nhiều khuyết điểm hiện nay, có thể thay thế bằng vitamins và các biện pháp trị liệu đơn giản rẻ tiền mà hiệu quả hơn.

Là bác sĩ tây y, nhưng ông Gerhauser rất hăng say cổ động các phương thức trị bệnh thiên nhiên, cụ thể là dùng dược thảo, và điều chỉnh thăng bằng về vitamins hoặc muối khoáng trong cơ thể. Vì sự hăng say này mà bác sĩ Gerhauser không ngại va chạm khi đề cập đến những đồng nghiệp vốn dĩ chỉ tin cậy nơi thuốc tây. 

Ông nói: (trích) “Trong hệ thống y tế Hoa Kỳ, các bác sĩ chuyên khoa ung thư được trọng thưởng về tiền bạc khi có thể xoay chiều bệnh nhân về hướng chemo. Phần lớn thâu nhập của bác sĩ ung thư đến từ tiền điều trị bằng cách đó. Trong y tế, không có một chuyên khoa nào khác cho phép bác sĩ dựa vào việc bán thuốc để tăng thâu nhập. Nếu tôi ghi toa cho bệnh nhân, tôi không được nhận bất cứ phần lại quả nào hoặc phần thưởng tài chánh nào về những thứ thuốc đó. Bởi vì, làm như vậy là lạm dụng quyền lực (conflict of interest). Nhưng bác sĩ chuyên ngành ung thư thì không bị coi như vậy. Họ không thể nào mở cửa phòng mạch được nếu không có luồng thuốc chemo chảy vào mạch máu bệnh nhân. Thật là một sự lạm dụng tai quái!” (hết trích)
Sở dĩ bác sĩ Gerhauser tỏ ra nóng nảy như vậy với đồng nghiệp là vì theo ông, chemotherapy, một phát kiến lớn của ngành tây y hiện vẫn được áp dụng rộng rãi, là phương pháp điều trị ung thư có nhiều khiếm khuyết, ngoài việc đưa lại lợi nhuận cho bác sĩ điều trị. Vậy, phải làm thế nào mới hiệu quả? Dĩ nhiên, bác sĩ Gerhauser đề nghị những phương pháp thay thế mà ông cho rằng hiệu quả hơn, như Insulin Potentiation Therapy, Hyperthermia... Dùng Vitamin C cũng là một trong những phương thế ấy.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi chưa thể trình bày chi tiết về cách chữa ung thư (không qua chemo) của bác sĩ Gerhauser, mà chỉ muốn nói lên rằng, dược thảo - cùng với vitamin và muối khoáng - cũng có những giá trị tự thân của chúng. Nhưng vì không được quản lý chặt chẽ, dược thảo trở thành một thị trường bát nháo trong đó lẫn lộn vàng, thau, kim cương và đất cát... Để gạn cát đãi vàng và tận dụng được giá trị của dược thảo, chúng ta chắc chắn cần có một số tiêu chuẩn đánh giá và chọn lựa. Xin hẹn gặp các bạn trong bài lần sau.
Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT