Phóng Sự

Làm phim của lớp tiếng Việt tại đại học (kỳ 2)

Sunday, 02/07/2017 - 04:15:38

Còn bài thi giữa khóa thì cho các em viết về việc học được gì trong 5 tuần qua, học gì thích nhất, thì phải viết ra, cuối khóa thì cũng vậy, phải viết ra những gì em học trong 10 tuần qua. Buổi thi dài bằng 1 tiết học, 1 tiếng 15 phút.

Bài BĂNG HUYỀN

Học tiếng Việt và làm phim tại UCI

Giới thiệu về những chủ đề đã đưa ra cho các sinh viên lớp tiếng Việt 1 C (lớp sơ cấp mùa thứ 3) và 2 C (lớp trung cấp mùa thứ 3) thực hiện cuối khóa qua các mùa học suốt bao năm qua, Tiến sĩ Trần Chấn Trí (giảng viên khoa Ngôn Ngữ Nhân Văn đại học UC Irvine, phụ trách dạy lớp tiếng Việt tại đây) cho biết khi đưa ra chủ đề làm phim, thầy Trí thường cho các em sinh viên các chủ đề rất rộng. Ví dụ làm phim về cuộc sống ở gia đình, ngoài xã hội, hay những vấn đề va chạm về ngôn ngữ, văn hóa của những em lớn lên ở bên này, hoặc lấy cốt truyện trong sách, hoặc làm nhái lại một cuốn phim của Mỹ, nhưng theo kiểu của các em.


Thầy Trần Chấn Trí bên các sinh viên đạt giải thưởng nam chính xuất sắc, nữ chính xuất sắc và phim hay nhất của lớp tiếng Việt 2 C khóa học mùa xuân 2017. (Hình cung cấp)

Thầy Chấn Trí nhận xét, “Ngoài việc cho các em dùng tiếng Việt khi làm phim, các em còn chứng tỏ mình có tài năng hơn trong những lĩnh vực khác như cách quay phim, đạo diễn, đóng phim, ráp nối phim, thu nhạc, viết phụ đề trên phim, hoặc có nhiều ý tưởng rất ngộ nghĩnh khác. Các em có những câu khôi hài mà tôi không thể tưởng tượng được là các em đã nghĩ ra. Nó không còn thuần túy là ngôn ngữ nữa, mà nó còn là văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật… Qua đó tôi thấy các em là những nhân tài mà lâu nay mình mới có dịp khám phá. Qua các phim, các em được dịp thưởng thức tài nghệ của nhau.”

Thầy Chấn Trí nói, “Khoảng 15 năm qua cho các em làm phim qua các lớp tiếng Việt, đề tài nổi bật nhất tôi thấy các em hay làm là sự giằng co về văn hóa, sự va chạm văn hóa của những em lớn lên bên này, ra khỏi nhà thì theo văn hóa Mỹ, về nhà với bố mẹ vẫn phải nói tiếng Việt, văn hóa Việt. Ví dụ các em học về cách xưng hô trong một gia đình, các em rất ngại phải học và nhớ cách xưng hô như chú, bác, cậu, mợ, dì, dượng. Có một phim các em làm về sự lung túng của giới trẻ trong cách xưng hô đó. Có người cháu phải chào người thân trong gia đình gồm mười mấy người luôn, từ chào chú hai, thiếm ba, thiếm tư... Qua cảnh khôi hài đó, nói lên cho biết là các em phải rất cố gắng tìm hiểu văn hóa Việt Nam.”
Theo thầy Chấn Trí, “Một trong những điều để đánh giá bộ phim hay là dí dỏm, khôi hài trong câu nói, có những phim các em nói qua nói lại câu nói rất ý nhị, khôi hài, đó là cái tài của các em, tôi nghĩ có được cũng là nhờ các em làm việc với nhau, nhờ vậy có sự tương tác chung, mới ra câu đối thoại dí dỏm được. Để thực hiện bộ phi, các em vừa áp dụng những bài học trong lớp, vừa tìm hiểu thêm từ bạn bè, gia đình.”


Thầy Quyên Di bên các sinh viên (Hình cung cấp)

Thầy Chấn Trí giới thiệu, “Ngày xưa tại UCI có thêm năm thứ ba cho các em học tiếng Việt và có những lớp cao cấp là lớp văn chương và ngôn ngữ học tiếng Việt. Những năm gần đây thì không còn nữa. Với lớp sơ cấp và trung cấp, mỗi lớp đều có ba mùa học (a, b, c), một mùa học 10 tuần, hồi trước học năm ngày, sau này đổi lại còn có ba ngày chia ra khoảng 5 tiếng trong 1 tuần. Mười tuần các em học được 50 tiếng. Mỗi bài học dạy trên lớp, luôn có câu tục ngữ, ca dao kết mỗi chương sách, chương về giao thông trong thành phố, thì có câu tục ngữ tôi chọn là Đường dài dai sức ngựa. Nếu dạy về áo quần, thì câu tục ngữ là Tốt danh hơn lành áo. Các em biết cách đưa vào phim những câu tục ngữ rất đúng lúc.”
Trước khi thực hiện phim, các nhóm phải gửi trước kịch bản viết bằng tiếng Việt cho thầy Trí, rồi các sinh viên mới bắt đầu làm phim để thầy Trí nắm vững được các sinh viên làm đề tài gì, phải có trong sự kiểm soát chừng mực nào đó, chứ không để các em tự do quá. Việc gửi trước kịch bản còn có điều lợi là nếu kịch bản nào chưa hay, thầy Trí sẽ sửa lại giùm cho khá hơn. Tuy nhiên vẫn có tình trạng sinh viên đã làm thêm trong lúc quay phim so với phần kịch bản mà thầy đã kiểm duyệt rồi, khi chiếu ra có những điều bất ngờ.

Thầy Chấn Trí nói, “Nếu so với lớp 1 C và 2 C. Thì trình độ ngôn ngữ khi làm phim có khác biệt. Lớp 1 thì đơn giản, lớp 2 phức tạp hơn vì các em vững vàng hơn lớp 1. Chủ đề cho lớp 1 C và 2 C làm thì tôi đưa ra cũng y như nhau, do các em chọn đề tài khác nhau. Nhìn lại các phim của em từ trước đến nay, có cả hai trường hợp, có phim nhìn vào là biết các em đó bận quá, hay vì nhiều lý do khác nhau, chỉ làm cho có, phim rất sơ sài. Ngược lại có những em khác làm cuốn phim rất công phu. Chẳng hạn có nhóm làm phim mang tên là Phở. Các em đã nấu Phở thật để quay phim. Hay có phim nói về sự va chạm giữa thức ăn Việt Nam và thức ăn Mỹ. Trong phim các em nấu có món ăn Việt, Mỹ hẳn hòi. Thấy rõ có sự tốn kém tiền bạc trong đó.”


Thầy Trần Chấn Trí bên các sinh viên đạt giải thưởng nam chính xuất sắc, nữ chính xuất sắc và phim hay nhất của lớp tiếng Việt 1 C khóa học mùa xuân 2017 (Hình cung cấp)

Thầy Chấn Trí cho biết buổi chiếu phim trước ngày thi final của khóa học mùa xuân năm nay mới kết thúc vào tuần thứ nhì trong tháng Sáu 2017. So với những năm trước, lớp 2 C lần này ít sinh viên, nên chỉ có ba nhóm làm phim. Có một phim làm lại bộ phim Mean Girls của Mỹ, đây là bộ phim các sinh viên của thầy rất thích, đây là lần thứ ba các sinh viên (học các mùa học khác nhau) đã làm lại phim này. Phim thứ nhì là phim giới thiệu các món ăn từng miền của Việt Nam. Phim thứ ba là “ăn trái trả vàng” dựa theo truyện Ăn Khế trả vàng (cổ tích Việt Nam). Đây cũng là phim đạt hết 3 giải thưởng gồm phim hay nhất, nữ diễn viên xuất sắc, nam diễn viên xuất sắc.

“Còn lớp 1 C có 7 nhóm làm 7 phim. Phim được giải hay nhất là phim You Know You Are Vietnamese... When?” Nói về cha mẹ thì theo kiểu truyền thống, con cái thì tân thời, các em đóng rất hay, em đóng vai bà mẹ nhận giải nữ diễn viên xuất sắc, em nói tiếng Việt rành, đóng rất tự nhiên, xem em đóng không phải diễn xuất nữa. Em cho biết mẹ em y như vai em đóng, cả quần áo em cũng mượn của mẹ để mặc khi đóng vai này. Phim này được giải phim hay nhất. Còn giải nam xuất sắc là thuộc phim được làm theo chương trình đố vui để học của Mỹ, với nhiều tình tiết khôi hài. 2 vai diễn đạt giải xuất sắc đều là vai khôi hài, yếu tố khôi hài rất phổ thông trong các phim do sinh viên lớp tiếng Việt làm.”

Học tiếng Việt và làm phim tại Cal State Long Beach, UCLA

Thầy Quyên Di, đang giảng dạy lớp tiếng Việt tại UCLA và Cal State University Long Beach với tính cách là giảng sư (lecturer), cho biết, “Hai đại học này là hai hệ thống khác nhau. Hệ thống Cal state dạy theo từng mùa học semester (16 tuần), một năm có hai mùa (mùa thu và mùa xuân), còn hệ thống UC thì học theo quarter, tam cá nguyệt mỗi ba tháng, mỗi quarter gồm 10 tuần, có khóa mùa thu, đông và xuân. Tôi bắt đầu dạy lớp tiếng Việt tại Cal State Long Beach là năm 2004, tôi đã cho các em làm phim giống như cách tôi áp dụng tại lớp tiếng Việt ở UCLA (dạy từ 2003).”

Giới thiệu qua về chương trình học tại Cal State Long Beach, thầy Quyên Di nói, “Lớp ở Cal State Long Beach tôi dạy hai trình độ, sơ cấp, trung cấp, không có lớp cao cấp như tại UCLA. Trình độ sơ cấp tôi lấy sách dạy lớp 4 của trường Việt ngữ trong cộng đồng để dạy các em, đó chỉ là những bài rất đơn sơ. Nhưng cũng không dễ đâu. Ví dụ dạy về số chẳng hạn, vì ở lớp đại học, nên tôi dạy cho các em đếm đến mấy tỷ, thí dụ con số hàng trăm, số zero thì đọc làm sao. Con số hàng chục mà là zero thì đọc làm sao, đều có quy tắc hết.

“Dạy cho các em cách nói giờ trong ngày. Mấy giờ đến mấy giờ là sáng, mấy giờ đến mấy giờ là trưa, mấy giờ đến mấy giờ thì gọi là tối, mấy giờ đến mấy giờ thì gọi là đêm. Tôi thấy nhiều khi chúng ta hay nói và viết sai. Thí dụ 9 giờ đêm là sai, phải là 9 giờ tối. Hoặc 11 giờ tối không được, phải là 11 giờ đêm. Hoặc biên giới giữa trưa là chiều cũng cần thận trọng khi nói. Dạy theo giờ lịch ta của mình, giờ Dậu là giờ nào, giờ Tuất là giờ nào, Mùi là giờ nào. Dù là học sách lớp 4 Việt Ngữ của trung tâm cuối tuần trong cộng đồng, nhưng bài học được mở rộng, khiến các em thích thú. Ngay từ lớp sơ cấp tại Cal State Long Beach tôi đã cho các em làm phim rồi. Tuy nhiên các em lớp sơ cấp khi làm phim khác xa những em lớp cao cấp. Ví dụ phim Ăn khế trả vàng, các em lớp cao cấp lanh lợi hơn hẳn, khôn ngoan khác hẳn, còn lớp sơ cấp thì rất thô sơ, hồn nhiên, vì các em chưa biết nói nhiều.”

Còn với lớp tiếng Việt tại UCLA, thì có lớp sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Mỗi lớp đều có 3 mùa học, nếu sinh viên học hết chương trình tiếng Việt tại UCLA là học hết 3 lớp trong tất cả 9 mùa. Mỗi mùa học là 10 tuần. 1 tuần học 2 buổi, mỗi buổi 1 tiếng 15 phút. Khi thầy Quyên Di mới về dạy tại UCLA, thầy dạy luôn cả lớp sơ cấp, thầy vẫn cho các sinh viên làm phim.

Những năm nay một cô giáo khác đã thay thầy dạy lớp sơ cấp, thầy chỉ dạy lớp trung cấp và cao cấp, cô giáo đó vẫn tiếp tục áp dụng cách thức làm phim như thầy đã làm với lớp sơ cấp trước đây. Lớp nhập môn tiếng Việt tại UCLA được chia thành 2 lớp, một lớp dành cho các em gốc Việt, đã có di sản văn hóa Việt trong người. Và lớp nhập môn dành cho các em không phải gốc Việt. Khi học xong, cả hai đều có chứng chỉ như nhau, nhưng trong quá trình học tập, 2 nhóm sinh viên này hấp thụ khác nhau. Em nào gốc Việt vẫn hấp thụ nhanh hơn và nhiều hơn.

Lên đến lớp trung cấp và cao cấp thì không còn chia ra như vậy nữa, các sinh viên đều học chung.
Thầy Quyên Di cho biết sinh viên học bất cứ lớp tiếng Việt nào tại UCLA cũng phải làm phim hết. Phim của các sinh viên học lớp 1 (sơ cấp), chỉ cần làm 3 phút, chỉ cần biết cách nói, áp dụng những mẫu câu được học trong lớp thôi. Vì làm phim là cách tốt nhất cho các em học cùng với nhau sau giờ học.
Lớp trung cấp thì giữa khóa làm phim 12 phút. Cuối khóa làm phim 15 phút.

Riêng lớp cao cấp có 3 lớp để học, là lớp 100 A, 100 B, 100 C, trình độ cao rồi, các sinh viên được học về văn chương. 100 A học văn chương truyền khẩu, trong đó có tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích. 100 B học Văn chương chữ Hán, văn chương chữ Nôm, đặc biệt những tác phẩm lớn như truyện Kiều, Bích câu kỳ ngộ, những tác giả như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Trần Kế Xương, Hồ Xuân Hương…. 100 C học văn học chữ quốc ngữ, học văn xuôi và văn vần (giai đoạn 1930- 1945), trong đó học các tác phẩm tiểu thuyết, đặc biệt là những tác phẩm Tư Lực Văn Đoàn, (năm nào sinh viên học nhanh thì giảng thêm về Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng), sau đó đến Thơ Mới của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử… (Mỗi tuần học 2 buổi, 1 tiếng 15 phút/ 1 buổi).

Ngoài phần ngoại khóa là cho các em làm phim theo nhóm, nếu em nào ham học quá, thì thầy Quyên Di sẽ chỉ định sách cho các em đọc thêm, giảng thêm cho các em sau giờ học, trao đổi qua điện thoại hay email.

Thầy Quyên Di giới thiệu, “Phim của lớp cao cấp thời lượng phim cho phép dài hơn, có thể 20 phút vẫn được. Lớp 100 A học văn chương truyền khẩu, bài thi giữa khóa, nhiều em dựa trên câu ca dao để viết thành câu chuyện, có nhóm lấy câu Đêm qua tát nước đầu đình, bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen, viết kịch bản thành bỏ quên chiếc áo trong lớp học, rất hài hước. Vào cuối khóa thì các em chọn truyện cổ tích (truyền thuyết, dân gian) đóng theo câu chuyện đó.

“Lớp 100 B thì thi giữa khóa làm phim dựa theo bài thơ nào đó, hoặc về thế thái nhân tình. Bài cuối khóa thì đóng truyện Kiều của Nguyễn Du, chọn những phân đoạn khác nhau của truyện Kiều để đóng. Có nhóm thuê trang phục cổ trang để đóng, có nhóm thì mặc đồ hiện đại chế bằng cách lấy khăn quấn các kiểu. Có nhóm làm công phu lắm, đoạn đối thoại thì đọc thơ Kiều lên hết.

“Lớp 100 C học về các nhà thơ mới, có Hữu Loan, Quang Dũng… có nhóm làm phim dựa trên bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan nhưng theo cách nhìn nhận của các em.

Theo thầy Quyên Di, “Sinh viên thì có những em là con em của người Mỹ gốc Việt ở đây lâu rồi, có một số em gia đình qua định cư ở đây 6, 7 năm thì trình độ tiếng Việt rất cao, mà trưởng nhóm có ảnh hưởng đến nhóm nhiều lắm. Trong nhóm có em sinh ở đây, có em sinh ở Việt Nam, nhưng em trưởng nhóm, có em sinh ra ở Việt Nam, có nhóm em trưởng nhóm sinh ra ở bên đây. Ảnh hưởng của trưởng nhóm có khác nhau. Cách làm phim theo cái nhìn của trưởng nhóm rất nhiều. Đa số những em mới qua sau này, cách nhìn rất Việt Nam, còn những em sinh ra bên này thì nhìn vấn đề và giải quyết vấn đề của bộ phim cũng khác, rất open kiểu Mỹ.”

Theo thầy Quyên Di các sinh viên của thầy học vất vả lắm. Ngoài làm phim, các sinh viên học các lớp đều phải làm riêng bài thi để tính điểm từng em. Điểm phim là điểm chung của cả nhóm, cộng với bài thi riêng của từng em ra điểm từng em. Bài kiểm tra hằng tuần cho từng em làm riêng luôn có 5 câu, câu đầu về chính tả, câu 2 lên đọc cho thầy nghe, các câu còn lại là từ vựng và ngữ pháp, bằng cách điền vào chổ trống, viết đoạn văn bao gồm những từ vựng thầy chỉ định ra.

Còn bài thi giữa khóa thì cho các em viết về việc học được gì trong 5 tuần qua, học gì thích nhất, thì phải viết ra, cuối khóa thì cũng vậy, phải viết ra những gì em học trong 10 tuần qua. Buổi thi dài bằng 1 tiết học, 1 tiếng 15 phút.

Thầy nhận xét, “Bên Cal State Long Beach khoảng vài năm gần đây tôi thấy trình độ tiếng Việt của các em khá cao, các em này có em sinh đẻ bên đây có em mới qua đây định cư vài năm, nhưng nhờ các em sống trong lòng cộng đồng Việt Nam quanh đây, thành ra các em sống trong gia đình nói tiếng Việt, nên rất khá tiếng Việt. Còn các em UCLA, hầu hết sống ở các tiểu bang xa đến UCLA học, ở trong dom, trong aparterment của trường, bạn bè xung quanh là Mỹ… hoặc Việt thì cũng nói tiếng Anh hết. Ngay cả những em sống quận Cam nhưng ở đó học, ở trong dom, đôi khi hai, ba tháng mới về nhà lại. Nhưng khi tập hợp làm phim thì các em tại UCLA dễ hơn, vì các em ở gần nhau trong trường, nên giờ ngoại khóa gặp nhau dễ dàng hơn. Còn các em ở Long Beach em nào ở nhà em nấy, tập hợp ngoại khóa để làm phim khó khăn hơn. Mỗi nơi có ưu điểm và khuyết điểm khác nhau.

“Phẩm chất phim các em tại Cal State Long Beach khoảng 2- 3 năm nay làm hay lắm. Đề tài tự do, chủ yếu về gia đình, đời sống xã hội, cộng đồng, hoặc truyện cổ tích… Tôi không biết sinh viên trường khác thì sao, sinh viên của tôi nghịch ngợm lắm, không bao giờ tôn trọng nguyên bản 100 phần trăm đâu, luôn có sự đổi mới. Có nhóm thực hiện phim cổ tích Tấm Cám, nhưng không phải con Tấm con Cám mà là thằng Tấm thằng Cám đi lấy công chúa.”

Chấm giải và trao giải thưởng

Về phần chấm giải cho phim, thầy Quyên Di cho biết cả hai trường thầy dạy, trong buổi chiếu chỉ có chấm sơ khởi giữa thầy trò, chưa có kết quả chính thức, sau buổi chiếu, thầy về xem lại để chấm cho các nhóm, thầy mời vài bạn cùng trong ngành giáo dục đến xem cùng tại nhà, buổi học sau mới trao giải cho nhóm nào được.

Các giải thưởng thầy chia ra gồm giải kịch bản, diễn xuất cho cả nhóm (nhóm được giải phải kèm theo vấn đề ngôn ngữ, thu lời thoại phải rõ, nói nhanh quá không được, vì lớp học là lớp ngôn ngữ, nên lời thoại nói rõ ráng thì mới được điểm), kỹ thuật… Trường Cal State Long Beach không có chi phí cho thầy làm giấy khen, trao quà cho các em được giải, nên không có phần này. Còn UCLA thì cho 1 năm cho $800 để sắm những dụng cụ liên quan đến việc học, như sofwear, máy laptop, sách vở…. Vì vậy phần thưởng cho nhóm được giải thì thầy bỏ tiền túi ra, giá trị các món quà không bao nhiêu, chỉ 1 con gấu bông nhỏ thôi chẳng hạn.

Việc chấm giải cho phim và diễn viên của lớp tiếng Việt do thầy Trí dạy tại UCI thì có phần công phu hơn. Thầy Trí nói, “Chọn phim và diễn viên được giải là do các em bầu chọn, nên các em phải tâm phục khẩu phục, vì tôi đâu có chấm giải đâu. Để làm điều này, rất phức tạp. Tôi phải soạn phiếu bầu cho các em, gồm nam diễn viên xuất sắc, nữ diễn viên xuất sắc, phim hay nhất, hồi trước tôi có thêm giải đạo diễn xuất, khi hỏi ai đạo diễn phim này thì các em trong nhóm nói do tất cả các em làm, vì vậy tôi bỏ phần đạo diễn xuất sắc, chỉ có phần phim xuất sắc thôi.

“Phiếu bầu tôi chia ra các cột để các em bầu. Ví dụ năm nhóm thì nhóm này bầu cho bốn nhóm kia, không được bầu cho chính mình. Phiếu bầu tôi ghi ra tên người bầu và tên người đó đóng, để từng em bầu cho từng nhóm khi phim chiếu lên. Sau đó từng em chọn người thích nhất, phim thích nhất mới bầu vào phiếu, trưởng nhóm phải lấy hết các phiếu trong nhóm nộp cho tôi, rồi tôi cộng lại cả lớp. Nói chung phiếu bầu rất phức tạp.

“Ban đầu tôi mua những tượng ở Hollywood, sau này tôi được cô Liên Hương (trung tâm Việt Ngữ Nam California) làm tại nơi chuyên về tropy, giúp tôi mua những tượng rất đẹp, giá phải chăng, còn khắc thêm chữ cả tiếng Anh và tiếng Việt (Giải Nữ diễn viên xuất sắc) cho tôi nữa. Ngoài tượng nam, nữ diễn viên xuất sắc, tôi còn làm bằng khen cho các em, in màu có tem của trường UCI như một văn bằng, rất đẹp, ngay hôm chiếu phim xong, bình chọn có tên phim, tên các em đạt giải thì tôi ghi ngay bằng chữ thảo lên giấy khen và trao cho các em luôn hôm đó.

“Còn phim xuất sắc thì tôi không tặng tượng, vì thấy phim của cả nhóm làm, chỉ có 1 tượng thì ai sẽ giữ, 1 người trong nhóm giữ tượng, mấy người kia không được giữ sẽ buồn làm sao, nên tôi mua bánh kẹo loại ngon, gói thành từng gói rất mỹ thuật, mỗi em đều được một gói và 1 giấy khen chung cho nhóm. Ngoài ra những em còn lại trong các nhóm dù không được giải thưởng cũng có quà nhỏ, để đem lại niềm vui cho các em đã bỏ công sức ra làm phim. Đây là tiền được nhà trường thanh toán lại cho tôi sau khi tôi ứng ra mua và đưa lại biên nhận để nhận lại tiền.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT