Phóng Sự

Làm phim của lớp tiếng Việt tại đại học (kỳ 9)

Sunday, 20/08/2017 - 10:35:29

Theo thầy Quyên Di, trong tương lai, khi những người đang giảng dạy quá tuổi giảng dạy, hoặc không đủ sức khỏe để dạy nữa, thì lớp trẻ thay thế vào cần phải có, mà hiện tại thì rất hiếm, đó là với bậc đại học, còn giáo viên dạy tiếng Việt ở bậc trung học thì dễ dàng hơn.

Bài BĂNG HUYỀN

Sinh viên Nghi Trần, đang theo học chương trình  Đại Cương 2 năm (Associate degree) tại trường Cal Sate Long Beach, có theo học lớp Việt 211 của thầy Quyên Di dạy, kể, “Em có em trai, sinh ở Việt Nam, khi qua đây mới 3 tuổi thôi, lúc mới bắt đầu tập nói thì em trai của em nói tiếng Việt rất giỏi, những từ ngữ khó, mình hỏi, em trai đều biết để giải thích. Nhưng từ khi qua đây, trong 7 năm ở Mỹ, em trai đi học ở trường, bé đã bắt đầu không thích nói tiếng Việt nữa. Gia đình em rất buồn.


Sinh viên Nghi Trần (thứ ba từ bên trái) cùng các bạn trong nhóm làm phim (khi học lớp Việt 211 tại trường Cal State Long Beach), chụp chung với thầy Quyên Di. (Hình cung cấp)

“Những năm gần đây ba em đã cho em trai em đi học tiếng Việt cuối tuần, nhưng nó không vô đầu em trai em bao nhiêu, vì em trai không thích thú việc học. Cũng nhờ có đi học tiếng Việt, mẹ em nói những câu khó hiểu hơn, thì em trai em hiểu, nhưng không biết trả lời bằng tiếng Việt mà chỉ biết trả lời bằng tiếng Anh thôi. Em biết là khi qua đây (lúc 11 tuổi, gia đình sống tại thành phố Westminster), nếu em không sống trong cộng đồng người Việt thì chắc có lẽ em cũng sẽ quên dần tiếng Việt, văn hóa Việt.
“Vì phải nhập gia tùy tục, phải thích nghi cuộc sống bên đây. Sống ở Mỹ, nhưng vì là người Việt, nên em vẫn muốn giữ văn hóa, ngôn ngữ của mình. Nhưng điều này cũng rất khó, vì phải sống theo môi trường bên Mỹ. Học sinh bên Mỹ sống ra sao, suy nghĩ thế nào thì mình cũng phải giống như họ để có thể hòa nhập tốt với họ hơn. Nhưng thật ra văn hóa Việt Nam ở bên trong em vẫn chặn em lại chút xíu, em vẫn không thể nào sống hoàn toàn giống như các bạn bên này.”

Theo Nghi Trần, người bạn trẻ này rất hãnh diện là người Việt Nam, bắt nguồn từ sự hiểu biết về lịch sử Việt Nam, về văn hóa Việt Nam đã có từ mấy ngàn năm trước. Và vì tiếng Việt rất độc đáo, chỉ cần thay đổi dấu thanh, một chữ đã có ý nghĩa khác rồi.


Thầy Quyên Di được mời huấn luyện cho nhóm sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ về văn hoá các dân tộc Á Châu tại căn cứ Hải Quân Port Hueneme, California trực thuộc Bộ Hải Quân Hoa Kỳ (Department Of Navy). (Hình cung cấp)

Nghi Trần chia sẻ, “Em mong sẽ có nhiều người nối nghiệp công việc dạy tiếng Việt, dạy văn hóa Việt như thầy Quyên Di, cô giáo Lan và cô Thảo Ly (dạy tiếng Việt tại trường Westminster high school), em cũng có nghĩ đến việc học để trở thành cô giáo dạy tiếng Việt cho các em nhỏ ở bên này. Em nghĩ, đã là người Việt, dù là sống ở hải ngoại, nhưng không hiểu văn hóa Việt thì thật tiếc. Vì văn hóa Việt không chỉ có phở và áo dài, mà còn có rất nhiều nét độc đáo khác. Em thấy mình may mắn được sống tại cộng đồng người Việt đông, là cơ hội tốt để giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa Việt cho chính mình.”

Còn với sinh viên Thảo Trần, đang học đang học năm thứ ba ngành Quốc Tế Học tại Đại học UCI cho biết, “Thảo có lấy lớp Vietnamese American người Mỹ gốc Việt để học, thấy những bài viết mang tính học thuật về người Việt, văn hóa Việt, tính cách người Việt, lịch sử Việt… rất ít. Hầu như những tác giả các tài liệu đó là những người Việt đã qua đây lâu rồi. Còn thế hệ gốc Việt lớn lên, sinh ra tại đây viết những tài liệu này hầu như không có, nếu có thì rất ít. Thảo không rõ lý do tại sao lại có hiện tượng này.

“Trong khi Thảo học thử những lớp về người Nhật, Đại Hàn thì thấy có rất nhiều tài liệu của nhiều học giả viết ra, không chỉ do người Nhật, người Đại Hàn tại Mỹ viết, mà còn có người Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác viết rất nhiều để sinh viên tìm đọc. Thảo hy vọng có thêm nhiều người như thầy Trần Chấn Trí và có thêm nhiều học giả viết nhiều tài liệu về Việt Nam bằng tiếng Anh để phổ biến. Vì không chỉ cho người trẻ gốc Việt đọc, mà còn cho thế giới thấy mình là ai, cho thế hệ tương lai biết rõ hơn về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam.”

Thiếu giảng viên dạy tiếng Việt

Thầy Quyên Di thì bày tỏ ưu tư của thầy về việc thiếu những giảng viên kế thừa dạy tiếng Việt, văn hóa Việt trên đại học, vì theo thầy, hiện nay hầu hết các thầy cô giáo dạy tại tiếng Việt, văn hóa Việt tại các đại học đều thuộc lớp người trung niên và cao niên rồi, sẽ chẳng còn dạy bao lâu nữa. Sẽ cần có người thay thế. Mà muốn dạy đại học, dù là văn hóa Việt, tiếng Việt thì cũng phải có đủ bằng cấp về ngành đó, nếu không có bằng về ngành Việt Học thì ít ra cũng có bằng về ngành Á châu học, nhưng mà số người theo những ngành đó rất hiếm, nhất là muốn theo ngành đó thì phải giỏi tiếng Việt và văn hóa Việt thì không bao nhiêu.

Theo thầy Quyên Di, trong tương lai, khi những người đang giảng dạy quá tuổi giảng dạy, hoặc không đủ sức khỏe để dạy nữa, thì lớp trẻ thay thế vào cần phải có, mà hiện tại thì rất hiếm, đó là với bậc đại học, còn giáo viên dạy tiếng Việt ở bậc trung học thì dễ dàng hơn.

Thầy Quyên Di nói, “Tôi mong các sinh viên gốc Việt cũng như các phụ huynh cân nhắc cho con em mình theo ngành giáo dục. Hiện tại tôi đang dạy thêm bên Cal State Fullerton, dạy Chương Trình Sư Phạm Song Ngữ, giúp sinh viên gốc Việt lấy bằng dạy học tiếng Việt. Tôi lấy làm hơi tủi một chút là bởi vì sau bao nhiêu năm mở ra, thì lớp sư phạm của tiếng Hàn, Hoa, Nhật và Tây Ban Nha luôn đông sinh viên ghi danh học, lớp tiếng Việt rất ít sinh viên ghi danh. Tôi không chủ quan, nhưng tôi không nghĩ tôi dạy kém hơn các giáo sư khác. Nhưng có lẽ vì gia đình Việt Nam có truyền thống đi theo ngành khoa học kỹ thuật hoặc ngành y tế nhiều hơn là ngành sư phạm. Vì vậy lớp sư phạm song ngữ Anh- Việt rất ít sinh viên so với các sắc dân khác.”

Thầy Quyên Di cho biết thầy dạy Chương Trình Sư Phạm Song Ngữ  Anh Việt tại Cal State Fullerton từ năm 2000, sau đó thầy nghỉ một thời gian do nhận việc ở Cal State Long Beach và UCLA nhiều giờ quá, với lại bấy giờ chuyên khoa thầy cộng tác không còn ngân khoản nữa, phải tạm ngưng. Cách đây hơn một năm, bên Cal State Fullerton nhờ thầy viết hai giáo trình bắt đầu trở lại chương trình Sư Phạm Song Ngữ Việt Mỹ, và đã được công nhận. Thầy mới bắt đầu dạy mùa đầu tiên là mùa xuân 2017, nhưng chỉ có năm sinh viên ghi danh học thôi. Trong khi tiếng Tây Ban Nha có đến 40 sinh viên, tiếng Hàn Quốc cũng có hơn 20 sinh viên.

Thầy Quyên Di nhận xét, “Về mặt đầu tư vào ngành sư phạm giáo dục thì người Việt mình kém hơn người HMong, cộng đồng người HMong nhỏ hơn cộng đồng của mình nhiều, nhưng họ đầu tư vào ngành giáo dục khá đông so với tỉ lệ. Thí dụ như ở thành phố Fresno ở Bắc California, cộng đồng người HMong tại đây hồi đầu chỉ có một người theo giáo dục dạy Đại Học, vậy mà đến nay đã có mấy chục người theo nghề giáo trong một cộng đồng rất nhỏ, họ dạy đủ các ngành trong học đường, chứ không chỉ dạy tiếng HMong.”

Thầy Quyên Di cho rằng nếu tình trạng này kéo dài, thầy rất lo, “Ngay tại Quận Cam, những chương trình dưới trung học, tiểu học, người ta sẵn sàng mở ra chương trình song ngữ Việt- Anh, hoặc là những chương trình song ngữ hai chiều, nhưng mà mình không có đủ người dạy. Còn dạy trên bậc đại học thì không cần có bằng dạy học (thi của tiểu bang, teaching Credential), chỉ cần mình có bằng cấp có liên quan đến ngành mình dạy, họ sẽ xét mình có khả năng đi dạy hay không, mình nộp đơn xin việc hoặc trường biết mời mình phỏng vấn để chấp thuận. Có lẽ những người muốn đi vào ngành sư phạm để đi dạy bậc đại học cũng không có nhiều đâu. Điều kiện coi bộ lỏng lẻo nhưng họ đòi hỏi rất nhiều khả năng của mình. Hai là dẫu dạy đại học đi nữa, lương cũng không khá hơn người làm công việc chuyên viên khác.”

Theo thầy Quyên Di thì hiện nay hai học khu Westminster và Garden Grove có đông học sinh gốc Việt nhất, nhưng với chương trình song ngữ Việt Mỹ, thì tại học khu Westminster chỉ có một hoặc hai trường có thôi, và chỉ mới dạy lớp mẫu giáo ở bậc tiểu học thôi. “Còn học khu Garden Grove thì sẵn sàng mở ra chương trình song ngữ hai chiều, nhưng vẫn đang kiếm người dạy. Họ kiếm người bằng cách mở ra after school để xem có ai đủ khả năng vào dạy, nếu thấy có người tham gia và thành công, trẻ em Việt và Mỹ muốn tham gia chương trình này đông đúc thì mới mở ra. Nhưng bây giờ kêu gọi người có đủ khả năng dạy afterschool, kêu gọi mãi cũng chỉ có một vài người thôi. Tình hình này vẫn chưa sáng sủa lắm.”

Văn chương Việt tại hải ngoại tàn lụi theo thời gian

Thầy Trần Chấn Trí thì có một ưu tư khác, nói, “Tôi có ưu tư về nền văn chương hải ngoại của người Việt tự dưng thời gian gần đây bị tàn rồi. Những thập niên cuối 1970, người Việt mới qua Mỹ, nên lo làm ăn, gầy dựng cuộc sống mới thì hầu như chưa có gì hết, nhưng đến cuối thập niên 1980 thập niên 1990 thì có rất nhiều người ổn định, bắt đầu sáng tác trở lại, có hẳn một nền văn chương Việt Nam hải ngoại.
Thời đó tạp chí rất nhiều, tiểu thuyết, thơ mạnh lắm, nó tồn tại cũng khoảng 20 năm. Những cây bút nổi bật như nhà văn Hồ Trường An, Nguyễn Đức Lập, nhà văn nữ Nguyễn Thị Thanh Bình. v.v.. Tạp chí có Làng Văn, Văn Học, v.v.. Thơ thì có của Ngô Yên, Ngô Hảo Dũng, v.v.. Bắt đầu từ năm 2000 trở đi là tàn lụi từ từ, hầu như các tác giả không còn viết nhiều nữa, mà có viết thì cũng chỉ hạn chế trên online, hình thức viết blog, nhưng tính chất văn chương không còn đậm đặc như xưa, vì hình thức viết dạng tản mạn, tiểu luận nhỏ thôi, chứ không viết tiểu thuyết, truyện ngắn... như hồi trước.”

Thầy Trí kể, “Thời cực thịnh của văn chương Việt Nam hải ngoại thì tôi có dạy nhiều lớp tại Cal State Fullerton lúc đó, tôi dạy những bài văn mới của những tác giả ở hải ngoại thập niên 1980- 1990. Còn bây giờ tôi không dạy những lớp đó nữa, mà nếu có dạy thì tôi cũng không biết kiếm đâu ra các tác phẩm mới của tác giả ở hải ngoại viết để dạy. Cũng còn một số tạp chí có truyện ngắn, nhưng không còn thành một phong trào nữa, nó có vẻ gắng gượng lắm, rất là tội nghiệp.

“Và âm nhạc của hải ngoại cũng vậy. Âm nhạc cũng đi xuống, nhiều ca khúc ra đời. Hồi xưa có những trung tâm băng nhạc như Làng Văn… Nếu chúng ta có nghe lại những băng đĩa đó sẽ thấy ca sĩ hát hay, hòa âm thật công phu. Bây giờ thì lâu lắm mới có dĩa hát mới mà do cá nhân ca sĩ làm. Tôi rất buồn khi thấy văn chương, âm nhạc tại hải ngoại đang đi xuống. Các tiệm sách ở bên này cũng không còn bán nhiều những tác phẩm bên này, mà bán cả sách trong nước. Đây mới là ưu tư của tôi. Còn chuyện có thầy cô giáo kế thừa dạy tiếng Việt, văn hóa Việt thì tôi nghĩ tre già măng mọc thôi, tuy nhiên tôi cũng khá bi quan.”

Thầy Trí tâm sự, “Dạy tiếng Việt và văn hóa Việt, như  tôi và các đồng nghiệp của tôi chỉ làm hết tất cả những gì mà mình có thể làm qua khả năng nhỏ nhoi của mình. Ở đại học thì mỗi cuối mùa có việc để sinh viên viết đánh giá thầy cô, tôi rất thích khi đọc được những câu như em đến lớp này chỉ định học tiếng Việt thôi, nhưng không ngờ còn được học thêm văn hóa và những điều khác về Việt Nam nữa. Đó là phần thưởng quý cho mình, cho thấy mình đã ráng hết mình để giữ ngôn ngữ, văn hóa, và giữ bằng cách sống động là cho các em nói qua nói lại với nhau trong lớp. Còn chuyện lớn hơn thì cùng chung tay mà làm thôi, chứ không biết trước được như thế nào. Chỉ biết là mình làm hết bổn phận, vai trò trong lớp học nhỏ của mình thôi.

“Như tôi ngoài đi dạy tiếng Việt, cũng có đóng góp vô sinh hoạt Việt ngữ trong cộng đồng, mỗi người chỉ làm theo sức của mình thôi. Mỗi người một chút thì sẽ thành nhiều chút. Chỉ mong các em trẻ lớn lên bên này hãy học hỏi tiếng Việt bằng nhiều cách, phụ huynh hãy khuyến khích con em mình học, không nhất thiết phải tới trường, nếu có thì càng tốt, không thì hãy học bằng nhiều cách khác, miễn là có học hỏi văn hóa, ngôn ngữ là tốt rồi.”

Thay lời kết

Làm sao để dòng chảy cội nguồn vẫn âm ỉ chuyển động mãnh liệt không ngừng nơi thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại là một trăn trở với rất nhiều người Việt xa xứ.
Đối với những những người thuộc thế hệ thứ nhất, những nhà hoạt động văn hóa, nhà giáo dục, nhân sĩ trong cộng đồng gốc Việt luôn cố gắng truyền lại những nét đẹp của ngôn ngữ, văn hóa Việt cho thế hệ tiếp nối. Vì đây là một nhu cầu cần thiết và căn bản cho sự tồn tại và phát triển cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Vì sức mạnh của cộng đồng không chỉ dừng lại ở sức mạnh về kinh tế, mà còn ở vẻ đẹp của văn hóa mà thế hệ đi trước đã mang theo với biết bao hoài bão.
Và vẫn còn có rất nhiều người Việt dù sống nhiều chục năm tại hải ngoại, vẫn luôn trăn trở ước mong, dù ở hoàn cảnh nào, những người con gốc Việt vẫn vươn lên mạnh mẽ, để thích nghi, để giữ được hồn Việt trong trái tim của mình. Để rồi thêm một thế hệ mới người Mỹ gốc Việt lớn lên, thành đạt trên đất nước này, nhưng mãi mãi giữ được niềm tự hào: “Tôi là người Việt! Tôi nói được tiếng Việt! Tôi hiểu được văn hóa Việt và sẽ tiếp tục truyền lại cho con, cháu của tôi sau này.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT