Người Việt Khắp Nơi

Lễ tưởng niệm và cầu nguyện

Tuesday, 01/05/2018 - 08:18:56

Một chị khác cho Viễn Đông biết, gia đình chị ở Bến Đá, Vũng Tàu. Chị có ba mẹ con người em mất tích trên biển năm 1985, một cháu 16, một cháu 14 tuổi ra đi từ Vũng Tàu, chồng con của người em đi trước và thoát hiện đang ở Riverside, còn vợ dẫn hai đứa con đi sau thì mất tích.

Ngày Thuyền Nhân lần thứ 9

Trong 9 năm qua kể từ khi khánh thành Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, bao giờ Ủy Ban chúng tôi cũng khẳng định Công Trình Tâm Linh và Lịch Sử này là tâm nguyện chung của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại. (nhà thơ Thái Tú Hạp)

Bài THANH PHONG
WESTMINSTER - Vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 29 tháng Tư, 2018 một buổi lễ Tưởng Niệm và Cầu Nguyện cho hàng trăm Thuyền Nhân, Bộ Nhân Việt Nam đã tử nạn trên đường tìm tự do được tổ chức trang trọng và đầy xúc động tại Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân trong khuôn viên Nghĩa Trang Westminster Memorial Park (Peek Family Funerald), 7801 Bolsa Ave, Westminster, CA 92683.

Quan khách, và Hội Đồng Liên Tôn cùng đồng hương trong nghi thức Tưởng Niệm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân được xây dựng cách nay đúng 9 năm, và mỗi năm vào ngày Quốc Hận, Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm đều tổ chức buổi lễ này với mục đích nhắc nhở và lưu truyền chứng tích tâm linh và lịch sử đến các thế hệ mai sau về nguyên nhân sự hiện hữu của người Việt định cư tại Hoa Kỳ và các quốc gia tự do, dân chủ trên thế giới.

Các vị lãnh đạo tôn giáo và quan khách, đồng hương đang cầu nguyện trước Tượng Đài Thuyền Nhân, trong Ngày Thuyền Nhân lần thứ 9 được tổ chức vào chiều Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Buổi lễ Tưởng Niệm và cầu nguyện có sự tham dự của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ và một số vị lãnh đạo các tôn giáo: Phật Giáo, Công Giáo, PG Hòa Hảo, Chính Thống Giáo và Cao Đài, một số dân biểu liên bang, tiểu bang, chính quyền Quận Cam, thành phố Westminster, Chủ Tịch và ban đại diện các Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali, Cộng Đồng VN Nam Cali, CĐNV San Diego, BS Võ Đình Hữu, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Liên Bang Hoa Kỳ, đại diện các tổ chức, hội đoàn trong cộng đồng, Tập Thể Chiến Sĩ và Liên Hội Cựu Chiến Sĩ QL/VNCH, Ban Tù Ca Xuân Điềm và CLB Tình Nghệ Sĩ, đông đảo đồng hương cùng các cơ quan truyền thông. Buổi lễ được điều hợp bởi nữ sĩ Ái Cầm và xướng ngôn viên Minh Phượng của đài Radio Bolsa.

Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm do Liên Hội Cựu Chiến Sĩ QL/VNCH đảm trách, nhà báo Thái Tú Hạp, Trưởng Ban Tổ Chức Ngày Thuyền Nhân lần thứ 9 đọc diễn văn khai mạc, “Thời gian đã qua, 43 năm nhìn lại, núi sông có thể đổi thay nhưng trong tâm thức Thuyền Nhân Việt Nam sẽ không bao giờ quên được những thảm cảnh kinh hoàng đau thương nhất trong lịch sử dân tộc sau ngày 30 tháng Tư 1975.
“Với niềm tin và hy vọng Thuyền Nhân đã cố gắng can đảm vượt qua để gầy dựng cho các thế hệ con cháu có một tương lai rạng rỡ như ngày hôm nay về mọi lãnh vực trong dòng chính tại Hoa Kỳ và các quốc gia tự do, dân chủ trên thế giới, và đã mang thông điệp đến với thế giới về ý niệm giá trị cao quý của tự do và nhân phẩm của con người.


Chiến hữu Trương Văn Thưởng, Tiểu đoàn 3 Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến và phu nhân thắp hương, đặt hoa trên phiến đá có tên người thân. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

“Đó cũng là lý do Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam hằng năm vào ngày cuối tháng Tư tổ chức lễ Tưởng Niệm và Cầu Nguyện cho hàng trăm ngàn thuyền nhân, bộ nhân sớm siêu thoát. Để lưu truyền đến các thế hệ mai sau sự hiểu biết về nguyên nhân Thuyền Nhân Việt Nam rời khỏi quê hương yêu dấu sau biến cố 30-4-1975.”

Sau đó, nhà thơ Thái Tú Hạp cũng đề cập đến sự thành công của người Việt trên xứ người và lòng tri ân, cảm tạ của người tỵ nạn gửi đến chính phủ và người dân Hoa Kỳ cũng như các nước trên thế giới đã giang rộng vòng tay đón nhận người Việt tỵ nạn cộng sản. Cuối bài diễn văn, ông Thái Tú Hạp nói, “Trong khung cảnh trang nghiêm và thiêng liêng mang ý nghĩa của Ngày Quốc Hận, chúng ta hãy thành tâm cầu nguyện cho Dân Tộc Việt Nam sớm được hưởng Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền thực sự.”


Hình ảnh đau thương trong cuộc vượt biển tìm tự do 40 năm trước đây. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Bác sĩ Lê Hồng Sơn, Bác sĩ Ngô Phùng Hỷ (đồng sáng lập Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân với ông bà Thái Tú Hạp) cám ơn quý vị lãnh đạo tôn giáo, quý vị dân cử, chính quyền và đại diện các tổ chức, hội đoàn, các cơ quan truyền thông cùng đồng hương đã tới tham dự và cầu nguyện cho các thuyền nhân, bộ nhân đã ly trần. Một vị đại diện Ban Giám Đốc Westminster Memorial Park là một thanh niên người bản xứ nhưng nói tiếng Việt lưu loát, anh cám ơn Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân đã chọn nghĩa trang này xây dựng một Đài Tưởng Niệm rất ý nghĩa để các thế hệ sau này biết được giá trị của sự Tự Do khi hàng vạn người, trong đó có thân nhân của họ đã đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do, vì họ thà chết chứ không muốn sống chung với cộng sản.

Phần chính của lễ Tưởng Niệm là những lời cầu nguyện của các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo, trong đó, mỗi vị đều hướng về Đấng Thượng Đế Tối Cao, Mười Phương Chư Phật để cầu cho linh hồn, hương linh của đồng bào tử nạn sớm được siêu thoát về miền tiên cảnh, nơi đó không còn khổ đau, hận thù, ghen ghét, bóc lột, chém giết lẫn nhau. Các vị lãnh đạo tôn giáo đã đứng trên bờ hồ trước Tượng Đài để cầu nguyện, và mọi người tham dự cùng hướng lòng, hiệp ý với các vị lãnh đạo tôn giáo để cầu nguyện với lòng chân thành, thiết tha.

Trong lúc buổi lễ diễn ra, một số thân nhân tay cầm bó hoa hay bó nhang đi tìm tên người thân khắc trên những tấm bia đá. Tìm được tên thân nhân trong số 5 ngàn người đã được khắc trên các tấm bia, chị Yến Nguyễn cư dân Santa Ana nghẹn ngào chỉ tay vào tấm bia có khắc tên Nguyễn Minh Châu, chị nói với Viễn Đông và cô Ngọc Ân (Little Saigon Radio) trong nỗi xúc động, “Đây là tên người cậu của tôi, em ruột má tôi, cậu đi trên chiếc ghe và bị hải tặc Thái Lan quăng xuống biển năm 1990. Hai, ba người bạn của cậu tôi sợ quá nhảy xuống biển để khỏi bị hải tặc chém nhưng rồi tất cả đều chìm xuống lòng biển cả.”

Ông Lưu Phát Tài đặt bó hoa lên phiến đá có tên vợ và con. Ông cho biết, “Hồi đó tôi làm cảnh sát ở Vũng Tàu, tôi bị ở tù Việt Cộng đến cuối năm 1981. Sau khi về rồi, tôi dẫn ba đứa con đi vượt biên trước và được tàu Mỹ vớt đưa tới đảo Bi Đông rồi sau qua Mỹ. Còn bà xã tôi tên là Huỳnh Lệ Ảnh, bả ở lại dẫn đứa nhỏ đi chuyến sau, lúc đó cháu mới có 5 tuổi tên nó là Lưu Huỳnh Trúc Thanh, tôi lấy họ của tôi và họ của bà xã tôi ghép lại. Hai mẹ con bả mất tích luôn tới hôm nay, bà xã tôi lúc đó mới có hơn ba chục tuổi. Tôi buồn lắm, mỗi tháng tôi tới đây hai ba lần, thắp nhang cho hai mẹ con bả và năm nào ngày này tôi cũng tới dự lễ Tưởng Niệm, chưa bỏ năm nào.”

Chị Lê Kim Cúc, cư dân Aliso Viejo, xúc động nói với Viễn Đông trong nước mắt, “Em ruột tôi là Lê Văn Nam đi vượt biên cuối năm 1982, tàu của em tôi bị Thái Lan cướp và giết gần hết, mấy người bạn của em tôi cùng đi trong chuyến đó cũng bị chúng giết hết và quăng xác xuống biển.” Nói tơi đây chị nghẹn lời không nói được nữa. Lúc sau, chị cho biết, “Tôi thương em tôi lắm, hàng năm tôi đều đến đây dự lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho em tôi và các thuyên nhân, mỗi lần đến đây tôi rất là xúc động.” Chị lại khóc, không nói được nữa.

Một chị khác cho Viễn Đông biết, gia đình chị ở Bến Đá, Vũng Tàu. Chị có ba mẹ con người em mất tích trên biển năm 1985, một cháu 16, một cháu 14 tuổi ra đi từ Vũng Tàu, chồng con của người em đi trước và thoát hiện đang ở Riverside, còn vợ dẫn hai đứa con đi sau thì mất tích.

Gia đình chiến hữu Trương Văn Thưởng, Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh TQLC cũng có người thân mất trên đường tim tự do. Hai ông bà đến thắp nhang, đặt bó hoa trên phiến đá có tên người thân và cầu nguyện.
Ông Trần Văn H. kể chuyện thương tâm của gia đình ông, “Tôi và vợ tôi cùng hai đứa con đi vượt biên từ Vũng Tàu vào năm 1981. Đi được hai ngày thì gặp hải tặc, chúng có hai tàu áp sát hai bên tàu chúng tôi, chúng nhảy qua tàu chúng tôi, tên thì cầm mã tấu, tên thì cầm búa, cầm gậy, chúng bắt đàn ông, đàn bà, trẻ con cởi quần áo ra hết. Chúng gom đàn ông vào một chỗ có mấy thằng đứng canh cho những thằng khác lục soát trong đống áo quần xem có cất vàng hay tiền bạc, nữ trang gì không.

“Sau đó, chúng lựa những bà già, lớn tuổi đưa xuống hầm tàu còn những người đàn bà trẻ và con gái thì chúng đè ra hiếp tại chỗ trước mặt chồng con, chúng thay phiên nhau, thằng này hiếp xong thì cầm mã tấu canh cho thằng khác hiếp. Có một anh chồng tức quá chịu không nổi hét lên liền bị nó chém một phát chết ngay tại chỗ và hất xác xuống biển. Thương tâm lắm anh ơi! Kể ra đau khổ lắm! Không có cảnh uất hận nào hơn cảnh mình phải chứng kiến cảnh bọn hải tặc nó hành hạ thân xác vợ mình cho đến chết mà mình không làm gì được! Không phải riêng hoàn cảnh của tôi, tôi nghĩ rất nhiều người Việt mình bị cảnh nhục nhã ê chề này, nói sao cho hết!”

Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân gồm: Ông bà Thái Tú Hạp, cố nhạc sĩ Việt Dzũng, anh Chí Thiện và cô Minh Phượng (Radio Bolsa), BS Lê Hồng Sơn và phu nhân Thu Thủy, GS Vân Bằng, BS Ngô Phùng Hỷ, LS Từ Huy Hoàng, Tam Dan (Cao Học Quản Trị Kinh Doanh) Kỹ sư , Dược sĩ Khánh Hiền-Hạnh Nhi và ca sĩ Doanh Doanh.
Điện thoại liên lạc (626) 589-9242.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT