Tiêu Thụ

Làm sao đối phó cảnh ngân hàng đòi nợ

Friday, 01/07/2016 - 11:07:41

Theo luật liên bang về việc đòi nợ (Fair Debt Collection Practices Act), con nợ có thể yêu cầu phía chủ nợ ngưng tất cả mọi sự tiếp xúc dù bằng thư hay bằng điện thoại. Tuy nhiên, yêu cầu này phải được thực hiện bằng văn bản.

Bài ERIC TRẦN

Nếu chẳng may rơi vào cảnh nợ nần chồng chất không trả được, hồ sơ nợ sẽ được chuyển qua các công ty đòi nợ chuyên nghiệp, gọi là collection agencies. Khi đó, bạn sẽ mất uy tín khá nhiều với giới chủ nợ, cụ thể là ngân hàng. Điều phiền phức khác nữa là bạn có thể bị đưa ra tòa, nếu không, cũng sẽ bị khổ sở với những cú điện thoại gọi đến thường xuyên để đòi nợ. Trường hợp ra tòa hiếm khi xảy ra, nhưng bị truy đuổi để đòi nợ là một điều chắc chắn.

Bạn nên ghi lại ngày giờ và nội dung tiếp xúc của chủ nợ



Sự truy đuổi ở đây thực ra chỉ là những cú phone gọi đến nhà và giọng nói gay gắt của người ở đầu dây, chứ không đến nỗi bị xã hội đen vây đánh như ở nhiều nơi khác. Tuy vậy, ngay cả việc gọi phone hoặc gửi thư đến nhà đòi nợ - một hình thức đòi nợ nhẹ nhàng, không thể nhẹ nhàng hơn – cũng được qui định bởi luật pháp, một hệ thống luật pháp vốn bênh vực con nợ hơn chủ nợ. Nếu chẳng may rơi vào vị thế con nợ, có những điều mà bạn nên làm và những điều không nên làm.

Những điều nên làm

1. Ghi lại những buổi tiếp xúc
Nhân viên collection sẽ gọi đến thường xuyên. Phần bạn, mỗi lần nói chuyện với họ, nên ghi lại rõ ngày, giờ, tên người gọi, và những gì người đó nói, cũng như những gì bạn nói. Không cần phải cầu kỳ, chỉ cần một cuốn sổ nhỏ, ghi lại vài chữ đơn sơ là đủ. “Cuốn nhật ký” này sẽ giúp bạn theo dõi có bao nhiêu người gọi tới, gọi bao nhiêu lần, và món nợ có chính xác không.

2. Viết thư yêu cầu ngưng gọi

Theo luật liên bang về việc đòi nợ (Fair Debt Collection Practices Act), con nợ có thể yêu cầu phía chủ nợ ngưng tất cả mọi sự tiếp xúc dù bằng thư hay bằng điện thoại. Tuy nhiên, yêu cầu này phải được thực hiện bằng văn bản.
Quyền hạn này – con nợ vẫn có quyền hạn – cần phải được sử dụng một cách thận trọng. Là vì, nếu bạn yêu cầu, chủ nợ sẽ không còn “nhắc nhở” gì nữa, bạn không còn cơ hội để thương lượng giảm nợ để thanh toán cho nhẹ gánh. Còn chủ nợ, không được phép gọi để đòi, họ chỉ có thể đưa bạn ra tòa, một sự phiền phức không ít đối với cả 2 bên. Thực ra, cực chẳng đã phía chủ nợ mới phải đưa bạn ra tòa.

3. Biện giải “không nợ nần”

Nếu nghĩ rằng món nợ không chính đáng, hoặc mình không nợ gì cả, hãy thẳng thắn cho phía kia biết điều đó. Nếu hợp lý, họ sẽ ngưng không đòi nữa để tập trung nỗ lực với những con nợ “chính đáng”

4. Phân trần “không trả được”
Nếu thực tình không có khả năng, bạn hãy nói thẳng cho họ nghe về hoàn cảnh của mình. Điều đó không có nghĩa là bên kia sẽ ngưng không đòi nợ nữa. Nhưng sau khi nghe trình bày hợp lý, có thể họ sẽ chuyển hướng đòi các nơi khác, hoặc không nghĩ tới việc đưa bạn ra tòa.

5. Cho biết địa chỉ thực sự
Từ trước tới nay, con nợ thường phải giấu mặt, giấu nơi ở. Nhưng thời buổi này, bạn nên tỏ ra “quang minh chính đại” bằng cách cho biết địa chỉ cũng như số điện thoại thật sự của mình. Tại sao? Nếu không biết địa chỉ thật của bạn, chủ nợ được phép đi hỏi vòng quanh, như bạn bè, hãng xưởng… làm cho “vết thương” rộng miệng thêm ra. Tuy nhiên, nếu họ đã biết địa chỉ thực sự của bạn mà vẫn còn đi hỏi vòng quanh, việc đó là bất hợp pháp.

6. Hiểu biết phạm vi hành xử của người đòi nợ
Đạo luật Fair Debt Collection Practices Act cấm chủ nợ có hành vi quấy rối hoặc lời nói lăng mạ; cấm liên lạc với người khác về món nợ của bạn. Luật pháp cũng đặt giới hạn về việc có thể đòi nợ ở đâu và giờ nào. Nếu cảm thấy mình bị xúc phạm, bạn có thể kiện ngược lai chủ nợ.

Những điều không nên làm

Mặc dầu được hưởng sự bảo vệ của luật pháp, nhưng bạn nên cẩn thận để khỏi sơ hở trong những trường hợp sau:

1. Tiết lộ về lợi tức của mình
Người đòi nợ có thể hỏi về tình trạng tài chánh và lợi tức của bạn để cứu xét giảm nợ. Tuy nhiên, bạn vẫn không nên tiết lộ những chi tiết ấy. Có nghĩa là:
- Không bao giờ cho biết chi tiết sổ ngân hàng (trừ khi bạn quyết định trả nợ)
- Cho biết số an sinh xã hội (social security number)
- Trao đổi qua lại về tài sản của mình.
Những chi tiết này có thể được dùng để truy nợ nếu sau này họ xin được án tòa buộc bạn trả nợ. Bạn chỉ nên cho biết những chi tiết tổng quát về lợi tức hoặc những khó khăn tài chánh mà thôi.

2. Trả một khoản nhỏ để tỏ thiện chí
Nhiều khi chưa nhận được thỏa thuận chung cuộc (giảm nợ), bạn đã sẵn sàng trả một khoản nhỏ để tỏ thiện chí, mong rằng bên kia sẽ không đưa bạn ra tòa.
Tuy nhiên, mỗi lần bạn trả tiền, dù ít dù nhiều, là mỗi lần bạn kéo dài thời hạn của món nợ. Bạn hẳn đã biết rằng, món nợ sẽ tự biến mất khỏi lý lịch của bạn nếu nó bị để “mốc meo” không được nhòm ngó trong 7 năm. Nếu vào năm thứ sáu, bạn trả bớt …. $5, thời hạn 7 năm sẽ bắt đầu được đếm lại.

3. Xác nhận món nợ là đúng thực
Mặc dầu rõ ràng bạn có nợ một món nợ như thế, bạn cũng không nên cung khai: “Tôi có nợ như vậy thật, tôi sẽ trả ngay khi có thể được” Hoặc, “tháng tới, tôi sẽ trả”
Tuy nhiên, bạn có thể vào cuộc thương lượng với những lời gợi ý như: “Tôi đồng ý trả $200 mỗi tháng trong 1 năm” hoặc “Quí vị có thể nhận $1,000 để thanh toán cho xong không?” Bạn cũng có thể giải thích lý do tại sao không thể trả tiền. Tuy nhiên, hứa hẹn sẽ trả là tự ràng buộc mình vào một hợp đồng mới, và kéo dài thời hạn món nợ.

4. Nổi nóng:

Dùng lời khiếm nhã, la hét, hoặc tỏ ra hằn học…. đều không có ích lợi gì. Cuộc nói chuyện được thâu âm, nếu mang ra tòa đối chất, thì thái độ hung hăng, đàn áp của bạn sẽ làm cho bạn mất điểm trước vị trọng tài…
Trên đây là lời khuyên của những chuyên gia pháp luật thuộc hệ thống www.nolo.com, giúp bạn bình tĩnh hầu tìm ra một giải pháp khả thi để ra khỏi vũng lầy nợ nần.

Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT