Bình Luận

Lên án thủ tướng Do Thái

Saturday, 31/12/2016 - 10:56:41

Kerry chỉ trích chính phủ Do Thái phá hoại giải pháp “hai quốc gia, một lãnh thổ” -giải pháp mà Hoa Kỳ và nhiều siêu cường đã dầy công tạo thành trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình giữa Do Thái và các quốc gia Hồi Giáo.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Tư, 28 tháng 12, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry lên án Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu tạo trở ngại cho nền hòa bình tại Trung Đông; ký giả David E. Sanger nhận định là chưa nhà ngoại giao nào gay gắt đến như vậy trong lúc nói về lãnh tụ một quốc gia đồng minh thân thiết và gần cận.


Chưa nhà ngoại giao nào gay gắt đến như vậy

Nhận xét của Sanger đúng mà cũng sai, vì ông Netanyahu chỉ đồng minh với một nửa nước Mỹ, và kình chống nửa kia. Theo thuyết “vào bất cứ thời điểm nào Hoa Kỳ cũng vẫn chỉ có một vị tổng thống,” thì từ nhiều năm nay, Netanyahu không phải là đồng minh thân thiết mà cũng không gần cận với tổng thống Hoa Kỳ.

Kerry chỉ trích chính phủ Do Thái phá hoại giải pháp “hai quốc gia, một lãnh thổ” -giải pháp mà Hoa Kỳ và nhiều siêu cường đã dầy công tạo thành trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình giữa Do Thái và các quốc gia Hồi Giáo.

Bài diễn văn “gay gắt” của ông Kerry là đoạn nối tiếp cuộc biểu quyết của 15 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tuần trước, lên án chính sách xâm lấn “tầm ăn dâu” của Do Thái với 14 phiếu chống và 1 phiếu trắng.

Phiếu trắng là của Hoa Kỳ, và lá phiếu trắng đó làm tổng thống mãn nhiệm Obama bị cả Do Thái lẫn tổng thống tân cử Donald Trump chỉ trích nặng nề. Thủ tướng Do Thái trách Obama phản bạn, mặc dù chưa bao giờ ông coi Obama là bạn; Trump cũng trách Obama đắp mô tạo khó khăn cho tân chính phủ Hoa Kỳ do ông lãnh đạo.

Kerry không nghĩ như vậy; ông trả lời, “Chuyện đáng buồn là có một số người tưởng hễ đã là thân hữu với Do Thái, Hoa Kỳ phải chấp nhận mọi chính sách của Do Thái, bất chấp chính sách đó gây thiệt thòi cho quyền lợi của Hoa Kỳ, cho vị thế của Hoa Kỳ, cho những nguyên tắc Hoa Kỳ, và cho những điều chúng ta hứa hẹn. Ấy là chưa nói đến việc chúng ta đã nhiều lần khuyến cáo Do Thái phải thay đổi chính sách. Tôi quan niệm tình thân hữu bắt chúng ta phải nói ra nhiều sự thật mà Do Thái không thích."
Chính sách “xây nhà lấn đất” của Do Thái đã có từ rất lâu, và được tái phát động quy mô từ năm 2010 trên vùng đất gọi là West Bank (Tây Ngạn); nhiều chính khách Palestine và ngay cả chính khách Do Thái thuộc thành phần cấp tiến cũng lên tiếng phản đối.

Ngày 29 tháng 11, 2012, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhìn nhận Palestine là một “quốc gia quan sát viên” tại Liên Hiệp Quốc với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống, và 46 phiếu trắng. Ngay ngày hôm sau, Thủ Tướng Do Thái Netanyahu thách thức Liên Hiệp Quốc bằng quyết định xây 3,000 căn nhà mới trên vùng đất phía Đông Jerusalem, vùng đất này nằm ngoài lãnh thổ Do Thái.

Lần này phản ứng của Netanyahu có thể còn mạnh hơn, vì tân chính quyền Hoa Kỳ muốn Hoa Kỳ có một chính sách mạnh hơn để đưa Hoa Kỳ trở về thế vĩ đại ngày trước.

Ông Kerry nghĩ khác: ông cho là việc ông chỉ trích chính sách xây cất để lấn đất, và chỉ trích những chính khách Do Thái chủ trương chính sách này là để cứu đất nước Do Thái ra khỏi nguy cơ chiến tranh mà chính sách xây cất để lấn đất sẽ tạo ra.

Kerry nói, “Không thể đổi chính sách 2 quốc gia, 1 lãnh thổ thành chính sách Do Thái chiếm toàn bộ lãnh thổ, và những chung cư Do Thái xây trên lãnh thổ Palestine chứng minh một tình trạng sở hữu đã rồi.”
Quyết định của Hoa Kỳ không dùng quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc để bóp chết nghị quyết lên án Do Thái lấn đất, và bài diễn văn rất mạnh của Kerry tạo ra nhiều phản ứng quyết liệt của Do Thái, và của những chính khách Mỹ thân Do Thái.

Netanyahu nói ông ta thất vọng với quan điểm của Kerry và mong cho sớm đến ngày được cộng tác với tổng thống tân cử Donald Trump. Trump trả lời qua Twitter, “ngày 20 tháng Giêng cũng không còn xa gì lắm.”

Hiện nay Do Thái đã có đến 130 khu định cư nằm trên lãnh thổ West Bank của Palestine, với tổng số di dân Do Thái là 630,000. Nhưng tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vẫn nhịn nhục khẳng định, “Chúng tôi chỉ xin Do Thái ngưng tại đó, để hai bên thương thuyết ấn định những điều kiện chung sống hòa bình và lâu dài.”

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ca tụng bài diễn văn của Kerry là đứng đắn nêu lên một tình trạng không thể bưng bít mãi được.

Nhiều nhân vật quan trọng Hoa Kỳ và thế giới đã lên tiếng về chính sách “xây cất để lấn đất” của Do Thái, nhưng quan trọng nhất vẫn là tiếng nói của Thủ Tướng Do Thái Netanyahu; hôm thứ Năm 29 tháng 12, chủ tọa cuộc diễn hành của Không Đoàn 173 Do Thái, ông nói, “Kẻ thù của chúng ta vẫn khiếp sợ Quân Lực Do Thái, và trong tháng vừa rồi, không lực Do Thái còn tiếp nhận một loại phi cơ mới; loại phi cơ này có thể khiến không lực Do Thái đứng vào một trong những hạng đầu của không lực thế giới.”


Thủ Tướng Netanyahu ca ngợi khả năng tác chiến của Không Đoàn 173 Do Thái


Không Đoàn 173 Do Thái

Câu nói chỉ nhắm tác động tinh thần người lính Do Thái, nhưng cũng có thể nói lên ý chí tiếp tục chính sách “xây cất để lấn đất,” dù có phải tiếp tục bằng chiến tranh. Phát ngôn viên David Keyes của Netanyahu cũng chỉ trích Kerry trên CNN là “kẻ đã phản bội chính sách Hoa Kỳ -bỏ rơi Do Thái tại Liên Hiệp Quốc.”

Điểm cần nêu lên để hiểu câu chuyện là việc Do Thái phiền giận Hoa Kỳ về cái tội bỏ lá phiếu trắng không bênh vực Do Thái, trong lúc 14 thành viên khác của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu lên án chính sách “xây cất để lấn đất.”

Nói cách khác, lá phiếu trắng là lá phiếu vô tội nhất trong 15 lá phiếu của thành viên Hội Đồng Bảo An, nhưng cũng là lá phiếu duy nhất bị Do Thái chỉ trích.

Nếu có người nào đủ vô duyên để nêu lên câu hỏi “Tại sao Do Thái không chỉ trích 14 nước kia?” thì câu trả lời sẽ mang tính chất tình cảm gia đình: không bà vợ nào trách ông hàng xóm không chăm sóc bà ta; bà chỉ trách ông chồng.”

Có cần hỏi câu vô duyên kế tiếp, “Anh Yankee cưới cô Do Thái hồi nào” không? Không duyên mà nợ mới là chuyện ngộ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT