Du Lịch

Làng Cối xưa

Friday, 14/08/2015 - 08:15:10

Theo tôi thấy, số lượng cối của anh không tới số như thiên hạ thổi phồng, phần lớn như là cối mới làm, xen lẩn một ít cối cũ.

Bài TRẦN CÔNG NHUNG

Nói về cổ ngoạn ai cũng nghĩ đến bình tách bát đĩa. Danh sư món này ở miền Nam, có lẽ không ai qua học giả Vương Hồng Sển. Cụ Vương có hai món mê hơn mê người tình: đồ cổ và cải lương. Mê đến độ, bình trà Thế Đức có một hai bộ chưa vừa, cụ tuyển một hơi 24 bộ, thế mới đã.
Hồi còn bên nhà, tôi đã có lần được hầu chuyện với cụ, cụ kể cho nghe những niềm vui nỗi khổ trong nghề chơi “vương giả” này. Khi mua được chiếc bình Con Sáo, sướng bao nhiêu thì lúc bị ông già phố Hàng Đường (nay là Bạch Đằng, Gia Hội Huế) gài cụ “việt vị,” cụ đau bấy nhiêu. Đó là chơi món nhẹ nhàng thanh nhã, gần với nghệ thuật văn chương, đồ sưu tầm trưng bày trong tủ gương, ngắm thôi cũng đã khoái mắt, huống mỗi ngày mang ra mân mê lúc uống trà (bình trà da chu Thế Đức gan gà), thử hỏi còn thú nào hơn.

Cổng Làng Cối Xưa (Trần Công Nhung/Viễn Đông)




Nhưng ở đời cũng lắm kẻ lạ, đi mê thứ cục mịch nặng nề mà trong nghệ thuật ít ai nhắc tới. Tôi muốn nói đến những người sưu tầm cối đá. Cối đá là đồ gia dụng, thô thiển nhất, có từ xửa từ xưa, dùng để xay nghiền các loại hạt thành bột. Nghe nói Nha Trang có anh Huỳnh Hữu Lộc được dư luận tôn là “Vua cối đá.”
Nha Trang là địa phương quá quen, thế nhưng mãi đến những ngày gần đây tôi mới biết có một người chơi món này. Người ta đồn anh có trên 5,000 cối đá, xưa nhất trên 300 năm. Hỏi thăm, không ai biết đích xác nơi anh ở. Người nói bên Hộ, kẻ nói trên Chợ Mới, họ trả lời cách hờ hửng chả thiết tha gì.
Có ông già rành hơn “Ông lên Chợ Mới hỏi mấy nhà buôn ve chai họ chỉ cho.” Tôi nghĩ ông già có lý, mấy tay “đồ cổ” thì hay mò đến vựa ve chai sưu tầm.
Đúng như lời, mấy bà ve chai phía trong Chợ Mới nói, “Ông qua đường tàu, tới mả Thánh là thấy nhà ông Lộc đối diện.”

                      Vườn đá ông Mạnh, Hà Nội (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Chỉ mấy phút tôi đã đứng trước một cổng tam quan cổ kính, toàn bằng gỗ, ba tầng mái theo kiểu phủ huyện ngày trước. Hai bên cổng là tường cao. Một bảng khắc nổi ba chữ theo thư pháp: Làng Cối Xưa treo dưới mái cổng. Tường bên phải đắp ba chữ tương tự, có thêm hai chữ Nhà hàng.
Chỉ nhìn ngoài cổng thôi, cũng có thể tưởng tượng bên trong chứa đựng một kho nghệ thuật ghê lắm. Tôi nghĩ chủ nhân rất cao tay về nghệ thuật cổ ngoạn. Nếu cổng vào làm theo kiểu dinh thự sơn son thếp vàng chắc chắn không thích hợp và khó hấp dẫn khách xem. Nhưng, Nhà hàng Làng Cối Xưa, là chốn ăn nhậu, vậy là thế nào! Có lẽ như thế cho đúng nghĩ “ăn chơi”?

                                         Nhà cổ lục giác (Trần Công Nhung/Viễn Đông)


Cổng chỉ khép hờ, tôi đẩy một cánh vào trong. Ngay trước mắt tôi là một dãy cối đá xếp cao năm sáu lớp, viền theo lối đi vào tận sân nhà. Từ đó nép theo bờ tường, ven theo lối đi đều có cối đá, đa phần là cối xay, có một ít cối giã, xen lẫn vài ba lu ché đất nung. Chính giữa khu vườn có ngôi nhà xây hai tầng (để ở). Vào đến sân mà chẳng thấy người, cũng không dấu hiệu gì là hàng quán. Trong xa trên thềm nhà có một người đàn ông đang kỳ cọ mài một cối đá.
Tôi hỏi thăm:
- Có ông Lộc ở nhà không anh?
- Ổng đi uống cà phê chưa về.
- Anh có số điện thoại ổng, cho tôi gọi thử xem.
Điện thoại reo, ông Lộc lên tiếng, sau màn chào hỏi tôi cho anh biết mục đích thăm viếng của tôi. Anh vui vẻ trả lời, “Anh chờ chút xíu em về ngay.” Thấy rải rác quanh sân có nhiều cây kiểng tôi hỏi anh nhân công:
- Hình như ông Lộc cũng chơi kiểng?
- Dạ, ảnh chơi kiểng, đồ cổ, nhà xưa, trước khi chơi cối.
- Hiện có bao nhiêu nhà cổ, bao nhiêu cối đá, anh biết không?
- Nhà có bốn cái lớn, hai cái lục giác. Cối chừng trên 5,000.
Rảo quanh một vòng, thấy lượng cối cao lắm chừng 2,000, nhà rường có hai cái tương đối hoàn chỉnh, bên trong trưng bày tượng Phật, sập gụ cẩn xa cừ, liễn đối hai độc bình cao trên 1.50 mét không rõ niên đại. Hiện vật mỗi thứ một hai cái tượng trưng như bày chơi trong phòng khách chứ không có tính cách sưu tập chuyên nghiệp.


                              Vườn cối của nghệ nhân Minh Hiếu (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Sân vườn cũng sắp xếp theo lối “tự phát,” rời rạc mỗi loại một vài chậu, xen lẫn lớn nhỏ, cây đang uốn sửa đặt chung với cây đã thành hình. Nhiều cây có dáng thác đổ (Cascade) rất hay nhưng nghệ nhân chưa lột tả đúng mức, làm mất hẳn thế mạnh của cây.
Nhìn chung nhà hàng Làng Cối Xưa, chưa đi vào đúng đường, chưa tạo được vóc dáng đích thực của mình. Nhà hàng bàn ghế chưa có, cối xưa sắp xếp rời rạc, không nói lên được nét độc đáo của đồ vật và cá tính của người chơi. Cho nên, nói đây là một cao thủ về nghề chơi cối đá thì chưa đúng. Khi một người đã say mê một môn chơi, nhìn vào là thấy rõ nét độc đáo, thấy rõ cá tính của chủ nhân mà không cần đi sâu tìm hiểu để xác định tầm cao thấp.(1)
Do thì giờ eo hẹp, không đợi được chủ nhân làng cối, hôm sau tôi gọi phone hỏi thêm anh mấy điều: “Nguyên do anh đi vào môn chơi vất vả này? Những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề chơi cối đá? Lợi nhuận thế nào?”
Anh cho biết, anh đam mê cối đá từ khi 15 tuổi. Hồi ấy nhà bà ngoại ở Diên Khánh có chiếc cối đá, anh thấy hay hay, nó mộc mạc đơn giản, giúp ngoại có bột làm bánh bán sống hàng ngày.
Những khó khăn khi đi sưu tầm cối đá, anh kể: Có lần di chuyển cối đá từ Bình Định về Nha Trang, xe nổ lốp trên đèo Cả lúc nửa đêm. Đang trên núi cao, điện thoại mất sóng, không sao liên lạc để gọi thợ đến giúp, đành ngủ lại trong xe, sáng hôm sau thuê xe cẩu cối đá xuống mới thay được bánh xơ cua.
Mỗi chiếc cối anh mua, giá từ 400,000 – 650.000 đồng (từ $18 đến $30 Mỹ kim), hầu hết đều đã không còn sử dụng.

 

                                                   Môt hàng cối đá (Trần Công Nhung/Viễn Đông)


Theo tôi thấy, số lượng cối của anh không tới số như thiên hạ thổi phồng, phần lớn như là cối mới làm, xen lẩn một ít cối cũ.
Ngoài Bắc cũng có nhiều “Nghệ nhân cối đá,” qua tin tức trên mạng, phần đông họ có nét riêng trong lối chơi của. Tỉ như: Ông “Mạnh Khùng,” vườn đá của ông được sắp xếp nhiều góc, mỗi góc một vẻ, nói lên một cảm xúc, một suy nghĩ về đời sống hay tâm trạng của ông, nghĩa là ông thực sự sống với sự vật ông ấp ủ. Nói cách khác, ông đã “thổi hồn” mình vào với những chiếc cối đá vô tri. Ngắm nhìn những cụm cối đá bất cứ nằm nơi đâu trong khu vườn ông Mạnh, khách thăm cũng có cảm xúc rõ rệt và nhận ra một ý nghĩa nào đó bàng bạc trong xã hội.
Ham mê cối đá không chỉ có đấng mày râu vai u thịt bắp (để có sức khiêng cối đá), mà cả giới liễu yếu đào tơ cũng không phải hiếm: chị Nguyễn Thị Minh Hiếu ở xã Vĩnh Ngọc thành phố Nha Trang tâm sự: “Tôi rất thích hình tròn bởi nó tượng trưng cho sự hoàn hảo, trọn vẹn, và từ chiếc cối đá được bà Ngoại cho cách đây 10 năm, tôi bắt đầu sưu tầm cối đá từ đó. Mặt khác, tôi thấy trong cối đá vẻ đẹp của lòng chung thủy, sự chịu đựng của người phụ nữ.

                                        Cây kiểng, nhà rường (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

“Cối phải hai thớt, thiếu một, cối không còn là cối nữa. Cối đá được xem như câu chuyện vợ - chồng, người vợ thủ phận thớt dưới, trong vòng xoay cuộc đời bao giờ cũng âm thầm cam chịu. Trong cuộc sống gia đình, lúc nào cũng phải có chồng có vợ mới làm nên chuyện (Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn). Thớt trên xoay, thớt dưới chịu đựng, cối đá đã nuôi nấng bao con người. Chiếc cối hoàn hảo, phải liền mạch, ăn khớp giữa hai thớt, nếu sai lệch cối trở thành vô dụng. Cối đá do đàn ông tạc ra, nhưng người sử dụng thường là phụ nữ, biết bao tâm tư được gửi gắm trong từng vòng xoay ấy.”
Thật thâm trầm, những nhận xét riêng biệt của một phụ nữ có tâm hồn, liên kết một cách ý nghĩa giữa công dụng cối đá và nghĩa vụ vợ chồng. Một bài giảng sâu sắc về đạo tào khang.
Nghệ nhân nhạc sĩ Đàm Hường cũng có suy nghĩ: “…Riêng cối giã gạo đã là nét văn hóa phồn thực của người Việt, đại diện cho nền văn minh lúa nước từ rất lâu đời. Cối giã gồm có chày và cối, tượng trưng cho âm dương, hợp cách hàm ý sự sinh sôi nẫy nở, là gốc rễ của mọi nền văn hóa.”
Thế nên, cổ ngoạn không phải chỉ bỏ công gom góp, bỏ tiền sưu tầm rồi tập trung như một nhà kho, gọi là bảo tàng. Chơi phải có “máu,” phải có kiến thức về nghệ thuật chuyên môn, nếu không, sẽ là chủ vựa “chạp phô” hoặc “Trưởng giả học làm sang.”


                                                        Đồ cổ (Trần Công Nhung/Viễn Đông)


Thăm khu vườn làng cối, hình ảnh đọng lại đậm nét trong tôi là cổng “Làng Cối Xưa.” Với tôi, cổng Làng Cối Xưa là một tác phẩm nghệ thuật khá đặc sắc, giá đừng có hai chữ “Nhà hàng” thì hay hơn.
Trần Công Nhung (2015)

(1) Vậy mà có những cây bút chuyên “tán hươu tán vượn” lại viết: “Dù vẫn đang trong quá trình thi công hoàn thiện, nhưng ngôi làng vẫn hiện ra rõ nét với quần thể không gian, kiến trúc xưa gồm 18 căn nhà cổ, ao sen và những loài cây cổ thụ như cây thị, cây đa, xoài, mận, khế… hàng trăm năm tuổi. Cũng ở đây, du khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản của Nha Trang như bánh căn, bún cá, bánh xèo chảo, bánh cuốn... trong không gian kiến trúc cổ, với những đồ dùng, vật dụng xưa như bàn ghế, giường tủ, phản nằm, kệ gỗ.”

Liên lạc với tác giả qua email: trannhungcong46@gmail.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT