Người Việt Khắp Nơi

Lễ giỗ năm thứ 17 Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận

Monday, 16/09/2019 - 06:03:09

Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã từ trần vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 16.9.2003 tại Roma.


Linh Mục Vincent Phạm Ngọc Hùng, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo, chủ tế thánh lễ, đang giảng thuyết về Lễ Suy Tôn Thánh Giá và cuộc đời Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã từ trần vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 16.9.2003 tại Roma. Đức Cố Hồng Y đã được Tòa Thánh nâng lên Bậc Đáng Kính và đang trong tiến trình được phong Chân Phước. Vào lúc 8 giờ 30 sáng thứ Bảy, ngày 14.9.2019 Thánh Lễ Giỗ năm thứ 17 cho Ngài đã được cử hành tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, 1538 Century Blvd, Santa Ana do Linh Mục Vincent Phạm Ngọc Hùng, Giám Đốc TT Công Giáo chủ tế, Linh Mục Phaolô Phạm Minh Trí (đến từ Giáo Phận Long Xuyên) đồng tế và Thầy Phó Tế Chu Bình phụ tế.

Tham dự thánh lễ có Ban Thường Vụ Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange, Hội Cao Niên Công Giáo, Một số thân nhân gia đình Đức Cố Hồng Y, Ca đoàn Vui Mừng và Hy Vọng cùng đông đảo giáo dân đến từ 15 cộng đoàn Công Giáo tại Orange County.

Trước thánh lễ, Ông Kevin Kiệt Trần, Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ CĐCGVN có lời chào mừng và cám ơn quý Linh Mục, Phó Tế, tu sĩ nam nữ, quý chức các Cộng Đồng, Cộng Đoàn cùng toàn thể cộng đồng dân Chúa đã đến tham dự thánh lễ, cầu nguyện cho Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Sau lời chào mừng, có phần suy niệm “Con Có Một Tổ Quốc,” nhắc lại lời của Đức Cố Hồng Y như một lời trăn trối và nhắn nhủ giáo dân trước khi Ngài qua đời.
Tiếp đến, Ban Tế Lễ thuộc Hội Cao Niên Công Giáo đã cử hành nghi thức dâng hương trước bàn thờ Đức Cố Hồng Y. Sau đó, ca đoàn Vui Mừng và Hy Vọng do Ca Trưởng Nguyễn Văn Nghi điều khiển hát bài ca nhập lễ “Tôi Ngước Mắt Cao” do LM nhạc sĩ Kim Long sáng tác, và Linh mục chủ tế cùng LM đồng tế và thầy Phó Tế tiến lên bàn thánh.


Ca đoàn “Vui Mừng và Hy Vọng” hát thánh ca trong thánh lễ. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Linh Mục Phạm Ngọc Hùng mở đầu thánh lễ nói, “Hôm nay giáo hội mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá, và hôm nay cũng là ngày chúng ta dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, xin cho Đức Cố Hồng Y sớm được hưởng nhan thánh Chúa và cho tiến trình phong Chân Phước cho Bậc Đáng Kính của Giáo Hội được mọi sự tốt đẹp.”

Trong bài giảng, Linh Mục Phạm Ngọc Hùng cho biết, “Vào thời Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá, người La Mã đô hộ người Do Thái và họ dùng Thập Giá để giết chết những người tử tù phạm những tội rất nghiêm trọng trong xã hội, nên mỗi khi người Do Thái nhìn thấy cây thập giá họ rất kinh hoàng, rất sợ hãi.
“Cái ý tưởng mừng Thập Giá Chúa Kitô là một cái ý tưởng người ta không thể tưởng tượng được, tại sao người ta lại có thể đi mừng một cái hình thức giết người một cách tàn bạo như vậy? và không thể nào tưởng tượng được một ngày nào đó người ta sẽ mừng những những phương pháp giết người một cách tàn bạo như voi dầy, bắn hay chích thuốc.

“Tất cả những hình thức đó nó tước đoạt đi mạng sống của con người, và Thập Giá là hình thức tước đoạt mạng sống con người tàn nhẫn nhất vào thời bấy giờ. Nhưng tại sao ngày hôm nay Giáo Hội lại Suy Tôn Thập Giá và trở thành Thánh Giá cho mỗi người chúng ta?”
Linh mục cho biết, sáng nay cha có đọc bài suy gẫm của một vị Giám Mục, vị Giám Mục nói, lý do duy nhất để thập giá trở thành Thánh Giá để được suy tôn, đó là Con Thiên Chúa đã chấp nhận cái nhục hình đó để chuộc tội cho loài người, và Ngài đã từ Thập Giá sống lại, và Đức Giêsu Kitô qua bài Phúc Âm ngày hôm nay Ngài đã nói rõ: “Những ai nhìn lên Thập Giá nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh sẽ được cứu chuộc.”
Trong lịch sử loài người, và trong lịch sử Giáo Hội nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng, một trong những người đã yêu mến Thánh Giá và được nhiều người để ý đến, ngưỡng mộ, đó là Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận của chúng ta, có lẽ ngài là một Giám Mục, một Hồng Y có cây Thánh Giá đơn sơ và duy nhất ở trong Giáo Hội. Ai đã từng đọc tiểu sử hay những dòng hồi ký của Đức Hồng Y, chúng ta thấy Ngài say mê Thánh Giá, yêu mến và kính trọng Thánh Giá, Ngài bị cầm tù 13 năm và có những thời gian mà chính quyền Cộng Sản VN đã phải cho đến 5, 6 người túc trực canh giữ Ngài ngày đêm, không cho Ngài nói và làm bất cứ việc gì, nhưng Đức Hồng Y đã cảm hóa được những viên cai tù khiến họ phải làm ngơ cho Ngài đẽo khúc gỗ làm cây Thánh Giá, và thậm chí còn bí mật kiếm cho Ngài sợi dây điện và một cái kìm nhỏ để Ngài làm sợi dây đeo cây Thánh Giá.

Cây Thánh Giá đó đã theo Ngài suốt đời, và hiện nay một nhà Dòng bên Đức đang được vinh dự lưu giữ Cây Thánh Giá của Đức cố Hồng Y của chúng ta. Sau đó, vị chủ tế nhắc nhở giáo dân: Từ cây Thập Giá của Đức Kitô đến cây Thập Giá của Đức cố Hồng Y rồi đến cây Thánh Giá của mỗi người chúng ta. Đức Hồng Y trọn một đời đã ôm Thánh Giá, vác Thánh Giá của Chúa, một đầy tớ trung thành của Giáo Hội, yêu Thánh Giá đến độ chấp nhận không lùi bước trước những nghịch cảnh, trước những áp bức, những tra tấn của chính quyền CS, Ngài đã vác cây Thánh Giá bằng chính cuộc đời của Ngài, mỗi người chúng ta cũng có Thánh Giá của mình; Chúa đã vác Thánh Giá của Ngài, Đức Hồng Y đã vác Thánh giá của Ngài, mỗi người chúng ta cũng vác Thánh giá của chúng ta, có lẽ chúng ta không được cái can đảm, mạnh mẽ như Đức Hồng Y đã suy tôn Thánh Giá trong cuộc đời của Ngài, nhưng chúng ta hãy làm với hết khả năng Chúa ban cho chúng ta.
Chúa không đòi hỏi chúng ta vác Thánh Giá như Chúa nhưng Chúa muốn chúng ta vác Thánh Giá theo khả năng của mình; nếu Chúa biết chúng ta cố gắng, Ngài sẽ đoái thương chúng ta, chỉ trừ khi chúng ta chối bỏ Thánh Giá. Chúng ta chối bỏ Thánh Giá là chối bỏ ơn cứu độ, bởi vì Chúa đã chọn cây Thánh Giá thực hiện ơn cứu độ . Chúng ta tham dự Thánh Lễ Suy Tôn Thánh Giá và tiếp tục cầu nguyện cho tiến trình phong Chân Phước cho Đức Cố Hồng Y, chắc một ngày không xa. Trong ngày đó, Giáo Hội nói chung và Giáo Hội VN nói riêng sẽ tưng bừng, hãnh diện và hân hoan có thêm một vị Chân Phước người Việt Nam, và ngày đó không xa.
Sau bài giảng, Thánh lễ tiếp tục cho đến khi kết thúc, và linh mục chủ tế ban phép lành của Chúa cho mọi người.

Đức cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17.4.1928 tại Phủ Cam, Huế trong một gia đình có 8 người con. Thân phụ ngài là cụ Nguyễn Văn Ấm, thuộc dòng tộc quyền quý tại Huế; thân mẫu là cụ bà Ngô Đình Thị Hiệp. Năm 1939 ngài vào học ở Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị. Năm 1947 vào Đại Chủng Viện Phú Xuân Huế. Ngày 11.6.1953 được Đức Giám Mục Urritia, Giám Mục Huế truyền chức Linh Mục. Sau khi chịu chức, ngài được cử làm Phó Xứ Tam Tòa, Quảng Bình, sau làm Phó Xứ giáo xứ Phanxico Xavie, Huế. Năm 1956 được cử đi du học về Phân Khoa Giáo Luật thuộc Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana từ 1956 -1959 và đậu Tiến Sĩ Giáo Luật. Sau đó trở về Huế giữ các chức vụ: Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Phú Xuân (1959) – Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện (1962).
Năm 1964 được cử kiêm Tổng Đại Diện Giáo Phận Huế. Ngày 4 tháng 5, 1967 Tòa Thánh bổ nhiệm LM Nguyễn Văn Thuận làm Giám Mục Chính Tòa của Giáo Phận Nha Trang. Đức tân Giám Mục Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận lấy khẩu hiệu “Vui Mừng và Hy Vọng” và được cử làm Cố Vấn Ủy Ban Giáo Hòang về Giáo Dân (1971 – 1975). Ngày 23.4.1975 Tòa Thánh cử ngài làm Tổng Giám Mục hiệu tòa thành Vadesitana và cử Ngài giữ chức vụ Phó Tổng Giám Mục Saigon với quyền kế vị nhưng bị Ủy Ban Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thành phố Saigon quyết định không cho ngài hoạt động tại nhiệm sở mới và Ủy Ban Quân Quản Saigon yêu cầu ngài phải trở lại Nha Trang.

Ngày 15.8.1975 ngài bị bắt đưa về quản chế tại giáo xứ Cây Vong, không cho ngài cử hành thánh lễ và các việc mục vụ. Ngày 29.11.1976 xe công an đến trại Phú Khánh đưa ngài về trại giam Thủ Đức. Ngày 1.12.1976 ngài cùng nhiều người khác, trong đó có GS Nguyễn Thanh Giàu (hiện là Hội Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Nam Cali) bị đưa ra Bắc bằng đường thủy. Ngày 5.2.1977 Ngài bị đưa vào trại giam Thanh Liệt. Ngày 13.5.1978 Ngài được báo tin sẽ được phóng thích nhưng bị quản chế tại Giang Xá. Ngày 21.31991 Ngài bị trục xuất khỏi Việt Nam. Ngài đến Thụy Sĩ và từ đó qua Roma.
Ngày 24.11.1994 Tòa Thánh bổ nhiệm Ngài làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, và ngày 24.61998 Ngài được cử làm Chủ Tịch Hội Đồng này (ngang hàng Tổng Trưởng). Mùa Chay năm 2000, Ngài được Đức Giáo Hoàng giao phó giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và giáo triều Roma. Ngày 21.1.2001 Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II phong tước Hồng Y.
Ngày 16.9.2002 Ngài đã được Chúa gọi về nhà Cha trên Trời vào lúc 6 giờ 30 chiều tại Roma sau cuộc giải phẩu tuyến tiền liệt.

Nhật báo Los Angeles Times số ra ngày 21.2.2001 có đăng một bài nhận định dưới đầu đề: “The Men Who Would Be Pope” (Những vị có thể lên ngôi Giáo Hoàng) dự đoán 14 vị Hồng Y có nhiều khả năng được bầu làm Giáo Hoàng. Đặc biệt, theo tác giả, Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình có rất nhiều khả năng được bầu kế vị Đức Gioan Phaolo Đệ II. Các báo tại Ý và Pháp cũng dự đoán như vậy.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT