Đạo và Đời

Lễ Giỗ Cố TT Ngô Đình Diệm năm thứ 58

Thursday, 04/11/2021 - 08:39:04

Lễ tưởng niệm năm thứ 58 cố Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu cùng tất cả quân dân...


Bàn thờ cố TT Ngô Đình Diệm tại nhà thờ Westminster (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Bài THANH PHONG


WESTMINSTER - Lễ tưởng niệm năm thứ 58 cố Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu cùng tất cả quân dân cán chính VNCH đã hy sinh vì lý tưởng quốc gia và chính nghĩa dân tộc được Khối Tinh Thần Tổng Thống Ngô Đình Diệm tổ chức vào lúc 12 giờ 15 trưa ngày 2 tháng 11, 2021 tại thánh đường giáo xứ Westminster (Blessed Sacrament Church) 14072 S.Olive St, Westminster. Thánh lễ do Linh Mục Chánh Xứ Nguyễn Văn Tuyên chủ tế.


Trong số đông đảo người tham dự thánh lễ, không chỉ có tín hữu Công Giáo mà có khá đông các sĩ quan QL/VNCH thuộc mọi binh chủng và một số đồng bào không cùng tôn giáo đến tham dự để bày tỏ lòng tiếc thương và cầu nguyện cho cố TT Ngô Đình Diệm, bào đệ Ngô Đình Nhu và các quân dân cán chính VNCH đã hy sinh vì chính nghĩa quốc gia.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, ông Đinh Văn Hào, Chủ Tịch Cộng Đoàn Westminster đã nói sơ lược về ý nghĩa và mục đích của buổi lễ đặc biệt này. Trong bài giảng, LM Nguyễn Văn Tuyên cũng cho biết, khi nghe tin cố TT Ngô Đình Diệm bị sát hại cả gia đình LM rất buồn, mặc dầu lúc đó LM còn nhỏ nhưng cũng cảm thấy buồn theo. Vị LM chánh xứ cũng khẳng định “con người nhân vô thập toàn,” TT Diệm cũng vậy nhưng những điều tốt lành ông làm cho dân, cho nước vượt trội nên mặc dù đã 58 năm trôi qua, càng ngày người ta càng thương tiếc ông, càng cầu nguyện cho ông.


Ghi lại lời về TT Ngô Đình Diệm


Trong Lễ giỗ năm nay, Khối Tinh Thần TT Ngô Đình Diệm do giáo sư Lê Tinh Thông đứng đầu đã ấn hành cuốn “Hoài Cổ, Hoài Ngô, Tại Sao Không?” để giải thích lý do tại sao không chỉ 58 năm qua mà mãi mãi vẫn không quên ơn Người.


Năm nay, xin ghi lại một số sự kiện do chính hai Phật tử, Pháo thủ Lê Châu Lộc, sĩ quan Tùy Viên của TT VNCH Ngô Đình Diệm từ 1959 cho đến khi chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng Hòa 1.11.1963, và của cụ Cao Xuân Vỹ, Tổng Trưởng Thanh Niên Cộng Hòa. Cả hai vị nay đã quá cố.


Là người thân cận nhất, luôn có mặt bên cạnh TT Diệm, ông Lê Châu Lộc đã ghi lại như sau: Về Thói Quen: TT Diệm có lối sống đơn giản của người độc thân, kê một giường ngủ ngay cạnh văn phòng, và TT thường tại đó. Mỗi buổi sáng, TT tham dự thánh lễ. Về Tiền Bạc: Tiền lương hàng tháng của TT thì ông Võ Văn Hải, Bí Thư đặc biệt của TT lĩnh tiền và cất giữ. Tiền này thường được chi dùng cho các dịch vụ như trả tiền cơm cho TT, bà bếp đi chợ nấu ăn cho TT và các nhân viên như: Ông Hải, các sĩ quan tùy viên có mặt v.v..thêm 50 đồng một ngày và là tiền ủy lạo mỗi khi đi công cán, tặng cho binh sĩ, đơn vị và dân nghèo.


Về Ăn Uống: Thực đơn của bữa điểm tâm thường là cháo trắng, hột vịt muối hay cá kho và dưa món. Bữa trưa cũng chỉ là vài cái bắp cải luộc với tô nước trà bự rót nước nổi bọt, xong nghỉ ngơi độ nửa giờ. Buổi tối, bữa ăn nhiều chuẩn bị hơn, cố nhiên là món miền Trung, họ hàng ở Huế vẫn thường gửi đồ ăn vào cho TT như cá kho...Bữa ăn tối nếu có người trong gia đình như các bà chị, TGM Ngô Đình Thục thì không khí vui vẻ hơn. Hôm nào buổi tối có dạ tiệc thết khách thì cố nhiên phải chuẩn bị thực đơn tương xứng, tuy nhiên vẫn có thức ăn thanh đạm riêng dành cho TT được mang thêm ra.



Ban tù ca Xuân Điềm trong Lễ Tưởng Niệm cố TT Ngô Đình Diệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở Westminster vào năm 2017. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Trang phục: Quần áo của TT do tiệm nay Chya đường Lê Thánh Tôn phụ trách và cung cấp, hàng ngày ông Ân lo quần áo. Không có khách thì TT mặc khăn đóng áo dài. Nếu có khách thì ông Ân nhắc và chuẩn bị cho Tổng Thống. Công Việc: Mỗi sáng TT nghe sĩ quan tùy viên trình đọc thời khóa biểu trong ngày. Bác sĩ Bùi Kiện Tín thăm hỏi sức khỏe của TT. Công việc thì do ông Võ Văn Hải hay ông Trần Sử trình, hay nếu quan trọng hơn thì chính ông Phó Đổng Lý Đoàn Thêm hay ông Đổng Lý Quách Tòng Đức, hay đích thân các ông Bộ Trưởng trình bày. Tình hình quân sự trong đêm là phần của Tham Mưu Biệt Bộ.


Vi Hành: TT thường hay ra lệnh đột ngột đi thăm dân cho biết sự tình, đến các chợ, chùa, nhà thờ xóm đạo để tự tìm hiểu tình hình. Có những chuyến thăm Đô Thành mà không có Đô Trưởng tháp tùng. Một lần năm 1962 sau cuộc bầu cử TT lần thứ hai, TT thức dậy lúc 5 giờ sáng, gọi Lê Châu Lộc và tỏ ý muốn đến thăm chùa Ấn Quang để cám ơn quý vị tu sĩ trụ trì đã tham dự cuộc bầu cử vừa qua. TT muốn cuộc đi thăm này “không chính thức, tự nhiên, đơn giản và thân mật”. TT muốn đi sớm để tránh nạn kẹt xe cho Đô Thành. TT chỉ thị cho Lộc “Anh lái xe, một xe theo sau là đủ rồi”. Cố nhiên vì an ninh cho TT, Đại Úy Lộc phải chuẩn bị đầy đủ để bảo đảm an toàn cho TT. Đoàn xe đến chùa có xe Cảnh sát Đô Thành đi đầu nhưng không đèn chớp, không còi hụ, tiếp theo là xe TT, có Tham Mưu Biệt Bộ và sĩ quan tùy viên Lê Châu Lộc. Sau cùng là xe hộ tống. Đến chùa thì các thầy đã xếp hàng nghênh đón hai bên từ cổng vào. TT ngạc nhiên về sự tiếp đón mình và vào trước cửa chùa ngỏ lời cám ơn, thăm hỏi các chư Tăng, Ni. Hòa Thượng Viện Chủ nói: “Tổng Thống có tin vui mà không chia sẻ cho mọi người, chúng tôi còn biết năm 1959 TT đã dành tiền thưởng $10,000.00 của TT khi đọat giải Massasay làm quà tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma. TT chậm rãi giải thích “Ừ, tôi đâu có dùng tiền nên biếu Đức Đạt Lai Lạt Ma để ngài sử dụng vào việc cần”. Có những việc TT làm trong kín nhiệm, chính TT muốn như vậy.. Thế có bao giờ TT tỏ ra không bằng lòng không? Có chứ, giận dữ là đàng khác. Hôm đó TT đi kinh lý tỉnh Kiến Tường, khi đáp xuống phi trường thì đã có dân chúng đứng chờ đón TT, nhưng vì thấy chung quanh toàn là cờ Công Giáo La Mã. TT lệnh không xuống, quay trở về Saigon. TT giận, cầm cây cane dộng xuống sàn máy bay rầm rầm và nói “Đây đâu có phải Vatican?” Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, ông Tĩnh Trưởng nhận lỗi vì không kiểm soát nên sự việc đã xẩy ra. 15 phút sau các lá cờ Công Giáo La Mã được thay thế bằng cờ quốc gia, cũng như biết dân chúng đã đứng chờ đón mình từ sáng sớm nên TT hết giận và xuống máy bay.


Cụ Cao Xuân Vỹ, Tổng Giám Đốc Thanh Niên Cộng Hòa dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, cụ là một Phật tử trung thành nhất với cố TT Ngô Đình Diệm. Cụ Cao Xuân Vỹ đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch Hội Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại. Trong thánh lễ Cầu hồn cho cố TT Diệm vào năm 1996, cụ Cao Xuân Vỹ phát biểu “...Cố TT Ngô Đình Diệm là một người yêu nước và chính trực, đã xuất hiện đúng vào lúc quốc gia đang nguy biến, đã đưa quốc gia ra khỏi một giai đoạn rất khó khăn của lịch sử và sau đó đã xây dựng được nền Cộng Hòa Việt Nam. Vì thế, mặc dầu có không biết bao nhiêu biến cố đã xẩy ra dồn dập trên quê hương suốt 33 năm qua, hàng năm quý vị đã không quên cùng chúng tôi hội họp nhau lại để tưởng nhớ công ơn của Người và cầu nguyện cho Người và cho đất nước mau thoát khỏi những ngày đen tối. Việc tưởng niệm cố TT Ngô Đình Diệm và các chiến sĩ đã vị quốc vong thân chỉ có ý nghĩa đích thực khi chúng ta biết phát huy tinh thần của họ trong việc chiến đấu cho quê hương. Trong tinh thần đó, chúng tôi mong rằng sau mỗi lần tổ chức lễ tưởng niệm như hôm nay, chúng ta sẽ cố gắng nhiều hơn trong nỗ lực giải phóng và xây dựng lại đất nức....”


Sau cuộc đảo chánh của nhóm tướng lãnh phản loạn và sát hại dã man anh em cố TT Ngô Đình Diệm trên thiết vận xa M.113 đúng vào ngày 2 tháng 11 năm 1963. Ngày 2 tháng 11 hàng năm cũng là ngày Giáo Hội Công Giáo cử hành Lễ Cầu Hồn cho tất cả các linh hồn đã ra đi trước chúng ta. Sau cái chết bi thảm đó, rất nhiều chính trị gia trên thế giới, kể cả các lãnh tụ Cộng sản cũng đã lên tiếng, chúng tôi chỉ trích lại một số lời nhận định tiêu biểu cho thấy việc sát hại cố TT Diệm là việc làm ngu xuẩn nhất khiến Việt Nam là tiền đồn chống Cộng tại Đông Nam Á bị phá hủy, đưa đến sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản và cuối cùng toàn bộ miền Nam rơi vào tay quân Cộng Sản Bắc Việt:


TT Hoa Kỳ Nixon và ông Colby, Giám Đốc CIA đã phải thốt lên: “Việc giết TT Ngô Đình Diệm là một hành động ám muội của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ và phải coi đó là vết nhục nhất trong lịch sử bang giao Hoa Kỳ”.


Tướng Thomas A. Lane “Ngô Đình Diệm quả là một trong số các vĩ nhân của thế kỷ 20. Xét về mặt khôn ngoan, đạo đức và thành công trước những khó khăn dồn dập, tài lãnh đạo và lòng yêu nước của ông ta lên đến tột đỉnh. So sánh thì thấy các chính khách Mỹ, cả trong ngành hành pháp lẫn luật pháp tất cả đều tầm thường hết”.



Chị Xuân Mai, một trong những thành viên Khối Tinh Thần TT Ngô Đình Diệm ái mộ cố TT Ngô Đình Diệm. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Tổng Thống Tưởng Giới Thạch (Đài Loan) và TT Lý Thừa Vãn (Tân Gia Ba) đều nói: “Người Mỹ có trách nhiệm vụ ám sát này. Trung Hoa Quốc Gia mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp”. Phó TT Trần Thành nói: “Chúng ta đã mất đi một người bạn, một pháo đài chống cộng tại Á Châu, và Việt Nam phải mất 100 năm nữa mới kiếm ra được một Ngô Đình Diệm thứ hai”.


Chủ Tịch Mao Trạch Đông: “Tại sao người Mỹ lại giết hại người ái quốc này, rồi đây họ định đưa ai lên thay thế?”


TT Hoa Kỳ Lyndon Baine Johnson: TT Diệm là một Churchill của thập kỷ tại Á Châu. Ai cũng biết Thủ Tướng Anh Winston Churchill được coi là anh hùng cứu quốc thời Đệ Nhị Thế Chiến của nước Anh.”


Thị Trưởng New York Robert Wagner (1957) đã mô tả TT Diệm như một người mà lịch sử có thể liệt vào hàng vĩ nhân của thế kỷ 20”.


Nguyễn Hữu Thọ (Chủ Tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam): Sự lật đổ Diệm là một món quà mà trời ban cho chúng tôi”.


Phó Chủ Tịch Trần Nam Trung :” Tụi Mỹ quyết định đổi ngựa giữa dòng. Chúng sẽ không khi nào tìm được một người hữu hiệu hơn Ngô Đình Diệm”.


Tướng Võ Nguyên Giáp (CSBV) nói với ông Mc Namara ở Hà Nội tháng 11 năm 1995 “Chính sách Kennedy ở Việt Nam của các ông sai lầm hết chỗ nói. Ngô Đình diệm là một người có tinh thần quốc gia, không khi nào ông chịu để cho người Mỹ dành quyền điều khiển chiến tranh, và sự người Mỹ dành quyền đã đưa người Mỹ đến thất bại đắt giá. Cho nên, kết quả cuộc đảo chánh lật đổ ông Diệm năm 1963 là sự kết thúc sớm sự hiện diện Hoa Kỳ ở Việt Nam, một điều đáng làm cho người ta ngạc nhiên”. Sau khi được tin ông Diệm bị lật dổ, Hồ Chí Minh nói với ký giả cộng sản danh tiếng Wilfrid Burchett: “Tôi không thể ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế”. Chiều ngày 2.11.1963 ông Hồ đang bận họp thì có người mang một bao thơ vào trình cho ông Hồ. Ông mở thư ra đọc, xong không nói gì, bỏ thơ vào túi rồi tiếp tục tiếp khách. Sau khi khách đi rồi, ông cho gọi nhóm cán bộ thân tín vào và nói: “Lúc nãy người ta báo cho bác biết là ông Diệm vừa bị lật đổ. Ông Diệm là kẻ địch thủ ghê gớm nhất của Bác. Nay ông đã bị loại rồi thì chiến thắng chắc chắn sẽ về ta rồi”.


Cho nên, tưởng niệm 58 ngày mất của cố TT Gioanbaotixita Ngô Đình Diệm và bào đệ Giacobe Ngô Đình Nhu, Nhóm Tinh Thần TT Ngô Đình Diệm đã không ngần ngại nói thẳng “ Người ta mất công đi tìm một định nghĩa cho hoài cổ, hoài niệm. Sự thật, hoài cổ hay hoài niệm gì cũng đều gợi lên nỗi nhớ, mà thường người ta thích nhớ về những người hay những điều thiết thân với mình mà đã từng lưu lại những dấu ấn thân thương “để đời” đáng quý trọng. Cho nên, chúng tôi hãnh diện là những người hoài cổ, những người thích hoài niệm về một quá khứ tốt đẹp mà mình đang hay cha ông mình đã thừa hưởng do công lao của những đấng tiền nhân dày công vun sới, thậm chí hy sinh cả mạng sống mình.


Tưởng nhớ, ghi lại hình ảnh TT Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm cùng các việc làm và sự hy sinh của TT cũng như của tập thể Quân, Cán, Chính VNCH cho đất nước, cho dân tộc trong thời kỳ nhiễu nhương nhất của lịch sử nước nhà..và rồi các ngài đã anh dũng ngã xuống vì Tổ Quốc thân yêu, vì lý tưởng dân tộc, chúng tôi hãnh diện đang làm công việc hoài cổ, hoài Ngô, hoài niệm công đức các đấng tiền bối ấy vậy.” (Lê Thiên & Lê Tinh Thông).

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT