Người Việt Khắp Nơi

Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu năm thứ 20

Monday, 27/09/2021 - 06:58:19

Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Đệ Nhị Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã được Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH tổ chức...


Nghi thức chào cờ (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Đệ Nhị Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã được Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH tổ chức trang trọng vào trưa Chủ Nhật, ngày 26 tháng 9, 2021, tại hội trường Warner Middle School, 14171 Newland St, Westminster.

Vị chủ tọa buổi lễ là ông Nguyễn Đức Cường, cựu Tổng Trưởng Kinh Tế và Thương Mại, đại diện cựu thành viên nội các chính phủ Đệ Nhị Cộng Hòa. Ngoài ra có một số viên chức cao cấp từng phục vụ trong nền Đệ Nhị Cộng Hòa cũng hiện diện như Đại Tá Lê Bá Khiếu (Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Ngãi), Đại Tá Trần Minh Công (Viện Trưởng Học Viện CSQG); quý ông Nguyễn Huy Sỹ (Giám Đốc Nha Hành Chánh Bộ Dân Vận Chiêu Hồi), Đoàn Hữu Định (Công Cán Ủy Viên Bộ Dân Vận Chiêu Hồi), Ông Nguyễn Thiệu (Phó Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Tín).

Ngoài ra có BS. Phạm Đức Vượng (Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Tập Thể Chiến Sĩ VNCH), BS Nguyễn Hoàng Quân (Giám Đốc Bảo Tàng Quân Đội); các Hội Trưởng trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH, Hội Tây Sơn Bình Định, Hội Võ Thuật, Trần Hưng Đạo Foundation, Hội Trưởng các Hội Đồng Hương: Quảng Nam Đà Nẵng, Biên Hòa, Bạc Liêu, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tây Ninh, Cà Mau.

Về dân cử có Dân Biểu Janet Nguyễn, Thị Trưởng Trí Tạ, Nghị Viên Nguyễn Mạnh Chí, Nghị Viên Tài Đỗ, Nghị Viên Phát Bùi, Nghị Viên Kimberly Hồ, Nghị Viên Thu Hà Nguyễn và đại diện các Nghị Sĩ, Dân Biểu địa phương và liên bang Hoa Kỳ cùng các cơ quan truyền thông


Di ảnh TT Nguyễn Văn Thiệu (ảnh TC KBC Hải Ngoại)

Trước khi cử hành lễ tại trường Warner, một số chiến hữu đại diện ban tổ chức đã đến Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ đặt vòng hoa Tưởng Niệm cố Tổng Thống Thiệu và anh linh chiến sĩ QL/VNCH và đồng minh. Sau đó lễ chính thức được cử hành lúc 1 giờ 30 tại hội trường Warner Middle School.

Buổi lễ được điều hành bởi mũ đỏ Nguyễn Văn Hùng và mũ đỏ Hoàng Tấn Kỳ. Mở đầu có nghi thức rước chân dung cố Tổng Thống, nghênh đón Lệnh Kỳ, rước Quốc, Quân kỳ, chào cờ Việt - Mỹ và phút mặc niệm. Bức chân dung cố TT Thiệu được an vị trên lễ đài trang trọng. Ngoài bàn thờ cố tổng thống, hai câu nói bất hủ của ông cũng được treo trong hội trường “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm” và “Đất nước còn, còn tất cả. Đất nước mất, mất tất cả.”

Sau khi MC Nguyễn Văn Hùng giới thiệu quan khách, chiến hữu Tần Nam, Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, Trưởng Ban Tổ Chức đọc diễn văn khai mạc. Trong phần mở đầu, chiến hữu Tần Nam cho biết, “Nói về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi miền Nam VN rơi vào tay Cộng Sản miền Bắc có khá nhiều tài liệu viết về ông nhưng hôm nay tôi xin được phép trình bày một phần nhỏ trong trang sử mang những quyết định có tích cách quan trọng trong giai đoạn khó khăn và nghiệt ngã nhất trong khi ông còn ở cương vị Tổng Thống, đó là Hiệp Định Paris.

“Sau đây tôi xin đọc nguyên văn cuộc đối thoại đó “Ký vào Hiệp định Paris là ký vào bản án khai tử miền Nam Việt Nam” và ông lập luận với phái đoàn Mỹ rằng tôi dốc sức bảo vệ từ đầu cho đến khi kết thúc đàm phán, chính là yêu cầu Hà Nội phải rút quân. Tôi đã tuyên bố rõ với Kissinger là nếu không đạt được điều đó thì không có ký kết.


Súng mặc niệm để tưởng niệm Cố Tổng Thống Thiệu. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

“Đó là quan điểm cứng rắn và lập trường rõ ràng của ông khi đàm phán với phái đoàn Mỹ, vì ông hiểu rằng, chiến tranh sẽ tiếp tục và không có hòa bình khi CS không chịu rút quân về bên kia. Sau đó, ông Đại Sứ Bunker trả lời: “Vậy thì thưa Tổng Thống, lập trường chót của ngài là không ký, có phải không?” TT Thiệu đáp “Vâng, đó là lập trường cuối cùng của tôi. Tôi sẽ không ký và tôi xin ngài thông báo cho TT Nixon biết như thế. Xin quý vị trở lại Washington và nói với TT Nixon rằng tôi cần được trả lời.” Nhưng cuối cùng, để ép TT Thiệu ký vào Hiệp Định Paris, TT Nixon nói rằng, “Ông không ký là cố tình cắt đứt liên lạc giữa VNCH và Mỹ.””

Kế đến, ông Nguyễn Xuân Tám, sĩ quan cận vệ của Tổng Thống tuyên đọc tiểu sử cố TT Nguyễn Văn Thiệu. Sau đó, ban tổ chức chiếu trên màn hình cảnh TT Thiệu đọc Nhật Lệnh nhân ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1973, và mời ông Nguyễn Đức Cường cùng các vị Hội Trưởng trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ lên thắp hương, rồi đến các vị dân cử, đại diện các tổ chức, hội đoàn lên thắp hương trước di ảnh cố Tổng Thống Thiệu.

Sau màn hợp ca “Cờ Bay, Cờ Bay Trên Cổ Thành Quảng Trị,” ban tổ chức mời ông Nguyễn Đức Cường, vị chủ tọa buổi lễ lên phát biếu. Bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Cường khá dài nhắm vào việc bảo vệ lãnh thổ và xây dựng đất nước của cố TT Nguyễn Văn Thiệu. Về Bảo Vệ Lãnh Thổ, vị cựu Tổng Trưởng Kinh Tế & Thương Mại dẫn chứng qua các trận đánh khốc liệt từ Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch mùa Xuân 1972 do quân Cộng Sản Bắc Việt phát động đến trận hải chiến Hoàng Sa tháng Giêng năm 1974 do Hải Quân Trung Cộng khởi xướng rồi đến những trận Mùa Hè Đỏ Lửa, trận Quảng Trị, Hạ Lào, Kon Tum, An Lộc, v.v.. Tất cả những trận đánh, TT Nguyễn Văn Thiệu đã phải đương đầu với quân Bắc Việt và Trung Cộng để giữ vững miền Nam như thế nào. Về Xây Dựng Đất Nước, ông Nguyễn Đức Cường nêu ba di sản nổi bật do cố TT Thiệu để lại: Thứ nhất là thực hiện chương trình Người Cày Có Ruộng. Thứ hai là chương trình ổn định kinh tế trong ngắn hạn song song với phát triển kinh tế toàn diện và lâu dài dựa trên ba yếu tố: Bảo vệ quyền tư hữu theo Điều số 19 của Hiến Pháp - Áp dụng kinh tế thị trường và Dựa vào lãnh vực tư nhân, trong cũng như ngoài nước.

Di sản thứ ba là mở đầu kỷ nguyên dầu hỏa cho đất nước, và ông cũng nêu ra các cuốn sách “Voice from the Second Republic of South Viet Nam (1967-1975), cuốn “The Republiuc of Vietnam 19755-1975 Vietnamese Perspectives on Nation Building” và cuốn War and Society in South Vietnam: Crises Opportunities and Diasporic Legacies là những cuốn sách nói về chiến tranh Việt Nam, về nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa do các trường Đại Học Cornell, Berkeley Hawaii xuất bản và bán rất chạy. Riêng cuốn sách thứ nhất đã được Hà Nội mua 100 cuốn cho các sinh viên tham khảo.


Chiến hữu Tần Nam, Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, Trưởng Ban Tổ Chức lễ Tưởng Niệm cố TT Thiệu. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Cuối lời trình bày, ông Nguyễn Đức Cường kết luận, “Thử hỏi có mấy nhà lãnh đạo trong lịch sử thế giới cận đại, đã thực hiện được những công trình như trên trong khoảng thời gian 10 năm? Nhân cách của cố Tổng Thống , tính cương quyết và đường lối đúng đắn của cố Tổng Thống vẫn còn nằm mãi mãi trong lòng người Việt”.

Trong chương trình có phần phát biểu của TS Nguyễn Tiến Hưng nhưng giờ chót ông bị bệnh nên đã nhờ BS Phạm Đức Vượng đọc bài “Tâm Tình Người lãnh Đạo Đệ Nhị Cộng Hòa Đối với người Chiến Binh, một vài kỷ niệm còn ghi dấu ấn” do TS Nguyễn Tiến Hưng viết. Bài tâm tình dài gần 10 trang giấy kể lại những công trạng của cố TT Thiệu đối với đất nước, với quân đội và với đồng minh đã phản bội. TS Nguyễn Tiến Hưng cũng đưa ra những dữ kiện để chứng minh rằng sự kiện xảy ra giữa ngày 15.8.2021 ở Afghanstan với ngày 30.4.1975 tại VNCH hoàn toàn khác nhau. Là một người thân cận nhất với cố TT Thiệu, TS Hưng cho biết, khi còn tại chức ông Thiệu có ý tưởng biến Phú Quốc thành một Đài Loan thứ hai, và trong lúc trận chiến sắp kết thúc, TT Thiệu đã dự định đưa toàn bộ quân lực về miền Tây (từ cầu Bến Lức đến Cà Mau) để thu nhỏ VNCH củng cố lực lượng chờ ngày tái chiếm lại nhưng ý định không thành.

Ngoài ra, TS Hưng cũng giải thích câu nói của nhiều anh em cho rằng TT Thiệu đào ngũ nhưng không phải. Ngày 20.4 Đại Sứ Graham Martin theo chỉ thị của Ngoại Trưởng Henry Kissinger đã tới Dinh Độc Lập thuyết phục ông từ chức (với kế hoạch để tướng Minh lên thay) và nói “Nếu ông không chịu từ chức thì các tướng lãnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông làm điều này.” Ông Thiệu hỏi ông Martin “Nếu tôi từ chức thì liệu viện trợ có đến hay không?” Martin trả lời, “Tôi không dám hứa nhưng cũng có thể.” Ngày hôm sau, TT Thiệu đã mời các tướng lãnh đến Dinh Độc Lập. Trong buổi họp, ông cho họ biết về những chuyện Đại Sứ Martin đề cập tới. Ông Thiệu nói, nếu các tướng lãnh coi ông như một chướng ngại vật cho hòa bình của đất nước thì ông sẽ từ chức. Không ai phát biểu gì hết. Thế là đã rõ họ không muốn tôi ngồi lại ghế Tổng Thống nữa, cho nên tôi tuyên bố từ chức để Phó TT Trần Văn Hương lên thay, theo đúng Hiến Pháp.

TS Nguyễn Tiến Hưng trong phần cuối bài phát biểu, ông nói, “Ngày hôm nay, trong dịp tưởng niệm lần thứ 20 về người lãnh đạo nền Đệ Nhị Cộng Hòa, chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã của đại dịch Covid và của hiểm họa Trung Quốc. Chúng ta cùng nhau cầu xin Thiên Chúa cho linh hồn Martino Nguyễn Văn Thiệu sớm được về cõi Thiên Đàng, và xin người cầu cho chúng tôi, tất cả những người Việt Nam trong những giờ phút nguy khốn này.”


Ông Nguyễn Đức Cường, cựu Tổng Trưởng Kinh Tế & Tài Chánh, đang phát biểu. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Sau đó ban tổ chức mời một số dân cử lên phát biểu và sau cùng chiến hữu Phan Tấn Ngưu (Tổng Hội Trưởng Tổng Hội CSQG) thay mặt Liên Hội Cựu Chiến Sĩ cảm tạ quan khách cùng tất cả các tổ chức, hội đoàn, các cơ quan truyền thông tham dự và tuyên bố bế mạc .

Cố TT Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 11.12.1924 tại làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải tỉnh Ninh Thuận, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Mai Anh, sinh hạ được ba người con Nguyễn Thị Tuấn Anh, Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Thiệu Long và một dưỡng nữ Nguyễn Phương Anh. Ông gia nhập Khóa 1 trường Võ Bị Quốc Gia Huế vào tháng 12 năm 1948. Ông đắc cử Tổng Thống Đệ Nhị Cộng Hòa trong hai nhiệm kỳ từ tháng 9 năm 1967. Lúc 10 giờ tối ngày 29 tháng 9, 2001 ông tạ thế tại bệnh viện Beth Israel Deacones, thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts. Hưởng thọ 78 tuổi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT