Đạo và Đời

Lễ Hiển Linh

Thursday, 12/01/2017 - 08:55:24

Cuộc đời của chúng ta cũng là một cuộc hành trình tìm kiếm Chúa. Cuộc hành trình tìm kiếm này không bao giờ đơn giản.

Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Trước thánh lễ Nửa Đêm mừng Chúa Giáng Sinh, cha xứ đi ngang qua hang đá. Bỗng dưng ngài chau mày vì tất cả mọi sự còn đó nhưng Chúa Hài Đồng thì không. Ai đã đánh cắp Chúa Hài Đồng. Cha xứ chạy hết mọi nơi để lục soát. Ngài cũng thông báo cho tất cả mọi người tham dự thánh lễ đêm hôm đó về sự mất tích của Chúa Hài Đồng, nhưng chẳng ai tìm thấy Chúa Hài Đồng ở đâu. Đêm hôm đó ngài đã không an giấc.



Buổi sáng hôm sau cha xứ đi vào những con đường chung quanh nhà thờ. Mọi sự thật vắng lặng nhưng vẫn có một cậu bé trai bốn hoặc năm tuổi đang kéo lê một toa xe lửa bằng gỗ trên đường. Cha xứ chào hỏi cậu bé và chúc mừng Giáng Sinh. Cậu bé cũng chào hỏi và chúc mừng Giáng Sinh cha xứ. Nhưng rồi cha xứ bỗng chau mày nhìn vào toa xe lửa của cậu bé vì chiếc toa xe lửa này không trống trơn mà trong đó có một vị hành khách và vị hành khách này không phải là ai xa lạ, nhưng là chính Chúa Hài Đồng trong máng cỏ đã bị đánh cắp.

Cha xứ tức giận chất vấn cậu bé tại sao lại đánh cắp Chúa Hài Đồng. Cậu bé trả lời rất dễ thương và rõ ràng, “Con đâu có ăn cắp Chúa Hài Đồng. Con chỉ mượn Chúa Hài Đồng. Con đã hứa với Chúa Hài Đồng rằng nếu con có quà Noel năm nay là một chiếc xe lửa thì con sẽ cho Chúa đi một vòng trên xe lửa. Con muốn giữ lời hứa với Chúa.”

Lễ Giáng Sinh mang lại nguồn cảm hứng không bao giờ cạn. Câu chuyện trên đã xảy ra thật sự và được kể lại bởi chính vị linh mục trong câu chuyện. Chúa Giáng Sinh đã là niềm vui của biết bao con người, từ những tâm hồn thơ bé cho tới những người già cả. Câu chuyện ba nhà đạo sĩ, đôi khi còn được gọi là ba vua hay ba nhà thông thái, đã lên đường để tới triều bái Chúa Hài Đồng cũng là câu chuyện có thật được kể lại bởi Phúc Âm Thánh Matthêu trong suốt hơn hai ngàn năm qua.

Chúa Hài Đồng đã trở thành niềm thương mến của tất cả những ai muốn đi tìm kiếm Ngài. Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem, Mẹ Maria, Thánh Giuse, các mục đồng là những người đầu tiên chào đón Ngài. Tuy nhiên, ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho người Do Thái mà là ơn cứu độ cho tất cả mọi người.
Cuộc viếng thăm của ba nhà đạo sĩ khởi hành từ phương Đông đã nói lên điều đó và lễ này được gọi là lễ Hiển Linh, để nói rằng Thiên Chúa tỏ mình cho tất cả nhân loại, tất cả muôn dân. Ba nhà đạo sĩ không phải là người Do Thái để ám chỉ rằng các ngài đại diện cho muôn dân, đã đến để tôn nhận vương quyền của Chúa Cứu Thế.

Cuộc đời của chúng ta cũng là một cuộc hành trình tìm kiếm Chúa. Cuộc hành trình tìm kiếm này không bao giờ đơn giản. Cũng như những nhà đạo sĩ có những lúc đã không nhìn thấy ánh sao Bêlem dẫn đường đi trước các ngài, chúng ta cũng có những lúc bị mất phương hướng trong cuộc hành trình đức tin của mình.

Nhưng gương của các vị đạo sĩ không biết mệt mỏi trên những chặng đường dài sẽ thôi thúc chúng ta biết cố gắng bền đỗ để có thể vượt qua những phong ba và thử thách trên con đường tìm kiếm Chúa. Sự kiên trì và cậy trông sẽ giúp chúng ta có những khám phá bất ngờ và niềm vui và cuối cùng sẽ gặp được Chúa. Như ba nhà đạo sĩ, chúng ta hãy bước tới để thờ kính Vua giáng trần.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT