Thế Giới

Liên Âu cân nhắc biện pháp trừng phạt mới với Trung Quốc

Tuesday, 07/12/2021 - 05:51:29

Những cách trừng phạt mà EU có thể thi hành bao gồm điều chỉnh thuế, thu hẹp khả năng tiếp cận thị trường Âu Châu.


Những nhà hoạt động từng thoát ra khỏi Hồng Kông (Jim Wong, Ray Wong) cùng các viên chức Anh trong một cuộc biểu tình phản đối cộng sản Bắc Kinh đàn áp người Hồng Kông tại London ngày 6 tháng 12, 2021. (Hesther Ng/ SOPA Images/ LightRocket via Getty Images)

 

BRUSSELS – Liên Âu (EU) đang chuẩn bị công bố kế hoạch trừng phạt mạnh mẽ các nước bị cáo buộc bắt nạt kinh tế, trong hành động được cho là nhắm tới Trung Quốc.

Theo dự luật có thể được công bố vào thứ Tư, lệnh trừng phạt kinh tế của EU sẽ nhắm đến các quốc gia "tìm cách can thiệp vào những lựa chọn chủ quyền hợp pháp" của Liên Âu hoặc một trong 27 nước thành viên, "bằng cách áp dụng hoặc đe dọa áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư.”

Những cách trừng phạt mà EU có thể thi hành bao gồm điều chỉnh thuế, thu hẹp khả năng tiếp cận thị trường Âu Châu, hay hạn chế tiếp cận những chương trình mua sắm công cộng và thị trường đầu tư.

Dự luật còn cho biết những nước bị phát hiện bắt nạt kinh tế có thể sẽ bị gạt khỏi chuỗi cung ứng hàng hóa nằm dưới quyền kiểm soát xuất cảng của EU, bị hạn chế quyền sở hữu trí tuệ, bị loại khỏi các dịch vụ tài chính hoặc ngành công nghiệp hóa chất của khối, hay đối mặt với các rào cản kiểm dịch trước khi bước vào thị trường thực phẩm của EU.

Hành động của EU được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc chặn hàng xuất cảng của Lithuania, sau khi thành viên EU này cho đảo Đài Loan mở văn phòng đại diện ở thủ đô Vilnius hôm 18 tháng 11.

Tuy nhiên, văn bản dự luật của EU nhiều lần nhắc rằng Brussels coi công cụ này là đòn răn đe và "biện pháp cuối cùng,” chỉ được dùng khi những nỗ lực ngăn chặn bắt nạt kinh tế khác thất bại.

Khác với các văn phòng đại diện khác của Đài Loan ở nước ngoài, vốn thường được gọi là "Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc,” cơ sở tại Vilnius có tên là "Văn phòng đại diện Đài Loan.”

Trung Quốc phản đối dùng cụm từ "Đài Loan" để đặt tên, bởi lo ngại tạo cảm giác hợp pháp quốc tế cho hòn đảo mà họ coi là một phần lãnh thổ chờ thu hồi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT