Thế Giới

Lều trại nhóm Chiếm Đóng Los Angeles bị bố ráp

Vanessa White/Viễn Đông Wednesday, 30/11/2011 - 10:53:41

Suốt đêm những người biểu tình hô vang: “Nền dân chủ trông giống như thế này!”. Có một sự nhấn mạnh đến hòa bình và bất bạo động, khi người ta cất tiếng hát, chơi đàn guitar...

Vanessa White/Viễn Đông

LOS ANGELES, California – Một vòng người hình thành chung quanh một căn lều, khi những người biểu tình ngồi nắm lấy tay nhau. Một người tổ chức hô lên: “Chúng tôi cần thêm những người tình nguyện! Chúng tôi cần thêm người để bị bắt!”. Lời kêu gọi của ông được lập lại bởi những người biểu tình và ủng hộ viên trong vòng tròn cũng như những người trong đám đông ở xung quanh.
Và ngay sau nửa đêm 30-11-2011, khoảng 1.400 viên chức Sở Cảnh Sát Los Angeles (LAPD), mặc trang phục đầy đủ để chống bạo loạn, bắt đầu bắt giữ hơn 200 người biểu tình thuộc nhóm Chiếm Đóng Los Angeles, ở trước Tòa Thị Chính Los Angeles.


Một người biểu tình nằm lăn ra đất với khẩu hiệu vẽ trên nền đất “Chiếm Đóng Điều Hữu Lý”
trên đường W. 1st Street bên ngoài Tòa Thị Chính Los Angeles đêm 29-11-2011
- ảnh: Venessa Beck/Viễn Đông


Người biểu tình mặt đối mặt với cảnh sát LAPD ở góc đường W. 1st Street và Main St. bên ngoài
Tòa Thị Chính Los Angeles sau nửa đêm 30-11-2011 - ảnh: Venessa Beck/Viễn Đông

Nhóm biểu tình đã được yêu cầu rời khỏi khu vực Tòa Thị Chính, hạn chót là ngày 28-11-2011, nhưng hàng trăm người vẫn cứ ở lại nơi ấy. Ăn mừng ngày thứ 60 trong cuộc “chiếm đóng” Tòa Thị Chính, và phát triển một bãi lều trại cộng đồng, những người biểu tình này đang tham gia vào hoạt động bất phục tùng dân sự, bảo vệ cho điều mà họ tin là họ có quyền chiếm đóng tài sản công cộng. Họ hành động trong tình liên đới với Phong Trào Chiếm Đóng. Phong trào này bắt đầu trong khu vực tài chánh Wall Street của New York, cũng ở San Francisco trong tháng 9 năm 2011. Lấy cảm hứng từ những cuộc biểu tình đòi dân chủ lan tràn khắp khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong mùa Xuân 2011, Phong Trào Chiếm Đóng đã trở thành quốc tế và phần lớn được tường thuật như là “không có người cầm đầu” và “thiếu những yêu sách”, mặc dù những đề tài xoay chung quanh những vấn đề kinh tế và xã hội dường như là tiêu điểm hành động của họ.
Trong lúc ngồi chờ cảnh sát tới, một người biểu tình hô vang: “Chúng tôi không phải là một phong trào không có lãnh đạo! Chúng tôi là một phong trào của những người lãnh đạo!”.


Những thân cây chằng chịt những thứ người biểu tình cột, treo lên vào sáng 30-11-2011;
hậu cảnh là Tòa Thị Chính Los Angeles - ảnh: Vi Lang/Viễn Đông


Một người lao công đang dọn dẹp những thứ người biểu tình để lại sáng 30-11-2011
- ảnh: Vi Lang/Viễn Đông

Lãnh đạo và chuẩn bị
Họ thừa biết rằng chuyện ấy đang tới, và họ chuẩn bị sẵn sàng.
Suốt chiều tối, những người biểu tình ở Los Angeles và những người ủng hộ họ tổ chức những cuộc tụ họp phân tán theo nhóm nhỏ và những cuộc họp chung, nơi đó một nhóm đông hơn nhận được những tin tức cập nhật hóa về chuyện cảnh sát có thể mở một cuộc tảo thanh, và họ chuẩn bị sẵn sàng, lên tiếng bày tỏ quan ngại và những vấn đề, khích lệ lẫn nhau, cũng như đồng ý về hành động tương lai, thông qua sự đồng thuận tiếp theo sau những cuộc biểu quyết.
Các diễn giả, trong nhóm lớn hơn cũng như trong những nhóm phân tán nhỏ, lên tiếng phát biểu bằng những lần hô từ ba tới năm chữ, và để cho những người lắng nghe họ lặp lại theo nhóm những lời họ vừa nói ra. Ai muốn nói thì la lên: “Mic check!”.
Suốt đêm những người biểu tình hô vang: “Nền dân chủ trông giống như thế này!”. Có một sự nhấn mạnh đến hòa bình và bất bạo động, khi người ta cất tiếng hát, chơi đàn guitar, hát nhạc rap, khiêu vũ, hút thuốc, nói chuyện với nhau, hoặc là chỉ ngồi yên mà nhìn những người khác.
Một vài vụ đánh lộn xảy ra giữa mấy người biểu tình, mặc dù nhanh chóng được hạ hỏa khi một số người biểu tình và những người ủng hộ chạy đến tách họ ra.


Từ trong một gian lều Occupy LA nhìn ra, sáng 30-11-2011 - ảnh: Vi Lang/Viễn Đông

Nhóm tổ chức yêu cầu những người biểu tình cũng như những người ủng hộ hãy tôn trọng cộng đồng và loại bỏ mọi thứ gây nghiện, rượu, hoặc võ khí, ra khỏi nơi cắm lều, nếu họ có những thứ ấy.
Họ cũng dự đoán xảy ra một cuộc tảo thanh, khi tin tức lan đến trại của họ cho biết cảnh sát LAPD đang tập trung ở sân vận động Dodger Stadium gần đó.
Một người phụ nữ nói với nhật báo Viễn Đông rằng bà sống ở gần sân vận động này và có nhìn thấy mấy chiếc trực thăng bay trên sân, cũng như thấy một số chiếc xe buýt chạy phía trước những nhóm phóng viên tin tức, tiến về hướng vận động trường. Bà nói rằng đây là nơi mà họ sẽ tập trung những người bị bắt.
Chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc bố ráp và bắt giữ, nhóm tổ chức thông báo cho những người biểu tình và những người ủng hộ biết rằng LAPD sẽ bắt bất cứ người nào còn ở phía trước Tòa Thị Chính, sau khi nhà chức trách cảnh cáo rằng họ phải rời khỏi nơi ấy.
Mỗi người đều được cho hai cách lựa chọn. Bất cứ ai không muốn bị bắt đều không phải ở lại nơi đây, nhưng được yêu cầu ghi chép lại càng nhiều càng tốt, về vụ tảo thanh bắt bớ, bằng máy video hoặc những hình ảnh chụp được. Tuy nhiên, những ai muốn bị bắt, đều được chỉ dẫn đừng nên cưỡng lại. Thay vì vậy, họ được khuyên nên ứng xử một cách hòa hoãn và được khuyến khích viết các số điện thoại của Hiệp Hội Luật Sư Toàn Quốc (National Lawyers Guild) trên cánh tay để họ có thể nhận được sự trợ giúp pháp lý khi ở trong tù và có thể để tìm được tiền thế chân.
Trong khi chờ bố ráp, những người biểu tình nào có ý định để cho cảnh sát bắt đều tự trang bị bằng những mặt nạ chống hơi cay hoặc bằng khăn nhúng vào giấm, để tự bảo vệ theo cách tốt nhất mà họ có thể, chống lại chuyện LAPD có thể sử dụng hơi cay hoặc xịt “nước ớt” (pepper spray) để giải tán họ.
Ngay trước nửa đêm, cảnh sát LAPD đến nơi, phong tỏa chung quanh khu vực Tòa Thị Chính. Mặc dù có những người biểu tình giận dữ la mắng cảnh sát, cũng có những người biểu tình khác nhắc họ rằng chính các cảnh sát viên cũng là thành phần của tầng lớp 99 phần trăm, nói theo chủ đề của Chiếm Đóng, có nghĩa là nhóm người đa số bị áp bức về kinh tế và xã hội bởi 1 phần trăm gồm những người giàu của thế giới.
Không có ai bị thương do những vụ bắt giữ, và cuộc lục soát ban đầu trong khu cắm trại đã không tìm thấy bất cứ một chất gây nghiện hoặc một thứ võ khí nào.
Khu trại đang được dọn dẹp sạch hết những căn lều, rác rưởi, tranh ảnh và những người biểu tình.
Tuy nhiên, có lẽ không dẹp bỏ được sứ điệp cũng như lịch sử của Phong Trào Chiếm Đóng.


Một người biểu tình trong phong trào Chiếm Đóng Los Angeles sáng 30-11-2011
- ảnh: Vi Lang/Viễn Đông


Sắp tới xảy ra chuyện gì nữa?
Mặc dù các phương tiện truyền thông chính lưu lên tiếng chỉ trích rằng Phong Trào Chiếm Đóng thiếu những yêu sách minh bạch và thiết thực đòi thay đổi cải cách, những người biểu tình Chiếm Đóng Los Angeles nói chung tin rằng họ cần thu nhận sự ủng hộ toàn cầu càng nhiều càng tốt, trước khi đưa ra bất cứ yêu sách thiết thực nào.
Hiện không biết chính xác những người biểu tình sẽ tái tụ tập ở đâu, với tư cách là một cộng đồng dài hạn, mặc dù nghe nói nhóm Chiếm Đóng Quận Cam ở Irvine đã hoan nghênh họ đến tham gia khu lều trại Irvine, ở bên ngoài Tòa Thị Chính của thành phố này.
Cũng có những người biểu tình nói rằng họ sẽ quay trở lại Tòa Thị Chính Los Angeles, thiết lập sự hiện diện nhất quán ở đó. - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT